Thứ Tư, 21 tháng 1, 2015

HẰNG NGÀY TÔI GẶP CHÚA GIÊSU

HẰNG  NGÀY  TÔI  GẶP  CHÚA  GIÊSU
(Thứ năm - 15/01/2015-ĐGM GB Bùi Tuần-Tinvui)



1. Tôi đã về hưu. Nhưng tôi vẫn có bổn phận đối với Hội Thánh để lo cho các linh hồn.
Trong tôi, mọi khả năng càng ngày càng yếu đi. Chính vì vậy, càng ngày tôi càng cảm thấy mình cần phải gần gũi với Chúa Giêsu, xin Người ban cho tôi
 niềm vui và hy vọng, để có thể lo được chút gì cho các linh hồn, dù chỉ là một chút rất bé nhỏ.

2. Mỗi buổi sáng, tôi thường hôn tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá. Tôi  nói với Người: Này con đây. Chúa muốn con làm gì? Bao giờ cũng thế, tôi được nghe Chúa nhắc lại trong lòng tôi lời Chúa phán xưa: “Ta hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11.16.17.18).

3. Cùng với lời đó, Chúa đốt lên trong lòng tôi niềm khao cứu các linh hồn bằng thánh giá tượng trưng cho tình yêu và hy sinh. Niềm khao khát đó được đốt lên rất mạnh trong thời gian tôi chịu bí tích Thánh Thể.

4. Thế rồi, Chúa sai tôi đi. Tôi không đi được bằng chân, bởi vì tôi cũng như bị đóng đinh vào một chỗ, do bệnh tật già yếu. Nhưng tôi đi bằng tâm hồn, qua thời sự.

5. Tâm hồn tôi đi gần, tới xa. Đâu đâu tôi cũng thấy những cảnh đau lòng. Nhiều cảnh rất đau lòng xảy ra trong đời sống vật chất, trong đời sống tinh thần, trong đời sống tâm linh.
Những cuộc sống như thế cần được cứu. Tôi nhận ra Chúa Giêsu đang cứu họ qua những người Chúa chọn.

6. Chúa cho thấy đặc điểm của những người được Chúa chọn đang cộng tác với Chúa trong việc cứu các linh hồn tại Việt Nam hiện nay là:
-  Họ khao khát cứu các linh hồn.
-  Họ yêu thương và hy sinh.

7. Về đặc điểm thứ nhất là khao khát cứu các linh hồn, thì tôi được một chút kinh nghiệm như sau:
Khi hôn Chúa Giêsu chịu đóng đinh, tôi được Chúa Giêsu chia sẻ cho sự khao khát, mà Người kêu lên trên thánh giá xưa:
 
“Tôi khát” (Ga 19,28).
Người khát các linh hồn. Nỗi khao khát đó chính là một thương tích sâu sắc nhất trong trái tim Người. Trong chốc lát, tôi hiểu khao khát các linh hồn là
 
“muốn cho mọi người được cứu độ và biết chân lý” (1 Tm 2,3). Muốn cứu độ, tôi xác tín là phải cứu con người khỏi mọi lầm than, đặc biệt là cứu khỏi tội, khỏi lửa hoả ngục, để họ được phúc thiên đàng đời đời.
Một khao khát như trên chỉ do Chúa chia sẻ cho từ trái tim của Người, chứ không do lý luận, thảo luận. Chúa chia sẻ cho những kẻ bé mọn. Tôi thấy những kẻ bé mọn được Chúa chia sẻ cho nỗi  khao khát của Chúa đang sống rải rác khắp nơi trong Hội Thánh Việt Nam hôm nay. Tôi học được rất nhiều ở họ.

8. Về đặc điểm thứ hai là yêu thương và hy sinh, thì tôi cũng được một chút kinh nghiệm như sau:
Yêu thương và hy sinh mà Chúa Giêsu chia sẻ cho tôi, được tôi cảm nghiệm như là một sự tôi
 được Chúa thu hút về với tình yêu Chúa trong sự vâng phục thánh ý Chúa.
Thu hút đó là một sự hiện diện dịu dàng của Chúa tình yêu, là một việc làm chọn lựa của Chúa tình yêu. Tôi  nhận được sự Chúa thu hút, đó chính là yêu thương, mà tôi cảm nhận.
Yêu thương như vậy, đòi vâng phục thánh ý Chúa trong mọi nơi mọi lúc. Vâng phục ý Chúa sẽ phải từ bỏ ý riêng mình, và đó chính là hy sinh, một thứ hy sinh cũng đem lại niềm vui như yêu thương.
Tôi đang thấy đặc điểm yêu thương và hy sinh, như vừa tả, nơi nhiều người trong Hội Thánh Việt Nam hôm nay. Họ âm thầm. Họ có mặt trong mọi giới. Tôi học được rất nhiều điều nơi họ. Một điều rất quý, tôi học được nơi họ là
 sự tế nhị.
Sự tế nhị là kết quả của yêu thương và hys inh.

9. Mỗi tối, trước khi ngủ, tôi lại hôn tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá. Tôi thưa với Người: “Lạy Chúa, này con đây, Chúa muốn con làm gì?”. Hầu như lần nào cũng vậy, Chúa Giêsu lại âu yếm nói với tôi: “Con hãy bắt đầu lại”.
Với lời đó Chúa dạy tôi một sự thực rất cần cho tôi, đó là tôi còn rất bất toàn, còn rất nhiều điều phải học. Với sự thực đó, tôi nhận ra điều này, đó là: Con đường tôi đi sẽ không luôn luôn suôn sẻ. Chính tôi cũng không luôn luôn an ổn.
 Tôi cần phải bám chặt vào Chúa. Sẽ có lúc, tôi sẽ như đi trong đêm, trên đầu là núi, dưới chân là vực thẳm, trước mắt là sông lớn. Sẽ chẳng còn nhìn thấy ai. Tôi sẽ rất cô đơn. Tôi không tránh được sợ hãi. Một điều, và chỉ một điều tôi cần phải có trong hoàn cảnh như thế, đó là cậy tin phó thác vào Chúa. Một cách tuyệt đối. Một cách triệtđể.Một cách kiên trì.

10. Một phút trước khi ngủ, tôi lại hôn tượng Chúa chịu đóng đinh. Tôi nói với Người: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Thế rồi, tôi ngủ trong tâm hồn phó thác.
Khi ngủ, tôi thường gặp Chúa Giêsu trong tiềm thức và vô thức. Như vậy, có thể nói: Chúa Giêsu là Đấng tôi gặp suốt ngày suốt đêm. Nhờ vậy, tôi được cùng với Người, góp phần vào việc lo cứu các linh hồn theo khả năng bé mọn của tôi.

11. Dần dần, tôi khám phá thấy Tin Mừng là chính Chúa Giêsu. Người cứu tôi, và dùng tôi để cứu  người khác. Trong suốt con đường cứu chuộc, Người đã bước xuống, đã cúi xuống, đã quỳ xuống. Tình yêu của Người là những hy sinh tự hạ dành cho những kẻ yếu hèn tội lỗi.
Suốt đời này và mãi mãi đời sau, tôi sẽ ca tụng Người, và làm chứng về Người, dù chỉ được vài người  nghe và tin vào những gì tôi làm chứng về Người, tôi vẫn cho đó là một niềm vui và một niềm hy vọng.
Bởi vì chính Chúa Giêsu thực là hy vọng và là niềm vui của tôi. Chính Người là:
 
“Đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Chính  nhờ Người, với Người và trong Người, mà tôi yêu thương đồng bào của tôi, phục vụ Đất Nước của tôi, gắn bóvới Hội Thánh của tôi.

12. Qua những gặp gỡ với Chúa Giêsu, tôi được Người cho thấy là Hội Thánh đang đi vào một giai đoạn rất khó khăn, cuộc chiến giữa thiện và ác sẽ rất khốc liệt, lực lượng Satan sẽ rất lộng hành, lôi kéo các linh hồn xuống hoả ngục một cách dã man và dễ dàng, đạo đức sẽ xuống dốc trầm trọng. Vì thế, hãy mau trở về với Chúa, bằng con đường Tin Mừng là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế. Người là “cửa chuồng chiên” (Ga 10,7). Không qua cửa đó mà vào chuồng chiên chính là trộm cướp(x.Ga10,1).
Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con.

ĐGM GB Bùi Tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét