Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Jan 18, 2015 - Chúa nhật 2 thường niên năm B

Jan 18, 2015 - Chúa  nhật  2  thường  niên  năm B
Mục  tiêu  chính  đáng  tuyệt  đối


Các Bạn thân mến,
Trong lễ nghi Đền tội của Do Thái giáo, tội nhân đem một con chiên lên đền thờ, úp tay mình lên con chiên, tỏ ý trút hết tội lỗi của mình lên nó; tiếp theo vị Tư Tế sẽ giết con chiên. Như vậy nó như đã chịu chết để đền mọi tội cho tội nhân. Đây là con chiên xóa tội.
Thời Cựu Ước, trong ngày lễ Đền tội, người Do Thái cũng bắt một con chiên đem đến cho Tư Tế. Vị Tư Tế đọc một danh sách các thứ tội của dân chúng và kêu gọi mọi người sám hối. Sau đó vị Tư Tế đặt tay trên đầu con chiên, ngụ ý trút hết danh sách tội ấy lên đầu nó, rồi đuổi nó vào sa mạc. Con chiên ấy được gọi là con chiên gánh tội.
 Chính trong ý nghĩa quen thuộc ấy của người Do Thái, mà ngay từ buổi đầu gặp Đức Giesu, với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần trong biến cố làm phép rửa cho Ngài, mà Gioan Tiền Hô đã biết Ngài là Con Thiên Chúa, sẽ như con chiên, chịu chết chuộc tội cho nhân loại. Nên khi thấy Đức Giesu đi ngang qua, ông lập tức giới thiệu với các môn đệ mình:"Đây là Chiên Thiên Chúa"
 Sứ điệp Lời Chúa hôm nay là Thiên Chúa mời gọi mỗi người làm ngôn sứ và làm môn đệ và trông đợi ở mỗi người chúng ta lời đáp trả tương xứng.
1."Đây là Chiên Thiên Chúa."
-   Hai môn đệ của Gioan Tiền hô nghe ông nói vậy liền đi theo Đức Giesu.
-   Quay lại thấy có người theo mình, Đức Giesu hỏi:
             ." Các anh tìm gì thế?"
             .  Họ đáp:"Thưa Rabi, Thầy ở đâu?"
             .  Ngài bảo họ:"Đến mà xem."
-  “ Họ đã theo Ngài đến xem chỗ ở và lưu lại với Ngài ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.”
-    Đó là Anre, anh của Simon Phero và Gioan tông đồ, hai môn đệ đầu tiên được theo Chúa.
-   Cuộc gặp gỡ ấn tượng tuyệt vời đến độ suốt cả cuộc đời, Gioan không thể nào quên, cả khi gìa nua, ông vẫn nhớ rõ giờ giấc câu chuyện đã kết thúc từ 60, 70 năm trước!
-   Qủa thật Đức Giesu đã gánh tội, đã xóa tội trần gian, nghĩa là nhờ Ngài mà tội lỗi nhân loại được tha thứ.
-   Ngài như con chiên gánh tội mọi người trên vai đi vào sa mạc để xóa tội cho chúng ta, nhưng thân phận tội lỗi của chúng ta vẫn còn đó.
-   Vì thương yêu, Đức Giesu muốn giúp chúng ta cải thiện thân phận, chỉ với một điều là chúng ta hợp tác với Ngài.
-   Bằng cách tiếp nhận Ngài, sống gắn bó với Ngài, nhìn vào Ngài, và noi gương Ngài...
-   Thiên Chúa mà Gioan tông đồ giới thiệu với thế giới là Đức Giêsu Nadaret, Đấng được Gioan Tiền Hô chỉ cho hai môn đệ thân tín của ông là Anrê và Gioan là “Chiên Thiên Chúa” hàm ý muốn nói: Đức Giêsu là Đấng có sứ mạng hiến dâng mình làm của lễ toàn thiêu thay cho nhân loại để cứu chuộc nhân loại.
-   Hôm nay, Ngài bắt đầu thực hiện sứ mạng ấy bằng việc chiêu mộ các môn đệ. Anrê và Gioan là hai môn đệ đầu tiên. Kế đến là Simon, người được Đức Giêsu chấp nhận và đổi tên thành Phero. Rồi liên tiếp tới chúng ta ngày nay và cho đến tận cùng thế giới trần gian.
     a) "Các anh tìm gì thế?”:
-    Gioan Tiền hô biết rõ bổn phận của ông là đi trước mở đường cho Đức Giesu. Như sợi dây liên kết người khác với Ngài.
-    Nên khi thấy Đức Giesu, ông đã giới thiệu với các môn đệ của mình, như thúc giục họ đi theo Ngài.
-    Ông không ganh tỵ, không buồn lòng khi các môn đệ của mình đi theo Đức Giesu.
-    Biết có người theo sau, Đức Giesu liền quay lại bắt chuyện làm quen với họ.
-    Đó là hành động mở đường để các ông mạnh dạn tâm sự với Ngài; là biểu tượng việc luôn đi trước của Ngài.
-    Khi nhìn thấy lòng trí ai khao khát tìm kiếm Thiên Chúa, tức thì Ngài sẵn sàng đón rước họ như vậy.
-    Rõ ràng Ngài luôn trông chờ mọi người, không để ai chờ đợi lâu, bối rối, ngại ngùng, mà Ngài luôn lên tiếng trước.
-   "Các anh tìm gì thế?", là một câu hỏi rất thích hợp, bởi xã hội Do Thái thời Đức Giesu nằm trong tay ngoại bang, dân chúng đau khổ, khao khát mong đợi một sự đổi đời.
-    Và thời nào cũng vậy, cuộc sống trần gian khiến ai cũng có mục tiêu, chủ đích riêng, mỗi người khao khát một thứ, mỗi người đi tìm một thứ khác nhau: sự bình an, phục vụ, danh vọng, quyền lực, hạnh phúc, tiền tài, sức khỏe, nhan sắc…
-    Đa số những mục tiêu con người nhắm tới không phải là xấu, không phải sai lầm. Nó chỉ trở thành xấu khi bị hướng dẫn bởi động cơ xấu.
-    Nhưng xét cho cùng thì phần lớn những mục tiêu con người theo đuổi ở đời này là những mục tiêu thấp kém, không đáng để đầu tư cả đời sống, càng không đáng để chúng ta đổi linh hồn của mình.
-     Bởi trần gian không có gì tuyệt đối thỏa mãn, an toàn... tất cả bị giới hạn vì khả năng, không gian và thời gian của tạo vật.
-     Chỉ có một mục tiêu là sự bình an thật, giúp chúng ta sống an hòa với mình, với Thiên Chúa và với người khác, mới xứng đáng để chúng ta đi tìm.
-     Đó chính là sự tìm kiếm Thiên Chúa, chỉ có một mình Ngài mới cung cấp và thỏa mãn được mục tiêu chính đáng của con người.
-     Hai môn đệ trong Tin Mừng hôm nay cũng vậy, họ muốn biết chỗ ăn ở của Đức Giesu, tức là muốn biết rõ mục tiêu họ tìm kiếm.
-     Các ông không chỉ muốn trò truyện với Ngài như khách qua đường, mà còn muốn giải quyết triệt để những thắc mắc sâu thẳm của mình.
-     Biết vậy, Đức Giesu đã mở rộng tay đón mời trước:"Hãy đến mà xem!"
    Ý Ngài thật rõ ràng: ai muốn làm môn đệ Ngài thì phải đến gần Ngài, không thể đứng xa xa tưởng tượng, suy diễn, cũng không thể nghe đồn, nghe nói...
-     Đến rồi, còn phải tiếp cận toàn bộ con người Ngài: tư tưởng, tình cảm, sinh hoạt ăn ở, giảng dạy, rao truyền đạo lý của Ngài.
-     Cách đón tiếp Anre và Gioan của Đức Giesu cho thấy Ngài không hành quyền trên các ông. Nhưng Ngài có ảnh hưởng sâu đậm trên họ. Khiến cuộc đàm thoại nguyên một ngày không chỉ thỏa lòng, mà đã biến đổi cuộc đời của hai ông và rồi cả Phero và nhiều người sau đó nữa.
    b) "Chúng tôi đã gặp Đấng Messia”:
-    Anre là người đặc biệt, là một trong hai môn đệ đầu tiên theo Đức Giesu, nhưng lại không được thuộc nhóm thân cận với Ngài.
-    Anre còn là anh của Phero, người đã giới thiệu Đức Giesu với Phero, nhưng lại sống dưới bóng của em mình!
-    Tuy nhiên có lẽ Anre sinh ra để ở hàng thứ yếu, nên ông hoàn toàn khiêm tốn, vui vẻ bằng lòng với vị trí của mình; Một tấm gương qúi hiếm cho mọi người.
-    Anre cũng luôn giới thiệu người khác cho Đức Giesu: ông đã dẫn Phero đến với Đức Giesu; dẫn em bé có năm cái bánh và hai con cá; đưa cả những người Hy lạp thắc mắc đến với Ngài, và chắc chắn còn rất nhiều lần ông đẫn đưa người khác đến với Đức Giesu nữa...
-    Anre đúng là mẫu gương truyền giáo đắc lực, lạc quan, trung tín…luôn muốn san sẻ vinh quang, hạnh phúc khi ông được ở gần Chúa, được tâm sự với Ngài.
-    Kiểu truyền giáo bằng cách giới thiệu trực tiếp người ta đến với Đức Giesu của Anre là con đường rao giảng thiết thực, nhanh chóng và thành công nhất.
-    Anre còn là hình ảnh con người xã hội thành công, giầu tình bạn, thân thiện, nhạy bén mà ĐứcGiesu rất cần để làm chứng nhân đi khắp nơi, kể lại câu chuyện:"Chúng tôi đã gặp Đấng Messia!"
-    Ngày nay, chúng ta không được diễm phúc gặp trực tiếp Đức Giesu, nhưng chúng ta vẫn có thể giới thiệu Ngài bằng nhiều cách, mà tốt nhất là cách can đảm sống đạo bác ái, yêu thương và phục vụ chân thành vô điều kiện. 
 2.   Hai cái nhìn:
-    Khi Anre đưa Phero đến với Đức Giesu, Ngài nhìn Phero, cái nhìn tập trung chăm chú như thấu suốt tâm trí lòng dạ ông.
-    Rồi Ngài nói với Phero:"Anh là Simon, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kepha (Phero)."
-    Trong phút chốc, Chúa đã đổi tên cho Simon, Ngài muốn cuộc đời Phero bắt đầu lại, trở thành người mới, tên mới, cái tên gắn liền với mối quan hệ của ông với Đấng Messia.
-    Tin Mừng cho thấy hai cái nhìn khác nhau của Đức Giesu:
         . Một cái nhìn ở tư thế quay lại, cái liếc mắt phớt qua vào tình trạng hiện tại của hai người đang theo Ngài.
         . Một cái nhìn trực diện, chăm chú, xuyên suốt nội tâm người đối diện, suốt cả tương lai, để thấy họ sẽ trở thành người như thế nào, và trở nên ra sao.
-     Dù nhìn với cách nào, Đức Giesu cũng như phán với từng người: hãy đến với Ta, hãy nhìn vào Ta, hãy xem Ta, hãy theo Ta, hãy dâng đời sống cho Ta, Ta sẽ khiến các ngươi trở thành người mà Ta muốn, vì các ngươi đáng được nên như thế!"
-    Thật vậy, Đức Giesu luôn giúp chúng ta tiếp nhận Ngài, sống gần Ngài, để gieo vào tâm lòng chúng ta những hạt giống tốt lành, hầu giải thoát tội lỗi, giúp chúng ta càng ngày càng trọn hảo hơn.
-    Vậy hãy nhớ rằng Đức Giesu, Con Chiên Thiên Chúa hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn là một, vẫn gánh và xóa tội trần gian.
-    Ngày xưa Gioan Tiền Hô giới thiệu Đức Giesu như thế nào, thì hôm nay Giáo Hội cũng giới thiệu cho chúng ta như thế, và chúng ta cũng có nghĩa vụ giới thiệu lại cho mọi người như vậy:"Đây Chiên Thiên Chúa!"
3. Sứ điệp của Lời Chúa:
   a) Sống sứ điệp của Lời Chúa hôm nay là nhận ra tiếng Chúa gọi và đáp lại như Samuen:“Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.”
-  Để nghe được tiếng Chúa, chúng ta cần: tỉnh thức, thinh lặng, phân biệt, chọn lựa lời mời gọi của Thiên Chúa với lời mời gọi của tạo vật, thân xác, dục vọng, của cải, quyền lực và vinh hoa trần thế.
-  Sống sứ điệp của Lời Chúa còn là tin vào lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả và các ngôn sứ để tìm đến và ở lại với Ngài.
-  Nhất thiết cần một tấm lòng đơn sơ, khát khao, sự nhẫn nại và chấp nhận cuộc phiêu lưu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta.
 b) Ơn Gọi: Tin Mừng hôm nay cũng muốn nói về ơn gọi, trình bày quan niệm về ơn gọi.
-   Ơn gọi vốn là hành vi chiếu cố của Thiên Chúa, do Ngài khởi xướng. Nó từ trời đến với con người, vì thế người ta cũng gọi là ơn"thiên triệu".
-  Tuy nhiên, ngày xưa tiếng Chúa thường nói trong sấm chớp, thị kiến hoặc mộng mị; còn ngày nay Ngôi Lời đã làm người, ở giữa chúng ta. Vì thế tiếng gọi đã đi qua con người.
-  Những môn đệ đầu tiên đã nghe lời Gioan Tiền hô giới thiệu về Đức Giesu, là lời của một chứng nhân, có đức tin sâu sắc. Nhưng họ đã không nhận ra ngay sự phong phú trong lời giới thiệu ấy. Còn bây giờ ai muốn theo Chúa thì phải vác thập giá của mình và phải đi qua con đường hẹp mà Ðức Kitô đã đi.
-  Kinh nghiệm cho thấy mọi ơn gọi đều khởi sự từ khi nghe được tiếng gọi. Và mọi ơn gọi trong Tân Ước chỉ hình thành khi có lòng tin vào lời chứng. Nhưng nghe và tin vẫn chưa đủ. Còn phải có hành động diễn tả niềm tin để chứng tỏ sự dứt khoát và quyết liệt. 
-  Như hai môn đệ đầu tiên đã "thấy", là khám phá ra, là biết một cách sâu xa thân mật; và "ngụ" là kết hợp, là "ở với", là thân thiện.
-  Tiếp theo, họ đã ra đi để nối dài ơn gọi của họ: Anrê đã gặp em mình trước tiên. Ông nói lên niềm tin của mình vào Ðức Kitô. Nhưng ông để cho em tiếp xúc với Ngài. Và chính nhờ việc tiếp xúc này, người em đã có niềm tin vào Đức Giêsu.
 -  Như vậy mấu chốt của ơn gọi, theo Gioan là tin, gặp gỡ, khám phá ra Ðức Kitô và ngụ lại với Ngài.
-  Samuel khi xưa đã nghe Lời Chúa, không để một lời nào rơi xuống đất; ngày nay Lời Chúa đã hiện thân làm người. Ai nghe tiếng gọi cũng phải gắn bó với Ngài như vậy
   c) Biết lắng nghe: Thiên Chúa luôn kêu gọi chúng ta mọi nơi mọi lúc, vì thế tâm trí chúng ta cần tập trung mới nghe được tiếng nói của Ngài.
-  Nếu bận rộn về những nỗi lo vật chất, si mê những của phù du, đầy dục vọng, thì sẽ không nghe được tiếng Chúa gọi.
-  Tin Chúa ở khắp nơi, nếu tìm thì sẽ gặp được Ngài. Vì sự thật, Ngài luôn ở giữa chúng ta, ai có thiện chí sẽ nhận ra Ngài.
-  Tuy nhiên ngày nay chúng ta không thể gặp Ngài một cách cụ thể như các tông đồ xưa, nhưng chúng ta có thể tìm gặp Ngài trong các biến cố xẩy ra từng ngày: lời khuyên của bạn, của người khôn ngoan, một đoạn Thánh kinh, một sự thử thách, một sự thất bại, một tư tưởng đột xuất…, đều là những dấu chỉ của Thiên Chúa, lời kêu gọi của Đức Kitô.
    d) Đáp trả tiếng gọi: Thiên Chúa quyền năng, nhưng Ngài muốn kêu mời chúng ta cùng làm với Ngài. Nếu tìm được Chúa, chúng ta sẽ phấn khởi đi theo, ở lại rồi giới thiệu Ngài.
- Có nhiều cách giới thiệu Chúa cho người khác, tùy theo sự soi sáng của Ngài. Nhưng giới thiệu về Ngài cách tốt nhất, cụ thể nhất, hữu hiệu nhất đã được thực tế chứng minh là bằng chính đời sống gương mẫu của chúng ta.
    e) Hành trình ơn gọi: Các bài sách thánh hôm nay đều nói về ơn gọi. Ơn gọi của Samuel thật lạ lùng. Còn ơn gọi của Anrê và Gioan diễn ra nhẹ nhàng. Hành trình ơn gọi nào cũng trải qua các giai đoạn:
      * Chúa kêu gọi: Việc Chúa kêu gọi thường không xảy ra tức khắc trong một lần, nhưng diễn tiến tuần tự, với mức độ tăng dần, tuỳ sự đón nhận của người nghe.
- Thoạt tiên là một lời kêu gọi nhẹ nhàng qua một thiên hướng, một ước nguyện, một gương mẫu, một thần tượng. Ở Samuel, đó là ước nguyện của bà mẹ muốn tạ ơn Chúa. Ở Anrê và Gioan, đó là thiên hướng đi tìm lý tưởng.
-  Sau đó, Chúa có thể dùng trung gian dẫn con người đến với Ngài: trung gian cho Samuel là thày cả Hêli; cho Anrê và Gioan là Gioan Tiền hô.
       * Đáp trả: khi nghe tiếng Chúa rồi, thì Ngài sẽ tiếp tục gọi chúng ta đi vào đoạn đường mới, mỗi lúc một khó khăn, mãnh liệt hơn, đòi hỏi phải trả lời mỗi lúc một dứt khoát hơn. Cho đến một thời điểm quyết định, Ngài sẽ đưa ra lời mời gọi cuối cùng, đòi chúng ta trọn vẹn dấn thân theo Ngài.
- Với Samuel, Chúa ba lần cất tiếng gọi, chứng tỏ Chúa tha thiết muốn tuyển chọn ông. Với Anrê và Gioan, Đức Giêsu mời hai ông đến chỗ Ngài, đã khiến hai ông phải dứt khoát với quá khứ để bắt đầu một giai đoạn mới.
      * Thân mật với Chúa: Tuyệt đỉnh của ơn gọi là sống thân mật với Chúa để tham dự vào sự sống của Ngài, sự sống thần linh ngọt ngào hạnh phúc của tình Cha Con thắm thiết yêu thương.
-  Tâm hồn chúng ta được gột rửa sạch mọi tội lỗi, trái tim trở nên dịu dàng, hiền hoà rộng mở để tha thứ và đón nhận mọi người.
      Làm chứng cho tình yêu: Cảm nhận được tình yêu Chúa rồi, tâm hồn tràn đầy hân hoan, chúng ta sẽ hân hoan ca tụng, giới thiệu tình yêu Thiên Chúa cho mọi người.
 f) Bảo Toàn Ơn Gọi: chúng ta tin rằng xác thịt sẽ sống lại. Ðó là nét độc đáo của Kitô giáo.
-  Tín hữu tin Ðức Kitô phục sinh thì cũng tin rằng thân xác mình đã có định mệnh mới là sự sống đời sau. Niềm tin này không cho phép chúng ta làm ô uế xác thịt.
-   Là Kitô hữu, đã gắn bó với Đức Kitô và trở nên chi thể của Ngài. Làm sao còn có thể giựt thân xác lại và đem ném cho ma quỉ?
-   Làm sao còn xúc phạm đến Thiên Chúa, vì thân mình sau ngày lãnh nhận ơn gọi Kitô hữu, đã trở thành đền thờ của Thánh Thần. Thế nên cần ý thức ơn gọi của mình là "tôn vinh Thiên Chúa nơi thân thể của mình.”
-   Ðó là lý tưởng, cũng là đòi hỏi. Nhưng rất khó khăn vì bản tính loài người yếu đuối. Tuy nhiên sức mạnh của Chúa sẽ làm nhiều việc kỳ diệu nơi bản tính mỏng dòn ấy khi chúng ta lắng nghe lời Ngài, không để lời nào rơi xuống đất.
-   Nếu chúng ta tin Phúc Âm là tin mừng, và tin rằng Đức Giêsu là kho báu vĩ đại mà tâm hồn loài người muốn sở hữu, thì chúng ta hãy mạnh dạn chia sẻ đức tin với con cái, với bạn hữu, và với những người mà chúng ta biết họ đang tìm kiếm điều để tin.
Lạy Chúa, xin hãy dạy chúng con rằng ở trái đất này Chúa không còn đôi tay, mà chúng con có đôi tay để đến với những người có nhu cầu.
Chúa không còn tâm hồn, nhưng chúng con có tâm hồn để ôm lấy những người cô đơn.
Chúa không còn tiếng nói, nhưng chúng con có tiếng nói để chia sẻ. Tin mừng Chúa đã sống, đã chịu đau khổ, và đã chết cho chúng con.
Lạy Chúa, xin hãy dạy chúng con rằng ở trái đất này, chúng con là đôi tay của Chúa, tiếng nói của Chúa, và tâm hồn của Chúa. Để chúng con can đảm đáp lại lời mời của Ngài, đi theo, mời Ngài chiếm ngự toàn bộ đời sống hầu chúng con được thông hợp với đời sống của Ngài và Giáo Hội Ngài đã lập. Amen (mượn lời)
Than men,
duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét