HOA VÀ ĐÀN ÔNG
(Chuyện phiếm của Gã Siêu- Thanhlinh.net)
Bàn về tục lệ đặt tên cho con cái, Toan Ánh
trong cuốn “Con người Việt Nam” đã ghi nhận như sau: Ngày xưa
nước ta không có hộ tịch, đứa trẻ sinh ra không phải khai sinh ngay. Ta cho
rằng vấn đề hộ tịch là vấn đề riêng của từng cá nhân và chỉ liên quan tới cá
nhân và gia đình người đó. Bởi vậy, khi đứa trẻ mới sinh ra, người ta quen gọi
nó là thằng cu, cái đĩ, thằng tý, con đỏ…tuỳ theo nó là con trai hay con gái.
Cho tới lớn, nhiều khi lấy vợ lấy chồng, con cái mới được cha mẹ chính thức đặt
tên cho, và khi đã được đặt rồi, tên vẫn có thể thay đổi, nếu vì trùng tên hoặc
phạm phải tên kiêng, hoặc vì cái tên cũ mang lại những điều không may cho gia
đình hoặc cho bản thân đứa trẻ. Tên được chọn để nói lên cái sở nguyện của cha
mẹ, của kẻ mang tên, hay ít ra cũng phải có một ý nghĩa gì đó.
Đối với con trai,
người ta thường đặt những tên hùng mạnh, mang đặc tính phái nam, chẳng hạn như: Nhân,
Trí, Dũng, Tín, Trực…Có khi để giản tiện, người ta lấy ngay năm sinh mà đặt
cho con: Giáp, Ất, Bính, Đinh, hoặc Tý, Sửu, Dần, Mão…
Đối với con gái,
người ta thường dùng tên của bốn mùa, chẳng hạn như: Xuân, Hạ, Thu,
Đông. Và nhất là người ta ưa chọn tên các loại hoa như Lan,
Cúc, Mai, Đào, Liễu, Liên… kèm trước một chữ đệm thật là văn vẻ: Mộng
Lan, Thuý Liễu, Lệ Mai…
Phe đàn bà con gái
mà mang tên của một loài hoa, thì quả là tuyệt vời và hết ý. Thế nhưng, khi
loài hoa trở thành một đặc tính, được gán cho phe đàn ông con giai, thì quả
thật không ổn tí nào. Trong phạm vi bài này, gã xin bàn đến một vài đặc tính của
phái nam được đi kèm với chữ hoa.
Thứ nhất là thói ba hoa
Ba hoa là tính hay
nói. Nói đủ mọi chuyện trên trời dưới đất. Đang từ chuyện bên đông, bỗng nhảy
sang chuyện bên tây. Đang từ chuyện ngày xưa, bỗng nhảy sang chuyện hôm nay.
Nói huyên thuyên như chẳng bao giờ ngừng.
Kinh nghiệm cho
thấy: Đa ngôn thì thường đa quá. Mà đã thái quá thì thường bất cập. Càng nói,
họ càng giống như chiếc thùng rỗng, bởi vì thùng rỗng thì kêu to. Tới một
lúc nào đó, người ta sẽ nhận ra được những lỗ hổng về kiến thức của họ. Hay tới
một lúc nào đó, người ta sẽ cảm thấy chán ngấy, bởi vì “biết rồi, khổ lắm nói mãi”:
- Rượu nhạt uống
lắm cũng say
Người khôn
nói lắm, dẫu hay cũng nhàm.
Thói ba hoa của
đờn ông con giai thường dễ nhận thấy hơn cả là ở nơi bàn tiệc. Bởi vì lúc bấy
giờ, rượu là như một chất kích thích, làm cho miệng họ ngứa, khiến mồm họ văng
ra đủ thứ ngôn từ đao to búa lớn. Chả thế mà các cụ đã bảo:
- Rượu vào lời ra.
Tệ hơn nữa, những
thứ ngôn từ đao to búa lớn này lại chẳng êm tai chút nào:
- Tửu nhập tâm,
như hổ nhập lâm. Có nghĩa là khi rượu đã thấm vào lục phủ ngũ tạng, thì như
cọp dữ giữa rừng.
- Tủu nhập tâm,
như cẩu cuồng tọa thị. Có nghĩa là khi rượu đã thấm vào tâm can tì phế, thì như
chó điên cắn càn ngoài chợ.
Thế nhưng, khi
thói ba hoa quay vào chính bản thân mình, người ta gọi đó là chứng bệnh nổ. Kẻ
ba hoa, mắc chứng bệnh nổ thường luôn khoe khoang về nghề nghiệp, về chức vụ,
về những thành công của mình, mà hầu hết chỉ là những ảo tưởng, không hề có
thật.
Có những ông chẳng
giữ một vai trò gì cả, thế mà cũng cứ tưởng tượng ra một vai trò rất rõ rệt,
rất quan trọng cho mình. Có những ông rất giỏi khâu nịnh nọt và luồn cúi cấp
trên, nhưng đối với cấp dưới thì vẫn oai, vẫn oách như thường. Có những ông ở
cơ quan thì sợ từ cô thư ký trở lên, nhưng về nhà thì luôn hét ra lửa đối với
vợ con. Ngược lai, có những ông ở nhà thì rất ư là sợ vợ, nhưng ra đường hoặc
đến chỗ đông người thì cứ phải chứng tỏ mình là…gia trưởng, là lãnh đạo!!!
Sách “Cổ học tinh hoa” có kể lại mẩu chuyện
về “vợ chồng người nước Tề” như sau:
Người nước Tề có hai vợ, vợ cả và vợ lẽ. Ngày ngày chồng cứ
sáng ra đi, tối đến mới về, mà hôm nào về cũng no say phè phỡn. Hai vợ thường
hỏi:
- Đi ăn với ai, mà đi luôn thế ?
Anh ta nói :
- Ta đi ăn toàn với những bậc giàu có, sang trọng cả.
Một hôm, vợ cả bảo vợ lẽ:
- Chồng ta chơi bời toàn với nhưng bậc giàu sang, mà
sao không thấy một người giàu sang nào đến chơi nhà nhỉ? Ta thử dò xem chồng ta
đi những đâu và chơi với những ai?
Hôm sau, vợ cả dậy sớm, lẻn đi theo chồng. Đi cùng
làng này, xóm khác, chẳng thấy một người nào đứng lại nói chuyện với chồng mình
cả. Khi đi đến phía đông ngoài thành, thấy có đám cất mả, người ta đang tế lễ
ăn uống, thì đánh thoáng một cái, đã thấy chồng lật đật lại đấy, xin những cơm
thừa canh cặn, ăn lấy ăn để. Ăn xong lại ngong ngóng đi chỗ khác.
Bấy giờ chị ta mới rõ cái cách chồng ngày ngày no say là
thế, tủi thẹn vô cùng, ngậm ngùi trở về, kể chuyện cho vợ bé nghe, rồi than
rằng:
- Chồng là người trông cậy suốt đời, ai ngờ chị em mình
lại gặp phải một người chồng đê mạt quá đến như thế!
Nói đoạn, hai người ngồi trông nhau ở giữa sân sụt
sùi khóc.
Thứ hai là thói hào hoa
Người hào hoa là
người thường ăn mặc sang trọng, hợp thời trang và nhất là hay tiêu pha rộng
rãi, đặc biệt đối với đàn bà con gái. Trong tiếng Pháp, người ta dùng chữ “galant”, để nói lên những nét đặc thù
của một kẻ hào hoa.
Thực vậy, hào hoa hay
ga-lăng trước hết có nghĩa là lịch sự đối với đờn bà con gái. Chẳng hạn: Một
phụ nữ bụng mang dạ chửa, mệt mỏi bước lên xe buýt. Trên xe đã hết chỗ. Bỗng
nhiên có một chàng thanh niên rời khỏi ghế của mình, nhường chỗ cho chị ấy
ngồi, lại còn cất túi hành lý cồng kềnh của chị ấy vào nơi an toàn nhất với
những lời lẽ nhẹ nhàng. Ga lăng như vậy là một hành vi thực sự có giá trị. Nó
làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp và thú vị. Đồng thời nó còn làm nên cái
phong cách đáng yêu của con người nữa.
Tiếp đến, hào hoa
hay ga-lăng còn có nghĩa là cư xử đẹp với đờn bà con gái. Chẳng hạn: Một cô gái
đi xe máy, chẳng may bị té ngã, đồ đạc rơi vãi tứ tung. Một chàng trai thấy vậy
vội dừng xe lại, cẩn thận nhặt hết đồ đạc lại cho cô, rút khăn lau vết bẩn trên
cánh tay cô và ân cần hỏi han xem cô có cần giúp đỡ gì nữa không. Chỉ khi
cô trở lại trạng thái bình thường, chàng trai mới chịu lên xe và đi tiếp. Thái
độ của chàng trai thật ga lăng và đáng khâm phục, vì đã tỏ ra chu đáo, biết hy
sinh vì người khác.
Sau cùng hào hoa hay
ga-lăng còn có nghĩa là chi tiêu một cách rộng rãi đối với đờn bà con gái.
Chẳng hạn: Chàng sẵn sàng bỏ tiền ra để mời nàng đi ăn, đi siêu thị. Chàng sẵn
sàng bỏ tiền ra để mua tặng nàng những bông hoa, hay những món quà đắt giá vào
ngày tình yêu, ngày sinh nhật. Những bông hoa, những món quà này phần nào biểu
lộ sự quan tâm chăm sóc, cũng như tình yêu của chàng đối với nàng.
Thứ ba là thói đào hoa
Trong ngôn ngữ hằng ngày
thì đào hoa có nghĩa là hoa của cây đào. Còn trong lá số tử vi, thì đào hoa là
tên một vì sao chiếu mạng. Anh chàng nào có số đào hoa, thì được được nhiều phụ
nữ yêu mến. Ở đây mới chỉ nói tới việc anh chàng được nhiều phụ nữ yêu mến, chứ
chưa bàn đến việc anh chàng yêu nhiều phụ nữ trong cùng một lúc. Không nhất
thiết anh chàng phải đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu mới có số đào hoa, nhiều
khi rất đỗi bình thường, thế mà cái số đào hoa vẫn cứ đeo đuổi.
Trong xóm có một
anh chàng 27 tuổi, hình thức trung bình, không nghề nghiệp ổn định, chỉ được
mỗi tài ăn nói, vậy mà không ít lần cả xóm chứng kiến cảnh các nàng gây nhau
toé lửa vì anh chàng. Tưởng rằng sau đó sẽ tan đàn xẻ nghé, ai dè đâu lại hoàn
đấy. Anh chàng vẫn dập dìu sớm hôm cùng những bông hoa xinh đẹp. Anh chàng vừa
hắt hơi xổ mũi, lập tức các nàng đến chăm sóc, lũ lượt như đi trẩy hội. Anh
chàng còn oang oang tuyên bố giữa đám bạn:
- Tớ chưa bao giờ
biết thất tình là gì. Tớ mà muốn lấy vợ là mấy em nhào vô ngay.
Mọi người đều nhìn
anh thán phục.
Như vậy, những anh
chàng đào hoa quả thật là may mắn và hạnh phúc, bởi vì đối với họ, tình yêu chỉ
có thừa chứ không bao giờ thiếu. Họ không phải lo lắng vất vả đi chinh phục,
bởi vì chỉ một lời nói, một nụ cười, một ánh mắt cũng đã đủ để làm cho đối
phương phải chao đảo. Thế nhưng, như tục ngữ đã bảo: Có ở trong chăn mới biết
chăn có rận, và đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Những anh chàng đào hoa cũng
có nỗi khổ của riêng mình.
Một anh chàng đào
hoa bị xe đụng gãy chân và phải nằm viện. Anh chàng bèn căn dặn mấy người bạn
thân không được nói cho ai hay và cũng đã cẩn thận gửi một loạt tin nhắn cho
các nàng báo "anh đi công tác xa đột xuất", thế nhưng không
hiểu sao các nàng vẫn biết và gọi điện tới tấp. Hết đường lẩn trốn, anh chàng
đành phải thảo một lịch thăm viếng hẳn hoi ra giấy, rồi gọi điện hẹn các nàng,
mỗi nàng một thời điểm khác nhau, tuy nhiên vẫn không tránh được những cuộc
chạm mặt.
Nhiều anh chàng
đào hoa cũng muốn đàn một dây, chùa một cột, có một gia đình êm ấm, nhưng sao
khó quá vì lòng họ đã trở nên chai đá, không còn chỗ cho sự trân đối với trọng
phụ nữ, cũng như đối với những tình cảm của mình. Người mến quá nhanh thì bị
anh chàng ghép tội dễ dãi, còn người đàng hoàng, hợp ý, thì lại không tin tưởng
vào sự chung thuỷ bởi sự đào hoa của anh chàng. Thành thử cuối cùng lắm mối tối
nằm không. Anh chàng đào hoa vẫn cứ đi sớm về khuya một mình, với những bước
chân âm thầm.
Khổ hơn cả là
những anh chàng đã có vợ nhưng vẫn bị số đào hoa chiếu tướng, bởi lúc các anh
chàng nằm viện, người vợ hiền luôn kề cận để chăm sóc. Một anh chàng đã tâm sự:
- Thật kinh khủng,
mình thì nằm "ngay đơ cán
cuốc", băng bó trắng toát toàn thân. Vợ thì đứng cạnh bên. Vậy mà các
nàng vì không ngăn được yêu thương, cứ nước mắt giọt ngắn giọt dài. Các nàng
vẫn cứ vô tư nhắn tin kiểu như: “ Em Hạnh
đây, nghe nói anh yêu bị xe đâm phải, anh có sao không? Hay: Kiều đây, anh ở
đâu sao không trả lời máy. Có biết là em lo lắm không. Anh đang nằm bệnh viện
nào?".
Trước những bằng
chứng không thể chối cãi, theo các anh chàng đào hoa, cách duy nhất để các chị
vợ hạ hỏa là năn nỉ, đồng thời hứa sẽ không tái phạm để cầu mong sự khoan dung
tha thứ.
Chính vì thế,
Nguyễn Du cũng đã từng ngán ngẩm:
- Chém cha cái số
đào hoa,
Gỡ ra, rồi lại
buộc vào như chơi!
Sau cùng là thói trăng
hoa
Trăng hoa là mặt
trăng và bụi hoa. Cụ thể hơn, thì có nghĩa là dưới ánh trăng và bên bụi hoa, để
ám chỉ việc trai gái lén lút tự tình. Người đàn ông có thói trăng hoa là người
đàn ông lăng quăng, yêu hết cô này đến cô khác, và có khi yêu nhiều cô cùng một
lúc: Con rô cũng tiếc, mà con diếc cũng muốn. Người đàn ông có thói trăng hoa
là người đàn ông lẳng lơ, không có tình cảm lâu dài với ai, thay đổi “đối tác” như thay đổi áo quần.
Qua những điều vừa
trình bày, gã nhận thấy: Từ hào hoa đến đào hoa chỉ cách nhau một bước nhỏ, bởi
vì kẻ hào hoa thường được nhiều phụ nữ yêu mến. Cũng vậy, từ đào hoa đến trăng
hoa cũng chỉ cách nhau một đoạn ngắn, bởi vì kẻ đào hoa thường không nỡ từ
chối, luôn mở rộng con tim để yêu thương nhiều người, nhưng chẳng tình yêu nào
bền vững cả.
Sau đây là một mẩu
chuyện mà gã đã lượm được trên mạng:
Bị taxi hất văng trong
lúc đi qua đường, nằm bệnh viện, không quan tâm cho chiếc xương sườn bị gãy, anh
chàng chỉ lo lắng việc các nàng dồn dập vào thăm không khéo sẽ chạm mặt nhau.
Và điều anh chàng lo lắng cũng đã xảy ra.
Người đầu tiên
đến bệnh viện là Hương. Mặt xanh như tàu lá, hớt hơ hớt hải, Hương báo đã xin
nghỉ làm để quyết vào bệnh viện ở lại chăm sóc cho anh chàng. Phát hoảng vì
biết chắc Xuân, Thúy hay Thảo cũng sẽ đến, anh chàng ra sức khuyên lơn “em không nên vì anh mà bỏ việc”, rằng “anh sẽ không sao đâu”. Rồi như để chứng
tỏ cho nàng thấy mình khỏe mạnh, anh chàng ngồi bật dậy, ăn một lúc hết luôn tô
phở Hương vừa mang vào, uống sạch hộp sữa. Thế nhưng, mọi cố gắng của anh chàng
vẫn chả giúp nàng đổi ý.
Một tiếng sau,
trong lúc Hương xuống căntin mua thức ăn thì Xuân đến. Vừa đẩy cánh cửa phòng
bệnh, Xuân đã nước mắt ngắn dài:
- Trời ơi, sao
ra nông nỗi này. Anh có đau lắm không? Em luôn căn dặn đi đứng cẩn thận, vậy mà
anh không nghe lời em.
Vừa lúc ấy,
Hương trở lại. Đặt hộp cháo nóng luôn trên bụng anh chàng, cô này bước ra không
một lời chào. Trả lời thắc mắc của Xuân, anh chàng chống chế:
- Bà chị vào
thăm nhưng có việc gấp nên phải đi ngay.
Nửa giờ sau,
cánh cửa phòng bệnh của anh chàng lại tiếp tục có người gõ cửa. Lần này không
phải một người mà là cả Thảo và Thúy cùng đến. Bí thế, anh chàng vờ ôm lưng
than đau dữ dội rồi lấy cớ phải đến gặp bác sĩ khám, sau đó nhắn tin báo “bác sĩ bảo đợi chụp X-quang, làm xét nghiệm, đừng đợi anh”. Tuy nhiên, sau
hơn một giờ nín thở trốn, khi quay lại phòng, hai nàng Thảo và Thúy vẫn còn
nguyên ở đó. Thái độ lo lắng ban đầu của các cô gái được thay thế bằng câu độp
vào mặt:
- Nếu anh không
nhập viện và chúng tôi không gặp nhau ở đây thì đã không hiểu được con người
thật của anh. Đồ lừa tình.
Theo
một tác giả, thì cái tội nặng nhất của anh đàn ông là yêu nhiều bà quá, nếu chỉ
yêu một bà thì sẽ tránh được biết bao nhiêu tội lỗi khác. Thực vậy, tội của đàn
ông đếm ra thì rất nhiều như: Lười, bẩn, hay quên, bê bối, độc đoán, rượu chè,
cờ bạc, hút sách, vui đâu chầu đấy, nhưng cái tội khó tha thứ hơn cả, muôn đời
vẫn là cái tội lắm bà, vẫn là cái thói trăng hoa.
Để
chỉ lòng tham vô đáy của anh đàn ông, các cụ ngày xưa đã phải công nhận:
-
Sông bao nhiêu nước cũng vừa
Trai bao nhiêu vợ cũng chưa hài lòng
Thậm chí có người
còn cay cú: Đàn ông là “loài” bạc
tình nhất trong các loài biết hứa hẹn và cũng là “loài” có mới nới cũ nhất trong các loài biết thề thốt!
Để kết thúc, gã
xin kể lại mẩu chuyện sau đây:
Có một chú chó
kiếm được miếng thịt to, nên nhởn nhơ tha mồi và chạy. Lúc chạy ngang qua chiếc
cầu, nhìn xuống thấy bóng hình của miếng thịt phản chiếu dưới nước còn to hơn
miếng thịt đang ngậm trong miệng. Và thế là chú chó ta bèn lao ngay xuống nước.
Rốt cuộc, miếng mồi thì chìm mất và bóng hình cũng tan đi, chú chó ta đứng trơ
mõm, không còn gì để ăn. Và dân gian gọi đó là thả mồi bắt bóng.
Những anh đàn ông
mang thói trăng hoa cũng thường thả mồi bắt bóng. Được voi đòi tiên. Đứng núi
này trông núi nọ. Và dường như chẳng bao giờ lòng tham của họ được thoả mãn cả.
Nhiều khi kiếm củi
ba năm thiêu một giờ. Vui thú chẳng được bao nhiêu, nhưng hậu quả lại thật là
tai hại, làm cho thân bại danh liệt, hạnh phúc gia đình bị tan vỡ, cũng chỉ vì
những mảnh tình thầm lén vụng trộm của mình.
Tác giả: Chuyện phiếm
của Gã Siẹu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét