Diễn từ của Đức Phanxicô tại trung tâm cải huấn Philadelphia
|
Anh chị em thân mến
Cám ơn anh chị em đã đón tiếp tôi và cho tôi dịp may được ở đây với anh chị em và chia sẻ khoảng thời gian này trong đời sống anh chị em. Đây quả là khoảng thời gian khó khăn, một khoảng thời gian đầy cam go. Tôi biết đây là khoảng thời gian đau lòng không những cho anh chị em, mà còn cho cả gia đình anh chị em và cho xã hội nữa. Bất cứ xã hội nào, bất cứ gia đình nào không biết chia sẻ hay coi trọng nỗi đau của con cái mình, và coi nỗi đau này như một điều bình thường hay có thể hiểu được, là một xã hội “bị kết án” phải tự làm con tin cho chính mình, làm mồi cho những gì gây ra nỗi đau này. Tôi ở đây như một mục tử, nhưng trên hết, như một người anh em, để chia sẻ tình huống của anh chị em và để biến nó thành của riêng mình. Tôi đến đây để chúng ta có thể cầu nguyện chung với nhau và để dâng lên Thiên Chúa chúng ta mọi điều gây đau đớn cho chúng ta, nhưng cả mọi điều đem lại hy vọng cho chúng ta nữa, để chúng ta nhận được từ Người sức mạnh phục sinh. Tôi nghĩ tới cảnh trong Tin Mừng trong đó, Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly. Đây là điều các môn đệ thấy khó chấp nhận. Ngay Thánh Phêrô cũng từ khước, và nói với Người “Thầy sẽ không bao giờ rửa chân cho con” (Ga 13:8). Thời ấy, người ta có thói quen rửa chân cho những người tới nhà mình. Đó là cách họ đón tiếp người ta. Đường xá không được lát, toàn những bụi bặm, nhiều khi giầy dép họ còn bị dính những viên sỏi nhỏ nữa. Mọi người đều phải đi những con đường như thế, thành thử chân ai cũng dơ, bầm tím hoặc bị những viên sỏi này làm sứt sát. Đó là lý do khiến Chúa Giêsu rửa chân, chân ta, chân các môn đệ của Người, lúc ấy và bây giờ. Đời sống là một cuộc hành trình, dọc theo những con đường khác nhau, vốn để lại nhiều vết tích trong ta. Nhờ đức tin, ta biết rằng Chúa Giêsu luôn đi tìm ta. Người muốn chữa lành các vết thương của ta, xoa dịu bàn chân bị thương tích vì đi xa một mình của ta, rửa mỗi người chúng ta sạch mọi bụi bặm tích lũy từ cuộc hành trình. Người không hỏi ta đã ở đâu, người không tra vấn ta đã làm gì. Thay vào đó, Người bảo ta: “Thầy mà không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy” (Ga 13:8). Thầy mà không rửa chân cho con, Thầy sẽ không thể ban cho con cuộc sống mà Chúa Cha luôn mơ ước, cuộc sống mà Người đã dựng nên anh chị em để hưởng. Chúa Giêsu đến gặp chúng ta để chúng ta phục hồi được phẩm giá làm con cái Chúa của chúng ta. Người muốn giúp chúng ta lên đường một lần nữa, tái tục cuộc hành trình, phục hồi hy vọng, phục hồi niềm tin, niềm tín thác của chúng ta. Người muốn chúng ta tiếp tục tiến trên đường sống, tiếp tục hiểu ra rằng chúng ta có một sứ mệnh, và việc bị giam không đồng nghĩa với việc bị loại trừ. Sống có nghĩa “làm chân chúng ta ra dơ dáy” bởi những con đường đầy bụi của cuộc đời và của lịch sử. Tất cả chúng ta cần được thanh tẩy, cần được rửa ráy. Tất cả chúng ta đều được Thầy tìm kiếm, vị Thầy muốn giúp chúng ta tái tục cuộc hành trình của chúng ta. Chúa đi tìm chúng ta; Người mở rộng bàn tay giúp đỡ cho mọi người chúng ta. Thật là đau lòng khi chúng ta thấy những hệ thống nhà tù không biết quan tâm tới việc săn sóc các vết thương, xoa dịu các nỗi đau, cung cấp các khả thể mới mẻ. Thật là đau lòng khi chúng ta thấy người ta nghĩ: chỉ có người khác mới cần rửa ráy, thanh tẩy, mà không nhận ra rằng sự mệt mỏi của họ, nỗi đau và các vết thương của họ cũng là sự mệt mỏi, nỗi đau và các vết thương của xã hội. Chúa dạy ta điều này cách rõ ràng bằng một dấu hiệu: Người rửa chân ta để ta có thể trở lại bàn tiệc. Bàn tiệc mà Người không muốn ai bị loại khỏi. Bàn tiệc được dọn sẵn cho mọi người và mọi người chúng ta đều được mời dự. Khoảng thời gian này đời sống anh chị em chỉ có thể có một mục đích: giúp anh chị em một tay để trở lại con đường ngay ngắn, giúp anh chị em một tay để tái tham gia vào xã hội. Tất cả chúng ta đều là thành phần của cố gắng này, tất cả mọi người chúng ta đều được mời gọi trong việc khuyến khích, giúp đỡ và tạo khả thể cho việc cải tạo. Việc cải tạo mà mọi người: các người bị giam giữ và gia đình họ, các thẩm quyền cải huấn, các chương trình xã hội và giáo dục, đều tìm kiếm và ước ao. Việc cải tạo sinh ích lợi và nâng cao tinh thần của toàn thể cộng đồng. Chúa Giêsu mời gọi ta chia sẻ số phận của Người, lối sống và hành động của Người. Người dạy ta nhìn thế giới bằng đôi mắt của Người. Đôi mắt không thấy chướng vì các bụi bặm bám dọc đường. nhưng muốn thanh tẩy, chữa lành và phục hồi. Người yêu cầu chúng ta tạo ra các cơ may mới: cho người bị giam, cho gia đình họ, cho các giới chức cải huấn, và cho xã hội như một toàn thể. Tôi khuyến khích anh chị em có thái độ trên đối với nhau và đối với tất cả những ai là thành phần của định chế này, cách này hay các khác. Ước chi anh chị em tạo ra được nhiều cơ may khả hữu mới mẻ, nhiều hành trình mới mẻ, nhiều nẻo đường mới mẻ. Tất cả chúng ta đều có điều gì đó cần được tẩy rửa, thanh tẩy khỏi. Ước chi việc biết được sự kiện này sẽ gây hứng để chúng ta sống liên đới, để chúng ta hỗ trợ nhau và tìm những điều tốt nhất cho người khác. Chúng ta hãy hướng nhìn lên Chúa Giêsu, Đấng đang rửa chân chúng ta. Người là “đường, là sự thật và là sự sống”. Người đến để cứu chúng ta khỏi sự dối trá cho rằng không ai có thể thay đổi. Người giúp chúng ta bước theo các nẻo đường sống và thành toàn. Ước chi sức mạnh tình yêu và sự phục sinh của Người luôn là đường dẫn anh chị em tới cuộc sống mới.
Vũ Van An
|
Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015
Diễn từ của Đức Phanxicô tại trung tâm cải huấn Philadelphia
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét