Tản mạn chuyện “hôn nhân” đồng tính: khía cạnh thỏa hiệp
(Fri,
04/09/2015 - Vũ
Văn An –Vietcatholic.net)
Nhưng tại
sao người đồng tính đi từ chiến thắng này tới chiến thắng nọ? Linh mục Dwight
Longenecker thì cho rằng không chỉ nhờ họ theo đuổi, cách đầy ý thức, một nghị
trình và họa đồ tranh đấu hữu hiệu và triệt để, mà còn vì xã hội ta chịu để cho
các luận điểm và chiến thuật của họ nhào nặn. Triết lý nằm ở bên dưới là xã hội
ta trở nên quá duy tục đến độ các luận điểm của người đồng tính xem ra có nghĩa
đối với hầu hết mọi người. Nói cách khác, ta vốn để mình sống theo ba thứ duy
dễ mến nhưng đầy nguy hiểm: duy xúc cảm, khiến ta mủi lòng trước bất cứ ai bị
nạn nhân hóa cách nào đó; duy thực dụng (utilitarianism), khiến ta nghĩ điều gì
hữu hiệu đều tốt cả; duy bình đẳng, khiến ta cho rằng bình quyền là sự thiện
duy nhất thúc đẩy mọi sự thiện khác. Chứ làm gì có chân lý khách quan. Đúng sai
do ba thứ duy vừa nói quyết định. Bất cứ điều gì khiến ta hạnh phúc, xem ra hữu
dụng và không kỳ thị ai, thì đều chấp nhận được cả. Ta mềm lòng trước các luận
điểm đồng tính.
Thái
độ mềm lòng của một số Giáo Hội Kitô Giáo
Chính vì
thế, Giáo Hội Episcopal là Giáo Hội đầu tiên bằng lòng cử hành hôn lễ tôn giáo
cho các cặp đồng tính. Thực vậy, ngày 1 tháng Bẩy, 2015, tại Salt Lake City,
các giám mục của Giáo Hội này, trong đó, có Gene Robinson, người công khai ăn ở
với người một đồng tính, đã bỏ phiếu chấp thuận điều vừa nói. Cùng một lúc, họ
thông qua các phụng vụ và lễ nghi mới cho các cặp đồng tính muốn cưới nhau
trong nhà thờ, thay đổi các khoản giáo luật liên quan tới hôn nhân, loại bỏ các
hạn từ phái tính, thay thế các từ ngữ “đàn
ông và đàn bà” bằng từ ngữ “cặp”.
Con đường
dẫn tới kết quả trên đã bắt đầu từ năm 2012 tại Đại Hội Toàn Thể ở Indianapolis
gồm đại diện của 109 giáo phận Hoa Kỳ và ngoại quốc. Lúc ấy, Giáo Hội này đã
chấp thuận một nghi thức “tạm thời” dùng để chúc lành cho các cặp đồng tính
rồi.
Các giám
mục Công Giáo Hoa Kỳ phần đông phản ứng rất nhanh trước phán quyết của Tối Cao
Pháp Viện ban quyền hiến định cho các cặp đồng tính “cưới nhau”, gọi phán quyết này là một “sai lầm bi thảm”. Tuy nhiên, một số vị lại có một đường lối khác,
khuyên tín hữu nên suy nghĩ sâu xa hơn. Đức TGM Blase Cupich của Chicago, chẳng
hạn, nhân dịp này khuyên giáo dân nên hoan nghinh người đồng tính “một cách có thực chất”.
Ngài viết: “lòng tôn trọng này phải có thực chất, không
chỉ hoa mỹ, và mãi mãi phản ảnh cam kết của Giáo Hội muốn đồng hành với mọi
người… hỗ trợ mọi gia đình, bất kể hoàn cảnh của họ, vì thừa nhận rằng tất cả
chúng ta đều là bà con thân thích, cùng lữ thứ trong đời dưới sự chăm sóc cẩn
mật của một Thiên Chúa đầy yêu thương”.
Dù có nhấn
mạnh tới bản chất hôn nhân như là sự kết hợp giữa một người đàn ông và một
người đàn bà, các bình luận gia vẫn cho rằng tuyên bố của ngài nhằm mục đích
tách xa lối phê phán nghiêm khắc của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.
Đức TGM
Cupich không đơn độc. Đức TGM Wilton Gregory của Atlanta, nguyên chủ tịch Hội
Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cảnh cáo những ai thất vọng trước phán quyết trên đừng
đưa ra các ngôn từ độc địa hay tác phong hèn hạ chống lại những người có ý kiến
khác với mình.
Đức Cha
Robert McElroy của San Diego thì cho rằng “Giáo
Hội tiếp tục vinh danh tính độc đáo của cuộc hôn nhân giữa một người đàn ông và
một người đàn bà như một hồng phúc của Thiên Chúa, nhưng Giáo Hội chỉ làm thế
một cách luôn tôn trọng sâu xa các mối liên hệ đầy yêu thương và có tính gia
đình vốn làm phong phú cuộc đời của rất nhiều người đàn ông và đàn bà đồng
tính, cũng là các anh chị em của ta và tối hậu là những người cùng hành hương
với ta trong cuộc lữ thứ trần gian này”.
Dư
luận Kitô hữu đổi chiều
Nhân dịp
này, Robert P. Jones nhận định rằng phần lớn việc gia tăng ủng hộ gần đây đối
với hôn nhân đồng tính phát xuất từ các hệ phái Kitô Giáo trước đây vốn chống
đối nó. Thực vậy, hiện nay, càng ngày số người Hoa Kỳ có tôn giáo ủng hộ nó
càng đông hơn. Còn nhớ năm 2003, khi Tiểu Bang Massachusetts trở thành tiểu
bang đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, không nhóm tôn giáo chính nào có
đa số ủng hộ thứ “hôn nhân” này cả:
chỉ có 36% người da trắng Thệ Phản và 34% người Công Giáo ủng hộ nó mà thôi.
Ngày nay,
các tỷ lệ trên đã thay đổi rất nhiều: American Values Atlas của Viện Nghiên Cứu
Tôn Giáo Công Cộng, dựa vào 40,000 cuộc phỏng vấn, cho thấy các kết quả sau:
84% người Phật Giáo, 77% người Do Thái Giáo, 62% người Thệ Phản da trắng, 61%
người Công Giáo, 60% người Công Giáo nói tiếng Tây Ban Nha, và 56% Kitô hữu
Chính Thống Đông Phương ủng hộ “hôn nhân”
đồng tính.
Sự gia
tăng trên vượt xa tỷ lệ gia tăng nơi những người không theo tôn giáo nào. Thực
vậy, từ năm 2003, sự gia tăng của lớp người sau chỉ là 12%. Sự gia tăng này là
25% nơi người Công Giáo, 26% nơi người Thệ Phản da trắng. Ngay nơi người Thệ
Phản da trắng nhưng theo khuynh hướng phúc âm, nghĩa là những người đa số vẫn
chống đối hôn nhân đồng tính, sự gia tăng này cũng là 16%.
Chính sự gia
tăng ấy đã làm lệch hẳn cán cân trong cuộc tranh luận về hôn nhân đồng tính,
củng cố ý thức hệ của những người như Obama hay chánh án Kennedy trong việc
công khai ủng hộ hôn nhân đồng tính, biến nó thành một quyền hiến định.
Thái
độ một số vị giáo phẩm nổi tiếng Công Giáo
Trong số
các nhân vật nổi tiếng của Công Giáo góp phần làm dễ chiều hướng thay đổi trên,
người ta hay nhắc tới Đức HY Walter Kasper, người mới đây lên tiếng ủng hộ
quyết định thừa nhận hôn nhân đồng tính ở Ái Nhĩ Lan.
Thực vậy,
sau kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Ái Nhĩ Lan vào ngày 22 tháng Năm, 2015 vừa
qua, vị Hồng Y trên nói với nhật báo Ý Corriere della Sera rằng Giáo Hội
cần đề cập đầy đủ hơn về vấn đề các cặp đồng tính, một vấn đề chỉ mới ở vòng
ngoài Thượng Hội Đồng năm rồi. Ngài bênh vực lá phiếu thuận hôn nhân đồng tính
của người Ái Nhĩ Lan, cho rằng: “một quốc
gia dân chủ có bổn phận tôn trọng ý dân; và điều rõ ràng là nếu đa số dân chúng
muốn những cuộc kết hợp đồng tính ấy, thì quốc gia có bổn phận phải thừa nhận
các quyền như thế”.
Theo ngài,
điều ấy chứng tỏ “ý niệm hậu hiện đại
theo đó mọi sự đều bình đẳng rõ ràng mâu thuẫn với tín lý của Giáo Hội”.
Nên ta phải tìm ra một ngôn ngữ mới, phải khắc phục việc kỳ thị vốn có truyền
thống lâu dài trong nền văn hóa Kitô Giáo. Điều quan trọng, theo ngài, là phải
tôn trọng các mối liên hệ đồng tính lâu bền, là các mối liên hệ có nhiều “yếu tố tốt lành”.
Cùng thời
gian này, tức vào ngày 25 tháng Năm, 2015, tại ĐH Gregorian ở Rôma, có “Ngày Nghiên Cứu” do ba chủ tịch các Hội
Đồng Giám Mục Thụy Sĩ, Pháp, và Đức tổ chức. Ai cũng biết chủ tịch HĐGM Đức,
Đức HY Reinhard Marx, trong bài giảng lễ hôm trước, tức Lễ Chúa Thánh Thần Hiện
Xuống, 24 tháng Năm, đã lên tiếng kêu gọi “một nền văn hóa chào đón” đối với người đồng tính.
Kết quả,
trong số nhiều điểm khác, Ngày Nghiên Cứu trên đã nhấn mạnh tới điểm: Nền “thần học mới về tình yêu” phải nhấn
mạnh rằng tính dục tự nó là biểu thức của tình yêu, là căn bản cho một liên hệ
lâu bền. Nói cách khác, tình yêu đã đủ, chiều kích sinh sản không nhất thiết
phải có. Nên Giáo Hội phải thừa nhận các cuộc kết hợp đồng tính.
Đức HY
Reinhard Marx vốn được coi là người mạnh mẽ ủng hộ “nghị trình Kasper” và là
người hùng hồn bênh vực “giá trị” của
các cuộc kết hợp đồng tính. Đức Cha Markus Büchel, chủ tịch HĐGM Thụy Sĩ, trước
ngày khai mạc Thượng Hội Đồng năm ngoái, cũng từng cho rằng sẽ có phương thức
mục vụ mới theo chiều hướng đề xuất của Đức HY Kasper. Thông cáo chung của Ngày
Nghiên Cứu cũng cho thấy các lý lẽ được Đức HY Kasper dùng để kêu gọi sự thay
đổi sâu xa đối với các thực hành mục vụ nhằm đạt được tính khả tín lớn hơn nơi
con người hiện đại.
Cũng phải
kể tới một vị giáo phẩm khác, tuy không có tầm cỡ như các vị Hồng Y Kasper hoặc
Marx, nhưng cũng đang là một ngôi sao sáng đang có triển vọng, ít nhất tại
Thượng Hội Đồng sắp tới, đó là Đức Cha Johan Bonny của giáo phận Antwerp, Bỉ,
người ngày 16 tháng 6, 2015, đã được Đức Phanxicô chấp thuận là thành viên tham
dự định chế vừa kể, dù vẫn nổi tiếng xưa nay về việc bênh vực quyền đồng tính,
đến nỗi đầu năm 2015, đã được Cavaria, hiệp hội Đồng Tính Bỉ, trao giải thưởng.
Thực vậy
ngày 27 tháng 12, 2014, trong một cuộc phỏng vấn của tờ De Morgen, Đức Cha
Johan Bonny chính thức kêu gọi Giáo Hội thừa nhận các mối liên hệ đồng tính.
Trước đó, hồi tháng 9, 2014, ngài đã gửi một thư dài 22 trang tới Thượng Hội
Đồng đặc biệt về gia đình, nhấn mạnh rằng Giáo Hội khẩn thiết phải nối kết với
xã hội hiện đại, tôn trọng hơn nữa đối với đồng tính luyến ái, người ly dị và
các lối liên hệ hiện đại.
Ngài viết:
“Bản thân tôi thấy rằng Giáo Hội phải
dành nhiều chỗ để thừa nhận phẩm chất thực sự của các cặp đồng tính nam nữ; và
hình thức chia sẽ đời sống này nên thoả mãn cùng các tiêu chuẩn vốn tìm thấy nơi
hôn nhân hợp giáo luật…
“Thực vậy, ta cần tìm cách thừa nhận chính thức loại liên hệ
hiện đang hiện hữu giữa các cặp đồng tính nam nữ. Việc thừa nhận này có cần là
một cuộc hôn nhân bí tích hay không? Có lẽ tốt hơn Giáo Hội nên suy nghĩ về
tính đa dạng trong các hình thức liên hệ. Hiện ta đang có cuộc thảo luận tương
tự về hôn nhân dân sự. Tại Bỉ, cùng một mô thức hôn nhân dân sự như thế hiện
đang hiện hữu cho cả các mối liên hệ đàn ông đàn bà lẫn các liên hệ đồng tính”.
Trường
hợp Ái Nhĩ Lan
Về kết
quả trưng cầu dân ý tại Ái Nhĩ Lan, Giáo Sư James Matthew Wilson trên tạp chí
Crisis (CrisisMagazine.com) ngày 1 tháng Sáu, 2015, cho rằng tới năm 2001, hàng
giáo phẩm nước này bị coi là giả hình và ngạo mạn, quyền lực của nó bị coi là
tự phụ và thối nát. Việc tham dự Thánh Lễ giảm từ 90% xuống còn 60% và cứ thế
tiếp tục giảm mãi. Nhà cầm quyền coi việc sa sút trong Giáo Hội như một điều
cần dùng làm vốn để đẩy mạnh diễn trình duy tục hóa xứ sở: ông thủ tướng đem
nàng hầu tới dự cơm tối với Tổng Giám Mục. Dân không coi việc đó là một tai
tiếng mà là một điều gây ấn tượng.
Cuộc khủng
hỏang kinh tế hoàn cầu năm 2008 làm nền kinh tế Ái Nhĩ Lan kiệt quệ. Tân thủ
tướng Enda Kenny, người vốn tranh cử với cương lĩnh kinh tế tự do theo kiểu Âu
Châu, không làm gì khác hơn là dẫn đất nước đi theo cánh tả. Mọi cuộc tranh
chấp với Giáo Hội, ông ta đều thắng. Ông được ca ngợi là người can đảm, dám
chống chọi một định chế đáng kính đến thế. Nhưng thực ra nào ông có can đảm chi
khi đánh một trận đánh mà ông không thể nào thua được. Các thất vọng của xã hội
Ái Nhĩ Lan ngày càng được biểu lộ qua thái độ khinh miệt đối với Giáo Hội.
Năm này
qua năm khác, chính phủ điều tra các lạm dụng tính dục diễn ra trong các định
chế do Giáo Hội điều khiển, rồi họ tìm ra những mồ chôn tập thể các trẻ em
trong những căn nhà dành cho các bà mẹ không cheo cưới. Cuộc tìm ra này bị báo
chí khai thác thổi phồng thêm. Nhưng nào có ai coi là thêm thắt; bất mãn và
khinh miệt cứ thế gia tăng. Trong cái nước Ái Nhĩ Lan đương thời như thế, trình
bầy mình như người Công Giáo trung thành đòi nhiều can đảm hơn là trình bầy
mình như người thực hành kê gian.
Theo hãng
tin Catholic World News ngày 3 tháng Sáu, 2015, chính Đức TGM Eamon Martin,
giáo chủ Ái Nhĩ Lan, tuy bất mãn với kết quả cuộc trung cầu dân ý, nhưng khi
nghe Đức HY Burke nói rằng cử tri Ái Nhĩ Lan còn tệ hơn người ngoại giáo, vì
những người này tuy dễ dãi với tác phong đồng tính, nhưng chưa bao giờ coi nó
là hôn nhân, đã cho rằng “tôi sẽ không
dùng các ngôn từ như thế” mà dùng một ngôn từ trân trọng, không xúc phạm.
Theo
Michael Kelly, nhân dịp này, giáo chủ Giáo Hội Ái Nhĩ Lan còn cho hay: “trọn bộ cuộc tranh luận này giúp chúng tôi
hiểu cảm thức bị tha hóa và cô lập lớn lao mà nhiều người đồng tính từng cảm
nhận, thậm chí từ chính Giáo Hội nữa”.
Margery
Eagan, một bỉnh bút của tờ On Spirituality, ngày 3 tháng Sáu, nhìn kết quả
trưng cầu Ái Nhĩ Lan dưới nhận định của học giả, kiêm thượng nghị sĩ và nhà
tranh đấu đồng tính 71 tuổi tên là David Norris. Ông này cho rằng Giáo Hội mất
thế giá như một sức mạnh luân lý tại Ái Nhĩ Lan, không những vì việc che lấp
tai tiếng tính dục mà còn vì đội ngũ lãnh đạo tầm thường nữa. Norris cho rằng
các vị giáo hoàng Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI đã cử nhiệm các vị Hồng Y và
giám mục “rất bảo thủ và thực sự tầm
thường về trí thức và không tiếp xúc được với thực tại hiện đại”.
Humanae vitae và nguyên nhân gốc của hôn nhân đồng tính
Cũng nên
nhớ, năm 2010, trong một lá thư đáng ghi nhớ gửi cho người Công Giáo Ái Nhĩ
Lan, Đức Bênêđíctô XVI từng quả quyết rằng vấn đề sâu xa và thực chất là Giáo
Hội ở Ái Nhĩ Lan đã đầu hàng chủ nghĩa duy tục, và không còn khả năng cổ vũ các
phong thái sùng kính và tôn sùng như năng xưng tội và các hình thức đạo đức
bình dân, các thực hành mà sau Công Đồng Vatican II nước này đã từ bỏ vì đã
giải thích sai lầm ý niệm thương xót, tách rời lòng thương xót ra khỏi đức công
bình.
Trên bình
diện học lý, những người chỉ trích thông điệp Humanae vitae của Đức
Phaolô VI đã xây nền cho cuộc chiến thắng của phe đồng tính. Thực vậy, Chân
Phúc GH Phaolô VI từng tiên đoán rằng các thực hành ngừa thai rộng lớn thực tế
sẽ tách biệt hai mục đích của tính dục là sinh sản và kết hợp và do đó sẽ dẫn
tới nhiều thay đổi lớn lao về luân lý và xã hội học (xem HV, số 17). Triết gia
người Anh Elizabeth Anscombe cũng cho rằng thừa nhận tính hợp pháp của ngừa
thai sẽ dẫn tới việc không ai còn dám phản đối tác phong đồng tính, đa hôn v.v…
Steven Greydanus cũng nghĩ thế. Theo ông đừng trách người đồng tính, họ chỉ là
thiểu số. Đừng trách chính trị gia hay các giám mục. Cuộc khủng hoảng hôn nhân
không phải là điều do các sức mạnh bên ngoài áp đặt lên chúng ta. Nó là điều
chính chúng ta chấp nhận, khoan dung và ủng hộ. Hôn nhân đã bị định nghĩa lại
từ nhiều thập niên trước đây bởi chính chúng ta qua “đơn hôn hàng loạt” (serial monogamy), sống chung, con cái sinh và
dưỡng bên ngoài hôn nhân, thụ thai nhân tạo, thụ thai trong ống nghiệm, các
thỏa thuận tiền hôn để sẵn sàng ly dị, văn hóa khiêu dâm, phá thai và ngừa
thai. Nhưng gốc rễ của tất cả những điều vừa kể chính là điều sau cùng: ngừa
thai. Việc này xẩy ra với các vợ chồng Công Giáo đâu có thua gì các vợ chồng
không Công Giáo. Một khi tách biệt hai chiều kích kết hợp và sinh sản của giao
hợp vợ chồng, thì các mặt trận khác ta đều thua cả.
Mặt khác,
việc tái định nghĩa hôn nhân đã len lỏi vào học trình của một số trường Công
Giáo Hoa Kỳ, vô tình coi loại gia đình có cha có mẹ kết hôn cũng chỉ là một
trong các loại gia đình mà thôi. Đức TGM Gomez của Los Angeles kể thêm một yếu
tố nữa trong Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ: ngài bảo cho tới năm 1970, tiếng nói
của Giáo Hội không những được các tín hữu Công Giáo nghe theo mà cả người Thệ
Phản và Do Thái Giáo cũng ủng hộ. Nay thì không còn như thế nữa. Giáo huấn của
Giáo Hội không những bị chủ nghĩa duy tục chống đối mà cả các tín hữu cá thể
nữa như chánh án Kennedy chẳng hạn cũng chống đối. Mặt khác, triết lý dẹp nhu
cầu của con cái sang một bên, chỉ quan tâm tới nhu cầu người lớn cũng là nguyên
nhân đưa tới “hôn nhân” đồng tính vì
con cái đâu phải là điều thiết yếu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét