Những bà mẹ tận tụy nhất trong tự nhiên
(Thứ hai, 14/9/2015 - VnExpress.net)
Từ cõng con trên lưng đến hiến xác
cho con ăn, nhiều loài động vật nguy hiểm và đáng sợ trong tự nhiên cũng
đồng thời là những bà mẹ tốt nhất.
Nhện sói
Nhện sói sống ở nhiều hòn đảo và vùng ven biển. Chúng không giăng mạng
để bắt mồi như các loài nhện khác mà luôn trong tư thế sẵn sàng vồ mồi.
Khi không săn mồi, chúng thường ẩn mình dưới những tảng đá hoặc các đồ
vật khác xung quanh nhà. Nhện sói là loài duy nhất trong thế giới nhện
cõng hàng chục con non trên mình cho đến khi chúng đủ lớn để tự vệ. Ảnh:
Toptenz.
Trăn đá châu Phi
Là loài trăn lớn nhất châu Phi, trăn đá có thể hạ gục những con mồi như
lợn lòi, thằn lằn chúa và thậm chí cá sấu bằng cách siết chặt khiến con
mồi ngạt thở. Tuy nhiên, loài trăn đáng sợ này lại là một bà mẹ tốt.
Sau mỗi lứa đẻ từ 20 đến 90 trứng, nó thường cuộn cơ thể dài hơn 5 m
quanh ổ trứng để bảo vệ con. Ảnh: Toptenz.
Chồn gulo
Chồn gulo sống chủ yếu trong những vùng rừng ở Bắc Âu, Bắc Á và Bắc Mỹ.
Đây là họ chồn có số lượng đông đảo nhất trên thế giới. Tuy có kích
thước nhỏ, loài chồn này nổi tiếng hung dữ với thói quen bám theo và tấn
công những con vật lớn gấp nó vài lần. Sau khi đẻ 2-3 con vào cuối đông
hoặc đầu hè, chồn gulo mẹ đào hang sâu 4,5 m để bảo vệ con non đến khi
chúng 6 tháng tuổi hoặc đến tận khi chúng trưởng thành. Ảnh: Lee Sanders/INS News Agency.
Bọ cạp hoàng đế
Bọ cạp hoàng đế là động vật bản địa ở châu Phi, có cơ thể dài hơn 20 cm
và nọc độc gây đau đớn. Bọ cạp mẹ bảo vệ các con trên lưng hoặc dưới
bụng cho đến khi chúng lột xác lần đầu tiên và có khả năng tự vệ. Ảnh: Toptenz.
Cá hải tượng long
Cá hải tượng long là loài cá nước ngọt sống ở vùng rừng nhiệt đới Nam
Mỹ. Chúng có kích thước to lớn, thường sống chung trong các hồ nước với
cá ăn thịt piranha. Loài cá này nổi tiếng với tài bật nhảy và ăn những
con chim nhỏ đậu gần mặt nước. Cá hải tượng long cái có thể đẻ 50.000
trứng mỗi lần. Con đực giữ nhiệm vụ canh gác tổ, trong khi con cái bơi
vòng tròn xung quanh để bảo vệ cả trứng lẫn con đực trước những con thú
săn mồi. Ảnh: Toptenz.
Ếch phi tiêu độc màu đỏ
Chất độc ở da của loài ếch phi tiêu đỏ sống ở Trung Mỹ có thể gây bại
liệt, hoại tử mô và có thể dẫn tới tử vong. Con cái đẻ 5 trứng trong một
lứa và cất mỗi quả trứng ở nơi riêng biệt. Nó ghé thăm nơi cất trứng
vài ngày một lần và cho con ăn những quả trứng không được thụ tinh. Ảnh:
Toptenz.
Cá voi sát thủ
Cá voi sát thủ sống ở mọi đại dương trên thế giới. Thức ăn của chúng là
các loài cá heo cũng như hải cẩu và cá mập trắng. Chúng nằm trên cùng
trong chuỗi thức ăn ở đại dương. Con đực thường sống với mẹ cho đến năm
30 tuổi để tăng cơ hội sống sót. Điều tương tự cũng xảy ra với con cái,
dù thời gian bên mẹ của chúng ngắn hơn nhiều. Ảnh: 7themes.
Hải tượng
Tuy có thân hình đồ sộ nặng gần 2.000 kg và có hai chiếc răng sắc nhọn
có thể tấn công cả gấu Bắc cực, hải tượng luôn đặt con trên lưng để bảo
vệ chúng khỏi kẻ thù cũng như tránh cho con non bị đồng loại đè chết.
Hải tượng chăm sóc con non đến năm hai tuổi, đồng thời dạy cho chúng
những kỹ năng sinh tồn quý giá. Ảnh: Toptenz.
Dơi quỷ
Dơi quỷ chuyên hút máu là động vật bản địa ở châu Mỹ. Dơi mẹ thường nôn
ra máu đông mà nó hút được trước đó cho lũ con háu đói khi nguồn thức
ăn khan hiếm. Quá trình này kéo dài vài tháng cho tới lúc con non trưởng
thành và có thể tự săn mồi. Nếu con non mất mẹ sớm, nó sẽ được một con
dơi cái khác sống cùng hang nuôi nấng. Ảnh: Toptenz.
Sâu tai
Loài sâu tai sống ở châu Mỹ, châu Phi, châu Âu, Australia và New
Zealand và có thể phun ra hóa chất đe dọa kẻ săn mồi. Mỗi lần đẻ, con
cái chăm sóc cho 40-45 quả trứng bằng cách sưởi ấm, bảo vệ và làm sạch
nấm bám trên trứng. Nó cũng cho con ăn nước bọt của chính mình và thức
ăn nôn ra từ cơ thể cho đến khi lũ con lột xác lần thứ hai và sẵn sàng
tự kiếm mồi. Nếu con mẹ chết sớm, xác của nó sẽ trở thành nguồn thức ăn
cho lũ con. Ảnh: Toptenz.
Phương Hoa (theo Toptenz)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét