Hậu cảnh chính trị chuyến đi Hoa Kỳ của Đức Phanxicô
(Fri,
18/09/2015 - Vũ
Văn An –Vietcatholic.net)
Nhiều bình
luận gia cho rằng chuyến đi Cuba của Đức Phanxicô chỉ là khúc dạo đầu cho
chuyến vào Hoa Kỳ ngay sau đó, với mục đích nhắn nhe Hoa Kỳ không nên quên món
nợ cấm vận lâu dài người hàng xóm đáng thương của mình. Chuyến vào Hoa Kỳ mới
là đích nhắm chính của ngài. Điều này chính ngài xác quyết khi yêu cầu tín hữu
tại quảng trường nhà thờ Thánh Phêrô cầu nguyện cho chuyến đi Cuba và Hoa Kỳ.
Ngài nói: “Lý do chính của chuyến đi là
Cuộc Gặp Gỡ Lần Thứ Tám Các Gia Đình Thế Giới, sẽ diễn ra tại Philadelphia. Tôi
cũng sẽ tới trụ sở trung ương của Liên Hiệp Quốc nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày
thành lập”.
`
Catholic
World News khi loan tin trên, có nhận định rằng: Đức Phanxicô đặt “niềm hy vọng lớn lao” vào chuyến đi
này. Hôm qua, chúng tôi đã đề cập tới triển vọng của chuyến đi tại Cuba, hôm
nay, xin đề cập tới cùng triển vọng ấy tại Hoa Kỳ, bằng cách xem xét hậu cảnh
Hoa Kỳ cả trong khía cạnh chính trị, tôn giáo, lẫn công chúng nói chung.
Hậu
cảnh chính trị
Tuy lý do
chính của chuyến đi là tôn giáo, để củng cố đức tin của anh chị em mình, nhưng
Đức Phanxicô là vị giáo hoàng đầu tiên sẽ đọc diễn văn trước lưỡng viện quốc
hội Hoa Kỳ, nên chuyến đi của ngài dĩ nhiên có mầu sắc chính trị. Có điều, ngài
đến, lúc ông Obama sắp sửa từ nhiệm và cuộc bầu cử người thay thế ông thì chưa
chính thức bắt đầu, nên khía cạnh đảng phái hay phe phái không hề được ai nêu
lên.
Vậy thử
hỏi, hậu cảnh chính trị Hoa Kỳ đối với người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo hiện
nay ra sao?
Đức
tin ra công khai
Theo Linh
Mục Christopher Collins, Dòng Tên, giáo sư thần học tại Đại Học St Louis, hiện
có sự chấp nhận rộng rãi hơn đối với Đạo Công Giáo trong đời sống chính trị Hoa
Kỳ. Thực vậy, thời gian đã thay đổi giúp các chính trị gia không còn phải che
đậy đức tin của mình nữa khi đảm nhiệm chức vụ công, không như Tổng Thống John
F. Kennedy phải vất vả bênh vực đức tin của mình cách nay hơn nửa thế kỷ.
Cha nói
rằng “Càng ngày xem ra người ta càng sẵn
sàng biểu lộ các cam kết tôn giáo của mình trong lúc đảm nhiệm chức vụ công,
bất kể là người Dân Chủ hay người Cộng Hòa… Điều này thật tốt. Đây là một thứ
chuyển dịch dọc một hệ phổ từ tư riêng hóa qua một tổng hợp gắn bó đức tin nơi
những người phục vụ công vụ”.
Đọc diễn
văn trước lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ, Đức Phanxicô sẽ thấy 30% thính giả của
ngài tại đó là tín hữu Công Giáo.
Cha
Collins cho rằng giống như các vị tiền nhiệm Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI,
chủ đề về chính sách công của Đức Phanxicô là: đức tin Kitô Giáo phải mời gọi
ta dấn thân vào khu vực công bất kể các khó khăn và rủi ro. Cha quả quyết: “Đó là chủ đề nhất quán của Đức Phanxicô: ra
khỏi tính tự mãn của bạn và hãy để Giáo Hội phục vụ như một bệnh viện dã chiến,
và bạn chỉ tổ sinh bệnh trong tư cách bản thân hay trong tư cách Giáo Hội khi
hướng về chính bạn”.
John Carr,
giám đốc Sáng Kiến Về Tư Duy Xã Hội Công Giáo và Sinh Hoạt Công Cộng tại Đại
Học Georgetown cho rằng theo Đức Phanxicô, chính trị là ơn gọi đáng theo. Ông
viết: “Chúng ta hiện có nhiều người Công
Giáo đảm nhiệm ơn gọi này, và càng ngày càng có những người Công Giáo lãnh đạo cả Đảng Dân Chủ lẫn Đảng
Cộng Hòa”. Ông tin rằng Đức Phanxicô sẽ củng cố các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ,
theo nghĩa ra khỏi các khung ý thức hệ để nghĩ và hành động mới mẻ hơn.
Đa
nguyên Công Giáo tại quốc hội tạo cân bằng đảng phái
Một tác
giả khác, David Hawkings, cho rằng Quốc Hội sắp sửa nghe Đức Phanxicô đọc diễn
văn là quốc hội có tính Công Giáo nhất xưa nay, và lần đầu tiên, con số Công
Giáo ở cả hai đảng tại đây ngang ngửa bằng nhau.
Hai thập
niên trước đây, tức trước khi Chủ Tịch Hạ Viện John A. Boehner trở thành thành
viên của ban lãnh đạo Đảng Cộng Hòa để có thể khởi diễn diễn trình mời Đức Giáo
Hoàng nói chuyện, 27% các nhà lập pháp là Công Giáo nhưng chỉ có 1 phần 3 số
này là Cộng Hòa như ông mà thôi. Mãi một thế hệ sau và sau một vài triều giáo
hoàng, viễn ảnh của ông mới thành thực tại trên Đồi Capitol với một dân số đức
tin khác hẳn.
Trong khi
đất nước và các nhà lập pháp liên bang nói chung trở thành đa dạng hơn về tôn
giáo, thì dân số Công Giáo tại Quốc Hội đã tăng một cách đều đặn: 31% các nhà
làm luật hiện nay tự tuyên bố mình thuộc Giáo Hội Công Giáo trong khi chỉ có
22% cử tri của họ là Công Giáo mà thôi!
Và điều
cũng đáng lưu ý là việc gia tăng dân số Công Giáo tại Quốc Hội trội hẳn về phía
Cộng Hòa. Điều này càng thấy rõ hơn trong cuộc bầu cử đặc biệt gần đây nhất,
trong đó, Darin LaHood trở thành dân biểu mới nhất đại diện cho Illinois. Ông
là người Công Giáo La Mã thứ 83 trong hàng ngũ Cộng Hòa, tương hợp hoàn toàn
với con số Dân Chủ tại Quốc Hội thứ 114 vốn thừa nhận Đức Giáo Hoàng là nhà
lãnh đạo thiêng liêng của mình.
Theo
Michael Sean, một ký giả lão thành của tờ National Catholic Reporter và là tác
giả của “Left at the Altar: How Democrats
Lost the Catholics and How Catholics
Can Save the Democrats”, trong nhiều thập niên qua, sự cân bằng nói trên là
điều không thể không diễn ra.
Ông viết: “khi người Dân Chủ trở nên bị ám ảnh bởi nền chính trị bản sắc, phần lớn người da trắng thuộc giai cấp công nhân thấy mình bị bỏ rơi và bắt đầu đi tìm nhóm khác. Việc bầu rất nhiều người Công Giáo La Mã trong mấy năm gần đây chính là hệ quả”.
Ông viết: “khi người Dân Chủ trở nên bị ám ảnh bởi nền chính trị bản sắc, phần lớn người da trắng thuộc giai cấp công nhân thấy mình bị bỏ rơi và bắt đầu đi tìm nhóm khác. Việc bầu rất nhiều người Công Giáo La Mã trong mấy năm gần đây chính là hệ quả”.
Một phản
chiếu có tính biểu tượng của thế cân bằng nói trên sẽ xuất hiện trên màn hình
thế giới vào ngày 24 tháng Chín khi Đức Phanxicô biến diễn đàn Quốc Hội lần đầu
tiên thành tòa giảng của ngôi vị giáo hoàng. Ngồi phía sau ngài sẽ là chủ tịch
Công Giáo của Thượng Viện, Phó Tổng Thống Dân Chủ Joseph R. Biden; bên cạnh ông
là Boehner, người đang tiếp nối việc tôn giáo của mình nắm giữ chức chủ tịch Hạ
Viện nhiều lần nhất trong thời hiện đại (6 trong số 11 người được bầu chủ tọa
Hạ Viện từ Thế Chiến II là người Công Giáo; người thứ bẩy, là Newt Gingrich,
thuộc Đảng Cộng Hòa, nắm chức vụ này khi theo Baptist, nhưng sau đó đã trở lại
Công Giáo).
Trước mặt
Đức Phanxicô vào ngày 24 tháng Chín sẽ là một Quốc Hội nghiêng hẳn về phía Công
Giáo, chỉ vì Đảng Cộng Hòa đang nắm đa số cả hai viện. Và dù cả Vatican lẫn
giới lãnh đạo Hoa Kỳ mô tả chuyến viếng thăm của ngài hoàn toàn không dính dáng
gì tới nghị trình chính trị quốc nội, màn hình ngày đó buộc người ta phải đặt
câu hỏi: Đảng nào được quản trị bởi những người Công Giáo “tốt hơn”, người Cộng Hòa dưới quyền điều khiển của những người bảo
thủ chuyên chú tâm cổ vũ tự do cá nhân và tính tháng thiêng của sự sống, hay
người Dân Chủ dưới quyền kiểm soát của những người cấp tiến chỉ chú tâm tới
việc quản trị môi sinh và đấu tranh chống bất bình đẳng?
Obama
mời những người bất đồng Công Giáo đón Đức Phanxicô
Có lẽ vì
thế, theo Tiến Sĩ Thomas D. Williams của A.P., trong một cử chỉ khiếm nhã chính
trị, Tổng Thống Obama cho mời một số cá nhân công khai chống đối giáo huấn Công
Giáo, trong đó có một nữ tu phò phá thai, một phụ nữ đổi giống và một giám mục
công khai sống đồng tính thuộc Giáo Hội Trưởng Lão, cùng hai nhà hoạt động đồng
tính Công Giáo, dự buổi tiếp đoán Đức Phanxicô tại Nhà Trắng.
Một trong
những người được mời, giám mục Trưởng Lão đã về hưu, Gene Robinson, từng tạo
lịch sử bằng cách trở thành giám mục đầu tiên công khai sinh hoạt đồng tính vào
năm 2003 và sau đó cũng là giám mục đầu tiên ly dị người bạn đời đồng tính năm
2014, sau khi đã ly thân trước đó với người vợ 14 năm của ông ta. Ông ta từng
tham dự một số biến cố tôn giáo cùng với ông Obama, đọc lời cầu nguyện khi
Obama nhậm chức năm 2009 và tham dự Buổi Toàn Quốc Ăn Sáng Cầu Nguyện năm 2014.
Mateo
Williamson, một phụ nữ mặc đồ đàn ông và trước đây là đồng chủ tịch Ban Lãnh
Đạo Đổi Giống của Dignity USA, cũng đã được mời dự buổi tiếp đón Đức Phanxicô
tại Nhà Trắng. Williamson nói rằng dù nay “nàng” nghĩ mình là đàn ông, “nàng” vẫn tiếp tục bị phái nam lôi
cuốn.
Dù Đức
Phanxicô cho hay ngài không muốn kết án ai và sẵn sang chào đón mọi người nhân
danh Chúa Kitô, nhưng ngài cũng nói rằng người Công Giáo không chấp nhận não
trạng đổi giống hiện nay và cho rằng hôn nhân đồng tính là “mưu toan phá hủy kế hoạch Thiên Chúa” của ma qủy.
Ngài viết
trong Laudato Si’ rằng “chấp nhận thân
xác ta như một hồng phúc Chúa ban là điều sinh tử đối với việc chào đón và chấp
nhận toàn bộ thế giới như một hồng phúc Chúa Cha ban cho… Trong khi nghĩ rằng
ta có quyền tuyệt đối trên thân xác là nghĩ rằng ta có quyền tuyệt đối trên tạo
thế”.
Đầu tháng
này, Tòa Thánh chính thức tuyên bố những người đổi giống không được làm cha mẹ
đỡ đầu lúc rửa tội.
Nữ Tu
Simone Campbell, một người khác được Obama mời đón Đức Phanxicô, là giám đốc
điều hành phò phá thai của hệ thống vận động hành lang gọi là NETWORK. Nữ Tu
này từng chống lại Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ trong cuộc đấu tranh của Hội Đồng
này với Chính Phủ Obama về Đạo Luật Y Tế. Nữ Tu Campbell sẽ có mặt tại hai buổi
đón tiếp Đức Phanxicô: một tại Nhà Trắng, một tại Quốc Hội.
Mạo
nhận chính nghĩa chung
Xét cho
cùng, Obama chỉ hành động nhất quán với quan điểm xưa nay của ông mà thôi. Ông
nói ông vốn có cảm tình nồng hậu với Đức Phanxicô, gọi ngài là “nhà lãnh đạo đầy biến cải” mà ảnh hưởng
đã vượt quá cộng đồng Công Giáo La Mã. Ông cho rằng Đức Giáo Hoàng ủng hộ nhiều
vấn đề được chính ông tìm cách thăng tiến, trong đó có vấn đề hâm nóng hoàn
cầu, nghèo đói, và chính sách ngoại giao đối với Iran và Cuba.
Phó Tổng
Thống Joe Biden, một người Công Giáo, cũng nghĩ thế. Ông tuyên bố: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thổi sự sống mới
vào điều tôi tin là sứ mệnh chính của đức tin ta: học thuyết xã hội Công Giáo”.
Ông nói
thêm: Đức Phanxicô “đã trở thành bánh lái
luân lý cho thế giới trong một số vấn đề quan trọng nhất thời ta, từ bất bình
đẳng tới thay đổi khí hậu”.
Cả Obama
lẫn Biden đều không nhắc gì tới các vấn đề cũng rất sâu xa khác về xã hội như
phá thai, hôn nhân đồng tính mà cả hai người đều rất tự hào về thành tích. Hai
vấn đề ấy chắc chắn là nòng cốt trong các sứ điệp của Đức Phanxicô tại Hoa Kỳ,
nơi diễn ra Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới Lần Thứ Tám.
Không phải
lần đầu tiên Obama cố tình phớt lờ các vấn đề ấy. Năm ngoái khi đến yết kiến
Đức Phanxicô tại Vatican, ông đã mâu thuẫn với tường trình của các viên chức Tòa
Thánh khi cho rằng hai người không thảo luận chi tiết các vấn đề xã hội. Theo
các viên chức Tòa Thánh, hai người đã thảo luận về tự do tôn giáo, về sự sống,
và quyền phản kháng lương tâm, cố ý nói tới phá thai, kiểm soát sinh sản và
luật ý tế của Obama.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét