( Chúa Nhật XXV TN, năm B )
(13 - 09- 2015 - TRẦM THIÊN THU)
Hằng ngày, các tín hữu Công giáo làm dấu
Thánh Giá nhiều lần: “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần”.
Một tín hữu bình thường thì người ta làm dấu khi thức dậy, khi tham dự Thánh
Lễ, khi cầu nguyện, khi đọc kinh, khi ăn (cơm, phở, bánh,…), khi đi ngủ. Một
tín hữu biết mình yếu đuối thì họ còn làm dấu khi uống nước, khi ăn vặt, khi
chạy xe, khi làm thơ, khi viết nhạc, khi viết bài, khi dịch thuật,… Nói chung,
bất cứ làm gì, chúng ta đều làm nhân danh Thiên Chúa chứ không nhân danh bất cứ
ai hoặc thứ gì khác, như Thánh Phaolô khuyên: “Dù ăn, dù uống, hay làm
bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1 Cr 10:31),
và “Hãy làm mọi sự vì đức ái” (1 Cr 16:14).
Khi nói đến “nhân danh”, chúng ta nhớ tới Tổng lãnh Thiên thần Micae – một đại
anh hùng chiến đấu để bênh vực Chân Lý và Công Lý, nhân danh Thiên Chúa. Ngài
là người thách đố: “Ai bằng Thiên Chúa?”.
Khi nhân danh người nào hoặc điều gì, cũng
có những người “mạo danh” để làm điều sai trái, thay vì làm
điều nhân nghĩa. Đó là “nhân danh” cái ác, một dạng giả hình mà chúng
ta cần cảnh giác cao độ – cảnh giác với người khác và với chính mình. Thực tế
đã và đang cho chúng ta thấy có những kẻ “mạo
danh” để trục lợi cá nhân – ngoài đời cũng có đầy mà trong tôn giáo cũng
chẳng thiếu.
Thời Cựu Ước, những kẻ xấu đã “nhân danh” sự ác mà vào hùa với nhau: “Ta
hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các
việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo”
(Kn 2:12). Khi nhân danh điều gì, đôi khi người ta cũng dễ bị ảo tưởng hoặc
suy nghĩ lệch lạc. Gọi là nhân danh điều tốt này hoặc sự thiện kia, nhưng thực
chất có thể chỉ là nhân danh mình – tức là muốn chứng tỏ “bản lĩnh” của mình mà thôi. Dạng này rất tinh vi, chúng ta phải
thực sự cảnh giác kẻo “sập bẫy” mưu
ma chước quỷ!
Tư tưởng xấu sinh ra ước muốn xấu, ước muốn
xấu sinh ra hành động xấu, hành động xấu là nhân danh cái ác. Những kẻ xấu cũng
tưởng người khác cũng xấu như mình nên họ nghi ngờ người khác. Họ lý luận: “Ta
hãy coi những lời nó nói có thật không, và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế
nào. Nếu tên công chính là con Thiên Chúa, hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi
tay địch thù. Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao, và thử
xem nó nhẫn nhục đến mức nào. Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó
nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm” (Kn 2:17-20). Chính Chúa Giêsu cũng
đã bị những kẻ xấu thách thức tương tự!
Những người công chính, tâm địa ngay thẳng,
nhưng đôi khi vẫn gặp tai ương. Không phải là Thiên Chúa không biết hoặc làm
ngơ, nhưng Ngài tôn trọng luật tự nhiên. Khi thực sự cần thiết thì Ngài mới ra
tay. Những người tín thác vào Thiên Chúa thì luôn chân thành khấn cầu: “Lạy
Thiên Chúa, xin dùng uy danh mà cứu độ, lấy quyền năng Ngài mà xử cho con. Lạy
Thiên Chúa, xin nghe con nguyện cầu, lắng tai nghe lời con thưa gửi. Phường
kiêu ngạo nổi lên chống đối, bọn hung tàn tìm hại mạng sống con, chúng không kể
gì đến Thiên Chúa. Nhưng này có Thiên Chúa phù trì, thân con đây, Chúa hằng
nâng đỡ” (Tv 54:3-6).
Quả thật như vậy, vì Ngài biết rõ ai như
thế nào, mạnh hay yếu, và Ngài không bắt chúng ta chịu đựng quá sức mình. Vấn
đề quan trọng là chúng ta phải biết nhận ra ơn độ trì của Thiên Chúa, như tác
giả Thánh Vịnh thầm hứa: “Con tự nguyện dâng Ngài lễ tế, lạy Chúa, con
xưng tụng danh Ngài, thật danh Ngài thiện hảo!” (Tv 54:8).
Ai tin tưởng và hành động nhân danh Thiên
Chúa thì chắc chắn sẽ không lầm đường lạc lối, vì Chúa Giêsu đã xác định: “Tôi
là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ
nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8:12).
Cụ thi hào Nguyễn Du đã nhận định và so
sánh: “Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI” (Truyện Kiều). Cái “tâm” vô cùng quan trọng trong đời sống
con người. Ai cũng có lương tâm, nhưng vấn đề là lương tâm đó đúng đắn hay lệch
lạc. Thánh Giacôbê đặt vấn đề: “Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở
đấy có xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa. Đức khôn ngoan Chúa ban làm cho con
người trở nên trước là thanh khiết, sau là hiếu hoà, khoan dung, mềm dẻo, đầy
từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị, cũng chẳng giả hình.
Người xây dựng hoà bình thu hoạch được hoa trái đã gieo trong hoà bình, là cuộc
đời công chính” (Gc 3:16-18).
Chắc chắn ai cũng biết lợi ích của cái tâm
chân chính, nhưng biết là biết vậy, cố gắng áp dụng hay không lại là chuyện
khác. Cổ nhân nói: “Tâm phẫn xí tắc bất đắc kỳ chính”. Từ cái tâm
sẽ sinh ra nhiều hệ lụy khác, thậm chí ảnh hưởng cả sức khỏe thể lý.
Thánh Giacôbê tiếp tục phân tích: “Bởi đâu có chiến
tranh, bởi đâu có xung đột giữa anh em? Chẳng phải là bởi chính những khoái lạc
của anh em đang gây chiến trong con người anh em đó sao? Thật vậy, anh em ham
muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được gì,
nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có, là vì anh em
không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong
việc hưởng lạc” (Gc 4:1-3). Hệ lụy rạch ròi, tất yếu. Đúng là “lỗi tại tôi mọi đàng” chứ chẳng lỗi tại
ai ráo trọi!
Cái thiện ý hoặc thiện tâm rất quan trọng, ngược lại thì rất
nguy hiểm với ác ý hoặc dã tâm: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác
lạnh người sáu tháng ròng”. Trong đêm Con Thiên Chúa giáng sinh, đạo binh
chư thần đã đồng ca: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 1:14).
Điều đó cho thấy sự thiện tâm là điều kiện tất yếu để được Thiên Chúa yêu thương,
nhờ đó mà quyết tâm chỉ nhân danh sự thiện mà thôi.
Trình thuật Mc 9:30-36 cho chúng ta biết về hai vấn đề quan yếu
mà chính Chúa Giêsu muốn giáo huấn mỗi chúng ta: Lớn – nhỏ, và thuận – nghịch.
Một lần nọ, Chúa Giêsu và các môn đệ đi băng qua miền Galilê.
Ngài không muốn cho ai biết, vì Ngài đang “bật
mí” cho các môn đệ biết chuyện hệ trọng: “Con Người sẽ bị nộp vào
tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ
sống lại”. Tuy nhiên, các ông y như vịt nghe sấm, chẳng hiểu gì cả. Vả lại,
các ông vừa sợ vừa ngại nên không dám hỏi lại Sư Phụ.
Sau đó, Thầy và trò cùng đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới
nhà, Ngài hỏi các ông:“Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?”. Ui
da! Rỉ tai nhau thế mà Thầy cũng cũng biết. Chết thật! Vì thế, các ông nhìn
nhau nhưng im thin thít, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người
lớn hơn cả. Thánh sử Mác-cô cho biết rõ là các môn đệ “cãi nhau”, chứng tỏ vấn
đề nghiêm trọng chứ không đơn giản. Họ tranh giành về chuyện “cao – thấp”, về chức quyền. Vấn đề này
cũng vẫn thường xảy ra trong chúng ta ngày nay.
Ngài ngồi xuống, có lẽ Ngài rất buồn khi thấy các đệ tử vẫn tục
lụy, vẫn hám danh và mê lợi như vậy, rồi Ngài gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai
muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi
người”. Đó là đức khiêm nhường. Ý tưởng của Ngài hoàn toàn trái ngược với
chúng ta. Kế đó, Ngài đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy
nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón
chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp
đón Đấng đã sai Thầy”. Một chuỗi hệ lụy kỳ diệu quá!
Đó là vấn đề thứ nhất: Vấn đề lớn – nhỏ, cao – thấp. Vấn đề thứ
nhì là thuận – nghịch. Khi đó, ông Gioan nói với Chúa Giêsu: “Thưa
Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn
cản, vì người ấy không theo chúng ta”. Nghe vậy, Ngài liền khoát tay và nói
ngay: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm
phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống
lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.
Động thái của Chàng trai trẻ Gioan nhắc nhở chúng ta một điều:
Đừng tưởng mình ngon người khác, đừng tưởng mình có quyền hơn người khác. Vì
thế mà coi thường người khác, khinh miệt hoặc ghét bỏ người khác. Từ hệ lụy này
sinh ra hệ lụy khác. Cứ “tưởng rằng”
như vậy là mạo nhận, là ảo tưởng, là kiêu ngạo! Tương tự, TIN mình được Chúa
yêu thì không là kiêu ngạo, nhưng TƯỞNG mình được Chúa yêu thì lại là kiêu
ngạo. Cái “khoảng cách” giữa TIN và
TƯỞNG rất mong manh.
Kiêu ngạo là đối lập với Đức Kitô, vì Ngài là Đấng có “lòng hiều hậu và khiêm nhường” (Mt 11:29). Đồng thời hãy nhớ lại lời Kinh Ngợi Khen
(Magnificat) của Đức Maria:“Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao
mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1:52).
Ước gì mỗi khi gặp nhau, dù là bất kỳ ai, chúng ta có thể chân
thành nói với nhau:“Chúng tôi chúc lành cho anh em nhân danh Chúa” (Tv
129:8).
Lạy Thiên Chúa, xin giúp con luôn biết nhân danh Ngài mà thực
hiện bất cứ điều gì, từ suy nghĩ tới hành động, từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn.
Vâng, lạy Thiên Chúa, con thật lòng ước muốn và cố gắng thực hiện như vậy. Xin
Ngài hướng dẫn con mọi nơi và mọi lúc. Xin Tổng lãnh Thiên thần Micae nguyện
giúp cầu thay. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại.
Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét