Trọn cuộc phỏng vấn Đức Phanxicô trên đường từ Philadelphia về Rôma
(Wed,
30/09/2015 - Vũ Văn An – Vietcatholic.net)
Đức
Phanxicô: Chào
buổi tối tất cả các bạn và cám ơn các bạn vì đã đi khắp nơi này tới nơi nọ, tôi
thì ngồi xe còn các bạn thì… xin cám ơn các bạn nhiều lắm.
Elizabeth
Dias, Tạp Chí Time:
Thưa Đức Thánh Cha, con xin cám ơn Đức Thánh Cha, con là Elizabeth Dias của tạp
chí TIME. Tất cả chúng con đều rất tò mò… Đây là chuyến viếng thăm Hoa Kỳ lần
đầu tiên của Đức Thánh Cha. Điều gì làm Đức Thánh Cha ngạc nhiện về Hoa Kỳ và
nó khác ra sao so với những gì Đức Thánh Cha có thể đã nghĩ tưởng?
Đức
Phanxicô: Đây quả
là chuyến thăm đầu tiên của tôi. Trước đây, tôi chưa đến đó bao giờ. Điều làm
tôi ngạc nhiên là sự nồng hậu, sự nồng hậu của dân chúng, đáng yêu xiết bao.
Thật là một điều đẹp đẽ và cũng dị biệt nữa: ở Washington việc nghinh đón nồng
hậu nhưng hơi trịnh trọng hơn; New York thì có đôi chút hoa mỹ. Philadelphia
thì hết sức diễn cảm. Ba loại nghinh đón khác nhau. Tôi rất cảm kích bởi sự tốt
bụng và nghinh đón này nhưng cũng bởi các buổi lễ tôn giáo và lòng đạo đức nữa,
tinh thần tôn giáo của dân chúng… các bạn có thể thấy người người ta cầu nguyện
và điều này gây nhiều ấn tượng đối với tôi. Thật là đẹp.
Elizabeth
Dias, Tạp chí Time:
Có loại thách đố nào mà Đức Thánh Cha không nghĩ sẽ gặp ở Hoa Kỳ không?
Đức
Phanxicô: Không,
cám ơn Chúa, không… mọi sự đều tốt. Không có thách đố nào cả. Không có khiêu
khích nào cả. Mọi người đều lịch thiệp. Không nhục mạ và không có gì tệ cả.
Elizabeth
Dias, Tạp chí Time:
Vậy, đâu là thách đố?
Đức
Phanxicô: Chúng ta
phải tiếp tục làm việc với các tín hữu, như chúng ta vốn làm xưa nay, cho tới
nay. Đồng hành với người ta trong sự tăng trưởng của họ, trong những lúc thuận
lợi lẫn trong những lúc khó khăn, đồng hành với ngườì ta trong niềm vui của họ
và trong những thời khắc xấu của họ, trong những khó khăn của họ lúc không có
việc làm, sức khỏe kém. Thách đố của Giáo Hội, thì nay tôi hiểu: thách đố của
Giáo Hội là gần gũi người ta. Gần Hiệp Chúng Quốc… chứ không phải một Giáo Hội
tách xa dân chúng, mà phải gần gũi họ, gần gũi, gần gũi, đây là điều mà Giáo
Hội ở Hoa Kỳ đã hiểu và đã hiểu rõ.
David
O’Reilly, Báo Philadelphia Inquirer: Thưa Đức Thánh Cha, như Đức Thánh Cha biết, Philadelphia
đã có lúc gặp thời rất khó khăn vì nạn lạm dụng tình dục. Nó vẫn còn là vết
thương mở toang tại đó. Nên con biết nhiều người tại Philadelphia ngạc nhiên
khi Đức Thánh Cha khuyến khích và an ủi các vị giám mục và con nghĩ nhiều người
tại đó muốn hỏi tại sao Đức Thánh Cha lại cảm thấy cần phải tỏ cảm thương với
các vị giám mục?
Đức
Phanxicô: Ở
Washington, tôi nói chuyện với mọi giám mục Hoa Kỳ… không phải các vị ở cả đó
hay sao? Tôi cảm thấy cần bày tỏ cảm thương vì một điều thực sự đáng sợ đã xẩy
ra. Và nhiều vị phải chịu mà không biết. Tôi đã dùng lời lẽ từ Thánh Kinh, Sách
Khải Huyền: Các hiền huynh đến từ cuộc thống khổ lớn lao. Điều xẩy ra quả là
một thống khổ lớn lao. Nhưng cũng là sự đau khổ (về xúc cảm). Điều hôm nay tôi
đã nói với các nạn nhân bị lạm dụng. Tôi không nói tới một cuộc phong thần
(apotheosis) mà là một cuộc phạm thánh. Ta biết lạm dụng diễn ra khắp nơi:
trong gia đình, trong khu xóm, tại học đường, phòng thể dục. Nhưng khi một linh
mục lạm dụng, thì đây là một lạm dụng hết sức trầm trọng vì ơn gọi của linh mục
là làm cho bé trai ấy, bé gái ấy tăng trưởng hướng về tình yêu Thiên Chúa,
hướng về sự trưởng thành, và hướng về điều thiện. Thay vào đó, sự tăng trưởng
này bị nghiền nát, thì điều này gần như một tội phạm thánh vì vị linh mục này
đã phản bội ơn gọi của mình, phản bội ơn gọi của Chúa. Vì thế, Giáo Hội rất
mạnh về vấn đề này và không ai được che đậy những tội này. Những ai che đậy
chúng đều có tội. Ngay một số giám mục cũng đã che đậy, đây là một điều đáng sợ
và lời lẽ khuyến khích không phải là nói: “Khỏi lo, điều này chẳng có sao…
không, không, không phải thế, nhưng nó xấu đến độ tôi tưởng các hiền huynh phải
gào to chứ”… đó là ý hướng tôi muốn nói và hôm nay tôi nói một cách mạnh mẽ.
Maria
Antonieta Collins, Univision: Đức Thánh Cha từng nói nhiều về sự tha thứ, rằng Thiên
Chúa tha thứ cho ta và ta thường xin Người tha thứ. Con muốn hỏi Đức Thánh Cha,
sau khi Đức Thánh Cha ở chủng viện hôm nay. Có nhiều linh mục phạm tội lạm dụng
tình dục trẻ vị thành niên nhưng chưa hề xin các nạn nhân tha thứ cho mình. Đức
Thánh Cha có tha thứ cho các vị này không? Và đàng khác, Đức Thánh Cha có hiểu:
các nạn nhân hoặc thân nhân của họ không thể va nhất định không muốn tha thứ không?
Đức
Phanxicô: Nếu một
người làm sai, ý thức được điều mình làm mà lại không xin lỗi, thì tôi xin
Thiên Chúa tính sổ họ. Tôi thì tôi tha thứ cho họ, nhưng họ không nhận được sự
tha thứ, vì họ tự đóng cửa trước sự tha thứ này. Còn nhận được sự tha thứ hay
không lại là chuyện khác. Nếu một linh mục tự đóng cửa trước tha thứ, thì ngài
sẽ không nhận được nó, vì ngài đã đóng cửa từ bên trong. Điều còn lại là cầu
xin Chúa mở cánh cửa đó. Muốn tha thứ, chị phải sẵn lòng. Nhưng không phải ai
cũng nhận được hay biết cách nhận được nó, hay đơn thuần không sẵn lòng tiếp
nhận nó. Điều tôi nói khá khó. Cho nên chị đã giải thích việc có những người
đến cuối đời vẫn cứng lòng, một cách rất tệ, không nhận được sự dịu hiền của
Thiên Chúa.
Maria
Antonieta Collins, Univision: Về các nạn nhân hoặc thân nhân không tha thứ, Đức Thánh
Cha có hiểu họ không?
Đức
Phanxicô: Có, tôi
hiểu họ. Và tôi không phê phán họ. Có một lần, trong các cuộc gặp gỡ này, tôi
gặp một số người và tôi gặp một phụ nữ nói với tôi: “khi má con khám phá ra con
bị lạm dụng, má con trở nên phạm thượng, mất luôn đức tin và chết như một người
vô thần”. Tôi hiểu người phụ nữ ấy. Tôi hiểu ở đây. Và Thiên Chúa, Đấng tốt hơn
tôi nhiều, hiểu bà ấy. Và tôi tin chắc người phụ nữ ấy đã được Thiên Chúa tiếp
nhận. Vì điều bị lạm dụng, điều bị hủy hoại chính là huyết nhục của chính bà,
huyết nhục con gái bà. Tôi hiểu bà ấy. Tôi không phán đoán người không thể tha
thứ. Tôi chỉ biết cầu xin và tôi cầu xin Thiên Chúa… Thiên Chúa là vô địch
trong việc tìm ra cách giải quyết. Tôi xin Người điều chỉnh việc ấy.
Andres
Beltramo, Notimex:
Cám ơn Đức Thánh Cha, trước nhất vì giây phút này. Tất cả chúng con đã được
nghe Đức Thánh Cha nói nhiều về diễn trình hòa bình ở Colombia giữa FARC và
chính phủ. Nay, đang có một thỏa hiệp lịch sử. Đức Thánh Cha có cảm thấy muốn
can dự vào thỏa hiệp này hay không vì Đức Thánh Cha có lần cho hay Đức Thánh
Cha muốn đi Colombia khi thỏa hiệp này được đưa ra, có đúng không ạ? Hiện nay,
có nhiều người Colombia đang chờ Đức Thánh Cha .
Đức
Phanxicô: Khi tôi
nghe tin rằng vào tháng Ba thỏa hiệp sẽ được ký kết, tôi thưa với Chúa, “Lạy
Chúa, xin giúp chúng con mau tới tháng Ba”. Sự sẵn lòng đã có đó giữa đôi bên.
Nó đã có đó, dù trong một nhóm nhỏ, mọi người đã thỏa hiệp. Chúng ta phải tiến
tới tháng Ba, để ký thoả hiệp dứt khoát, vốn là trọng điểm của công lý quốc tế.
Tôi rất sung sướng và cảm thấy như mình là một thành phần của thỏa hiệp vì tôi
luôn muốn có nó. Tôi đã nói với Tổng Thống Santos hai lần về vấn đề này. Không
phải chỉ một mình tôi mà cả Tòa Thánh. Tòa Thánh luôn sẵn lòng giúp đỡ và làm
những gì có thể.
Thomas
Jansen, CIC:
Thưa Đức Thánh Cha, con muốn hỏi một điều về cuộc khủng hoảng tỵ nạn tại Âu
Châu. Nhiều nước đã dựng rào cản bằng kẽm gai. Đức Thánh Cha nghĩ gì về việc
khai triển như thế?
Đức
Phanxicô: Anh dùng
chữ khủng hoảng. Nó trở thành khủng hoảng sau một diễn trình lâu dài. Trong
nhiều năm, diễn trình này đã nổ tung vì các cuộc chiến tranh khiến những người
này ra đi và trốn chạy là những cuộc chiến tranh đã diễn ra trong nhiều năm.
Đói. Đói nhiều năm rồi. Khi tôi nghĩ tới Phi Châu… thì đây là quan điểm quá đơn
sơ. Nhưng tôi coi nó như một điển hình. Tôi nghĩ tới Phi Châu, “lục địa bị bóc
lột”. Họ tới đó lượm nô lệ, rồi các tài nguyên vĩ đại của nó. Nó là lục địa bị
bóc lột. Và nay, chiến tranh, chiến tranh bộ lạc hay không bộ lạc. Nhưng họ có
quyền lợi kinh tế ở phía sau các cuộc chiến tranh này. Và tôi nghĩ rằng thay vì
bóc lột một lục địa hay một quốc gia, hãy đầu tư ở đó để người ta có thể làm việc,
thì cuộc khủng hoảng này sẽ tránh được. Quả thực, như tôi đã nói trước Quốc Hội
(Hoa Kỳ), đây là cuộc khủng hoảng tỵ nạn chưa từng thấy kể từ Thế Chiến Hai. Nó
là cuộc khủng hoảng lớn nhất. Anh hỏi tôi về các rào cản. Anh biết điều gì xẩy
ra cho mọi bức tường. Mọi bức. Mọi bức tường đều sụp đổ. Nay, mai hay trong một
trăm năm nữa, chúng sẽ sụp đổ. Đó không phải là giải pháp. Tường không phải là
một giải pháp. Vào lúc này đây, Âu Châu đang gặp khó khăn, đúng thế. Chúng ta
phải thông minh. Chúng ta phải tìm ra các giải pháp. Chúng ta phải khuyến khích
đối thoại giữa các quốc gia khác nhau, để tìm ra các giải pháp. Các bức tường
không bao giờ là giải pháp cả. Nhưng các cầu thì luôn luôn, luôn là giải
pháp.Tôi không biết. Điều tôi nghĩ là các bức tường có thể kéo dài trong một
thời gian ngắn hay trong một thời gian dài. Vấn đề còn đó và hận thù thì vẫn
nhiều hơn. Đó là điều tôi suy nghĩ.
Jean Marie
Guenois, Báo Le Figaro:
Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha hiển nhiên không thể dự ứng cuộc thảo luận
của các nghị phụ thượng hội đồng, chúng con biết rõ điều đó. Nhưng chúng con
muốn biết ngay trước thượng hội đồng này, trong trái tim mục tử của Đức Thánh
Cha, liệu Đức Thánh Cha có thực sự muốn một giải pháp cho người ly dị và tái
hôn không. Chúng con cũng muốn biết liệu “tự sắc” của Đức Thánh Cha về việc làm
nhanh diễn trình tuyên bố vô hiệu có đã đóng được cuộc thảo luận này chưa. Cuối
cùng, Đức Thánh Cha trả lời ra sao cho những người sợ rằng việc cải tổ này,
thực tế, đã tạo ra điều vốn được gọi là “ly dị kiểu Công Giáo”. Xin cám ơn Đức
Thánh Cha.
Đức
Phanxicô: Tôi xin
bắt đầu với vấn đề cuối cùng. Trong việc cải tổ thủ tục và cách tôi đóng cửa
đối với đường lối có tính hành chánh, là đường lối qua đó việc ly dị có thể
được dẫn khởi. Các bạn có thể cho rằng những ai nghĩ đây là “ly dị theo kiểu
Công Giáo” là sai, vì văn kiện mới nhất đã đóng cửa đối với việc ly dị. Vì với
phương thức hành chánh, rất dễ ly dị. Sẽ luôn luôn có phương thức pháp lý. Tiếp
đến câu hỏi thứ ba: văn kiện… tôi không nhớ câu hỏi thứ ba nhưng bạn có thể sửa
sai.
Jean Marie
Guenois, Báo Le Figaro:
Câu hỏi là về ý niệm ly dị theo kiểu Công Giáo, liệu tự sắc có đã đóng cửa cuộc
tranh luận trước khi có thượng hội đồng về chủ đề này chưa.
Đức
Phanxicô: Điều này
đã được đa số nghị phụ của thượng hội đồng năm ngoái yêu cầu: giản dị hóa thủ
tục vì có những vụ kéo dài cả mươi, mười lăm năm, không đúng sao? Phán quyết
thứ nhất rồi lại phán quyết thứ hai, và sau đó, còn kháng án nữa, hết kháng án
này tới kháng án nọ. Không bao giờ chấm dứt. Phán quyết kép, khi việc kháng án
có giá trị, đã được ấn định bởi Đức Thánh Cha Lambertini, tức Đức Bênêđíctô
XIV, vì ở miền trung Âu Châu, tôi sẽ không nói nước nào, có nhiều lạm dụng, và
để chấm dứt các lạm dụng này, ngài đã đưa ra thể thức này nhưng nó không phải
là điều chủ yếu đối với diễn trình. Thủ tục thay đổi, pháp chế thay đổi, trở
nên tốt hơn. Vào thời đó, cần thiết phải làm như thế, rồi Đức Piô X muốn hợp lý
hóa và đưa ra một số thay đổi nhưng ngài không có thì giờ hay khả năng làm điều
này. Các nghị phụ Thượng Hội Đồng yêu cầu việc hợp lý hóa này, tức làm nhanh
chóng diễn trình tuyên bố vô hiệu. Và tôi dừng ở đó. Văn kiện này, “tự sắc” này
làm dễ diễn trình và vấn đề thì giờ, nhưng đây không phải là ly dị vì hôn nhân
là bất khả tiêu nếu là bí tích. Và điều này Giáo Hội không thể thay đổi. Đây là
tín lý. Đây là bí tích bất khả tiêu. Xử theo luật là chứng minh rằng điều xem
ra là bí tích thực ra không phải là bí tích, vì thiếu tự do chẳng hạn, hay
thiếu chín chắn, hoặc mắc bệnh tâm thần. Có thật nhiều lý do để tuyên bố vô
hiệu, sau khi đã nghiên cứu, điều tra. Rằng đó không hề là bí tích. Thí dụ,
người ta không được tự do. Một thí dụ khác: bây giờ thì không thông thường lắm
nhưng trong một số khu vực của xã hội bình thường, ít nhất tại Buenos Aires, có
những đám cưới lúc người đàn bà có thai: “mày phải được cưới hỏi”. Ở Buenos
Aires, tôi đã khuyến cáo các linh mục, một cách mạnh mẽ, gần như ngăn cấm họ cử
hành các đám cưới trong những điều kiện như thế. Chúng ta gọi những đám cưới
này là “đám cưới cấp tốc”, phải không? Để che đậy mặt mũi. Rồi các trẻ thơ sinh
ra đời, một số vụ xong xuôi nhưng không hề có tự do và rồi sự việc dần dần ra
tồi tệ khiến họ chia tay mà nói “tôi bị bó buộc phải kết hôn vì chúng tôi phải
che đậy tình huống này nọ” và đây là một lý do để tuyên bố vô hiệu. Rất nhiều
lý do như thế. Các vụ vô hiệu, các bạn có, các bạn có thể tìm thấy các lý do
này trên liên mạng, nhiều lắm, đúng không? Rồi vấn đề các đám cưới lần thứ hai,
của những người ly dị, tạo ra một cuộc kết hợp mới. Các bạn đọc gì, các bạn có
“Tài Liệu Làm Việc”, điều được đưa vào cuộc tranh luận, đối với tôi, xem ra hơi
quá đơn giản hóa khi nói rằng Thượng Hội Đồng là giải pháp cho những người này
và những người này có thể được rước lễ. Đây không phải là giải pháp duy nhất.
Không, điều được “Tài Liệu Làm Việc” đề nghị nhiều hơn thế nhiều, và vấn đề kết
hợp mới của các người ly dị cũng không phải là vấn đề duy nhất. Trong “Tài Liệu
Làm Việc” còn nhiều vấn đề hơn nữa. Thí dụ, giới trẻ không chịu kết hôn chẳng
hạn. Họ không muốn kết hôn. Đây là một vấn đề mục vụ đối với Giáo Hội. Một vấn
đề khác: tính chín chắn về xúc cảm để kết hôn. Một vấn đề khác nữa: đức tin.
“con có tin rằng cuộc hôn nhân này vĩnh viễn không? Có, có, có, con tin”.
"Nhưng con có tin điều này không?" tức việc chuẩn bị hôn nhân: tôi
thường hay nghĩ rằng để trở thành một linh mục, người ta cần chuẩn bị tới 8
năm, ấy thế nhưng đâu có gì là nhất định, Giáo Hội vẫn có thể cất cái bậc giáo
sĩ khỏi bạn. Nhưng đối với 1 điều kéo dài suốt đời, họ làm tới 4 khóa! Bốn lần…
Hẳn có điều gì không đúng ơ đây. Đó là điều Thượng Hội Đồng phải đối phó: phải
chuẩn bị hôn nhân như thế nào. Đây là một trong những điều hết sức khó khăn.
Có nhiều
vấn đề, tất cả đều đã được liệt kê trong “Tài Liệu Làm Việc”. Nhưng, tôi thích
bạn hỏi về chuyện “ly dị theo kiểu Công Giáo”. Thứ đó không hề có. Đây cũng
không phải là hôn nhân, đây là tính vô hiệu, nó không hề hiện hữu. Mà nếu hôn
nhân đã hiện hữu, thì nó bất khả tiêu. Điều này rõ ràng. Cám ơn bạn.
Terry
Moran, Hãng Tin ABC News:
Thưa Đức Thánh Cha, xin cám ơn Đức Thánh Cha, xin cám ơn Đức Thánh Cha rất
nhiều và xin cám ơn cả các nhân viên Tòa Thánh nữa. Thưa Đức Thánh Cha, Đức
Thánh Cha có đến thăm Các Dì Dòng Tiểu Muội Người Nghèo và chúng con được nghe
rằng Đức Thánh Cha muốn chứng tỏ sự hỗ trợ của Đức Thánh Cha đối với họ và đối
với vụ kiện của họ trước tòa. Và, thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha có hỗ trợ
cả các cá nhân nào, kể luôn các viên chức chính phủ, nói rằng trong lương tâm
tốt lành của họ, lương tâm bản thân của họ, họ không thể tuân hành một số luật
lệ hay thi hành các bổn phận của họ trong tư cách viên chức chính phủ, như
trong việc cấp chứng chỉ hôn thú cho các cặp đồng tính chẳng hạn. Đức Thánh Cha
có hỗ trợ các loại chủ trương tự do tôn giáo này không?
Đức
Phanxicô: Tôi
không thể lưu ý được mọi trường hợp hiện có về phản đối lương tâm. Nhưng, có,
tôi có thể nói phản đối lương tâm là một quyền, một phần của mọi nhân quyền. Nó
là một quyền. Và nếu một người không để người khác phản đối lương tâm, họ đã
bác bỏ một quyền. Việc phản đối lương tâm phải được đưa vào mọi cơ cấu pháp lý
vì nó là một quyền, một nhân quyền. Nếu không, kết cục chúng ta sẽ rơi vào tình
huống mình có thể quyết đoán điều gì là quyền (điều gì không) bằng cách nói
“quyền này đáng, quyền này không”. Nó là một nhân quyền. Tôi luôn luôn xúc động
mỗi lần đọc, và tôi đọc nhiều lần lắm, mỗi lần đọc “Bài Ca Roland” (“Chanson de
Roland”) trong đó mọi người đang ở trên chiến tuyến và trước mặt họ là giếng
rửa tội và họ buộc phải chọn giữa giếng rửa tội và thanh gươm. Họ buộc phải
chọn. Họ không được quyền phản đối lương tâm. Nó là một quyền và nếu ta muốn có
hòa bình, ta phải tôn trọng mọi thứ quyền.
Terry
Moran, Hãng tin ABC News:
Điều đó có bao gồm cả các viên chức chính phủ nữa không?
Stefano
Maria Paci, Hãng tin Sky News: Thưa Đức Thánh Cha, tại Liên Hiệp Quốc, Đức Thánh Cha đã
sử dụng các lời lẽ rất mạnh để tố cáo sự im lặng của thế giới đối với việc bách
hại các Kitô hữu, là những người đang bị tước đoạt nhà cửa, bị tống xuất, bị
tước đoạt tài sản, bị bắt làm nô lệ và bị sát hại dã man kiểu cầm thú. Hôm qua,
Tổng Thống Hollande công bố việc khởi đầu chiến dịch Pháp oanh kích các căn cứ
của ISIS tại Syria. Đức Thánh Cha nghĩ gì về hành động quân sự này? Thị trưởng
Rôma, thành phố của Năm Thánh (thương xót), cũng tuyên bố rằng ông đến Cuộc Gặp
Gỡ Các Gia Đình Thế Giới vì Đức Thánh Cha mời ông. Đức Thánh Cha có thể cho
chúng con biết đôi điều về việc này không?
Đức
Phanxicô: Tôi sẽ
bắt đầu với câu hỏi thứ hai của anh. Tôi không mời Thị Trưởng Marino. Điều này
rõ chứ? Tôi không mời và tôi có hỏi các người tổ chức và họ cũng không mời. Ông
ấy đến. Ông ấy tuyên bố ông là người Công Giáo và ông ấy đến một cách tự phát.
Đó là việc đầu tiên. Nhưng điều này rõ chứ hả? Và bây giờ về chuyện oanh kích.
Quả thực, tôi có nghe tin tức vào hôm kia, nhưng chưa đọc về tin này. Tôi không
biết nhiều về tình hình. Tôi được nghe: Nga đã đưa ra lập trường và chưa rõ về
Hiệp Chúng Quốc. Tôi thực không biết phải nói gì vì tôi không hiểu trọn vẹn
tình hình. Nhưng khi nghe chữ ném bom, chết chóc, máu xương… tôi nhắc lại những
điều đã nói tại Quốc Hội Hoa Kỳ và tại Liên Hiệp Quốc, để tránh các điều này.
Nhưng tôi không biết, tôi không thể phán đoán tình hình chính trị vì tôi không
biết đủ về nó.
Miriam
Schmidt, Thông Tấn Đức DPA:
Thưa Đức Thánh Cha, con muốn hỏi một câu về mối liên hệ của Tòa Thánh với Trung
Hoa và tình hình tại nước này cũng rất khó khăn cho Giáo Hội Công Giáo. Đức
Thánh Cha nghĩ gì về việc này?
Đức
Phanxicô: Trung
Hoa là một nước lớn cung hiến cho thế giới một nền văn hóa vĩ đại, rất nhiều
điều tốt đẹp. Có lần tôi đã nói trên chuyến máy bay bay qua Trung Hoa lúc từ
Đại Hàn trở về rằng tôi rất muốn tới Trung Hoa. Tôi yêu mến dân tộc Trung Hoa
và tôi hy vọng có thể có những liên hệ tốt đẹp, những liên hệ thật tốt đẹp.
Chúng tôi đang liên lạc với nhau, đang nói chuyện với nhau, đang tiến lên với
nhau nhưng đối với tôi, có một người bạn từ một đất nước như Trung Hoa, một
nước có rất nhiều văn hóa và có rất nhiều cơ hội để làm việc tốt, quả là một
niềm vui.
Maria
Sagrarios Ruiz de Apodaca, RNE: Xin cám ơn Đức Thánh Cha. Xin kính chào Đức Thánh Cha. Đức
Thánh Cha vừa thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên, trước đây, Đức Thánh Cha chưa bao giờ ở
đó. Đức Thánh Cha đã nói chuyện trước Quốc Hội, Đức Thánh Cha đã nói chuyện
trước Liên Hiệp Quốc. Đức Thánh Cha lôi cuốn nhiều đám đông. Đức Thánh Cha có
cảm thấy mình mạnh hơn không? Và một câu hỏi nữa, chúng con nghe Đức Thánh Cha
đã kéo sự chú ý của người ta tới vai trò của các nữ tu, của phụ nữ nói chung
trong Giáo Hội tại Hoa Kỳ. Liệu một ngày kia chúng con có được thấy linh mục
phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo như một vài nhóm ở Hoa Kỳ đòi hỏi, và như một
số Giáo Hội Kitô Giáo đã có không?
Đức
Phanxicô: Ngài (có
ý chỉ cha Federico Lombardi) bảo tôi đừng trả lời bằng tiếng Tây Ban Nha. Các
nữ tu tại Hoa Kỳ đã thực hiện những kỳ công trong lãnh vực giáo dục, trong lãnh
vực y tế. Dân chúng Hoa Kỳ yêu mến các dì. Tôi không rõ họ yêu mến các linh mục
đến đâu (cười) nhưng họ yêu mến các nữ tu, yêu mến lắm. Các dì vĩ đại, các dì
là các phụ nữ vĩ đại, vĩ đại, thật vĩ đại. Rồi, ai cũng phải theo cộng đoàn của
mình, theo luật dòng của mình, nên mới có dị biệt. Nhưng hết thẩy đều vĩ đại.
Và vì lý do đó, tôi cảm thấy có nghĩa vụ phải cám ơn các bạn vì những gì các nữ
tu đã thực hiện. Một vị quan trọng trong chính phủ Hoa Kỳ nói với tôi mấy hôm
trước rằng: “nền giáo dục con có được con mang ơn các nữ tu hơn hết”. Các chị
làm việc với người nghèo và trong các bệnh viện. Đó là việc đầu tiên. Còn việc
thứ hai? Tôi nhớ việc thứ nhất, còn việc thứ hai?
Maria
Sagrarios Ruiz de Apodaca, RNE: Đức Thánh Cha có cảm thấy mạnh hơn sau khi đã ở Hoa Kỳ với
một thời khóa biểu như thế và đã thành công như thế?
Đức
Phanxicô: Tôi không
biết tôi có thành công hay không, không. Nhưng tôi sợ chính tôi. Sao tôi lại sợ
mình? Không biết nữa, nhưng tôi luôn cảm thấy mình yếu đuối theo nghĩa không có
sức mạnh và sức mạnh chỉ là điều thoáng qua, ở đây hôm nay, ngày mai mất dạng.
Bạn có dùng sức mạnh để làm điều tốt hay không mới là điều quan trọng. Và Chúa
Giêsu đã định nghĩa sức mạnh, sức mạnh thật sự là để phục vụ, là để phụng sự,
là để thực hiện các phục dịch khiêm tốn nhất, và tôi vẫn còn đang tiến bộ trên
nẻo đường phục vụ này vì tôi cảm thấy tôi chưa làm được hết những gì tôi nên
làm. Đó là cảm thức của tôi về sức mạnh.
Thứ ba, về
linh mục phụ nữ, điều này không thể thực hiện được. Sau nhiều cuộc thảo luận
lâu dài, lâu dài và thấu đáo, sau nhiều suy nghĩ rất lung, Đức Thánh Giáo Hoàng
Gioan Phaolô II đã nói rõ như thế. Không phải vì phụ nữ không có khả năng. Các
bạn coi mà xem, trong Giáo Hội, phụ nữ quan trọng hơn nam giới, vì Giáo Hội là
một phụ nữ. (Trong tiếng Ý) Người ta gọi “La chiesa” chứ không “il Chiesa”.
Giáo Hội là nàng dâu của Chúa Giêsu Kitô. Và Đức Mẹ thì quan trọng hơn các giáo
hoàng, các giám mục và các linh mục nhiều lắm. Tôi phải nhìn nhận rằng chúng ta
hơi chậm trễ trong việc khai triển nền thần học về phụ nữ. Chúng ta phải thúc
đẩy cho nền thần học này tiến tới. Vâng, điều này đúng.
Mathilde
Imberty, Đài Phát Thanh Radio France: Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã trở thành một vì sao
ở Hoa Kỳ. Có tốt cho Giáo Hội hay không khi Đức Giáo Hoàng là một vì sao?
Đức
Phanxicô: Đức Giáo
Hoàng phải… Chị có biết tước hiệu Giáo Hoàng nào nên được sử dụng không? Đầy Tớ
của các đầy tớ Thiên Chúa. Tước hiệu này có khác đôi chút với các vì sao. Các
vì sao rất đẹp để ngắm. Tôi thích ngắm chúng vào mùa hè khi bầu trời thanh
quang. Nhưng vị Giáo Hoàng thì phải, thì phải là đầy tớ các đầy tớ của Thiên
Chúa. Vâng, trong các phương tiện truyền thông, điều này đang xẩy ra nhưng cũng
có một sự thật khác. Biết bao vì sao được ta chứng kiến đã tắt ngúm và rơi
rụng. Một điều thoáng qua. Mặt
khác, làm đầy tớ các đầy tớ của Thiên Chúa thì là một điều không thoáng qua
chút nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét