Nhỏ mà To
(Chúa Nhật XXVI TN, năm B)
(TRẦM THIÊN THU)
Có những điều tưởng nhỏ mà hóa to,
có những điều tưởng to mà lại nhỏ. Như tục ngữ Việt Nam nói: “Lỗ nhỏ làm đắm
thuyền”. To hoặc nhỏ cũng có nghĩa đen và nghĩa bóng, tiêu cực và tích cực.
Chuyện nhỏ và to giống như vòng lẩn quẩn, có cái khôi hài mà “thấm thía”.
Trong cộng đồng mạng, người ta có
luận về “chuyện nhỏ – to” như thế này: “Đất nước NHỎ có thủ đô TO, thủ đô TO
có những con đường NHỎ, con đường NHỎ có những căn nhà TO, căn nhà TO có… có…”
(*). Đúng là cười ra nước mắt, cười mà đau, cười mà chẳng vui chút nào! Sao
thế nhỉ? Chỉ khổ cho đám “dân đen”,
kêu chẳng ai thèm nghe!
Chu kỳ “nhỏ-to” như vậy không chỉ nói tới xã hội, đừng vội cười người kẻo
bị người cười, vì trong đó cũng thấy “thấp
thoáng” bóng dáng những người có chức vị trong tôn giáo. Dù to hay nhỏ, dù
rộng hay hẹp, loại “ô dù” nào cũng
đáng sợ. Kiểu nào thì cũng chỉ khổ đám dân đen thấp cổ bé miệng mà thôi!
Tuy nhiên, sự thật mãi mãi là sự
thật, và sự thật thường làm chúng ta đau lòng, ngại đối mặt, thế nhưng ai dám
đối mặt với sự thật thì mới khả dĩ “nên
khôn”, vì chính sự thật sẽ giải thoát chúng ta (x. Ga 8:32) – Thầy chí
thánh Giêsu đã bảo thế.
Trình thuật Ds 11:25-29 cho biết: “Ngày
xưa, Đức Chúa ngự xuống giữa đám mây và nói chuyện với ông Mô-sê. Người lấy một
phần Thần Khí đang đậu trên ông mà đặt trên bảy mươi kỳ mục. Khi Thần Khí đậu
xuống trên các ông thì các ông bắt đầu phát ngôn, nhưng việc đó không tái diễn
nữa”. Thần Khí đó là Thánh Linh, là Chúa Thánh Thần, là Ngôi Ba Thiên Chúa.
Ngài không bao giờ xuất hiện trong dạng hình người – chỉ như Gió, Lửa, Nước,
hoặc Bồ Câu – nhưng Ngài vẫn không ngừng tác động nơi mỗi chúng ta, ngay từ
trong ý nghĩ.
Bấy giờ có hai người ở lại trong
trại, một người tên là En-đát, một người tên là Mê-đát. Các ông đã được ghi
trong danh sách kỳ mục, nhưng đã không đến Lều. Thần Khí đậu xuống trên các ông
và các ông bắt đầu phát ngôn trong trại. Một người thanh niên chạy đi báo tin
cho ông Mô-sê: “Ông En-đát và ông Mê-đát đang phát ngôn trong trại!”.
Ông Giô-suê, con ông Nun, từng theo hầu ông Mô-sê từ hồi còn nhỏ, lên tiếng nói
với ông Mô-sê: “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ!”. Nhưng ông Mô-sê trả
lời: “Anh ghen dùm tôi à? Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của
Người để họ đều là ngôn sứ!”.
Được lãnh nhận Thần Khí là điều ai
cũng muốn, ông Mô-sê cũng đã mong cho mọi người đều được ơn “nói tiếng lạ” để trở nên ngôn sứ của
Thiên Chúa. Về cơ bản, bất cứ ai đã lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy thì đều có
thiên chức: Ngôn sứ, Tư tế, và Vương giả.
Đây là lĩnh vực thần học, như Công
đồng Vatican II đã đề cập trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội (số 10). Đại ý:
Thiên chức Tư tế (linh mục là tư tế thừa tác, Kitô hữu là tư tế cộng đồng) là
để hiến dâng của lễ cứu độ loài người; Tiên tri (hoặc Ngôn sứ) là
để loan báo Tin Mừng Nước Trời; Thiên chức Vương giả (hoặc Vương đế) là
để phục vụ dân riêng của Thiên Chúa.
Với mỗi Kitô hữu (dù là giáo hoàng,
giám mục, linh mục, phó tế, tu sĩ, giáo dân, thành viên Đạo Binh Đức Mẹ, Lòng
Chúa Thương Xót, Phạt Tạ Thánh Tâm, Con Đức Mẹ, Dòng Ba Đa-minh, Cursillo,
Thiếu Nhi Thánh Thể, Hội đồng Giáo xứ,...), đều được Thánh Phêrô nhắn nhủ: “Hãy
để Thiên Chúa dùng anh em em như những viên đá sống động mà xây lên ngôi
đền thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa dắt anh em làm hàng tư tế
thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức
Giêsu Kitô” (1 Pr 2:5).
Thời gian gần đây, chúng ta thấy
xuất hiện phong trào “Sứ Điệp Từ Trời”, hoặc vấn đề “Canh Tân Đặc Sủng Với Ơn Té Ngã Và Nói Tiếng Lạ”
mà Lm P.X. Ngô Tôn Huấn đã vài lần đề cập và cảnh báo. Quả thật, nếu chúng ta
cứ “chạy đua” theo các “sự lạ” như vậy, coi chừng sẽ hóa thành
Tin Lành.
Vì thế, đừng ham “thành tích” hoặc “sự lạ” mà tự làm hại đức tin của chính mình. Phúc đâu chưa thấy mà
lại thấy họa! Trừ một số ít các vị thánh có ơn đặc biệt (như Thánh Martin de
Porres, Thánh Faustina, Thánh Piô Năm Dấu,...), đa số các thánh đều có cuộc
sống bình thường, thậm chí là rất bình thương, không có gì gọi là “lạ”. Vấn đề quan trọng vẫn là sống lòng
thương xót để chứng tỏ đức tin vững mạnh và trọn vẹn đến hơi thở cuối cùng.
Ngay như đối với Thánh Gioan XXIII, Thánh Gioan Phaolô II, Chân phước Phaolô
VI, Chân phước Têrêsa Calcutta, Bậc đáng kính P.X. Nguyễn Văn Thuận,... là
những người vừa sống cùng thời với chúng ta, cuộc đời các ngài không có gì gọi
là “sự lạ”, có chăng là cách sống “lạ” – tức là thâm tín, chịu đựng, hy
sinh,… vì mến Chúa và yêu người. Ai thực sự được gặp Chúa thì chắc chắn cuộc
đời biến đổi hẳn, chứ không “nửa vời”
như những người vẫn vỗ ngực tự nhận là được “ơn
lạ”, nhưng cách sống của họ không thấy rõ nét biến đổi. Quả là chí lý khi
tiền nhân cảnh báo chúng ta: Cẩn tắc vô ưu!
Chắc hẳn tác giả Thánh Vịnh cũng có
cuộc sống đời thường như chúng ta, nhưng có cái “lạ” là biết giữ trọn Luật Chúa và nhận thức sâu sắc: “Luật pháp
Chúa quả là hoàn thiện, bổ sức cho tâm hồn. Thánh ý Chúa thật là vững chắc, cho
người dại nên khôn” (Tv 19:8). Nhận thức được như vậy thì quyết tâm tuân
thủ, không so đo, không tính toán: “Lòng kính sợ
Chúa luôn trong trắng, tồn tại đến muôn đời. Quyết định Chúa phù hợp chân lý,
hết thảy đều công minh (Tv 19:10).
Tác giả Thánh Vịnh thật là khôn
ngoan khi biết tìm kiếm và cầu xin những gì thực sự có lợi cho linh hồn: “Tôi
tớ Ngài đây xin ra công học hỏi; ai giữ những điều này sẽ được nhiều lợi ích.
Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình? Xin Ngài tha các tội con phạm mà
chẳng hay. Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo, đừng để tính xấu
này thống trị con. Như thế con sẽ nên vẹn toàn, không còn vương trọng
tội” (Tv 19:12-14).
Là Đấng chí tôn, tối thượng, nhưng
Chúa Giêsu đã hạ mình đến tột cùng để sẵn sàng coi tội nhân chúng ta là thân
hữu của Ngài: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết
việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe
được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15:15). Chúng ta dành cả
đời để tạ ơn Ngài cũng không đủ, chứ nói chi dám năn nỉ Ngài ban cho điều gì
nữa. Vì thế, chớ có ngu xuẩn mà ảo tưởng, tự cho mình là “ông kia, bà nọ”, hoặc
đòi phải thế nọ, thế kia.
Thánh Giacôbê vừa nhắc nhở vừa cảnh
báo: “Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than van rên rỉ
về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các người. Tài sản của các người
đã hư nát, quần áo của các người đã bị mối ăn. Vàng bạc của các người đã bị rỉ
sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa thiêu
huỷ xác thịt các người. Các người đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này”
(Gc 5:1-3).
Giàu sang, lắm của và nhiều tiền, đó
không là tội. Nhưng tiền bạc có ma lực khó cưỡng lại, vì thế mà Thánh Phaolô đã
xác định: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì
buông theo lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi
đớn đau xâu xé” (1 Tm 6:10). Đừng tưởng rằng những người đi tu mà “quên” tiền bạc, thậm chí có người còn
tệ hơn giáo dân.
Ví dụ: Gm Tebartz-van Elst “nổi tiếng” là xa hoa hào nhoáng ở Đức,
đã chi hơn 31 triệu euro để tu sửa dinh cơ của ông. ĐGH Phanxicô đã cho mãn
nhiệm hồi tháng 10-2014. Lm Gioan Baotixita Võ Hồng Khanh vì lem nhem tiền bạc
đã bị tước năng quyền cử hành phụng vụ tại bất kỳ cơ sở nào của TGP Los Angeles
(Hoa Kỳ) từ ngày 25-6-2015, ông đã quyên góp tiền cách bất chính để
dùng cho mục đích cá nhân. Lm Ng. của TGP Saigon, còn trẻ nhưng đã bị nghỉ hưu
non vài tháng qua vì lem nhem tiền bạc. Và rồi các dịp đặc biệt (lễ, tết,…),
Việt Nam cũng đã có giám mục được người ta đến chúc mừng bằng vật chất “béo bở”
(không chỉ “phong bì dày” mà “vàng thật”). Thảo nào người
ta bảo “tiền là tiên, là Phật,…”. Thật ngu xuẩn đối với những
người xếp hàng để được vào gặp “quan lớn” như
vậy! Có nên đặt “dấu hỏi LỚN” hay
không nhỉ? Quả thật, đáng quan ngại biết bao!
Đó là cách “gian lận” tinh vi, cách xảo thuật “hối lộ”. Có lẽ lúc này mới thực sự thấm
thía lời của Thánh Giacôbê: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin
chết” (Gc 2:17 và 26). Muốn có đức tin sống động, không còn cách nào hơn là
có đời sống cầu nguyện liên lỉ, luôn kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi.
Thật chí lý khi tiền nhân nói: “Tin
ĐẠO chứ KHÔNG tin NGƯỜI CÓ ĐẠO”. Vâng, Thánh Giacôbê nói thêm: “Các
người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng
của các người. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng
kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh. Trên cõi đất này,
các người đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các người đã được no
đầy thoả mãn trong ngày sát hại. Các người đã kết án, đã giết hại người công
chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người” (Gc 5:4-6). Thật chí lý khi tiền
nhân xác định: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Cái nào cũng
to, cũng khó, nhưng khó nhất vẫn là “tu
thân”. Chắc hẳn không phải ngẫu nhiên mà người ta đặt tiêu chí “tu thân” lên hàng đầu.
Hãy luôn ghi
nhớ lời của Thánh Phaolô: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền
bạc” (1 Tm 6:10). Và cũng đừng quên lời của Thánh Phêrô: “Anh em hãy
sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét,
rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8). Chuyện NHỎ mà lại TO, không hề NHỎ
chút nào ráo trọi!
Với những người
giàu, Thánh Phaolô đưa ra lời khuyên để Thánh Timôthê truyền đạt lại: “Những
người giàu ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại,
cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp
dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện và trở
nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ.
Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự
sống thật” (1 Tm 17:19). Khác nhau là giàu cái gì, đời này hay đời sau.
Một hôm, chàng
trai trẻ Gioan nói với Thầy Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy
danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng
ta”. Gioan hơi bị vô duyên, vì cứ tưởng không ai khác có quyền trừ quỷ. Ảo
tưởng! Cái ảo tưởng của Gioan cũng là cái ảo tưởng của nhiều người trong chúng
ta ngày nay. Và rồi Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy
danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả
thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9:39-40).
Sau đó, Chúa
Giêsu nói rõ: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về
Đấng Kitô, Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”
(Mc 9:41). Chén nước chẳng là gì, chỉ là “chuyện nhỏ”, thế nhưng lại là “chuyện
lớn”, chuyện quan trọng, và được Chúa Giêsu “chấm công”. Tất nhiên “việc
nhỏ” đó phải được thực hiện với tình yêu thương, lòng trắc ẩn, lòng thương xót,
chứ không vì bất cứ lý do gì khác.
Liên quan vấn
đề nhỏ – to, Chúa Giêsu thẳng thắn nói: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé
mọn đang tin đây phải sa ngã thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống
biển còn hơn” (Mc 9:42). Cách so sánh rất “nặng”, nhưng Ngài nói thật, không hề nói giỡn chơi hoặc hù dọa chi
cả. Thiết tưởng rằng trẻ nhỏ ở đây không chỉ là trẻ thơ, trẻ em, hoặc con nít,
mà còn là những người chân chất thật thà – dù đã trưởng thành hoặc cao niên.
Và còn hơn thế
nữa, vốn dĩ tính thẳng thắn thật thà, Chúa Giêsu nói “mạnh” hơn nữa: “Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã thì chặt nó
đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa
hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã
thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân
mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã thì móc nó đi; thà
chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả
ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt” (Mc 9:43-48).
Những lời này
đầy “lửa”, có thể thiêu đốt bất cứ
người nào, bất cứ lúc nào, và bất cứ nơi nào!
Lạy Thiên Chúa, xin giúp con biết thực hiện những điều bình thường một cách
phi thường, làm với tình đồng loại thực sự, mong sao được nên giống Ngài phần
nào, vì con biết con rất dễ ảo tưởng. Xin thương xót, định hướng và nâng đỡ
con, lạy Chúa! Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại.
Amen.
TRẦM THIÊN THU
(*) Đất nước
NHỎ có thủ đô TO, thủ đô TO có những con đường NHỎ, con đường NHỎ có những căn
nhà TO, căn nhà TO có cô vợ NHỎ, cô vợ nhỏ dành cho ông quan TO, ông quan TO
mang chiếc cặp nhỏ, chiếc cặp NHỎ có những dự án TO, dự án TO nhưng hiệu quả
NHỎ, hiệu quả NHỎ nhưng thất thoát TO, thất thoát TO nhưng lỗi lại NHỎ… Trong
đất nước NHỎ có những ông lãnh đạo TO, những ông lãnh đạo TO có cái đầu NHỎ,
cái đầu NHỎ nhưng túi tham TO, túi tham TO bởi vì đầu óc NHỎ, đầu óc NHỎ nên
tác hại TO, tác hại TO mà trách nhiệm NHỎ, trách nhiệm NHỎ nhưng quát tháo TO,
quát tháo TO vì trí tuệ NHỎ, trí tuệ NHỎ nhưng lợi nhuận TO, lợi nhuận TO nhưng
số người chia chác lại NHỎ, số người tuy NHỎ nhưng tổn thất TO, tổn thất TO
nhưng báo cáo là NHỎ , báo cáo NHỎ nhưng thành tích thật vẫn TO. Và… cán
bộ TO đi xe NHỎ (xe riêng), cán bộ NHỎ lại đi xe TO (xe đò), ông quan TO thường
ở với vợ NHỎ (vợ bé), ông quan NHỎ phải ở với vợ TO (vợ cả) và ở nhà TO (nhà
tập thể)…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét