Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

Hậu cảnh Công Giáo chuyến đi Hoa Kỳ của Đức Phanxicô

Hậu  cảnh  Công  Giáo  chuyến  đi  Hoa  Kỳ  của  Đức  Phanxicô
(Vũ Văn An9/18/2015-Vietcatholic,net)






Như đã thưa, mục đích chính trong các cuộc tông du của các vị giáo hoàng là để củng cố đức tin của anh chị em mình. Lần này, cơ hội để Đức Phanxicô củng cố đức tin ấy là Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới tại Philadelphia, một biến cố đang được cả thế giới Công Giáo chờ mong giữa những bình luận đôi khi trái ngược nhau về Thượng Hội Đồng sắp tới cũng về gia đình. Đa số tín hữu Công Giáo mong mỏi cuộc gặp gỡ này sẽ thúc đẩy các nghị phụ của Thượng Hội Đồng sắp tới đưa ra được những hướng dẫn rõ ràng và vững chắc để cổ vũ một tin mừng về gia đình như lòng Chúa mong muốn.

Bầu khí thiêng liêng trong Giáo Hội Hoa Kỳ dĩ nhiên góp phần lớn lao vào chiều hướng mục vụ nói trên. Ta thử tìm hiểu chút đỉnh về hậu cảnh thiêng liêng này.

Bài diễn văn có hiệu quả nhất

Michael O’Loughlin của National Catholic Reporter cho rằng trong số các buổi nói chuyện của Đức Phanxicô tại Hoa Kỳ, buổi nói chuyện với khoảng 300 giám mục tại Nhà Thờ Chánh Tòa Thánh Mátthêu ở Washington D.C., trong 45 phút, bằng tiếng Tây Ban Nha, sẽ là buổi nói chuyện gây hiệu quả hơn cả.

Vì nghĩ cho cùng các giám mục là mục tử đoàn chiên giáo phận của mình, lòng đạo của đoàn chiên này tùy thuộc linh hứng từ các vị.

Nhưng các vị chờ mong gì nơi Đức Phanxicô? Đức Cha Robert McElroy của San Diego nghĩ rằng “chúng ta phải tranh đấu với vấn đề bất bình đẳng, nhất là vì Hiệp Chúng Quốc, với sức mạnh hoàn cầu, đang gây ảnh hưởng tới cuộc sống của không biết bao nhiêu triệu con người. Tôi muốn thấy ngài thách thức chúng ta có lập trường mạnh mẽ hơn về vấn đề này”.

Còn về các vấn đề nội bộ, Đức Cha McElroy hy vọng Đức Phanxicô sẽ nhắc nhở các giám mục rằng Giáo Hội phải là “nơi thương xót”: “Vươn tay ra quá bên kia rào cản để đem người ta vào trong là điều quan trọng hơn là duy trì rào cản và giữ họ ngay hàng thẳng lối”.

Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thì hy vọng Đức Phanxicô sẽ nói với các giám mục về các vấn đề gia đình. Thực vậy, Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz nói: “Chúng ta đang ở ngưỡng cửa năm thương xót, và Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới đây chủ yếu vì Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới, nên chắc chắn ngài muốn chúng ta nối vòng tay lớn hỗ trợ cuộc sống gia đình, cả trong việc gây hứng cho các cặp đang chuẩn bị kết hôn lẫn đồng hành với những người đang gặp khó khăn”.

Ngoài ra, còn có vấn đề giám mục phải gần gũi giáo dân của mình, hay nói theo Đức Phanxicô, các ngài phải có “mùi của chiên”. Về khía cạnh này, Đức Tổng Giám Mục Blase Cupich của Chicago cho rằng là nhà lãnh đạo của một tổng giáo phận lớn, người ta rất dễ sống xa cách. Nên ngài hy vọng Đức Phanxicô sẽ khuyến khích các giám mục gần gũi dân bằng cách lưu ý tới những gì đang xẩy ra trong cuộc sống của họ và nghe họ kể kinh nghiệm sống Tin Mừng của họ.

O’Loughlin cho rằng, về phần mình, Đức Phanxicô có thể sẽ gặp một hàng giáo phẩm, trong mấy năm qua, vốn đánh những trận đánh công khai đôi lúc không ăn ý với các ưu tiên của ngài và đôi lúc còn chia rẽ nhau về chính vai trò công cộng của mình.

John Carr, giám đốc chương trình Sáng Kiến về Tư Duy Xã Hội Công Giáo và Sinh Hoạt Công tại Đại Học Georgetown và là cựu nhân viên của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cho rằng ông hy vọng Đức Phanxicô sẽ thách thức một số vị giám mục Hoa Kỳ thay đổi phong thái lãnh đạo: “Nếu bạn nghĩ ta đã thua, nếu bạn cho rằng văn hóa đang áp đảo ta, thì khuynh hướng tự nhiên là phòng vệ để duy trì và bảo vệ những gì đang có. Nhưng nếu bạn nghĩ ta có điều thế giới cần, nếu ta có thể đưa ra được luận chứng về sự sống, về gia đình, về công lý, về hòa bình, thì trách nhiệm là phải mời gọi và thuyết phục. Đức Phanxicô là loại nhà lãnh đạo đầy mời gọi và thuyết phục”.

Helen Alvaré, giáo sư luật tại Đại Học George Mason, cũng đồng ý như thế. Cô cho rằng không nên giữ thế thủ trong các vấn đề nóng bỏng, như nữ quyền chẳng hạn. Theo Cô, các giám mục Hoa Kỳ có một chính sách về phụ nữ rất hay trên bình diện quốc gia và quốc tế, nhưng các ngài ít nói tới nghị trình nữ quyền, như tranh đấu cho việc nghỉ hộ sản, chăm sóc y tế tốt hơn, và trợ giúp các bà mẹ đơn lẻ.

Kathleen Sprows Cummings, giám đốc Trung Tâm Cushwa Nghiên Cứu Đạo Công Giáo Hoa Kỳ của Đại Học Notre Dame, cho rằng Các Giám Mục Hoa Kỳ có ưu điểm trong nhiều vấn đề như di dân chẳng hạn. Và điều này chắc chắn sẽ được Đức Phanxicô đề cao.

Nhân buổi nói chuyện quan trọng này, chắc chắn Đức Giáo Hoàng sẽ trình bày nghị trình bao quát của ngài trong đó có nhiều vấn đề hiện đang được tranh cãi như bảo vệ môi sinh, cải tổ thủ tục tuyên bố vô hiệu hôn nhân, và nhấn mạnh tới lòng thương xót, tách xa khỏi thái độ cứng rắn cố hữu.

Các giám mục Hoa Kỳ và Đức Phanxicô

Thực ra, tương quan giữa Đức Phanxicô và các giám mục Mỹ nói chung, có lúc, đã căng thẳng, khiến có người, theo John Allen, từng đặt câu hỏi: “Có thực các Giám Mục Hoa Kỳ đề kháng Đức Giáo Hoàng Phanxicô hay không?”.

Câu hỏi trên sở dĩ được đặt ra là vì truyền thông cho rằng một số giám mục bảo thủ của Hoa Kỳ đang nắm giữ các vai trò chủ chốt ở đây chống lại nghị trình cấp tiến của Đức Phanxicô. Cái nhìn này, theo Allen, không hẳn “không có khói”. Đức Tổng Giám Mục Charles Chaput, chẳng hạn, cho rằng báo chí tường thuật thượng hội đồng về gia đình do Đức Phanxicô chủ tọa đã gây ra “lẫn lộn”. Còn Đức Hồng Y Francis George thì muốn hỏi Đức Phanxicô nhiều câu hỏi như: “tôi không biết liệu ngài có ý thức được mọi hậu quả của một số điều ngài nói và làm từng gây ra nghi ngại nơi tâm trí người ta hay không?”.

Nhất là Đức Hồng Y Raymond Burke, người được coi như đứng đầu phe bảo thủ trong thượng hội đồng năm ngoái, và vì là người Hoa Kỳ, có lúc đã được mô tả như người anh hùng của tuyến truyện “Hoa Kỳ ngược với Đức Phanxicô” (America vs.Francis) và vì thế đã bị mất chức chủ tịch Toà Án Tối Cao của Tòa Thánh, người Hoa Kỳ cuối cùng rời khỏi Giáo Triều La Mã!

Allen cũng cho rằng: nói chung, Đạo Công Giáo Hoa Kỳ đặt ra hai thách thức độc đáo cho vị giáo hoàng về kinh tế vốn theo duy dân (populist) và về văn hóa, muốn không nói nhiều tới đối kháng. Không nơi nào khác có một hạ tầng cơ sở Công Giáo mạnh mẽ hơn thế nhằm bảo vệ chủ nghĩa tư bản, và cũng không nơi nào khác lại có sự minh bạch như thế về các vấn đề thuộc sự sống như phá thai và hôn nhân đồng tính.

Tuy vậy, nếu cho rằng thế là kình chống hay đề kháng thì e hơi quá. Bởi căng thẳng trong Giáo Hội là điều đã có từ thuở các Tông Đồ. Hơn nữa, Đức Phanxicô, tại thượng hội đồng năm ngoái, chính thức kêu gọi thảo luận cởi mở, thì các phát biểu của các giám mục Hoa Kỳ chỉ là một hình thức vâng lời, không hẳn thách thức.

Người giáo dân đặc trưng Hoa Kỳ

Trung Tâm Nghiên Cứu Ứng Dụng Việc Tông Đồ (Center for Applied Research in the Apostolate, viết tắt là CARA) trong 50 năm qua chuyên điều tra để tìm ra hình ảnh người Công Giáo đặc trưng của Hoa Kỳ. Họ thấy rằng người Công Giáo này là một phụ nữ, 48 tuổi, da trắng không nói tiếng Tây Ban Nha, kết hôn với người chồng Công Giáo. Dĩ nhiên nàng sinh sau Công Đồng Vatican II, khoảng năm 1968, và vì thế thường mang tên Mary vì tên này phổ thông nhất vào năm ấy.

Nàng học cao đẳng, có nhà và sống tại 1 tiểu bang miền Tây, lợi tức hàng năm của gia đình vào khoảng 65,000 dollars, có con trai và con gái thiếu niên còn sống với gia đình; nàng làm việc toàn thời gian. Nàng còn có 1 đứa con đã trưởng thành, không sống với gia đình. Không đứa con nào lấy tên Mary cả, vì tên này ra khỏi danh sách 50 tên hàng đầu vào năm 2003, và danh sách 100 tên hang đầu vào năm 2009.

Lúc còn nhỏ, nàng không học trường Công Giáo như cha mẹ và do đó cũng không ghi danh cho con học loại trường này. Dù nàng có học giáo lý tại giáo xứ, nhưng con cái nàng thì không.

Hiện nay, nàng tham dự Thánh Lễ ít nhất mỗi tháng một lần, nhưng luôn tham dự phụng vụ Thứ Tư Lễ Tro, Lễ Phục Sinh và Lễ Giáng Sinh. Nàng giữ liên lạc với giáo xứ nhờ đọc bản tin của giáo xứ, góp 10 dollars vào tiền quyên lúc dâng lễ. Ngoài bản tin giáo xứ ra, nàng ít đọc báo chí Công Giáo và ít tham gia sinh hoạt giáo xứ trừ Thánh Lễ. Đức tin quan trọng với nàng nhưng nhiều chuyện khác cũng quan trọng không kém.

Giáo xứ nơi Mary tham dự thường là đã được lập khoảng đầu thập niên 1920, với một nhà thờ có sức chứa chừng 450 người. Giáo xứ có khoảng 3,000 giáo dân trong đó hết 2,500 người có đăng ký (có Mary), 1,000 người thường xuyên tham dự một trong bốn thánh lễ cuối tuần.

Trước đây, giáo xứ có 1 trường tiểu học, nhưng đã đóng cửa 5 năm nay. Học sinh nào muốn, sẽ được gửi tới trường Công Giáo trong vùng. Giáo xứ nàng có một cha xứ và một thầy sáu. Phần lớn ban lãnh đạo giáo xứ già hơn Mary. Khoảng 10 người là nhân viên giáo xứ, và 5 trong số này giữ các chức vụ thừa tác.

Mary được cho biết: giáo phận của nàng có thể phải tổ chức lại trong thập niên tới. Đức Giám Mục phải cố gắng lắm mới cân bằng được con số nhân viên. Không bao lâu, số giáo xứ sẽ nhiều hơn số linh mục triều trong giáo phận, nên nhiều giáo xứ sẽ phải chia sẻ các mục tử và nhân viên hoặc phải sát nhập lại với nhau.

Dĩ nhiên, hình ảnh “trung bình” trên không che khuất tính đa dạng lớn lao hiện nay trong Đạo Công Giáo Hoa Kỳ: Mary dễ dàng bị gọi là “Maria” như tên người đồng đạo nói tiếng Tây Ban Nha trong số 38 triệu người Công Giáo “chính dòng” tham dự Thánh Lễ ít nhất mỗi tháng một lần.

Những người như Mary và Maria chiếm khoảng 45% người Công Giáo. Khoảng 4% người Công Giáo khác làm nòng cốt cho cộng đồng Công Giáo, đây là những cá nhân không những chỉ tham dự Thánh Lễ hàng tuần, họ còn giúp tổ chức Thánh Lễ và nhiều sinh hoạt giáo xứ khác. Họ cũng là những người nhiệt tình tiêu thụ các phương tiện truyền thông Công Giáo và can dự vào nhiều thực hành đạo đức: đọc kinh Mân Côi, giữ mọi chi tiết Mùa Chay và Mùa Vọng. Họ hiểu biết và tích cực trong đức tin của mình nhiều cách khác nhau. Họ gần gũi nhất với viễn kiến mà Giáo Hội vốn dành cho một người Công Giáo.

Những người Công Giáo ở ngoại vi

Và như thế, khoảng 51% người tự nhận là Công Giáo đang thuộc khu vực được Đức Phanxicô gọi là ngoại vi. Trong số này, có người chỉ tham dự Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh mà thôi. Có người bỏ hẳn, nhưng vẫn coi mình là Công Giáo như bất cứ ai đã lãnh phép rửa khác. Lại có những người cựu Công Giáo nữa. Khoảng 2 phần 3 những người được dưỡng dục trong Đạo tiếp tục tự nhận mình là Công Giáo lúc trưởng thành; 1 phần 3 không tự nhận như thế. Phần lớn rời bỏ ở tuổi thiếu niên hay đầu tuổi 20. Nhưng nơi những người cựu Công Giáo này, vẫn còn lại một điều gì đó.

Cuộc nghiên cứu của Trung Tâm Pew về các người cựu Công Giáo nói trên cho thấy khoảng nửa số họ gia nhập Thệ Phản. Chỉ khoảng 12% của nửa còn lại là vô thần và 16% bất khả tri. 71% số này không còn thống thuộc tôn giáo nào cả. Tôn giáo duy nhất họ còn biết là Đạo Công Giáo.

Trong số này, 35% cho biết tôn giáo vẫn là “một điều gì đó” hoặc “rất” quan trọng trong đời họ, và 71% vẫn tin Thiên Chúa. Họ tiếp tục nói về Chúa; 42% cho biết họ cầu nguyện mấy lần hoặc nhiều hơn trong một tháng. Ba phần tư cầu nguyện tương đối thường xuyên. Nói cách khác, vẫn còn một trọng lực yếu ớt nào đó giữ họ trong vòng với của Giáo Hội Công Giáo. Lý do thông thường nhất họ nêu ra cho việc rời bỏ Giáo Hội là họ chỉ từ từ lạc xa dần (71%), sau đó là yếu tin vào giáo huấn (59%). Nhiều người trở tới trở lui. Khoảng 1 phần 10 người Công Giáo ngày nay nói: có những lúc ở trong đời họ tạm xa Giáo Hội một thời gian.

Nơi những người còn tự nhận là Công Giáo nhưng không tham dự Thánh Lễ nữa, ta vẫn thấy đức tin của họ sống động: khi cầu nguyện, họ thường chuyện trò với Thiên Chúa thay vì đọc kinh; ít khi có bàn thờ trong nhà, nhưng có thể có tượng chịu nạn treo ở cửa hay chung quanh cổ. Họ coi việc tặng tiền cho nạn nhân bão lụt như một thực hành đức tin. Đọc kinh trước bữa ăn là một điều có ý nghĩa đối với họ, không hẳn là một truyền thống. Họ theo dõi Đức Giáo Hoàng trên các bản tin. Họ bảo bây giờ bận bịu, mai mốt rảnh rỗi có thể lại tham dự Thánh Lễ. Họ hy vọng một đời sau. Họ không nghĩ Chúa sẽ đầy họ xuống hỏa ngục chỉ vì không đi lễ trong khi vẫn là Công Giáo trong nhiều điều khác.

Đông Tây Nam Bắc

CARA cho biết dường như có hai Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ: nếu bạn ở miền Đông Bắc hay Trung Tây (Midwest), bạn thấy Giáo Hội như sa sút, với các giáo xứ đóng cửa và giáo dân thưa dần. Nhưng nếu bạn ở miền Nam hay miền Tây, xem ra lúc nào cũng có các giáo dân mới quanh bạn. Ở đây, Đạo Công Giáo sinh động hơn, thậm chí lớn mạnh quá nhanh là đàng khác.

Cũng có sự khác biệt giữa thôn quê và thành thị: ở thôn quê, giáo dân khó thấy một linh mục trong giáo xứ ngoại trừ trong Thánh Lễ. Ở thành thị, dường như có quá nhiều ghế trống tha hồ mà chọn.

Nhưng, dù ở bất cứ đâu, người Công Giáo nào cũng ít nhất tìm thấy một điều gì đó trong tôn giáo của họ để mộ mến. Với một số người, điều đó là công bình xã hội; với những người khác, điều đó có thể là bảo vệ sự sống; người khác nữa có thể cho đó là phục vụ và thừa tác vụ. Họ cũng có thể nhận ra một điều gì đó để bất đồng với Giáo Hội. Như trong các vấn đề về sự sống chẳng hạn, chỉ khoảng 10% người Công Giáo bầu phiếu phù hợp với giáo huấn Giáo Hội. Số người Công Giáo tuyệt đối trung thành với tiêu chí tín lý quả khá ít. Nhưng về tiêu chí mục vụ, thì họ khá đông: ngoài việc tham dự Thánh Lễ, người Công Giáo coi việc giúp đỡ người nghèo và người túng thiếu là điều quan trọng nhất đối với bản sắc Công Giáo của họ.

Giải thích hiện tượng trên, có người cho rằng đa số người Công Giáo Hoa Kỳ coi “Thiên Chúa là một ảnh hưởng tích cực trong thế giới; Đấng yêu thương vô điều kiện, trợ giúp chúng ta bất chấp mọi thất bại của ta”. Số người nhất trí với nhận định vừa rồi đông gấp 10 lần so với những người cho rằng “Thiên Chúa là Đấng phán xét con người, nhưng ít khi hành động trong thế giới, dành phán xét sau cùng cho đời sau”.

Thiếu giáo dục tôn giáo


Tuy nhiên, sự bất đồng cũng có thể do hiểu lầm. Chẳng hạn, ít hơn 2 phần 3 người Công Giáo tin rằng bánh và rượu để Hiệp Lễ thực sự trở nên mình và máu Chúa Giêsu Kitô. Tại sao thế? Vì đa số không biết rằng đó là điều Giáo Hội dậy! Chỉ có 46% người Công Giáo biết Giáo Hội dạy như thế và họ nhất trí với lời dạy này. Thêm 17% nữa nhất trí, tuy không biết đó là điều Giáo Hội dạy. Một phần ba không nhất trí và không biết đó là lời dạy của Giáo Hội. Chỉ có 4% biết đó là lời dạy của Giáo Hội mà vẫn không tin mà thôi.

Thành thử, một trong các thách đố lớn nhất của Giáo Hội Hoa Kỳ là giáo dục tôn giáo. Từ năm 2000, số các học sinh ghi danh học giáo lý ở giáo xứ giảm 24%. Đa số thế hệ tiền Vatican II (sinh trước 1943) và thế hệ Vatican II (sinh giữa các năm 1943 và 1960) học trường tiểu học Công Giáo (51%). Nhưng chỉ 37% thế hệ hậu Vatican II (sinh giữa 1961 và 1981) và 23% thế hệ thiên niên kỷ (sinh từ 1982 hay trễ hơn) làm việc này. Hiện nay, ít hơn 1 phần 10 phụ huynh Công Giáo ghi danh cho con học trường Công Giáo và vào khoảng 1 phần 5 cho con học giáo lý ở giáo xứ. Thế hệ hậu thiên niên kỷ (sinh năm 2004 hay trễ hơn) chắc chắn sẽ học đạo qua “Wikipedia” và các phương tiện trực tuyến khác hơn là trường nhà xứ!

Gia Đình không truyền thống

Theo mô tả của CARA trên đây, người Công Giáo đặc trưng của Hoa Kỳ là người có gia đình theo nghĩa kết hợp giữa 1 người đàn ông và 1 người đàn bà. Và lý do chính khiến Đức Phanxicô tới Hoa Kỳ là để cổ vũ sự kết hợp có tính truyền thống này.

Nhưng nhiều người Công Giáo tham dự Thánh Lễ công cộng duy nhất ngài sẽ cử hành để kết thúc Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới Lần Thứ Tám, tại Philadelphia, không hẳn ủng hộ lý tưởng ấy.

Thực vậy, theo thăm dò của Trung Tâm Pew, nhiều người Công Giáo coi các hình thức gia đình không truyền thống là điều có thể chấp nhận được và theo họ, Giáo Hội nên cởi mở hơn đối với các hình thức này.

Phần lớn người Công Giáo cảm thấy thoải mái đối với các hình thức gia đình không được Giáo Hội thừa nhận. Cuộc thăm dò của Pew hỏi cho biết cơ cấu gia đình nào có thể chấp nhận được và cũng tốt như các hình thức gia đình khác đối với việc nuôi dậy con cái.
Kết quả:
* 87% cho biết có thể chấp nhận loại gia đình chỉ có cha hay mẹ đơn lẻ.
* 84% cho biết có thể chấp nhận loại gia đình trong đó, cha mẹ không kết hôn sống với nhau.
* 83% cho biết có thể chấp nhận loại gia đình trong đó cha mẹ từng ly dị.
* 66% cho biết có thể chấp nhận để các cặp đồng tính nam nữ nuôi dậy con cái.

Và dù Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, trong thập niên qua, đã nỗ lực rất nhiều để đấu tranh chống loại hôn nhân đồng tính, nhưng có tới 46% người Công Giáo Hoa Ky cho biết Giáo Hội nên thừa nhận loại hôn nhân này.

Trong các vấn đề luân lý tính dục khác, cuộc thăm dò của Pew cho thấy:

* 76% người Công Giáo nói Giáo Hội nên cho phép họ ngừa thai nhân tạo.
* 41% cho biết sẵn sàng chào đón con cái là điều chủ yếu đối với tư cách làm người Công Giáo, trong khi cũng bằng ấy tin rằng điều này quan trọng nhưng không chủ yếu.
* 33% coi việc chống lại phá thai là “điều chủ yếu” và 34% coi nó là điều quan trọng.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét