Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

sai lầm ai cũng mắc khi nấu đậu phụ

5  sai  lầm  ai  cũng  mắc  khi  nấu  đậu  phụ
(Thứ năm, 1/10/2015 –VnEpress.net)

Ảnh: instructables.

Không ép nước, không ướp gia vị và đảo liên tục khi nó chưa chín là những sai lầm phổ biến khi nấu món này.

1. Chọn đậu phụ
Để tìm mua được nguồn đậu phụ an toàn, bạn nên mua ở một hàng quen, siêu thị, cửa hàng rau sạch với nguồn gốc rõ ràng. Tránh mua phải đậu phụ làm từ nguồn đậu nành biến đổi gen.
Tùy vào từng món ăn mà bạn chọn loại đậu phụ cho phù hợp. Đậu phụ non được dùng tốt nhất cho món sốt và bánh. Tuy nhiên, khi làm những món ăn khác như chiên giòn, bọc thịt, nấu chuối đậu... bạn nên mua loại đậu phụ bình thường, nếu không muốn món ăn bị vỡ nát.

2. Không ép nước cho miếng đậu phụ
Nhiều khi rán đậu, bạn có để ý mới rán một vài phút mà nước trong đậu tiết ra còn nhiều hơn cả dầu mỡ. Đó là vì bạn không để ý phải ép nước cho những thanh đậu phụ. Thực tế, nước ảnh hưởng lớn đến hương vị của món này. Vì vậy, khi mua về hãy lấy đậu ra khỏi túi, để ráo nước. Trước khi cắt nhỏ để nấu thì phải ép cho nước thoát ra. Bạn có thể đặt nó lên một giấy hút nước, mua một máy ép đậu phụ, hoặc đè một vật nặng vừa phải lên thanh đậu và nhớ thường xuyên đổ nước ép đi.
Nếu muốn món đậu chắc hơn, hãy để nó vào ngăn đá một vài giờ. Đây là một kỹ thuật khá hay để áp dụng nếu bạn muốn món đậu phụ cứng và không lo bị vỡ khi ép.

3. Cắt đậu sai
Để món đậu phụ ngon nhất, bạn hãy nhớ một nguyên tắc là luôn luôn cắt nhỏ nó. Tùy vào từng món ăn mà bạn cắt thành miếng cho phù hợp. Ví dụ khi rán nên cắt thành khối như bao diêm, khi nấu canh nên cắt hình con chì, để trang trí cho các món ăn hoặc cho trẻ em ăn thì có thể cắt thành các hình thù đẹp mắt như trái tim, gấu...

4. Không ướp gia vị cho món đậu phụ
Thực tế không ai để ý đến việc nêm gia vị vào đậu phụ trước khi nấu. Trong khi với món thịt bò, thịt lợn thì ai cũng biết phải ướp nó một khoảng thời gian đủ dài để đảm bảo món ăn ngon nhất.
Hãy chọn một số loại gia vị và thảo mộc để ướp cho đậu phụ như tỏi, ớt bột, xì dầu, rau thơm, dầu ăn, nước dùng...Trộn chúng lại với nhau và cho vào một bát nhỏ, chà gia vị lên các bề mặt của đậu phụ. Khi bạn chiên đậu, chắc chắn nó sẽ cho một lớp vỏ ngon.
Trong công thức nấu ăn của một số dân tộc trên thế giới, người ta luôn có nước xốt cho món đậu phụ. 

5. Nấu đậu phụ sai cách
Nếu như bạn đã cố gắng ép nước, cắt đậu phụ đẹp mắt và ướp gia vị cho nó thơm lừng thì có thể bạn vẫn mắc phải sai lầm này. Đó là việc bạn đảo đậu phụ khi nó chưa căng dai trong các món nấu và chưa vàng khi chiên rán.

Đậu phụ là món ăn rẻ tiền lại tốt cho sức khỏe, vì thế hãy ăn nó nhiều hơn. Những miếng đậu ướp bột rong giềng, bột bắp trước khi chiên sẽ làm nó siêu giòn, ăn nóng kèm nước sốt, đặc biệt trong thời tiết mát mẻ... cũng tuyệt vời không kém các món thịt, cá là bao.

Phan Dương (Theo instructables)

Năm Thánh LTXót Những thông tin cần biết

Năm  Thánh  Lòng  Thương  Xót 
 Những  thông  tin  cần biết
(Thứ sáu - 09/10/2015-tiNvui.net)

 WHĐ (09.10.2015) – Năm Thánh Lòng Thương Xót của Giáo hội Công giáo sẽ khai mạc vào ngày 8-12-2015, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Trong Thư mục vụ gửi Công đồng Dân Chúa ngày 17/9/2015, sau Hội nghị thường niên kỳ II/2015 họp tại Toà Giám mục Xuân Lộc, các giám mục Việt Nam nhắc lại rằng Năm Thánh Lòng Thương Xót này trùng với “Năm Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội” của Giáo hội tại Việt Nam (2016) và kêu gọi các tín hữu sốt sắng đón nhận lòng thương xót của Chúa qua bí tích Giao hoà, tha thứ cho nhau và làm hoà với nhau, đồng thời biết quan tâm giúp đỡ những người bị gạt ra bên lề xã hội và những ai đang đau khổ về tinh thần cũng như thể xác. Mỗi người Công giáo phải trở thành nhân tố tích cực trong việc xây đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống.

Để giúp chuẩn bị bước vào Năm Thánh Lòng Thương xót –còn đúng hai tháng nữa sẽ khai mạc - Văn phòng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam đã biên soạn “Những thông tin cần biết” sau đây.

***

Ngày 1-7-2015, Đức hồng y Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc-Âm-hóa, đã gửi đến các Giáo hội địa phương tập sách hướng dẫn việc cử hành Năm Thánh. Chúng tôi xin lược tóm những thông tin cần biết để các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân tham khảo.

Tông sắc Dung mạo lòng thương xót (Misericordiae Vultus)

Ngày 13-3-2015, nhân kỷ niệm hai năm được bầu làm Đấng kế vị Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã loan báo Năm Thánh ngoại thường. Ngày 14-11-2015, ngài ban hành tông sắc Dung mạo lòng thương xót, công bố Năm Thánh Lòng Thương Xót, kéo dài từ ngày 8-12-2015, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, đến ngày 24-11-2016, lễ Chúa Kitô, Vua vũ trụ. Tông sắc thực sự là một tổng hợp thần học về lòng thương xót, đồng thời trình bày hướng đi của Năm Thánh. Lòng thương xót không phải là một từ ngữ trừu tượng, nhưng là từ ngữ diễn tả dung nhan Thiên Chúa cũng như đời sống và hành động của Chúa Giêsu, đồng thời là phương cách thể hiện tính khả tín của Giáo Hội.

Về việc tổ chức Năm Thánh, Đức Giáo hoàng nhấn mạnh rằng Năm Thánh cần được cử hành trước hết trong từng giáo phận như cơ hội thuận lợi để canh tân đời sống mục vụ. Phải quan tâm đặc biệt đến chiều kích thiêng liêng của Năm Thánh, cũng như sự nhất quán giữa việc loan báo Tin Mừng và đời sống của những người mang danh Kitô hữu.

Cửa Thương Xót

Trong Năm Thánh, Đức Giáo hoàng Phanxicô yêu cầu mỗi giáo phận mở Cửa Thương Xót, giúp các tín hữu cảm nghiệm được lòng thương xót của Cha trên trời. Ngài viết: “Vào Chúa nhật III Mùa Vọng, tôi tuyên bố rằng trong mọi Giáo hội địa phương, tại Nhà thờ chính tòa – nhà thờ mẹ của các tín hữu trong miền đó – hoặc, thay vào đó là nhà thờ đồng-chính-tòa hay một nhà thờ khác có ý nghĩa đặc biệt, Cửa Thương Xót sẽ được mở trong suốt Năm Thánh. Theo sự khôn ngoan của đấng bản quyền, cũng có thể mở một cửa như thế tại đền thánh nào có đông khách hành hương lui tới” (Tông sắc Dung mạo lòng thương xót, số 3).

Về nghi thức mở và đóng Cửa Thương Xót, cũng như về những điều kiện lãnh nhận ơn toàn xá trong Năm Thánh, xin tham khảo tại địa chỉ trang web www.im.va

Khẩu hiệu và logo Năm Thánh



Khẩu hiệu và logo Năm Thánh đi chung với nhau, cung cấp một tổng hợp nội dung Năm Thánh.

Khẩu hiệu Thương xót như Chúa Cha (x. Lc 6,36) là lời mời gọi sống lòng thương xót theo gương Cha trên trời, dạy chúng ta đừng xét đoán và kết án, nhưng hãy tha thứ và yêu thương vô giới hạn (x. Lc 6,37-38).

Logo là công trình của linh mục dòng Tên, cha Marko I. Rupnik. Tự nó, logo là một tổng luận thần học về lòng thương xót. Thật vậy, logo trình bày một hình ảnh rất thân quen với Giáo Hội sơ khai, nghĩa là trình bày tình yêu của Chúa Kitô, Đấng đã đưa mầu nhiệm Nhập thể (hai bản tính, thiên tính và nhân tính) đến chỗ hoàn thành bằng ơn cứu chuộc (những dấu đinh trên hai tay và hai chân). Đấng chăn chiên lành đã chạm đến xác thịt nhân loại cách sâu xa và tràn đầy tình yêu đến nỗi mang lại sự thay đổi tận gốc. Người đã mang nhân loại trên vai Người với tất cả lòng thương xót, cặp mắt của Đấng chăn chiên lành và cặp mắt của Adam trở nên một, để Chúa Kitô nhìn mọi sự bằng cặp mắt của Adam và Adam nhìn mọi sự bằng cặp mắt của Chúa Kitô. Nơi Chúa Kitô, Adam mới, mọi người nam nữ đều khám phá nhân tính của chính mình và tương lai sẽ đến, khi chiêm ngắm tình yêu của Chúa Cha qua cặp mắt của Chúa Kitô.

Nền của hình ảnh trên là ba hình bầu dục đồng tâm, càng đi ra bên ngoài thì mầu sắc càng nhạt đi, diễn tả hành động của Chúa Kitô đưa nhân loại ra khỏi đêm tối của tội lỗi và sự chết. Ngược lại, khi nhìn từ ngoài vào, chiều sâu của mảng màu tối lại diễn tả tính khôn dò của tình yêu Thiên Chúa, Đấng tha thứ tất cả.

Những vấn đề liên quan đến việc sử dụng logo

Hội đồng Tòa Thánh về Tân Phúc-Âm-hóa giữ bản quyền về việc sử dụng logo trong Năm Thánh. Hội đồng cho phép các tổ chức trong Giáo Hội Công giáo sử dụng logo với mục đích mục vụ, nhưng không cho phép làm thương mại.

Không được phép thay đổi logo, cho dù lấy lý do phải thích nghi với văn hóa địa phương. Tuy nhiên, được phép dịch câu khẩu hiệu từ tiếng La tinh Misericordes sicut Pater, vốn là thành phần gắn liền với logo. Các giáo phận muốn dịch khẩu hiệu trên sang ngôn ngữ khác, xin vui lòng liên hệ với Ban Tổ chức qua địa chỉ email: info@im.va để cung cấp cho Ban Tổ chức biết cách đánh vần chính xác khẩu hiệu trong ngôn ngữ của mình. Sau đó, Ban Tổ chức sẽ lo việc đưa câu khẩu hiệu đã được dịch vào logo và gửi lại cho giáo phận đó. Theo đó, tất cả các câu khẩu hiệu bằng các ngôn ngữ sẽ được liệt kê trên trang web của Năm Thánh.

Câu khẩu hiệu trong tiếng Việt: Thương xót như Chúa Cha.

Quy định này cũng được áp dụng cho việc chuyển ngữ Thánh thi chính thức của Năm Thánh và Kinh Năm Thánh do Đức Giáo hoàng Phanxicô soạn.

Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót

Lạy Chúa Giêsu Kitô,

Chúa dạy chúng con phải có lòng thương xót như Cha trên trời,

và ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha.

Xin tỏ cho chúng con thấy dung nhan của Chúa
và chúng con sẽ được cứu độ.
Ánh mắt đầy yêu thương của Chúa đã giải thoát ông Zakêu
và thánh Matthêu khỏi ách nô lệ bạc tiền;
làm cho người đàn bà ngoại tình và thánh Mađalêna
không còn tìm hạnh phúc nơi loài thụ tạo;
cho thánh Phêrô khóc lóc ăn năn sau khi chối Chúa,
và hứa ban thiên đàng cho kẻ trộm có lòng hối cải.

Xin cho chúng con được nghe
những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria,

như thể Chúa đang nói với mỗi người chúng con:
“Nếu con nhận ra hồng ân của Thiên Chúa!”

Chúa chính là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình,
Đấng biểu lộ quyền năng của Ngài
trước hết bằng sự tha thứ và lòng thương xót:

Xin làm cho Hội Thánh
phản chiếu gương mặt hữu hình của Chúa trên trái đất này.
Chúa là Đấng phục sinh vinh hiển.

Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa
cũng mặc lấy sự yếu đuối
để có thể cảm thông với những người mê muội lầm lạc,
xin làm cho tất cả những ai tiếp cận với các ngài
đều cảm thấy họ đang được Thiên Chúa
quan tâm, yêu mến và thứ tha.

Xin sai Thần Khí Chúa đến
xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con,
để Năm Thánh Lòng Thương Xót này
trở thành năm hồng ân của Chúa cho chúng con;
và để Hội Thánh Chúa, với lòng hăng say mới,
có thể mang Tin Mừng đến cho người nghèo,
công bố sự tự do cho các tù nhân và những người bị áp bức,
trả lại ánh sáng cho kẻ mù lòa.

Lạy Chúa Giêsu,
nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót,
xin ban cho chúng con những ơn chúng con đang cầu xin.
Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha
và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.


 Đức giáo hoàng Phanxicô

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Chữ PHÚC

Chữ  PHÚC
(Thứ năm - 29/10/2015-TRẦM THIÊN THU-tinvui.net)



Chữ PHÚC (Phước) liên quan chữ ĐỨC. Chữ Đức thường “đi trước” chữ Phúc. Có Đức thì mới có Phúc. Nhưng Việt ngữ thường nói Phúc Đức. Muốn có Phúc phải có Đức, muốn có Đức phải có Tâm, cái Tâm phải bền bỉ nên liên quan chữ Nhẫn.

Chữ PHÚC
Chữ PHÚC (Phước) liên quan chữ ĐỨC. Chữ Đức thường “đi trước” chữ Phúc. Có Đức thì mới có Phúc. Nhưng Việt ngữ thường nói Phúc Đức. Muốn có Phúc phải có Đức, muốn có Đức phải có Tâm, cái Tâm phải bền bỉ nên liên quan chữ Nhẫn.
Chữ Phúc là biểu tượng của sự may mắn, niềm sung sướng, thường dùng là Hạnh Phúc. Từ lâu, người Á Đông đã có nhiều hình tượng biểu thị chữ Phúc, như ngày nay người ta còn thấy trong nhiều vật trang trí, kiến trúc, và cả trên y phục.
Theo phong tục văn hóa Trung quốc, người ta thường treo hoặc dán chữ “Phúc” để cầu “Phúc” cho gia đình trong năm mới. Nhưng chữ Phúc lại được treo ngược, nghĩa là nó bị “đảo”, mà âm “phúc” và âm “đảo” đọc liền nhau sẽ trở thành “phúc đáo” (“đáo”“đến”), tức là “phúc đến nhà”. Nghịch mà hóa thuận, ngược mà lại tốt.
Chữ Phúc bao gồm những điều tốt lành. Kinh Thi nói về “ngũ phúc” (năm điều phúc) là: (1)
[giàu], (2) [yên lành], (3) [thọ] (4) [có đức tốt], (5) [vui hết tuổi trời]. Có nhiều sách nói “ngũ phúc” là: (phú), (quý), (thọ), (khang), (ninh).
Chuyện cổ tích “Chiếc Cầu Phúc Đức” kể rằng...
Ngày xưa có anh chàng chuyên sống về nghề ăn trộm. Trong nhà còn có mẹ già phải nuôi. Tuy có lúc được nhiều, có lúc được ít, nhưng trong nhà không bao giờ có của để dành, hai mẹ con thường phải chịu bữa no, bữa đói.
Một hôm, nhân ngày giỗ cha, mẹ chàng ôn lại cho chàng nghe cuộc đời của ông và cha chàng. Xưa kia ông nội của chàng cũng làm nghề ăn trộm, có đêm kiếm được những món rất đáng giá, nhưng khi nhắm mắt xuôi tay cũng không để lại cho cha chàng được chút gì.
Rồi đến đời cha chàng. Lớn lên, không biết chọn nghề gì khác tốt hơn, cha chàng lại nối nghề ông cụ, đến đêm lại đi rình mò hết làng trên xóm dưới mà cũng không bao giờ kiếm được nổi hai bữa cho hai vợ chồng và đứa con. Rồi cha chàng chết đi cũng không có gì để lại. Nay đến đời chàng, lao theo cái nghề này đã hai chục năm rồi mà tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Đã vậy, chàng cũng không tìm được nổi một người vợ, mặc dầu đã gần bốn chục tuổi.
Ôn lại đời cha ông xưa và nhìn cuộc đời mình, chàng không khỏi ngán ngẩm. Một đêm, chàng đến rình nhà ông thầy đồ ở xóm bên, định ăn trộm cái thủ lợn mà một nhóm học trò mang đến biếu. Rình mãi tới khuya, ông thầy vẫn chưa đi ngủ, ông đọc hết trang sách này tới trang sách khác. Chợt ông thầy đọc tới câu: “Tích thiện chi gia tất hữu dư hương; tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương”. Chàng bụng bảo dạ: “Phải chăng ông cha ta làm nghề thất đức nên để khổ nhục lại cho ta?”. Rồi chàng tự trả lời: “Phải, quả thật đúng như vậy”. Đoạn chàng chạy một mạch về nhà, quyết từ bỏ nghề ăn trộm.
Sáng hôm sau, chàng vác búa vào rừng hái củi và mang ra chợ bán. Công việc rất vất vả, hái được một gánh củi chàng phải đổi một bát mồ hôi để có được một món tiền mua gạo, nhưng chàng thấy an tâm hơn mọi ngày. Tuy vậy, đi đến đâu, chàng cũng nghe tiếng người xì xào: “Cẩn thận đấy! Cái thằng ba đời ăn trộm đã đến đó!”. Cái tiếng “ba đời ăn trộm” làm cho chàng buồn bã. Chàng nghĩ: “Từ nay ta phải làm những việc gì phúc đức thì họa may mới xóa được mấy tiếng đó”.
Một ngày mùa hạ, trời mưa to, nước lũ tràn về. Chàng đem củi đi chợ bán, vì nước lũ tràn về nhanh quá, không thể lội qua sông như mọi hôm được. Hàng trăm người ùn lại vì chưa có đò, mặt trời đã khuất sau rặng núi, mà mọi người vẫn loay hoay ở bờ sông. Chàng bèn nghĩ tới việc bắc một cái cầu. Đêm ấy, ngủ lại bến sông cùng với nhiều người khác, chàng đem chuyện bắc cầu ra hỏi bà con, nhiều người nói: “Đó là điều phúc đức được muôn ngàn người nhớ ơn. Trước đây cũng đã có người làm nhưng rồi lại bỏ dở”.
Sáng hôm sau, nước rút, chàng lội sông về nhà. Tới nhà, chàng đem ý định bắc cầu ra hỏi ý kiến mẹ. Mẹ chàng rất vui và giục chàng dốc sức bắc cầu. Từ đó, cứ sáng chàng lên rừng chặt cây; trưa cố hái thêm một gánh củi để về cho mẹ đi chợ; chiều ra sức chuyển gỗ làm cầu.
Chàng làm việc quên ngày tháng. Buổi chặt cây, buổi chuyển gỗ, buổi bắc cầu, không bao lâu đã bắc được hơn chục sải cầu. Công việc còn nhiều nặng nhọc vì con sông rộng gần hai trăm sải. Vì ăn đói mà làm nhiều nên chàng bị kiệt sức. Một hôm, chàng đói quá nên nằm lăn ra mê man ở đoạn cầu đang làm dở. Những người đi qua xúm lại cứu chữa, nhưng chàng vẫn chưa hồi tỉnh.
Lúc đó có một viên quan võ đi đến, thấy một đám đông đang xúm quanh một người nằm sóng soài, viên quan xuống ngựa đến gần hỏi chuyện. Mọi người cho biết đây là anh chàng đang bắc cầu làm phúc thì mệt quá mà ngất đi. Viên quan liền mở túi lấy thuốc cho chàng uống.
Được một lúc, chàng tỉnh lại, mọi người tản dần ra về, viên quan ngồi lại bên chàng ân cần hỏi chuyện. Chàng thật thà kể hết cho ông nghe cuộc đời của mình và nói rõ ý định cùng công việc đang làm. Viên quan nghe nói ra chiều cảm động, ông ngồi ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói: “Xưa kia cha ông chàng làm nghề thất đức để cho chàng ngày nay phải đói nghèo. Nay, chàng muốn làm điều phúc đức để chuộc lỗi lầm xưa kia, quả là hay vô cùng. Về phần tôi, tôi xin nói thật: cha tôi, ông tôi, ông cụ, ông kỵ tôi, đời đời làm quan ức hiếp dân lành, bóp hầu bóp cổ để nã tiền, nã của. Đấy cũng là điều thất đức, vì vậy đến tôi ngày nay trời quả báo: lấy vợ đã hơn hai mươi năm rồi mà không có một đứa con để vui cửa vui nhà, cho nên, tuổi đã ngoài bốn mươi, chúng tôi vẫn phải sống hiu quạnh. Nay tôi cũng muốn làm điều phúc đức để chuộc lỗi lầm xưa, chẳng hay chàng có cho tôi góp sức cùng nhau bắc cầu được không?”.
Chàng bắc cầu vui mừng nói: “Nếu quan lớn có chí hướng như vậy thì cái cầu này sẽ chóng xong, dân chúng sẽ mau được qua lại, còn gì tốt hơn!”. Hai người bèn cho nhau biết tên tuổi, quê quán, rồi kết nghĩa huynh đệ. Viên quan võ hơn chàng bắc cầu bốn tuổi nên là anh. Chàng bắc cầu nói: “Em còn có mẹ già ở nhà, vì nhà nghèo, phải bán củi lấy tiền mua gạo cho nên ngày nào em cũng phải đem củi về nhà để sáng hôm sau mẹ đem củi ra chợ bán lấy tiền”. Viên quan võ thân mật bảo chàng: “Anh có nhiều tiền của, anh sẽ bỏ ra nuôi mẹ để em khỏi phải bận tâm, như vậy chúng ta sẽ chuyên chú vào việc bắc cầu, em nghĩ thế nào?”. Chàng bắc cầu nói: “Nếu vậy thì còn gì hay hơn!”.
Từ đấy, hàng ngày hai anh em cùng nhau lên núi đốn cây, chuyển gỗ. Chẳng bao lâu, hai người đã dựng xong chiếc cầu gỗ hơn hai trăm sải. Dân chúng ai cũng vui mừng, họ đặt tên là Cầu Phúc Đức. Các cụ hai làng hoan hỉ cùng nhau bàn định góp tiền làm một bữa tiệc ăn mừng chiếc cầu hoàn thành.
Ngày ăn mừng chiếc cầu, các vị bô lão và tất cả dân chúng quanh vùng nô nức đến dự, ai cũng cầu xin Thượng Đế ban phúc cho hai người bắc cầu, họ ăn uống linh đình suốt cả buổi sáng. Bỗng một cơn gió bất chợt kéo đến, gió thổi mạnh, làm cúi rạp ngọn cỏ nghiêng ngả cành cây. Gió thổi mỗi lúc một mạnh, rồi bất thình lình cuốn anh chàng bắc cầu đi mất. Viên quan võ thất thanh kêu gọi, tất cả mọi người đều ngậm ngùi.
Thấy người em kết nghĩa của mình hết lòng hết sức hàng ba năm trời ra làm cầu mà lại không được hưởng phúc, viên quan xót xa lắm. Sau khi mọi người đã ra về, ông đón vợ sang ở chung với bà cụ để sớm hôm trông nom, phụng dưỡng bà thay người em kết nghĩa.
Chàng bắc cầu bị gió lốc cuốn tới một cái hang trên một ngọn núi cao. Chàng lảo đảo đứng chưa kịp vững, cơn gió bỗng vụt hóa thành người tươi cười nói với chàng: “Nhà ngươi chớ sợ, ta là Thần Gió được Ngọc Hoàng sai đi đón nhà ngươi về đây để thưởng cho ngươi cái công thành tâm làm chuyện phúc đức. Bạc vàng đấy, nhà ngươi muốn lấy bao nhiêu thì lấy”.
Chàng bắc cầu nhìn vào hang thấy đống vàng sáng chói. Chàng cởi áo gói lấy một số vàng, rồi buộc lại cẩn thận, chàng vác gói vàng lên vai, tiến ra cửa hang, Thần Gió lại hóa thành cơn gió lốc cuốn chàng đi, trả về bản và đặt chàng nhẹ nhàng xuống giữa sân nhà. Chàng bắc cầu sung sướng để gói vàng xuống rồi lên tiếng gọi cửa. Nghe tiếng gọi, mẹ chàng và hai vợ chồng viên quan võ tưởng là hồn chàng bắc cầu hiện về, liền dắt nhau lại ngồi quanh chiếc bàn thờ thắp hương khấn vái lầm rầm. Nhìn qua kẽ liếp thấy ba người vừa cúi lạy, vừa khấn, chàng bắc cầu bật cười lại một lần nữa chàng lên tiếng gọi: “Mẹ ơi! Con đây mà! Anh ơi! Em đây mà! Mẹ ơi! Con hãy còn sống trở về nhà đây, mau mau mở cửa đi!”. Nghe rõ tiếng gọi của con, bà mẹ mừng quýnh. Vợ chồng viên quan võ vội chạy ra mở cửa, đón người em kết nghĩa.
Chàng bắc cầu ngồi xuống kể lại ngọn ngành câu chuyện được Thần Gió đưa đi lấy vàng cho cả nhà nghe, mọi người reo mừng sung sướng. Từ đó, mẹ con chàng bắc cầu bắt đầu trở nên giàu có, chàng mời hai vợ chồng người anh kết nghĩa ở lại và cùng nhau làm ăn. Ít lâu sau, vợ viên quan võ có thai, đến ngày sinh, chị sinh được một bé trai. Hai vợ chồng mừng vô kể. Ít lâu sau, chàng bắc cầu cũng lấy vợ, có con, và sống hạnh phúc đến già.
Câu chuyện này nhắc chúng ta phải từ bỏ quá khứ tội lỗi, cố gắng tu thân tích đức để được hưởng phúc ấm!
Khi chúng ta (Giáo hội Chiến đấu) mừng kính chư vị hiển thánh (Giáo hội Chiến thắng) và tưởng niệm các linh hồn nơi luyện hình (Giáo hội Đau khổ), đó là dịp xem lại các Mối Phúc Thật của Đức Giêsu Kitô. Các thánh đã sống trọn các mối phúc nên đang được hưởng phúc trường sinh, điển hình là các vị thánh tử đạo Việt Nam – và hàng trăm ngàn vị tử đạo Việt Nam khác. Việc tôn phong một Kitô hữu nào đó là “tôi tớ Chúa”,“bậc đáng kính”,“chân phước” (á thánh, thánh nhỏ), hoặc “thánh” (hiển thánh, thánh lớn) chỉ là kiểu “thủ tục hành chính” cho hợp lệ để công khai hóa đối với Giáo hội hữu hình, chứ các vị đó đã là thánh từ trước khi “được” chúng ta “công nhận” rồi.
Còn các linh hồn là các vị thánh tương lai, chắc chắn các ngài cũng sẽ hưởng phúc trường sinh nay mai, trong đó có thân bằng quyến thuộc của chính mỗi chúng ta. Các thánh và các linh hồn nơi luyện hình đều đã là những phúc nhân – người có phúc. Mỗi dịp lễ cầu hồn, rất nhiều linh hồn được hưởng nhờ Lòng Thương Xót của Chúa, và trên trời lại hân hoan tiếp nhận vô vàn các Tân Thánh Nhân. Tạ ơn Thiên Chúa yêu thương vô vàn!
Theo nghĩa đó của Công giáo, chúng ta có hai dạng phúc: Phúc-hiện-tạiPhúc-tương-lai. Phúc-hiện-tại là tình trạng của các thánh đang ở Thiên đàng, Phúc-tương-lai là tình trạng của các linh hồn đang được thanh tẩy nơi luyện hình.

PHÚC HIỆN TẠI
Trình thuật Mt 5:1-12 là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Thiên Quốc do chính Chúa Giêsu soạn thảo, và là Đệ Nhất Tuyên Ngôn so với bất kỳ Bản Tuyên Ngôn nào của các quốc gia trên thế giới. Bản Tuyên Ngôn này ngắn nhất, ít điều khoản nhất, mỗi điều khoản cũng ngắn gọn, nhưng lại chính xác nhất và độc nhất vô nhị. Bản Tuyên Ngôn này còn được gọi là Bát Phúc, Tám Mối Phúc Thật, hoặc Bài Giảng Trên Núi.
Bản Tuyên Ngôn Thiên Quốc này chỉ bao gồm 8 điều khoản:

1. Phúc thay ai có tâm hồn NGHÈO KHÓ, vì Nước Trời là của họ.
2. Phúc thay ai HIỀN LÀNH, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
3. Phúc thay ai SẦU KHỔ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
4. Phúc thay ai KHÁT KHAO nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
5. Phúc thay ai XÓT THƯƠNG người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
6. Phúc thay ai có TÂM HỒN TRONG SẠCH, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
7. Phúc thay ai XÂY DỰNG HOÀ BÌNH, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
8. Phúc thay ai BỊ BÁCH HẠI vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu có thêm “mối phúc thứ chín” vì thấy Tông đồ Thomas không tin lời kể của các bạn, Chúa Giêsu nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29). Mối phúc này có thể coi như “mối phúc tổng hợp” của tám mối phúc kia. Vì khi đã tin thật lòng thì người ta không ngại gì với tám thứ kia.
Những người chưa có hoặc không có đức tin đích thực thì chẳng thể nào tin nổi, vì những gì Chúa Giêsu cho là Phúc thì toàn là những thứ “không bình thường”, không giống ai, hoàn toàn ngược đời, hết sức kỳ quặc, và chắc hẳn họ sẽ cho là khùng, là điên, là ngu xuẩn, là dại dột,… Chúa Giêsu biết vậy nên Ngài thường có kiểu nói nghe chừng “tưng tửng” thế này: “Ai có tai thì nghe!” (Mt 11:15; Mt 13:9; Mt 13:43). Đại Sư Giêsu độc chiêu thật đấy! Ai mà không có tai chứ? Ấy thế mà nào có nghe, cũng như có mắt mà không thấy: “Họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu” (Mt 13:13; Lc 8:10).
Chúa Giêsu rất giản dị, có kiểu nói ai cũng hiểu, ngay cả người mù chữ cũng hiểu. Nghe rất sướng lỗ tai! Ngài còn nói thêm như phần mở rộng: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5:11-12).
Thánh Gioan cho biết thị kiến về “một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn, thuộc mọi chi tộc con cái Ít-ra-en” (Kh 7:2-4). Các thánh mà chỉ bi nhiêu ư? Không phải vậy. Con số 144.000 nghĩa là rất nhiều, chứ không mang nghĩa “số đếm” như cách tính của loài người. Vả lại, theo ngôn ngữ Kinh Thánh khải huyền, 144 là con số hoàn hảo, vì 12 x 12 = 144. Họ là ai? Sách Khải Huyền cho biết: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạchtẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7:13-14). Đó chính là các thánh mà Giáo hội Lữ hành chúng ta vẫn mừng kính vào ngày 1 tháng 11 hằng năm.


PHÚC TƯƠNG LAI
Phúc-tương-lai là Phúc mà các linh hồn nơi luyện hình sẽ có lúc được hưởng khi nào “mãn hạn tù giam”. Phúc-tương-lai cũng là Phúc dành cho chúng ta, những người đang trên đường lữ hành, cố gắng chiến đấu ngoan cường để có ngày chiến thắng vẻ vang như các thánh.
Thánh Gioan Tông đồ cho biết một thị kiến khác: “Tôi thấy những người chết, lớn cũng như nhỏ, đứng trước ngai. Sổ sách đã mở sẵn; rồi một cuốn khác cũng đã mở ra: đó là Sổ Trường Sinh. Các người chết ĐƯỢC xét xử tuỳ theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách. Biển trả lại những người chết nó đang giữ; Tử thần và Âm phủ trả lại những người chết chúng đang giữ, và mỗi người CHỊU xét xử tuỳ theo các việc đã làm. Tử thần và Âm phủ bị quăng vào hồ lửa. Hồ lửa này là cái chết thứ hai. Ai không có tên ghi trong Sổ trường sinh thì bị quăng vào hồ lửa” (Kh 20:12-15). Việt ngữ thật hay khi diễn tả hai cách thụ động: ĐƯỢC dùng cho điều tốt, tích cực; CHỊU (bị) dùng cho điều xấu, tiêu cực.
Các linh hồn nơi luyện hình là những người đã được cấp Visa-Trường-Sinh chính thức, chắc ăn 100%, chỉ còn chờ “chuyến-bay-đại-xá” trực chỉ Thiên Quốc mà thôi. Có một phần an tâm. Chưa an tâm trọn vẹn vì “chưa được diện kiến Tôn Nhan Chúa”, đó là điều ray rứt và khắc khoải nhất của các linh hồn còn phải sống xa cách Thiên Chúa. Khi sinh thời, Thánh Tiến sĩ Giám mục Augustinô đã cảm nghiệm: “Hồn con chỉ được nghỉ ngơi khi nào được an nghỉ trong Chúa”. Và ngài cũng đã nuối tiếc: “Con yêu Chúa quá muộn màng!”.
Các linh hồn nơi luyện hình, và tất cả chúng ta, chỉ là những người vô danh tiểu tốt, thiểu năng và bất tài, chẳng làm được việc gì cho ra hồn, thế nên chẳng hề có “tiếng” mà cũng chẳng hề có “miếng”. Nhưng thật là diễm phúc cho chúng ta vì Thiên Chúa không xét chi đến “tiếng” hoặc “miếng”, mà chỉ tính công-trạng-âm-thầm: “Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử” (1 Pr 1:17). Và thị kiến của Thánh Gioan Tông đồ cũng minh định: “Một con ngựa trắng, và người cỡi ngựa mang tên là Trung Thành và Chân Thật, Người theo công lý mà xét xử giao chiến” (Kh 19:11).
Cứ an tâm và cố gắng sống, đừng lo không ai biết đến mình. Người Việt vẫn thường có cách ví von: “Văn hay chữ tốt không bằng ngu dốt lắm tiền”. Câu này “thâm” lắm, làm “đau” lắm, nhưng cũng thực tế lắm. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã nhắc nhở: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình? (Mt 16:26; Mc 8:34; Lc 9:22). Giỏi mà kiêu căng thì có gì giỏi? Giỏi mà phải mất Chúa thì ích chi? Thế thì thà dốt nát mà được Chúa còn hơn! Chức quyền có ích gì nếu không nhằm mục đích yêu thương và phục vụ? Có chức quyền mà không hành động theo Ý Chúa, chỉ theo ý mình, làm vinh danh mình, thì thật là bất hạnh!
Ai cũng phải quyết tâm nên thánh, vì không nên thánh là phụ tình Chúa, là lãng phí Giá Máu Cứu Độ của Đức Kitô. Cứ quẳng gánh lo đi mà vui sống, vô tư thì sẽ thoải mái, và an tâm với điều này: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người” (Rm 6:8). Được “sống với Đức Kitô” là làm thánh đấy. Đơn giản thôi! Nhưng chắc chắn rằng, dù các thánh, dù các linh hồn nơi luyện ngục, và cả chúng ta, không ai không có “dấu đau khổ” khắc trên trán đâu. Đó là chữ Phúc!
Chữ PHÚC của các Kitô hữu là chữ THẬP (+), tức là Thập Giá (). Một nhánh thẳng đứng là hướng tới Thiên Chúa, một nhánh ngang là hướng tới tha nhân. Hai hướng đều liên kết bằng chữ YÊU – kính mến và thương mến. Chữ Yêu rất quan trọng, vì đó là một trong ba nhân đức đối thần. Vả lại, nhân đức này thường gọi là Đức Ái, cần cả đời này và đời sau, và còn mãi đời đời. Hai nhân đức đối thần khác (đức tin và đức cậy) chỉ có ở đời này, không còn ở đời sau. Ước gì mỗi chúng ta khả dĩ nói như Thánh Phaolô: “Mea Gloria est Crux Christi – Vinh dự của tôi là Thập Giá Đức Giêsu Kitô” (Gl 6:14). Đó mới là chữ PHÚC quan trọng nhất!
TRẦM THIÊN THU

Giáo hội khải hoàn (Lễ các Thánh)


Giáo  hội  khải  hoàn
(Lễ  các  Thánh)
(Thu, 29/10/2015 - Trầm Thiên Thu – thanhlinh.net)







Thánh Phaolô nói: “Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người” (Ep 4:5-6). Giáo hội duy nhất nhưng có ba thành phần: Giáo hội Khải hoàn (các thánh vinh hiển), Giáo hội Đau khổ (các linh hồn nơi luyện ngục), và Giáo hội Chiến đấu (những người trên đường lữ hành trần gian). Ba thành phần của Giáo hội được gọi là “các thánh cùng thông công”.

Ngày đầu tiên của Tháng Cầu Hồn là ngày mừng kính chư thánh hiển vinh, nói lên tính thông công đó.

Thánh Gioan Tông đồ kể lại thị kiến: “Tôi thấy một thiên thần mang ấn của Thiên Chúa hằng sống, từ phía mặt trời mọc đi lên. Thiên thần ấy lớn tiếng bảo bốn thiên thần khác, là những vị được quyền phá hại đất liền và biển cả, rằng: ‘Xin đừng phá hại đất liền, biển cả và cây cối, trước khi chúng tôi đóng ấn trên trán các tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta’. Rồi tôi nghe nói đến con số những người được đóng ấn: một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn, thuộc mọi chi tộc con cái Ít-ra-en” (Kh 7:2-4). Con số 144.000 nghĩa là rất nhiều, chứ không mang nghĩa “số đếm” như cách tính của loài người.

Thánh Gioan kể tiếp: “Sau đó, tôi thấy một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: ‘Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta’. Tất cả các thiên thần đều đứng chung quanh ngai, chung quanh các Kỳ Mục và bốn Con Vật. Họ đều sấp mặt xuống, phủ phục trước ngai và thờ lạy Thiên Chúa mà tung hô rằng: “Amen! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời. Amen” (Kh 7:9-12).

Một trong các Kỳ Mục lên tiếng hỏi Thánh Gioan: “Những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu đến?” (Kh 7:9-13). Thánh Gioan trả lời: “Thưa Ngài, Ngài biết đó”. Vị ấy bảo: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạchtẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7:13-14).

Các thánh là những người đã chịu trăm cay ngàn đắng lúc sinh thời, nhưng các ngài vẫn kiên tâm bền chí, đặc biệt là các ngài đã “giặt sạch”“tẩy trắng” chiếc áo của mình trong chính Máu Cứu Độ của Đức Kitô. Thật tuyệt vời biết bao!

Tác giả Thánh Vịnh nói: “Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư. Nền trái đất, Người dựng trên biển cả, đặt vững vàng trên làn nước mênh mông’ (Tv 24:1-2). Thiên Chúa là Đấng tác sinh muôn loài, là Đấng toàn năng và cực thánh. Thiên Chúa như thế, vậy “ai được lên núi Chúa và ai được ở trong đền thánh của Người?”. Đơn giản thôi, Thánh Vịnh trả lời ngay: “Đó là kẻ tay sạch lòng thanh, chẳng mê theo ngẫu tượng, không thề gian thề dối” (Tv 24:4). Những ai như vậy sẽ “được Chúa ban phúc lành, được Thiên Chúa cứu độ thưởng công xứng đáng” (Tv 24:5). Quả thật, đây mới chính là “dòng dõi những kẻ kiếm tìm Người, tìm Thánh Nhan Thiên Chúa nhà Gia-cóp” (Tv 24:6).

Các thánh là những người đã quyết tâm thực hành Thánh Luật của Thiên Chúa, thực hiện tới cùng, thực hiện tới chết. Chắc chắn các ngài đã cảm nghiệm được sự ngọt ngào của tình yêu, của lòng Chúa thương xót.

Chúng ta đã biết Chúa, được tái sinh qua Bí tích Thánh Tẩy, tức là chúng ta đều là những “người trở về từ cõi chết”, được tắm gội trong suối Máu và Nước tuôn trào ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta phải cố gắng noi gương các thánh. Thánh Gioan nói: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa. Sở dĩ thế gian không nhận biết chúng ta, là vì thế gian đã không biết Người” (1 Ga 3:1). Chuyện ngỡ chỉ có trong mơ tưởng!

Thật khó mà tin được, và đôi khi người ta không muốn tin, nhưng Thánh Gioan xác định rằng “thực sự chúng ta là con Thiên Chúa”. Vô cùng lạ lùng, thật là mầu nhiệm, đúng là phép lạ! Chúng ta đang là tôi tớ, là nô lệ, là tội nhân, thậm chí là đang chết, thế mà lại được sống lại và được làm con cái Chúa. Những người không có niềm tin Kitô giáo thực sự đúng mức thì không thể nào tin được. Thảo nào người ta bảo các Kitô hữu là ảo tưởng!

Thánh Gioan nhắc lại và giải thích: “Hiện giờ chúng ta là con Thiên Chúa, nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy. Phàm ai đặt hy vọng như thế vào Đức Kitô thì làm cho mình nên thanh sạch như Người là Đấng thanh sạch” (1 Ga 3:2-3). Sự thật minh nhiên, nhưng đầu óc “bã đậu” của phàm nhân chúng ta lúc này không thể hiểu hết, trí tưởng tượng “dỏm” của chúng ta cũng không thể hình dung ra được!

Thiên Đàng là cõi phúc, không phải là cõi thiên thai mà Lưu Nguyễn lạc vào xưa kia hoặc như những cõi bồng lai tiên cảnh trong truyện cổ tích, mà là Nước Trời, Vương Quốc Thiên Chúa. Trình thuật Mt 5:1-12 nói về Bát Phúc (Tám Mối Phúc Thật, Bài Giảng Trên Núi). Đây là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Thiên Quốc do Chúa Giêsu soạn thảo, là Đệ Nhất Tuyên Ngôn so với bất kỳ Bản Tuyên Ngôn nào của các quốc gia trên thế giới. Bản Tuyên Ngôn này ngắn nhất, ít điều khoản nhất, nhưng lại chính xác nhất và “độc đáo” nhất.

Bản Tuyên Ngôn Thiên Quốc này đã được chính Chúa Giêsu đọc công khai trước bàn dân thiên hạ. Có điều khác lạ là khi đó Chúa Giêsu ngồi chứ không đứng với dáng vẻ trịnh trọng như bất kỳ một vị nguyên thủ quốc gia nào, còn các môn đệ đứng gần bên. Chả giống ai. Thế mới thật, thế mới tự nhiên, thế mới thân thiện, không cần “ra vẻ” chi cho mệt! Chúa Giêsu “quá đã”! Ngài điềm đạm và dõng dạc tuyên bố:

1. Phúc thay ai có tâm hồn NGHÈO KHÓ, vì Nước Trời là của họ.
2. Phúc thay ai HIỀN LÀNH, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
3. Phúc thay ai SẦU KHỔ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
4. Phúc thay ai KHÁT KHAO nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
5. Phúc thay ai XÓT THƯƠNG người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
6. Phúc thay ai có TÂM HỒN TRONG SẠCH, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
7. Phúc thay ai XÂY DỰNG HOÀ BÌNH, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
8. Phúc thay ai BỊ BÁCH HẠI vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Chúa Giêsu cũng chẳng văn hoa bóng bẩy, không cầu kỳ, dùng lời lẽ bình dị, ai cũng có thể hiểu. Nghe rất sướng lỗ tai! Cuối cùng, Ngài còn nói thêm: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5:11-12).

Các thánh đã anh dũng chiến đấu không hề nao núng, ngoan cường tới cùng, mỗi người mỗi vẻ, nên đã đạt được mục đích: Ơn Cứu Độ.

Lạy Thiên Chúa, xin cho chúng con biết noi gương các thánh mà trung kiên làm chứng về Chúa cho tới cùng, dù phải thiệt thòi cách nào và với mức độ nào. Xin chư thánh cầu thay nguyện giúp chúng con, xin phù hộ chúng con để chúng con can đảm theo sát gót các ngài mọi nơi và mọi lúc. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.


TRẦM THIÊN THU

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Trẻ cần biết kỹ năng gì ở tuổi lên 5

Trẻ  cần  biết  kỹ  năng  gì  ở  tuổi  lên  5
(Thứ năm, 1/10/2015 –VnExpress.net)

Trẻ 5 tuổi đã có thể tham gia nấu cơm cùng bố mẹ - Ảnh: theasianparent.com


Nhiều kỹ năng như rửa bát, dùng dao... thì trẻ ở tuổi này lại không được học và không biết làm.
Lý do trẻ học chữ ở tuổi 4-5 có thể là sự sốt ruột của cha mẹ, sự đam mê thành tích của các bậc sinh thành. Tuy nhiên, cũng có thể một tuổi thơ quá nghèo nàn với các hoạt động ít ỏi và lặp đi lặp lại đã hướng đứa trẻ đến những khám phá con chữ.
Thật ra, tự học chữ cái để đọc sách không quá khó và đằng nào thì trẻ cũng học khi lên 6 tuổi. Thế nhưng còn vô vàn các món khác đứa trẻ 4 – 5 tuổi cần học thì lại không được học và không biết làm. 

1. Sử dụng đũa
Đến tuổi này, con đã đủ lớn để bắt đầu làm quen với việc dùng đũa. Dùng đũa đòi hỏi con phải có đôi tay rất khéo léo. Đầu tiên, cha mẹ hãy đưa cho con một đôi đũa riêng nho nhỏ, vừa tay con để con tập gắp. Nếu con làm được, nhớ vỗ tay khen con giỏi.

2. Làm đồ thủ công
Những món đồ thủ công nho nhỏ sẽ khiến trẻ bớt nghịch vì chúng còn mải tỉ mẩn làm. Ban đầu, khi các con còn nhỏ, trò xé dán là một niềm vui tuyệt vời mà lại rèn luyện sự khéo léo cho đôi bàn tay. Sau đó, mẹ có thể dạy con làm đồ thủ công phức tạp hơn như các làm các con thuyền nhỏ, dán đèn ông sao.

3. Sử dụng dao
Dạy con cầm dao tuổi này không phải là quá sớm. Ban đầu, cha mẹ mua cho con một túi dao nhựa để con làm đồ chơi và cho con tập cắt với quả dưa chuột trước. Sau khi con đã có thể gọt quả dưa chuột dễ dàng thì cho con cầm dao nhựa cắt giò, chả phục vụ bữa cơm gia đình. Khi con được tham gia vào các công việc quen thuộc này, con sẽ vô cùng thích thú và chăm chỉ làm.

4. Sử dụng kim
Bài tập này giúp trẻ vừa học kĩ năng khâu vá vừa phát triển não vô cùng tốt. Cha mẹ hãy cho con sử dụng cây kim khâu len to đùng. Cây kim đó có đầu rất tù nên không đâm vào tay các con. Đầu tiên hướng dẫn con xâu sợi chỉ nhỏ luồn qua lỗ kim. Sau đó, hướng dẫn con xâu kim qua những lỗ nhỏ xíu đã được chọc thủng sẵn trên một tấm bìa. Đó nên là một tấm bìa cứng, vừa tay cầm của con. Cha mẹ có thể in hình hoạt hình dễ thương ra giấy và dán lên tấm bìa. Sau đó, cha mẹ dùng kim đục trước các lỗ thủng theo đường viền của hình. 
Lưu ý: lỗ thủng vừa thôi, đừng quá to kẻo con sẽ làm rách tấm bìa.
Sau khi con thêu xong, cha mẹ nhớ khen ngợi và lưu trữ tấm bìa lại. Sau này 
con lớn, con sẽ vô cùng thích thú đấy.

5. Học nấu cơm cùng cả nhà
Con đã có thể nhặt rau, rửa rau, đập trứng, đánh tan trứng, cắt đậu phụ bằng dao nhựa, dọn bàn ăn, xếp bát đĩa... Vậy lý do gì mà cha mẹ không cho con làm?

6. Rửa bát
Tuổi này con học rửa bát được rồi. Rửa bát của cả bữa ăn có vẻ hơi nhiều và có thể khiến con chán. Tuy nhiên, nếu con rửa xà phòng, mẹ tráng và bố cất bát thì thật vui và con thích lắm đấy. 

7. Lau bàn, lau ghế, lau tủ lạnh và các vật dụng trong nhà
Cha mẹ hãy chuẩn bị cho con một chiếc khăn nhỏ, một chiếc chậu bé xinh và chút xíu nước. Làm việc sẽ mang đến cho con niềm vui và sống có trách nhiệm với gia đình.

8. Dạy con ứng xử/ứng phó với người lạ
Đặt ra quy tắc cho con: Với người xa lạ, con chỉ được phép chào hỏi lễ phép khi họ hỏi đến con chứ không được nói gì thêm hay đi theo ai. Dạy con giao tiếp thân ái, lễ độ với người xung quanh nhưng phải giữ một khoảng cách an toàn.

9. Mua hàng ở những cửa hiệu tạp hóa gần nhà
Nếu quanh nhà có các hiệu tạp hóa, cha mẹ cần cho con thử sức tự đi mua. Làm quen dần với tiền khi mua những món đồ nho nhỏ, tự mình đi một quãng đường ngắn ra ngoài (không qua đường) sẽ khiến con tự tin rất nhiều trong giao tiếp và ứng xử. Cha mẹ hãy chuẩn bị số tiền đúng bằng hoặc hơn chút với món đồ cần mua và nhờ con đi mua. Nhớ dặn con chào hỏi, nói năng thật lễ phép.

10. Tự sắp xếp tủ quần áo
Một tuần một lần, cha mẹ yêu cầu con tự sắp xếp lại tủ quần áo. Vì đây là việc rất nhàm chán nên cha mẹ cần có sự thách thức. Ví dụ đua xem bố mẹ và con ai dọn tủ của bản thân mình nhanh hơn thì con sẽ làm nhanh như điện cho mà xem.

11. Trượt Patin
Đây vừa là thể thao, vừa là tập khéo léo. Con có thể ngã, chưa quen nhưng con sẽ dần dần khéo léo. Cho con trượt Patin để con biết và làm quen với tốc độ. 

12. Tập xe đạp
Tập xe cho trẻ 4, 5 tuổi không khó. Nhiều bé biết đi ngay sau 2 buổi. Điều quan trọng cha mẹ cần làm là đảm bảo an toàn cho con khi tập xe và tập trượt Patin. Có rất nhiều nơi bán bao tay, bao chân, mũ bảo hiểm để bố mẹ mua cho con.
13. Bơi
Bơi không chỉ là một kĩ năng quan trọng mà còn làm tăng khả năng ứng phó của con trong những trường hợp đuối nước. Cha mẹ cần cho con đi học bơi ở lớp thật bài bản. Lúc này chính là lúc con cần dành thời gian cho kĩ năng này.

14. Các trò chơi đố chữ
Cha mẹ cần tăng cường vốn tiếng Việt cho con để con chuẩn bị vào lớp           
         1. Cách chơi là hãy đố con tìm những từ trái nghĩa hay đồng nghĩa với một từ nào đó (cha mẹ đừng nói chữ "trái nghĩa/đồng nghĩa", trẻ con không hiểu đâu). Cha mẹ lấy ví dụ ra để thách con, nó sẽ hiểu cách chơi. 
Ví dụ: Mẹ biết từ nóng và lạnh là ngược nhau, vậy từ trắng ngược với từ gì? Đứa trẻ hiểu ngay và sẽ nói: Đen ạ. Và trò chơi cứ thế tiếp diễn.

     2. Một cách nữa là hãy rủ con chơi trò chơi tìm những chữ có vần nào đó. Ví dụ: Con hãy tìm những từ có vần h như: hoa, hè. Nhớ là khi chơi phải thật công bằng và nếu cha mẹ thua thì cũng phải thừa nhận. Cha mẹ mà ăn gian, lần sau bọn trẻ ghét, sẽ không chơi nữa.

15. Chơi các trò chơi dân gian
Đánh tam cúc, ô ăn quan, chơi chuyền, bắn bi, nhảy dây chun, nhảy dây thừng là những trò chơi tuyệt vời, giúp con vận động và phát triển tư duy.

16. Chơi vui cùng bạn bè quanh xóm
Với các trò chơi trên, những món thể thao, và kể cả những trò kĩ năng sống, nếu được làm cùng người khác, trẻ sẽ thấy rất hấp dẫn. Cha mẹ nên tạo điều kiện cho con chơi với bạn bè quanh xóm.
Như vậy, thời gian biểu làm việc của trẻ bận rộn lắm. Cha mẹ đừng cho con xem tivi, chơi máy tính, laptop, Ipad… hay học chữ quá sớm. 

Tiến sĩ Vũ Thu Hương
Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội