Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

THĐ: Ngày thứ hai, 6 tháng Mười, 2015

Thượng  Hội  Đồng: 
 Ngày  thứ  hai,  6   tháng  Mười,  2015
(Vũ Văn An10/6/2015-Vietcatholic.net)

Theo Đài Phát Thanh Vatican, vào chiều thứ Ba, các tham dự viên tại Thượng Hội Đồng về gia đình đã chia từng nhóm thảo luận nhỏ theo ngôn ngữ, sau một ngày rưỡi được nghe các bài trình bầy tại các phiên họp toàn thể.

Khó có thể tóm lược 72 bài đóng góp của các tham dự viên trong 24 giờ qua. Nhưng theo Đài Vatican, ta có thể phân biệt được hai cách các nhà lãnh đạo này của Giáo Hội đang suy tư về các thách đố của gia đình ngày nay.

Phương thức đầu có tính triết lý, khởi đi từ Thánh Kinh và tín lý, để tìm ra các giải pháp cho các vấn đề trong nền văn hóa thế tục hiện đang đe dọa các niềm tin và truyền thống Công Giáo. Một vị giám mục cảnh báo rằng nếu ta mở cửa cho não trạng thế tục này, thì sói rừng sẽ ập vào.

Phương thức thứ hai do nhiều vị giám mục khác đề xuất là khởi đi từ các thay đổi sâu xa đang diễn ra trong xã hội để tìm hiểu xem Giáo Hội có thể dùng Thánh Kinh và Thánh Truyền ra sao để vẫn còn liên hệ tới đời sống của người thời nay. Không sống trong sợ hãi đối với một nền văn hóa thù nghịch và vô thượng đế, nhưng đúng hơn là can dự vào nó, đề xuất Tin Vui Phúc Âm cho bất cứ ai đang tìm ý nghĩa đời người.

Từ quan điểm vừa nói, phần trình bầy có tính dẫn nhập của Đức Hồng Y Peter Erdo vào hôm thứ Hai có thể được coi là bài trình bầy sắc sảo và cổ điển về giáo huấn gia đình của Giáo Hội. Tuy nhiên, như Đức Tổng Giám Mục Paul-André Durocher, nguyên chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Canada, từng nói, đây chỉ là một mảnh của câu đố khó giải mà thôi. Đúng hơn, thay vì là lời sau cùng đối với các giám mục, đây mới chỉ là một khởi điểm, để từ đó, các nhóm nhỏ theo ngôn ngữ bắt đầu thảo luận. Chính trong khung cảnh nhỏ hơn, nhưng nhiều tương tác hơn này, mọi tham dự viên, kể cả các giáo dân nam nữ, kể luôn các đại biểu không phải là Công Giáo, có thể chia sẻ cung cách duy trì giáo huấn Giáo Hội trong khi vẫn tiếp xúc được với đời sống thực của người ta. Hoặc nói theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: làm cách nào trở thành một Giáo Hội biết mở rộng cửa, không dính chặt vào phòng áo lễ mà là đi ra ngoài phố khiến tay mình ra dơ bẩn.

Về ngữ vựng, rất nhiều bài nói sử dụng một ngôn từ không làm những người đang khát khao được nghe lời Chúa cảm thấy xa lạ. Một vài tham dự viên cảnh cáo cách mạnh mẽ chống thứ ngôn ngữa loại trừ, nhất là khi nói về những người đang sống trong các cuộc hôn nhân thứ hai hay trong các liên hệ đồng tính. Dù ta dễ nhất trí đối với việc sử dụng ngôn từ nhậy cảm và bao gồm để nói về các nạn nhân của bạo lực, về người nghèo hay những người bị hắt hủi khác, ta vẫn chưa tìm được sự đồng thuận đối với ngôn từ được dùng để mô tả những người đồng tính, coi họ như thành phần của chính gia đình ta, như anh chị em của chính ta.

Bạo lực chống phụ nữ cũng là một chủ đề nóng bỏng khác được một số nghị phụ Thượng Hội Đồng nêu lên. Một trong các vị này trưng dẫn những con số thống kê khiến ta giật mình, cho thấy tới một phần ba phụ nữ trên thế giới đang là nạn nhân của bạo hành trong gia đình. Ngài kêu gọi Thượng Hội Đồng dùng những lời lẽ mạnh mẽ nhất để nhấn mạnh rằng không bao giờ được dùng Thánh Kinh để biện minh cho việc thống trị của đàn ông hay cho việc bạo hành đối với phụ nữ. Ngài cũng đề nghị rằng Giáo Hội nên chứng tỏ là mình nghiêm túc trong việc khai mở một vai trò lớn hơn cho phụ nữ trong Giáo Hội và tại các Giáo Hội địa phương hay trong việc cho phép các giáo dân nam nữ được giảng trong các Thánh Lễ, làm nổi bật sự thống nhất giữa lời Chúa và cuộc sống hàng ngày của họ.

Nếu tất cả những điều trên xem ra hơi có tính áp đảo hoặc đôi chút lạc ra ngoài các tiêu chí chặt chẽ của Tài Liệu Làm Việc, thì một tham dự viên cho ta một hình ảnh khá hữu ích: đôi khi cứ dựa vào hệ thống chỉ dẫn của vệ tinh để lái xe, nhưng gặp một chỗ chặn đường, thì làm sao đi. Lúc ấy, ta lại phải tin vào kỹ thuật mới để đi theo một nẻo đường khác với nẻo đường cũ để đến đích mà thôi.

Đức Phanxicô can thiệp

Phần trình bầy hôm qua của Đức Hồng Y Erdo, Tổng Tường Trình Viên của Thượng Hội Đồng, khiến rất nhiều người phấn khởi, vì ngài chính thức đóng chiếc đinh cuối cùng lên chiếc quan tài chôn sống đề xuất của Đức Hồng Y Kasper khi ngài nói rằng: điều khiến những người ly dị tái hôn không được rước lễ không phải vì cuộc hôn nhân đầu thất bại của họ mà vì cuộc hôn nhân thứ hai, bị coi là ngoại tình, cần phải loại bỏ, mới mong được rước lễ.

Tờ Catholic World Reporter cho rằng quan điểm của Đức Hồng Y Erdo gây bối rối và hoảng sợ cho phe cấp tiến. Và có lẽ vì vậy, Tòa Thánh đã lên tiếng trấn an họ, cho rằng cuộc tranh luận về người ly dị và tái hôn cũng như người đồng tính chưa bị đóng lại.

Tế nhị hơn, trong ngày đầy đủ thứ hai của Thượng Hội Đồng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã lên tiếng can thiệp bằng cách chính thức tuyên bố điều chủ yếu này: tính liên tục giữa việc làm của Thượng Hội Đồng đặc biệt năm 2014 và việc làm của Thượng Hội Đồng thường lệ năm 2015. Điều này có nghĩa: văn kiện chính thức để dựa vào đó mà thảo luận là Tài Liệu Làm Việc. Đây là lần đầu tiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trực tiếp can thiệp trong các cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng.

Trong cuộc họp báo với các ký giả nói tiếng Anh, Cha Thomas Rosica cho hay, vào ngày thứ hai của Thượng Hội Đồng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đọc một diễn từ ngắn sau diễn từ của Đức Hồng Y Baldisseri. Đức Giáo Hoàng nhắc nhở các nghị phụ tham chiếu ba văn kiện chính thức: bài diễn văn khai mạc và bài diễn văn bế mạc Thượng Hội Đồng đặc biệt năm 2014 của ngài và Tường Trình sau cùng (Relatio Synodi) của Thượng Hội Đồng đó.

Ngài cũng nhấn mạnh điều này nữa: việc thảo luận vấn đề cho người ly dị tái hôn rước lễ không phải là chủ đề của Thượng Hội Đồng, mà chỉ là một trong nhiều ưu tiên của nó.

Theo Cha Rosica, trong số khoảng 70 “can thiệp” vừa qua bằng tiếng Ý, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Đức và tiếng Bồ Đào Nha, các vấn đề di dân, nghèo đói, nhân dụng, chiến tranh và vấn đề tỵ nạn đã được nhấn mạnh. Các vấn đề bạo hành trong gia đình, bạo hành trong Giáo Hội, và lạm dụng tình dục cũng đã được nói tới.

Liên quan tới việc cho người ly dị và tái hôn rước lễ, Cha cho hay: một số vị cho rằng khó có thể có giải pháp cho hoàn vũ, cùng lắm có giải pháp cho từng vùng mà thôi. Vấn đề đa hôn cũng thế, chỉ nên xem xét cho từng vùng.

Nói về ngôn từ nên sử dụng, Cha Rosica cho hay nhiều vị giám mục nghĩ rằng: khi nói tới người đồng tính, “họ có thế nào, ta nhìn nhận họ như vậy: họ là con trai, con gái, anh, chị, em, hàng xóm láng giềng và đồng nghiệp ta”.

Còn với những người sống chung với nhau chẳng hạn, ta có thể nói: “Này các bạn, các bạn thế nào và ở đâu Chúa cũng thương yêu các bạn hết, nhưng Chúa không muốn các bạn ở đó mãi. Người muốn các bạn tiến xa hơn”.

Tưởng cũng nên chú ý tới bài giảng của Đức Hồng Y George Alencherry, thuộc Giáo Hội Syro-Malabar, Ấn Độ, trong giờ kinh sáng khai mạc ngày thứ hai của Thượng Hội Đồng. Ngài nhấn mạnh tới vai trò tiên tri chịu khổ và tự hủy (kenosis) của Thượng Hội Đồng theo gương tiên tri Giêrêmia.

Sau khi cho rằng tại nhiều nơi trên thế giới, con người đang bị tước đoạt công lý và sự chính trực bởi bàn tay của chủ nghĩa duy cá nhân, duy khoái lạc và áp chế, Đức Hồng Y đặt câu hỏi: “liệu các nhà lãnh đạo của Giáo Hội có tiến bước trong vai trò tiên tri của mình theo kiều Giêrêmia để hỗ trợ người ta bằng lời Chúa và bằng chứng tá bản thân hay không?”

Làm thế, Đức Hồng Y bảo, Giêrêmia đã phải chịu nhiều hy sinh: không kết hôn, không dự đám tang, không dự tiệc tùng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét