Phúc Trình Trước Khi Thảo Luận của Tổng Tường Trình Viên Thượng Hội Đồng (Phần II)
(Sun,
11/10/2015 - Vũ
Văn An – Vietcatholic.net)
II.
Biện phân ơn gọi của gia đình
II. 1 Gia đình và khoa sư phạm của Thiên
Chúa
Cái
nhìn của Chúa Giêsu là cái nhìn của lòng thương xót, một lòng thương xót đặt
căn bản trên sự thật. Giáo huấn của Chúa Giêsu về hôn nhân và gia đình là từ
sáng thế (xem Mt 19:3). Sự sống của con người nhân bản và của nhân loại là
thành phần của một dự án lớn lao: dự án của chính Thiên Chúa hoá công. Cũng như
trong mọi khía cạnh của đời sống, ta tìm được sự toàn vẹn và hạnh phúc của ta
nếu biết tự ý và lồng mình một cách có ý thức vào trong dự án đầy khôn ngoan và
yêu thương này. Nếu ta biết dùng hết khả năng tự nhiên của ta để đi tìm sự thật
về hôn nhân và gia đình, và nếu ta biết lắng nghe các giáo huấn của Chúa Giêsu
Kitô, ta sẽ nắm được nó trong mọi nét viên mãn và thánh thiện của nó. Hôn nhân
và gia đình sáng láng trong vẻ đẹp của chúng đến nỗi Thánh Phaolô cho đây là
một mầu nhiệm lớn lao biểu lộ được tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo Hội (xem
Eph. 5:32). Vẻ đẹp này không chỉ có ý nói đến một điều gì đó lôi cuốn mà vô ích
lợi, nó không phải chỉ có giá trị thẩm mỹ, mà còn được nhận là một lợi ích chân
thật, sâu sắc, khách quan trong đời người, một con đường đích thực dẫn tới hạnh
phúc, mà đến lượt, nó còn làm cho hôn nhân bí tích thành một phương thế thánh
hóa và là nguồn ơn thánh.
“Sự thật [như Công Đồng dạy] là thế này: chỉ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, mầu nhiệm con người mới nhận được ánh sáng. […] Chúa Kitô, Ađam cuối cùng, qua việc mạc khải mầu nhiệm Chúa Cha và tình yêu của Người, đã trọn vẹn mạc khải con người cho chính con người và làm cho ơn gọi tối hậu của họ ra rõ ràng” (Gaudium et spes 22). Do đó, dựa vào chìa khóa qui Kitô, ta cũng phải hiểu các đặc tính tự nhiên phong phú và đa dạng của hôn nhân (xem Tài Liệu Làm Việc, số 40).
II. 2. Chúa Giêsu và gia đình: ơn phúc và trách vụ
bất khả tiêu
“Chính Chúa Giêsu, khi nhắc tới kế hoạch nguyên thủy của cặp
vợ chồng nhân bản, đã tái khẳng định cuộc kết hợp bất khả tiêu giữa một người
đàn ông và một người đàn bà, dù Người có nói với người biệt phái rằng ‘vì sự
cứng lòng của các ông mà Môsê đã cho phép các ông ly dị vợ, nhưng từ nguyên
thủy vốn không phải vậy’ (Mt 19:8). Tính bất khả tiêu của hôn nhân (‘sự gì
Thiên Chúa đã liên kết, con người không được phân rẽ’Mt 19:6) phải được hiểu
không như một ‘cái ách’ quàng lên con người mà như một ‘ơn phúc’ tặng cho người
chồng và người vợ kết hợp trong hôn nhân. Chúa Giêsu đã sinh ra trong một gia
đình; Người bắt đầu làm các dấu lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana và Người công bố
ý nghĩa của hôn nhân như là sự viên mãn của một mạc khải nhằm khôi phục kế
hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa (Mt 19:3). Tuy nhiên, cùng một lúc, Người đem
những điều Người giảng dậy vào thực hành và biểu lộ ý nghĩa đích thực của lòng
thương xót, được minh họa rõ rệt trong cuộc gặp gỡ người đàn bà Samaria (Ga
4:1-30) và với người đàn bà ngoại tình (Ga 8:1-11). Bằng cách nhìn người tội
lỗi một cách yêu thương, Chúa Giêsu đã dẫn họ tới chỗ thống hối và hồi tâm
(‘hãy đi và đừng phạm tội nữa’), vốn là căn bản để tha thứ” (Tài Liệu Làm Việc, số 41).
Dự án dành
cho hôn nhân và gia đình này của Thiên Chúa đem lại khả thể viên mãn cho đời
sống người ta, một khả thể hiện nay vẫn còn liên hệ, bất chấp các khó khăn gặp
phải trong việc duy trì các cam kết vĩnh viễn. Các nhân đức trong đời sống vợ
chồng và đời sống gia đình là: “… tôn
trọng và tín thác lẫn nhau; chấp nhận và biết ơn lẫn nhau; kiên tâm và tha thứ”
(Tài Liệu Làm Việc, số 43).
II. 3. Gia
đình, hình ảnh Chúa Ba Ngôi
Hôn nhân
và gia đình nói lên một cách đặc biệt rằng con người được dựng nên giống hình
ảnh và họa ảnh Thiên Chúa. Trong bối cảnh này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc
nhở rằng “… một mình người nam không phải
là hình ảnh Thiên Chúa mà một mình người nữ cũng không phải là hình ảnh Thiên
Chúa, nhưng người nam và người nữ như một cặp vợ chồng mới là hình ảnh Thiên
Chúa. Sự khác nhau giữa người nam và người nữ không phải là để đối nghịch nhau
hay để khuất phục nhau, mà là để hiệp thông và sinh sản, luôn theo hình ảnh và
họa ảnh Thiên Chúa” (Triều kiến chung, 15 tháng Tư, 2015). Thực thế,
bản chất bổ túc cho nhau trong đặc điểm kết hợp và sinh sản của hôn nhân đã
được khắc ghi vào kế hoạch tạo dựng của Thiên Chúa (xem Tài Liệu Làm Việc,
số 45).
Gia đình
và hôn nhân đã được Chúa Kitô cứu chuộc (xem Eph 5: 21-32), cho phục hồi trở
lại với hình ảnh Ba Ngôi Chí Thánh, một mầu nhiệm mà từ đó phát sinh ra mọi
tình yêu đích thực. Việc này bao hàm cùng một lúc điều này: đối với người đã
rửa tội, chúng là một ơn phúc và một cam kết đặc biệt.
II. 4.
Gia đình trong Huấn Quyền Giáo Hội
Công Đồng
Vatican II nhấn mạnh sự quan trọng của việc cổ vũ phẩm giá hôn nhân và gia đình
(xem Gaudium et spes 47-52), khi nhắc lại sự kiện hôn nhân là một cộng
đồng sự sống và tình yêu (xem GS 48). Thực vậy, tình yêu đích thực không bị
giản lược vào một số yếu tố nào đó trong mối liên hệ mà bao hàm việc hiến thân
cho nhau (xem GS 49). Như thế, các chiều kích tính dục và xúc cảm được bồi đắp
trong cuộc sống hàng ngày. Trong Đấng Tạo Hóa, cặp vợ chồng nhân bản vốn đã là
người mang chúc lành của Thiên Chúa. Thực vậy, trong Sách Sáng Thế, ta đọc thấy
“Thiên Chúa tạo nên con người theo hình
ảnh của Người, Người tạo nên họ theo hình ảnh của Người; Người dựng nên họ có
nam có nữ. Và Thiên Chúa chúc phúc cho họ, và Người nói với họ: ‘hãy sinh sôi nẩy nở…’” (St 1:27-28). Rồi, trong
việc nhập thể, Thiên Chúa mang lấy tình yêu nhân bản, thanh tẩy nó và đem nó
tới chỗ thành toàn và ban cho hai vợ chồng, cùng với Thần Khí của Người, từng
được ban trong bí tích Rửa Tội, khả năng thể hiện nó cách trọn vẹn và nhờ ơn
thánh của Người, họ xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô và trở nên Giáo Hội tại gia
(xem Lumen gentium 11; Tài Liệu Làm Việc 47).
II.5.
Chiều kích truyền giáo của gia đình
Chiều kích
truyền giáo của gia đình bắt nguồn từ bí tích Rửa Tội và được thể hiện trong
cộng đồng Kitô hữu. Gia đình Kitô hữu, một Giáo Hội tại gia, đặt căn bản trên
bí tích hôn nhân của hai Kitô hữu, từ bản chất, vốn có khuynh hướng loan truyền
đức tin bằng cách chia sẻ nó cho nhiều người khác. Thực vậy, gia đình Kitô Giáo
được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng hoặc bằng cuộc sống phù hợp với Tin Mừng,
hoặc bằng việc tuyên xưng truyền giáo. Các người phối ngẫu tăng cường đức tin
cho nhau và thông truyền đức tin cho con cái mình, nhưng mặt khác, con cái,
cùng với các thành viên khác của gia đình, cũng được mời gọi chia sẻ đức tin.
Trong gia đình, bạn có thể trải nghiệm cách các người phối ngẫu khi yêu nhau,
được thần khí Chúa Kitô tăng cường, sống ra sao ơn gọi nên thánh của họ. Như
thế, theo lời Thánh Gioan Phaolô II đã nói trong tông huấn Familiaris
consortio, gia đình đã tạo nên đường đi cho Giáo Hội (xem FC 13).
Chính
trong khuôn khổ này, giáo huấn của Chân Phúc Phaolô VI rất thích đáng, khi nêu
bật mối liên hệ thân mật giữa tình yêu vợ chồng và việc sinh sản sự sống (xem Humanae
vitae). Ngày nay, sự thật này dường như càng đặc biệt quan trọng khi có quá
nhiều khả năng kỹ thuật có thể tách biệt việc sinh sản ra khỏi tình yêu vợ
chồng. Tình yêu mang ra sống trong hôn nhân và gia đình là nguyên lý sống trong
xã hội, như Đức Bênêđíctô đã nhắc nhở trong thông điệp Caritas in veritate
(số 44) của ngài. Thực vậy, gia đình là nơi con người học biết cảm nghiệm ích
chung (xem Tài Liệu Làm Việc số 50). Giáo huấn của các Đức Giáo Hoàng
cũng thâm hậu hóa chiều kích thiêng liêng của đời sống gia đình, bắt đầu với
việc khám phá lại việc gia đình cầu nguyện và cùng lắng nghe Lời Chúa. Cũng có
tính nền tảng không kém là việc khám phá lại ngày Chúa Nhật như một dấu chỉ gốc
gác sâu xa của gia đình trong thực tại Giáo Hội. Tính linh đạo của gia đình
phải được nuôi dưỡng bằng các cảm nghiệm đức tin mạnh mẽ, nhất là bằng việc
tham dự Thánh Thể (xem Tài Liệu Làm Việc số 51; LG số 11).
Trên hết, trong Thánh Thể Chúa Nhật, gia đình Kitô hữu công bố gia đình vĩ đại
và dứt khoát kia mà tất cả chúng ta đều được mời gọi tham dự trong cuộc sống
đời đời.
Đức Giáo
Hoàng Phanxicô, trong thông điệp Lumen Fidei của ngài, có nói tới các
mối dây trong gia đình và đức tin, ngài nói: “đức tin không phải là nơi trú ẩn… nhưng là một điều thăng tiến đời ta.
Nó làm ta ý thức được ơn gọi tuyệt vời, ơn gọi yêu thương. Nó bảo đảm với ta
rằng tình yêu này đáng tin cậy và đáng ôm lấy, vì nó đặt căn bản trên lòng
trung thành của Thiên Chúa, một lòng trung thành mạnh hơn mọi yếu đuối của ta”
(LF số 53).
Sự hiến
thân hỗ tương tạo ra hôn nhân, đối với các Kitô hữu vốn bắt nguồn từ ơn thánh
của Phép Rửa, đã ổn định hóa mối liên kết nền tảng của mỗi người với Chúa Kitô
trong Giáo Hội. Các người đính hôn hứa sẽ hiến thân hoàn toàn, sẽ chung thủy,
và sẵn sàng đón nhận sự sống, các điều vốn được nhìn nhận như là các yếu tố tạo
lập ra hôn nhân và là các ơn phúc Thiên Chúa ban cho họ, đã coi trọng cam kết
của họ nhân danh Người và trước mặt Giáo Hội. Trong cuộc hôn nhân bí tích,
Thiên Chúa thánh hiến tình yêu vợ chồng và củng cố tính bất khả tiêu của nó,
giúp họ sống lòng chung thủy, sự bổ túc lẫn cho nhau và việc sẵn sàng chào đón
sự sống của họ (xem Tài Liệu Làm Việc, số 54).
II. 6. Tính bất khả tiêu của hôn nhân và niềm vui sống với nhau
Giáo huấn
của Chúa Kitô về tính bất khả tiêu của hôn nhân có tính rất khắt khe, tới chỗ
tạo bối rối cho chính các môn đệ của Người (xem Mt 19:10). Các sách Tin Mừng và
Thánh Phaolô đều đã quả quyết như nhau rằng việc rẫy vợ, một việc mà dân Do
Thái vốn thực hành đầu tiên, không làm cho cuộc hôn nhân mới thành khả hữu đối
với cả đôi bên. Lời quả quyết này, một lời quả quyết bất thường và hết sức khắt
khe, vẫn tiếp diễn suốt trong các thế kỷ qua trong truyền thống kỷ luật của
Giáo Hội, tạo ra một yếu tố khiến nhiều người muốn trở về với Kitô Giáo, một
vấn đề kỷ luật cũng quan trọng gần như chế độ đa hôn và tính bất khả tiêu của
hôn nhân (xem Mt 19:1-10; Mc 10:1-12; Lc 16:18; 1 Cor 7:10-16).
Giáo huấn
này của Chúa Kitô liên quan tới hôn nhân thực là Tin Mừng và là một nguồn vui,
cũng như là việc thể hiện trọn vẹn con người nhân bản và ơn gọi của họ bước vào
các mối liên hệ bản thân cho không, hiến mình đi và được tiếp nhận trọn vẹn
(xem Tài Liệu Làm Việc, số 55).
II. 7. Dự
án của Đấng Tạo Hóa và hôn nhân tự nhiên
Ta nên nhớ
rằng Giáo Hội luôn thừa nhận sự hiện hữu của cuộc hôn nhân đích thực, tự nhiên
giữa hai người chưa rửa tội. Vì ngay từ khởi thủy của nhân loại, sự kết hợp như
thế giữa một người đàn ông và một người đàn bà đã tương hợp với kế hoạch tạo
dựng của Thiên Chúa rồi, và được Người chúc phúc (St 1:27-28). Do đó, trong thế
giới ngày nay, trong số các cuộc hôn nhân đích thực, ta thấy nhiều cuộc hôn
nhân tự nhiên và nhiều cuộc hôn nhân bí tích khác, được kết ước giữa những
người đã rửa tội, bao hàm một ơn thánh dặc biệt (xem Tài Liệu Làm Việc, số
57). “Sự nghiêm chỉnh trong việc tuân
theo kế hoạch này của Thiên Chúa và lòng can đảm cần có để làm chứng cho kế
hoạch này cần được trân quí trong thời buổi này” (Tài Liệu Làm Việc, số 57).
II. 8.
Lòng thương xót đối với các gia đình bị thương tích: sứ mệnh của Giáo Hội
Nhờ
bí tích hôn nhân, gia đình Kitô hữu trở thành một thiện ích cho Giáo Hội, nhưng
việc lồng nó vào bối cảnh Giáo Hội luôn là điều tốt cho gia đình vì được giúp
đỡ trên các bình diện thiêng liêng và cộng đoàn bất chấp các khó khăn, và việc
này giúp gìn giữ cuộc kết hợp vợ chồng và biện phân bất cứ nghĩa vụ liên hệ nào
hay bất cứ thiếu sót nào.
Việc lồng
một cách hữu cơ cả hôn nhân lẫn gia đình Kitô hữu vào thực tại Giáo Hội cũng
đòi hỏi điều này: cộng đồng Giáo Hội phải lưu ý một cách thực tiễn và đầy lòng
thương xót đối với các tín hữu đang sống chung hay những người đang sống trong
cuộc hôn nhân phần đời mà thôi, vì họ chưa cảm thấy sẵn sàng để cử hành bí
tích, vì các khó khăn phát sinh từ quyết định này hiện nay. Nếu cộng đồng chứng
minh được mình có khả năng biểu lộ thái độ chào đón đối với những người này,
trong các tình huống đa dạng của cuộc sống, và trình bầy mạch lạc sự thật về
hôn nhân, thì việc này sẽ giúp các tín hữu ấy đạt được quyết định tiến tới cuộc
hôn nhân bí tích.
II. 9.
Lòng thương xót và chân lý mạc khải
Từ
mối liên kết thân mật giữa bí tích hôn nhân và thực tại Giáo Hội, ta rút ra
điều này: cộng đồng Giáo Hội có ơn gọi phải giúp đỡ cả những cặp và những gia
đình Công Giáo đang gặp khủng hoảng. Giáo Hội có bổn phận chăm sóc tất cả những
ai đang sống chung và đang sống trong các tình huống hôn nhân hay gia đình
không thể trở thành cuộc hôn nhân thành sự, huống hồ là cuộc hôn nhân bí tích. “Ý thức rằng điều thương xót nhất là nói sự
thật trong tình yêu, ta phải đi quá lòng cảm thương. Tình yêu thương xót, khi
lôi cuốn và kết hợp, cũng biến đổi và nâng cao. Nó là một lời mời hoán cải (xem
Ga 8:1-11)” (Tài Liệu Làm Việc,
số 67).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét