Sự Dữ và Trẻ Em
(Mon, 21/09/2015 - Trầm Thiên Thu-Thanhlinh.net)
Đừng lo lắng về ngày
mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy (Mt 6:34).
Thiên tai (bão tố, lốc
xoáy, lụt lội, động đất,…) và tai họa (tai nạn xe cộ, bể nợ, phá sản, bệnh tật,
vụ án, chết chóc,…) thường xuyên xảy ra – hằng năm, hằng tháng hoặc hằng ngày.
Không ai muốn nhưng chúng vẫn xảy ra, có thể do lỗi của chúng ta hoặc không do
lỗi của chúng ta. Nhưng chắc chắn điều xấu (xui) vẫn xảy ra!
Khi thiên tai hoặc tai
họa xảy ra, rất khó tránh khỏi những ám ảnh, lo sợ và hoang mang. Người lớn còn
mất bình tĩnh huống chi con trẻ. Dù trẻ không biết tin tức từ báo chí, đài phát
thanh, đài truyền hình, internet hoặc dư luận, nhưng có thể trẻ đã biết tin
tức không vui đó bằng cách nào đó. Cha mẹ cần nói chuyện với con trẻ, tìm
cách nào đó để giải thích cho con trẻ (nếu chúng đã biết điều gì đang xảy ra)
và cố gắng trấn an chúng.
Đừng cho rằng con nít
vô tư lắm, chẳng biết gì, chẳng lo sợ gì. Thực ra trẻ rất nhạy bén hơn chúng ta
tưởng. Vì vậy, khi trẻ thấy hình ảnh những căn nhà tan hoang, rất có thể trẻ sẽ
lo sợ nhà của gia đình cũng sẽ bị tổn hại. Dừng cố gắng bảo đảm rằn thiên tai
không xảy ra hằng ngày và điều tệ hại tương tự sẽ không xảy ra với gia đình,
hoặc cho rằng vùng mình đang sinh sống không sao cả.
Hãy giúp trẻ bình tĩnh
và an tâm khi thấy người lớn căng thẳng. Nếu bạn bị ảnh hưởng bởi điều gì
đang xảy ra, hãy cố gắng đừng tỏ ra quá hoang mang trước mặt con trẻ. Dù trong
lòng bạn đang thực sự quan ngại nhưng hãy cố gắng tỏ ra bình tĩnh khi con trẻ ở
gần chúng ta.
Khi giải thích các tai
họa với trẻ, đừng đi sâu vào các chi tiết như: “Bão dữ dội lắm, lụt lội
lớn lắm, nhà cửa hư hỏng nhiều lắm, người chết cũng nhiều, bị thương và mất
tích cũng nhiều,… Tai nạn khủng khiếp, xưa nay chưa từng thấy,…”. Hoặc cũng
đừng nói: “Con đi đường phải cẩn thận đó, xe tông một cái là chết ngay
đó”. Hãy nói sơ sài, với thái độ bình tĩnh và giọng nói bình thường, Nếu
trẻ hỏi gì thì giải thích đơn giản và trực tiếp vấn đề, đừng né tránh hoặc thêm
các chi tiết khác. Cứ nói sự thật nhưng đừng “nhấn mạnh”. Nếu không biết cách trả lời, hãy trấn an trẻ, rồi trì
hoãn và tìm cách trả lời khác khả dĩ thuyết phục.
Khi xem ti-vi hoặc
nghe radio, nghe hoặc nhìn thấy những hình ảnh dữ dội về thiên tai hoặc tai
nạn, hãy giúp trẻ hiểu và giúp chúng không lo sợ. Cứ để trẻ xem và hãy trả lời
những gì chúng hỏi. Có thể thực tế ngoài đời chúng chưa gặp, nhưng chúng có thể
trải nghiệm cảm xúc khi nhìn thấy những hình ảnh ghê gớm hoặc thương tâm, đó
cũng là cách chúng trải nghiệm cuộc sống và xử lý các cảm xúc trong quá trình
phát triển tâm sinh lý để hình thành nhân cách.
Hãy chú ý tâm trạng và
các động thái của trẻ. Sau khi nghe hoặc thấy tai họa, nếu trẻ có vẻ lo sợ
(trằn trọc khó ngủ, gặp ác mộng, sợ đến khu vực nào đó,…), hãy giải thích,
động viên và trấn an con trẻ. Nếu trẻ vẫn lo lắng mà bạn không biết làm gì hơn,
hãy chia sẻ với người khác (hiểu biết và uy tín), và nhờ họ hỗ trợ!
Với người có niềm tin
Kitô giáo, các tai họa được nói chung là sự dữ. Hãy bảo trẻ tín thác vào Thiên
Chúa và chân thành cầu nguyện: “Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Kinh Lạy Cha, Mt 6:13).
Hãy bảo trẻ rằng: “Chúa
Giêsu rất yêu quý trẻ em, thế nên trẻ em xin gì Ngài cũng ban cho”. Đồng
thời dạy trẻ cầu nguyện: “Lạy Chúa, vì Cuộc Khổ Nạn đau thương của Chúa
Giêsu Kitô, vì Máu Thánh Chúa đã đổ ra vì nhân loại, vì Nước Mắt Thánh Mẫu
Maria, xin cứu độ chúng con và toàn thế giới. Xin Thánh Ý Chúa thể hiện nơi mỗi
người chúng con. Amen”.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét