Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Người cứu thế giới khỏi Thế chiến III

Người  cứu  thế  giới  khỏi  Thế  chiến  III
(VnExpress,net)

Stanislav Petrov tai căn nhà của mình ở ngoại ô Moscow. Ảnh: AP

Stanislav Petrov được gọi là "người đàn ông cứu thế giới" vì quyết định của ông đã ngăn chiến tranh hạt nhân nổ ra.

Theo AP, đêm ngày 26/9/1983, chuông báo động kêu, báo hiệu rằng Mỹ đã phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa. Trung tá Stanislav Petrov, 44 tuổi phải quyết định thật nhanh xem cuộc tấn công vào Liên Xô đó có thật hay không.
"Tôi nhận ra rằng tôi phải quyết định, và xác suất chỉ là 50/50", Petrov nói.
Mặc dù vệ tinh cảnh báo sớm của Liên Xô, có tầm hoạt động trên khắp đất Mỹ, báo rằng có một vụ phóng tên lửa, Petrov quyết định coi đó là báo động giả. Nếu như ông không làm vậy, lãnh đạo Liên Xô có thể đã phản ứng bằng cách thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân trả đũa Mỹ.
Tình thế lúc đó gay cấn vì Liên Xô đang lo sợ một cuộc tấn công hạt nhân bất ngờ từ Mỹ vào thời điểm Chiến tranh Lạnh đặc biệt căng thẳng. Tháng đó, Liên Xô đã bắn rơi một máy bay chở khách trong hành trình từ Mỹ đến Hàn Quốc, do nghi ngờ nó là máy bay do thám. Mỹ lúc đó cũng đang chuẩn bị cho một cuộc tập trận lớn của NATO, có tên Able Archer, mô phỏng tấn công hạt nhân.
Petrov, hiện 76 tuổi, sống khá lặng lẽ trong một căn hộ đơn sơ ở Fryazino, ngoại ô Moscow. Ông vẫn còn nhớ tiếng chuông báo động vang lên ngay sau nửa đêm ở trung tâm điều khiển bí mật Serpukhov-15.
"Đang yên ắng thì đột nhiên tiếng báo động rú lên, đèn chỉ huy sáng lên dòng chữ ”phóng", ông nói. "Tôi thật sự rất sửng sốt".
Ông đứng lên và thấy rằng những người khác đều nhìn ông bối rối. "Đội của tôi gần như hoảng loạn, và tôi nhận ra rằng nếu để cơn hoảng loạn đó chiến thắng thì tất cả sẽ kết thúc". Ông cần phải ra quyết định.
Trong bộ phim về mình, Petrov nói rằng ông không muốn chịu trách nhiệm là người đã làm nổ ra chiến tranh hạt nhân. Nhưng khi được phỏng vấn, ông cho biết: "Tôi không có thời gian để suy nghĩ xem liệu tôi có làm nổ ra Thế chiến III hay không", ông nói. "Tôi phải quyết định nhanh xem thông tin do máy tính gửi đi có đáng tin hay không".
Vài phút sau tiếng báo động đầu tiên, tiếng còi báo động vang lên lần nữa, cảnh báo rằng Mỹ đã thực hiện vụ phóng tên lửa thứ hai. Ngay sau đó, hệ thống báo rằng 5 tên lửa đã được phóng đi.
Petrov báo cáo với chỉ huy rằng hệ thống đã cung cấp thông tin sai sự thật. Ông không hoàn toàn chắc chắn, nhưng quyết định của ông được củng cố bởi thực tế rằng radar mặt đất của Liên Xô không xác nhận có vụ phóng. Hệ thống radar chỉ phát hiện dấu hiệu của tên lửa sau khi chúng được phóng, vì vậy, ông biết nó đáng tin cậy hơn vệ tinh.
Liên Xô sau đó phát hiện báo động giả này do vệ tinh nhầm tưởng sự phản chiếu của ánh nắng mặt trời từ những đám mây cao là một vụ phóng tên lửa.
Petrov không được thưởng cho hành động của mình, tuy nhiên sĩ quan chỉ huy của ông đã tiết lộ vụ việc sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Nếu thượng tướng Yury Votintse không nói ra, thì Petrov "có thể đã quên nó đi như một cơn ác mộng".
Ngày 21/5/2004, Hiệp hội Công dân Thế giới (AWC) có trụ sở tại San Francisco trao tặng Petrov 1000 USD để "ghi nhận vai trò của ông trong việc ngăn chặn thảm họa xảy ra".
Tháng 1/2006, Petrov đến Mỹ, nơi ông được vinh danh trong một cuộc họp của Liên Hiệp Quốc tại New York.  AWC lại trao thêm một giải thưởng đặc biệt cho ông. Đạo diễn Đan Mạch Peter Anthony sau đó làm một bộ phim về quyết định lịch sử của ông, có tên "Người đàn ông cứu thế giới".
Phải làm rõ rằng nhiệm vụ của Petrov chỉ là giám sát thiết bị do thám vệ tinh và truyền đạt lại thông tin lên hệ thống chỉ huy. Giới lãnh đạo mới là người quyết định liệu có tấn công trả đũa hay không. Nhưng vai trò của Petrov rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin để ra quyết định đó. Theo Bruce Blair, chuyên gia hạt nhân chiến lược thời Chiến tranh Lạnh, "các nhà lãnh đạo chỉ mất vài phút để ra quyết định. Nếu được báo rằng một cuộc tấn công đã được phát động, họ sẽ ra quyết định trả đũa".
Tuy nhiên thiếu tướng Vladimir Dvorkin, chuyên gia về lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga nói rằng các nhà lãnh đạo Liên Xô dù thế nào cũng sẽ chờ đợi xác nhận từ radar trước khi quyết định.
Hiện giờ, Nga không còn vệ tinh do thám toàn nước Mỹ. Họ dựa hoàn toàn vào mạng lưới radar để giám sát lực lượng hạt nhân của Mỹ.
"Tình hình ở Nga hiện giờ là hệ thống vệ tinh không hề hoạt động, và điều này chẳng làm ai quá sợ hãi", Dvorkin nói. "Anh có thể thấy đấy, mọi người đều sống bình yên, không hoảng sợ".
Phương Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét