Phúc Trình Trước Khi Thảo Luận của Tổng Tường Trình Viên Thượng Hội Đồng (Phần I)
(Fri,
09/10/2015 - Vũ
Văn An –Vietcatholic.net)
Ngày đầu
tiên của Thượng Hội Đồng về gia đình năm 2015, Đức Hồng Y Peter Erdo, Tổng
Tường Trình Viên, đã đọc một tường trình dẫn nhập trước các nghị phụ. Dựa vào
Tài Liệu Làm Vệc cũng như các văn kiện mới đây của huấn quyền, Đức Hồng Y Erdo
đã lược lại công việc mà Thượng Hội Đồng đã được kêu gọi thực hiện. Ngài xem
xét các thách đố hiện nay của gia đình và hôn nhân, ơn gọi của gia đình, và sứ
mệnh gia đình ngày nay. Sau đây là bản dịch trọn tường trình của ngài, tường
trình mà trước đây vẫn có thói quen gọi là Phúc Trình Trước Khi Thảo Luận
(Relatio ante Disceptationem), dựa vào bản tiếng Anh của hãng tin CNA.
Dẫn nhập
Chúa Giêsu
Kitô là thầy chúng ta, là Chúa chúng ta và là Đấng Chăn Chiên Tốt Lành. Theo
thánh sử Máccô, khi thấy đám đông lớn lao, Người chạnh lòng thương họ: “và Người bắt đầu dạy họ nhiều điều” (Mc
6:34). Về phương diện này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ ra phương pháp và
chương trình mà cả ta nữa cũng nên theo, cách nào đó, trong việc làm của mình: “… nhìn, cảm thương, dạy dỗ. Ta có thể gọi
đây là các động từ của Đấng Chăn Chiên… Động từ thứ nhất và động từ thứ hai tức
nhìn và cảm thương luôn được thấy trong thái độ của Chúa Giêsu: thực vậy, cái
nhìn của Người không phải là cái nhìn của nhà xã hội học hay của nhiếp ảnh gia
báo chí, vì Người luôn nhìn ‘bằng đôi mắt trái tim’… Từ tình âu yếm dịu dàng này phát sinh ra ước nguyện của Chúa
Giêsu muốn nuôi dưỡng đám đông bằng lời của Người, nghĩa là, bằng cách dạy dỗ
lời Thiên Chúa cho dân chúng. Chúa Giêsu nhìn, Chúa Giêsu cảm thương. Chúa
Giêsu dạy dỗ ta” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Kinh Truyền Tin, 19 tháng
Sáu, 2015). Viễn kiến này tương hợp với ba chủ đề lớn của Tài Liệu Làm Việc,
vốn là kết quả của một phương thức thâm hậu và hợp đoàn. Trong tường trình dẫn
nhập này, tuy không thể nói được hết mọi chủ đề quan trọng từng xuất hiện trong
cuộc thảo luận và văn kiện của Thượng Hội Đồng năm ngoái, và trong khoảng thời
gian từ đó, chúng ta sẽ cố gắng theo dõi cách riêng các chủ đề chính.
I. Lắng
nghe các thách đố của gia đình
I.1. Bối
cảnh văn hóa xã hội
Trong
phần thứ nhất, Tài Liệu Làm Việc nói tới việc lắng nghe vốn không là gì khác
hơn là việc “nhìn”, thừa nhận các thách đố mà gia đình đang đối diện. Hiện nay,
trên thế giới, trong các hoàn cảnh chuyên biệt, và trong các cuộc thảo luận hay
trong não trạng người ta, xem ra có ít nhất hai loại vấn đề lớn sau đây. Vấn đề
thứ nhất có tính truyền thống, xem ra liên tục, nhưng, trong thế giới hoàn cầu
hóa hiện nay, đang mang theo nhiều chiều kích mới và nhiều hậu quả mới và bất
ngờ. Đó là các hậu quả của việc thay đổi khí hậu và môi trường, và các hậu quả
của bất công xã hội, bạo lực, chiến tranh, từng đẩy hàng triệu người rời bỏ quê
hương và tìm cách sống còn tại nhiều miền khác nhau trên thế giới. Thí dụ, nhìn
vào hàng trăm ngàn người di cư và tỵ nạn đang hàng ngày đổ vào Âu Châu, ta thấy
ngay lập tức rằng đại đa số gồm những người đàn ông trẻ, dù, đôi khi, họ tới
đây với các phụ nữ và con cái họ. Từ hình ảnh này, ta đã thấy rõ: phong trào di
dân đang làm tan rã các gia đình, hoặc ít nhất cũng làm người ta khó mà tạo lập
được chúng. Tại nhiều nơi trên thế giới, các cha mẹ trẻ bỏ cả cửa nhà và con
cái, ra ngoại quốc tìm việc làm.
Không ít
nơi trên thế giới, người ta phải làm việc để lấy một đồng lương thấp đến độ chỉ
đủ cho chính họ sống còn mà tiếp tục làm việc, chứ không đủ khả năng chăm sóc
gia đình. Trong bối cảnh này, ta không thể quên điều này: cả các doanh nghiệp
tài chánh cũng có một trách nhiệm đối với tình thế này.
Cũng đang
xẩy ra việc này nữa: để bảo đảm điều vẫn được gọi là tính lưu động của “lực lượng lao động”, trọn bộ nhiều gia
đình đã phải di chuyển tới các thành phố khác hay các vùng khác, và do đó đã xé
nát các cơ cấu nhân bản và xã hội của gia đình, bằng hữu và xóm giềng, trường
học cũng như đồng nghiệp. Thành thử, tính lưu động lớn lao này dường như là một
trong các nhân tố thúc đẩy người ta đến với các thái độ và khuynh hướng cá nhân
chủ nghĩa.
Như thế,
việc kỹ nghệ hóa, từng khởi đầu ở thế kỷ 19, ngày nay đã diễn ra khắp mọi nơi
trên thế giới. Hình thức lao động đặc trưng đã trở thành hình thức lao động lệ thuộc.
Công nhân, vì làm việc ở bên ngoài gia đình, nên đã được trả công cho việc làm
ở bên ngoài gia đình của mình, trong khi việc làm qúi giá nhất thực hiện trong
cộng đồng gia đình, như việc giáo dục con cái và chăm sóc người bệnh và người
già cả tại nhà, thì ít được xã hội nhìn nhận và trợ giúp. Như Đức Giáo Hoàng
Phanxicô từng nói: “Chúng ta đang trải
nghiệm các thiếu sót của một xã hội được thảo chương cho hiệu năng, nên quên
khuấy cả người già cả của mình. Mà người già cả là vốn giầu có ta không thể làm
ngơ” (Triều kiến chung, 4 tháng
Ba, 2015).
I. 2. Thay
đổi nhân học: chạy trốn các định chế
Tại những
vùng giầu có hơn của thế giới, ta còn thấy một hiện tượng sơ đẳng hơn, tùy
thuộc hiện tượng đầu, và đang hiện hữu tại nhiều nơi khác trên thế giới, đó là
điều vốn được gọi là “sự thay đổi nhân
học”, có nguy cơ trở thành một thứ “chủ
nghĩa giản lược nhân học” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Diễn văn với các
tham dự viên cuộc hội thảo về đề nghị của ngài cho một “nền kinh tế bao gồm
nhiều người hơn”, 12 tháng Bẩy, 2014). Khi mưu cầu tự do, con người thường
cố gắng trở nên độc lập, thoát khỏi bất cứ sợi dây xã hội nào, nhất là các sợi
dây liên quan tới hình thức sống có tính định chế. Thực vậy, đời sống xã hội,
nhất là các xã hội gọi là ‘phát triển’,
có nguy cơ ‘bị chết nghẹt’ bởi chủ
nghĩa duy hình thức bàn giấy. Một hiện tượng không nhất thiết chỉ phát sinh từ
tính phức tạp của các cơ cấu kinh tế và xã hội hay tính phức tạp của cuộc chinh
phục khoa học, mà dường như còn có một nguồn gốc khác nữa, đó là việc thay đổi
thái độ. Nếu ta không tin tưởng biết được sự thật khách quan và các giá trị
khách quan vốn đặt căn bản trên thực tại, thì ta liều mình đi tìm các hướng dẫn
cho tác phong xã hội của ta dựa trên các tiêu chuẩn hoàn toàn có tính hình
thức, như đa số phiếu, bất kể nội dung, hay dựa trên tính hình thức của các
diễn trình, tại nhiều tổ chức, như là phương thế duy nhất biện minh cho chọn
lựa của mình. Hiện tượng này có thể thúc đẩy các nhà lập pháp nhân thừa các qui
định pháp chế, thậm chí kiểm soát thông tin, vì sợ rằng nếu không làm thế,
người ta sẽ không tự ý tuân giữ luật lệ, một thứ tuân giữ thực ra chỉ phát xuất
từ xác tín luân lý nhờ cùng có chung một hiểu biết khách quan về thực tại. Từ
bức tranh này, xuất phát một tha hóa đáng kể có thể giải thích được việc nhiều
người trốn chạy các hình thức có tính định chế như bị bản năng thúc đẩy. Do đó,
xem ra ta có thể giải thích được sự gia tăng con số những cặp sống chung mà bề
ngoài xem ra ổn định, dù không kết ước bất cứ hình thức hôn nhân nào, bất luận
là dân sự hay tôn giáo. Tại một số quốc gia, bách phân cao của loại chọn lựa
này cho thấy có sự tương quan qua lại với bách phân cao những người muốn chôn
cất cha mẹ họ không cần bất cứ nghi lễ nào. Ở những nơi luật pháp cho phép, họ
thích mang về nhà tro cốt của các ngài hay rải chúng đi chẳng cần nghi thức chi
hết. Ở đây, rõ ràng việc chạy trốn triệt để khỏi các định chế này cũng ảnh
hưởng tới một số hình thức sống tự chúng có tính cộng đoàn và định chế. Hôn
nhân và gia đình không phải dành cho các cá nhân biệt lập; đúng hơn, chúng
thông truyền các giá trị, và cung hiến khả thể phát triển cho con người nhân
bản, một điều không thể náo thay thế được.
Trong mọi
cuộc khủng hoảng định chế và các hình thức có tính định chế đối với các liên hệ
nhân bản, và không chỉ trong lãnh vực hôn nhân và gia đình, dù có đặc biệt
trong phạm vi này, ta thấy hiển nhiên có sự căng thẳng nội tại nơi con người
nhân bản và trong vấn đề thế nào là con người nhân bản. Trong truyền thông,
cách phát biểu và ngôn từ ngữ học luôn bao hàm một yếu tố định chế. Khi sử dụng
các từ ngữ với nội dung chính xác, ta dễ dàng đạt tới việc trừu tượng hóa và
suy luận hợp luận lý, giúp các cá nhân khỏi phải khổ công cứ phải luôn sáng chế
ra những cách thế mới để thông đạt. Tuân theo các phong tục và các hình thức có
tính định chế của xã hội là những cách dễ dàng và chắc chắn hơn để cư xử trong
nhiều tình huống của cuộc sống. Nói chung, các định chế rõ ràng là những then
máy ‘kiểm soát’ (checks) nhằm làm dễ dàng, làm nhẹ nhàng các mối liên hệ liên
ngã. Ngay các qui luật bất thành văn trong cách xử thế ngoài xã hội cũng có một
chức năng tương tự. Người ta có thể thông đạt lý tưởng xử thế công chính bằng
gương sáng, truyện kể hay diễn tả bằng phim ảnh, nhưng họ cũng có thể phát biểu
lý tưởng ấy qua qui định có thể quan niệm được bằng ngôn từ, trong một đạo
luật. Chúa Giêsu Kitô là nhà thông đạt vĩ đại nhất, là lời hằng sống của Thiên
Chúa, Đấng có thể kể các dụ ngôn rồi nói “hãy
đi và làm như thế”, nhưng cũng có thể nói như Nhà Làm Luật.
Sự thay
đổi nhân học hiện thời đang đụng tới những tầng sâu nhất của con người nhân
bản. Nó đụng tới cả việc lên kế hoạch cho các chi tiết nhỏ nhặt nhất của một
đám cưới, lo lắng đủ mọi việc: âm nhạc, thực đơn, khăn trải. Qúi vị thấy các
cặp đính hôn hoàn toàn bận bịu với những chi tiết này, nhưng đồng thời lại quên
khuấy chính ý nghĩa đích thực của hôn nhân.
Trong cái ‘từ trường’ nhất thiết này và trong cảnh
xem ra xa vời của nhiều hình thức có tính định chế, ta thấy có vấn đề luật pháp
cũng như các vấn đề hôn nhân và gia đình. Trước tình thế hiện nay và thực sự
mới mẻ này, quả là một ơn quan phòng khi Thượng Hội Đồng hiện tại được dành cho
chủ đề này. Như thế, ta hãy xem xét đầy đủ phạm vi của Thượng Hội Đồng này, như
đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ấn định: “…đọc
được các dấu chỉ của cả Thiên Chúa lẫn của lịch sử nhân loại, trong một lòng
trung thành kép nhưng độc đáo mà việc đọc này vốn bao hàm” (Tài Liệu Làm Việc, số 3).
I. 3. Bất
ổn định chế
Song song
với việc chạy trốn các định chế, hiện đang có sự bất ổn định chế ngày một gia
tăng, biểu lộ rõ ràng qua tỷ lệ ly dị cao. Việc người ta kết hôn trễ và việc
giới trẻ sợ không dám mang trách nhiệm thực hiện các dấn thân dứt khoát như hôn
nhân và gia đình cũng được nhìn trong bối cảnh này. Thực vậy, nếu mục tiêu duy
nhất của người ta là cảm thấy thoải mái trong lúc này, thì cả quá khứ lẫn tương
lai đều chẳng quan trọng chi; quả thế, dường như đang có một nỗi sợ tương lai
nói chung, vì người ta không còn cảm thấy thoải mái đối với nó nữa. Thành thử,
xem ra là điều nguy hiểm nếu đưa ra bất cứ quyết định dứt khoát nào đối với
nghề nghiệp và gia đình. Điều này đang diễn ra khiến nhiều người không còn cảm
thấy trách nhiệm của mình nữa, đối với hiện tại cũng như đối với tương lai.
I. 4. Duy
cá nhân và duy chủ quan
Do
đó, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhắc lại trong bài diễn văn tại Strasbourg: “Ngày nay đang có khuynh hướng đòi hỏi những
quyền cá nhân, tôi dám nói là duy cá nhân, ngày càng rộng lớn hơn; bên dưới
khuynh hướng này là một quan niệm về con người nhân bản tách biệt hẳn khỏi mọi
bối cảnh xã hội và nhân học, như thể con người là một ‘đơn tử’ (monad), càng ngày càng không thiết quan tâm tới các ‘đơn tử’ khác. Ý niệm bổn phận, không
kém chủ yếu và có tính bổ túc, xem ra không còn liên kết chút nào với ý niệm
quyền lợi nữa. Kết quả là, các quyền của cá nhân được bảo vệ mà không kể gì tới
sự kiện này: mỗi con người nhân bản đều là thành phần của một bối cảnh xã hội
mà vì thế các quyền và các bổn phận của họ có liên hệ mật thiết với các quyền
và bổn phận của người khác và với ích chung của cả xã hội.
“Bởi thế, tôi tin rằng điều sinh tử là phải khai triển một
nền văn hóa nhân quyền biết khôn ngoan nối kết khía cạnh cá nhân, hay đúng hơn,
khía cạnh bản thân với khía cạnh ích chung, khía cạnh ‘tất cả chúng ta’ gồm có
các cá nhân, các gia đình và các nhóm trung gian cùng nhau tạo ra xã hội” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Diễn
Văn trước Quốc Hội Âu Châu, 25 tháng Mười Một, 2014).
Do đó,
chúng ta phải tránh khuynh hướng hiện nay, và không coi các khuynh hướng vốn
chỉ là những thèm muốn khờ dại, đôi khi ích kỷ, là các quyền chân thực và thích
đáng, trong khi bác bỏ mục tiêu căn bản của bất cứ luật lệ nào.
“Một khía cạnh hết sức quan trọng đối với trách nhiệm của
chúng ta là việc cần phải dựa vào nền văn hóa sinh thái để suy nghĩ lại xu
hướng của các hệ thống thế giới hiện nay… nền văn hóa này bao gồm không những
chiều kích sinh thái mà cả chiều kích xã hội và kinh tế biết thừa nhận việc
phát triển lâu dài và nền văn hóa tạo thế”. Chính nhờ sự soi sáng từ mối liên hệ của ta với Đấng Tạo
Hóa, mà ta tìm thấy tính viên mãn trong trách nhiệm và ơn gọi của mình.
Ngoài các
khuynh hướng có tính duy cá nhân và phản định chế trên, ta còn thấy hiện tượng
làm lẫn lộn hay biến những điều tiếp theo (the continues) của các định chế nền
tảng như hôn nhân và gia đình thành bất trắc. Điều này cũng góp phần vào việc
lớn mạnh của chủ nghĩa duy cá nhân, cả trong nguyên nhân lẫn hậu quả.
I. 5. Các
khía cạnh sinh học và văn hóa
Với việc
phát triển của các khoa học tự nhiên, nhiều khả thể mới đã xuất hiện liên quan
tới mối liên hệ sinh học giữa con người và các nền văn hóa. Xã hội tiêu thụ đã
tách biệt tính dục ra khỏi việc sinh sản. Đây cũng là một trong các nguyên nhân
gây ra việc giảm sinh suất. Việc giảm sinh suất này đôi khi phát sinh từ cảnh
nghèo, và trong nhiều trường hợp khác, từ việc khó đảm nhận trách nhiệm.
Trong khi
tại các nước đang mở mang, việc bóc lột phụ nữ và việc bạo hành đối với thân
xác họ cùng với những trách vụ nặng nề áp đặt lên họ, ngay cả lúc mang thai,
đôi khi bị gia trọng bởi nạn phá thai và cưỡng bức triệt sản, ấy là chưa kể các
hậu quả cực kỳ tiêu cực của các thực hành liên hệ tới việc sinh sản (như cho
thuê dạ con hay buôn bán các giao tử). Thì tại các nước tiền tiến, ý muốn có
con bằng bất cứ giá nào cũng “đã không
đem lại một mối liên hệ gia đình nào hạnh phúc hơn và mạnh mẽ hơn” (Tài Liệu Làm Việc, số 30). Xem xét tất cả
những điều này, ta thấy điều gọi là cuộc cách mạng sinh-kỹ-thuật-học
(bio-technologial) chỉ sản sinh ra các khả thể mới cho việc thao túng hành vi
sinh sản mà thôi “…làm nó trở thành độc
lập đối với liên hệ tính dục giữa người đàn ông và người đàn bà. Theo cách này,
sự sống con người và chức phận làm cha mẹ đã trở thành những thực tại tháo ráp
(modular) và tách rời nhau, chủ yếu tùy thuộc ý muốn của các cá nhân hay các
cặp vợ chồng” (Tài Liệu Làm Việc,
số 34).
Sự kém
chín chắn và bất ổn xúc cảm cũng có nhiều liên hệ ở đây. Trước nhất, người ta
quên mất rằng đây thực là hậu quả của việc thiếu một nền giáo dục hữu hiệu về
xúc cảm trong các gia đình, vì cha mẹ không có thì giờ cho con cái mình, hay vì
ly dị và con cái không thấy được gương sáng của người lớn, và chỉ đối diện với
tác phong của những người cùng trang lứa. Do đó, việc chín chắn về xúc cảm bị đình
hoãn và không được phép phát triển. Trong ngữ cảnh này, điều hết sức quan trọng
là văn hóa khiêu dâm và việc thương mãi hóa thân xác, được hỗ trợ bởi việc sử
dụng sai lầm internet. Tuy nhiên, đừng quên rằng điều này thuộc hậu quả hơn là
nguyên nhân gây ra tình huống hiện nay. Do đó, cuộc khủng hoảng của các cặp vợ
chồng đã gây bất ổn cho gia đình và làm yếu các mối dây liên kết giữa các thế
hệ của gia đình (Tài Liệu Làm Việc, số 33).
“Cuối cùng, có những lý thuyết theo đó, căn tính bản thân và
sự thân mật xúc cảm phải được tách biệt khỏi sự dị biệt sinh học giữa nam và
nữ. Tuy nhiên, cùng một lúc, một số người lại muốn thừa nhận đặc tính bền vững
của mối liên hệ lứa đôi tách biệt khỏi sự dị biệt tính dục, và đặt nó cùng một
bình diện như mối liên hệ hôn nhân, là mối liên hệ được nối kết từ bên trong
với các vai trò làm cha và làm mẹ và được xác định trên căn bản sinh học của
việc sinh đẻ. Sự lẫn lộn do đó mà ra không giúp được gì cho việc xác định tính
chất đặc biệt của các cuộc kết hợp như thế trong xã hội. Đúng hơn, nó hạ tầng
sợi dây nối kết đặc biệt giữa dị biệt sinh học, việc sinh sản và căn tính nhân
bản xuống hàng một chọn lựa có tính cách cá nhân chủ nghĩa. ‘Loại bỏ dị biệt
[…] chỉ tạo vấn đề, chứ không phải giải pháp’” (Tài Liệu Làm Việc, số 8).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét