Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

THĐ, ngày mười hai, 19 tháng Mười, 2015

Thượng  Hội  Đồng,  ngày  mười  hai,  
19  tháng  Mười,  2015
(Vũ Văn An10/19/2015-Vietcatholic.net)


Theo tin Đài Phát Thanh Vatican, cuộc họp báo về Thượng Hội Đồng của Phòng Báo Chí Tòa Thánh hôm nay có sự hiện diện của các Đức Tổng Giám Mục Enrico Solmi, Ý, Mark Coleridge của Úc và Thượng Phụ La Tinh Fouad Twal của Giêrusalem. Trong cuộc họp báo này, Cha Lombardi cho biết: các đại biểu Thượng Hội Đồng đang làm việc trong các nhóm nhỏ từ thứ Hai tới thứ Ba, nên sẽ không có tường trình về các cuộc thảo luận cho tới thứ Tư. Ba vị giáo phẩm thì trả lời một số câu hỏi, chủ yếu tập chú vào việc cho phép người ly dị và tái hôn rước lễ.

Đức Tổng Giám Mục Cloleridge nói rằng “biện phân luôn là chuyện lôi thôi và không có gì chắc chắn cả”. Ngài tiếp tục cho biết rằng bất chấp sự lôi thôi và các thách đố, ngài vẫn tin chắc một điều gì đó đang rục rịch ở thật sâu bên dưới. Đức Tổng Giám Mục Coleridge cho hay: bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng Hội Đồng vào hôm thứ Bẩy là một thời điểm chủ yếu và ngài hy vọng điều Đức Giáo Hoàng nói sẽ được đẩy xa hơn nữa.

Đức Tổng Giám Mục Solmi nói rằng bầu không khí tại Thượng Hội Đồng là một bầu không khí lắng nghe và phát biểu cởi mở, các ý kiến và nhận định khác nhau đã được nói lên. Theo ngài, một trong những khía cạnh nền tảng của Thượng Hội Đồng là cố gắng và nhìn gia đình bằng con mắt Thiên Chúa. Đức Tổng Giám Mục nói rằng ngài thực sự nghĩ Thượng Hội Đồng hiểu ý nghĩa của Đạo Công Giáo: Giáo Hội hoàn vũ họp nhau và chia sẻ kinh nghiệm sống của mình từ khắp thế giới.

Cả ba vị giáo phẩm cùng nói về sự quan trọng của việc tiếp xúc với kinh nghiệm nhân bản. Đức Tổng Giám Mục Coleridge cho biết: các vị giám mục thường hay thích nói “kiểu nói nhà thờ” tuy rất đẹp nhưng trừu tượng và không đụng tới người ta trong thực tại của họ. Ngài nhấn mạnh rằng đây là một Thượng Hội Đồng mục vụ. Chúng ta cần thần học nhưng chúng ta cũng cần tiếp xúc một cách thâm hậu với kinh nghiệm con người.

Thượng Phụ Twal, khi đề cập tới việc cho phép người ly dị và tái hôn dân sự rước lễ, đã nói rằng đây là một cuộc thảo luận rất nghiêm trọng và phức tạp. Theo ngài, bất cứ cách nào ta cũng không thể tổng quát hóa, đôi khi có thể không có tội nhưng “thiếu trật tự” và do đó, ta phải xét vấn đề một cách thận trọng. Đức Tổng Giám Mục Coleridge thì cho hay: nếu cuộc hôn nhân thứ hai tốt đẹp, ổn định và con cái được chăm sóc đàng hoàng, thì ta cần xét xem liệu có thể sử dụng được một giải pháp mục vụ nào đó hay không. Ngài nói thêm rằng có nhiều người ra xa lạ đối với Giáo Hội, nên ta cần tới với họ và vươn tay ra với họ.

Đức Tổng Giám Mục Solmi thì nói rằng người ta có thể sống trong một tình huống không đúng theo thánh ý Chúa. Có thể đó là tội nhưng ta cần nhớ rằng chúng ta đang đương đầu với thực tại sống của người ta, và đồng hành với họ có nghĩa phải lắng nghe và bước vào con đường biện phân.

Các vị giáo phẩm được hỏi ý kiến về 3 vấn đề khó khăn xem ra đang được nhiều người cho là chủ yếu đối với các bàn tán chung quanh Thượng Hội Đồng: cho phép người ly dị và tái hôn dân sự rước lễ, đồng tính luyến ái và sống chung không cheo cưới. Thượng Phụ Twal nói rằng ngài không tin đây là những vấn đề chủ yếu. Theo ngài, đây không hẳn là các chủ đề của Thượng Hội Đồng mà chỉ là 3 trong số các vấn đề được thảo luận tại Thượng Hội Đồng mà thôi. Ngài nhắc tới nhiều vấn đề khác như chiến tranh và nghèo đói. Ngài nói: dù các đại biểu Thượng Hội Đồng rất có thiện chí, nhưng các vị ai nấy đều biết rõ các giới hạn của mình, nên không thể giải quyết hết mọi vấn đề được. Ngài cho biết: tại vùng của ngài, ngài không có cùng các nan đề như ở Tây Phương.

Đức Tổng Giám Mục Coleridge cho hay: sẽ không có thay đổi có thực chất nào về giáo huấn Giáo Hội đối với các vấn đề trên. Theo ngài, may ra sẽ có việc chuyển sang một cách tiếp cận sự việc thực sự có tính mục vụ mới mẻ và chân chính. Cách tiếp cận này đòi một ngôn ngữ mới, một ngôn ngữ biết lắng nghe. Ngài nói rằng dù Giáo Hội hiểu một số ngôn từ như “yêu kẻ tội lỗi chứ không yêu tội lỗi” hoặc “vô trật tự một cách nội tại”, nhưng những ngôn từ này không còn thông đạt được với người thời nay nữa. Tìm ra các từ ngữ khác để phát biểu các sự thật tích cực hơn sẽ có ích hơn nhiều. Thí dụ, ngài thắc mắc liệu có cách nào khác để Giáo Hội nói về “tính bất khả tiêu” một cách tích cực hơn không.

Bắc cầu giữa sự thật và lòng thương xót

Đài Phát Thanh Vatican cũng nhận định rằng trong hai tuần đầu, Thượng Hội Đồng đã tìm cách giải quyết các căng thẳng giữa hai viễn kiến khác nhau về đời sống và thừa tác vụ của gia đình, một viễn kiến tập chú nhiều hơn vào giáo huấn truyền thống của Giáo Hội, trong khi viễn kiến kia tìm kiếm những cách thế mới để giao kết với những người đang sống trong các mối liên hệ hay tình huống không phù hợp với tín lý Công Giáo.

Đài này đã nói chuyện với Đức Cha Peter Doyle, một vị giám mục người Anh, về việc hòa giải hai viễn kiến nói trên.

Đức Cha Doyle cho biết: ngài tới Rôma với ý thức rõ ràng rằng “hố phân cách kia cần được bắc cầu qua”. Và ngài nói thêm: một số nhóm nhỏ đang hành động theo hướng này qua việc nhìn Chúa Giêsu vừa như sự thật vừa như lòng cảm thông thương xót.

Đức Cha hơi quan ngại vì một số vị giám mục vẫn còn “hơi sợ” việc hòa giải điều ngài mô tả như “một Giáo Hội giữ vững chân lý trường cửu của đức tin”“một Giáo Hội cung hiến việc chữa lành và lòng thương xót cho những ai thất bại trong việc sống theo giáo huấn ấy”.
Ngài nói rằng những vị đang muốn thăm dò “điều Chúa muốn dành cho ta không hề cố gắng phá hoại giáo huấn truyền thống của Giáo Hội”, nhưng chủ yếu là tìm cách đáp ứng những người đang sống trong các tình huống khó khăn…

Đức Cha Doyle cho hay: khi chuẩn bị tham dự Thượng Hội Đồng, ngài có tiếp xúc với các vị ủng hộ của hai phe. Đối với các quan tâm của những người đồng tính ở Anh, ngài cho biết ngài sợ rằng Thượng Hội Đồng “xem ra không sẵn sàng đối đầu với các quan tâm này”, mà đúng hơn đang đẩy chúng qua một bên, vì các vị giám mục không biết phải giải quyết ra sao. Ngài bảo: ta không thể “để người ta ở lâm bô được” ấy thế nhưng cái hiểu thánh kinh về nam nữ “hiện nay không có chỗ nào cho các liên hệ đồng tính cả”.

Trong khi hy vọng có thể có thảo luận thêm về chủ đề này, Đức Cha Doyle cho rằng vấn đề bao quanh chuyện đồng tính luyến ái có lẽ cần một Thượng Hội Đồng riêng, cộng với các thăm dò sâu xa hơn để hiểu nhân học theo cái hiểu thần học.

Tại Anh và Wales, theo Đức Cha Doyle, các nhà lãnh đạo Giáo Hội đang học hỏi để cởi mở hơn và nhìn nhận những người sống trong các tình huống khác nhau. Ngài nói: “có lẽ chúng ta có thể khuyến khích người ta đối đầu với các vấn đề này trong một cuộc đối thoại cởi mở”.
Vũ Văn An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét