Chủ Nhật, 11 tháng 10, 2015

THĐ ngày thứ sáu, 10 tháng Mười, 2015

Thượng  Hội  Đồng,
ngày  thứ  sáu,  10  tháng  Mười,  2015
(Vũ Văn An10/10/2015-Vietcatholic.net)





Theo Đài Phát Thanh Vatican, vào cuối tuần lễ đầu của Phiên Thường Lệ Thượng Hội Đồng về Gia Đình, Cha Thomas Rosica CSB, Tùy Viên Truyền Thông Nói Tiếng Anh của Tòa Thánh đã tham gia với Cha Federico Lombardi, Dòng Tên, để tóm lược các buổi thảo luận tại cuộc họp báo hàng ngày.

Một số vấn đề đã được đề cập và thảo luận trong các góp ý của các Nghị Phụ tại Thượng Hội Đồng về Gia Đình vào chiều thứ Sáu và sáng thứ Bẩy. Các nghị phụ tiếp tục góp ý cho phần thứ hai của Tài Liệu Làm Việc. Cha Lombardi cho giới truyền thông hay: một khi kết thúc phần thứ hai, các nghị phụ sẽ bước qua phần thứ ba của Tài Liệu Làm Việc.

Cha cho hay có tất cả 75 góp ý trong phiên họp khoáng đại. Số lượng đáng kể các góp ý đã từ các nghị phụ đại diện cho Âu Châu, Phi Châu, Trung Đông, và Mỹ Châu La Tinh. Ngài nhận thấy các góp ý của Bắc Mỹ không nhiều.

Một số chủ đề xuất hiện trong các góp ý, trong đó, có linh đạo của đời sống gia đình, trách nhiệm truyền giáo của các gia đình trong việc chăm sóc và cổ vũ các cuộc hôn nhân tốt đẹp, vai trò của các phong trào gia đình đa dạng trong Giáo Hội, và các phương cách để Giáo Hội tiếp tục gần gũi và tỏ tình dịu hiền đối với các gia đình có vấn đề.

Cũng có một số góp ý về mối tương quan và sự cân bằng giữa công lý và lòng thương xót. Giới truyền thông được cho biết: có những quan điểm khác nhau giữa các nghị phụ về vấn đề này. Một trong các nghị phụ nói rằng lòng thương xót không có nghĩa là bỏ rơi giáo huấn của Giáo Hội.

Đức Hồng Y Giáo Chủ Baselios Cleemis Thottunkal, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ và đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Syro-Malankara, là khách mời của buổi họp báo. Ngài cho giới truyền thông hay lòng thương xót có nghĩa là hoán cải và nó có tính hỗ tương. Ngài bảo: “Tin Mừng đòi điều này như một điều kiện. Nước Thiên Chúa đã gần kề, hãy hoán cải”.

Quan tâm đối với các gia đình quân đội cũng đã được nói lên. Nhiều nhân viên quân sự phải sống xa nhà và thường cách ly gia đình mình trong một thời gian dài. Những người đàn ông đàn bà này, cũng như các gia đình của họ, cần được chăm sóc mục vụ cách đặc biệt.

Các nghị phụ thừa nhận rằng vì các tình huống và bối cảnh khác nhau, nên không hề có những điều như ‘gia đình tiêu biểu’. Nhiều nghị phụ quả quyết tính bất khả tiêu là một trong các yếu tố chủ chốt của hôn nhân Kitô Giáo.

Một số nghị phụ cũng tha thiết nói tới việc chuẩn bị hôn nhân. Nhiều vị cho rằng việc huấn luyện tiền hôn nhân hiện đang thiếu một cách trầm trọng. Một nghị phụ đề nghị: các vị giám mục cần phải ăn năn thống hối mà nhìn nhận rằng các ngài đã thất bại trong việc cung cấp một nền huấn luyện cho tín hữu giáo dân về phương diện này. Trong một góp ý khác, có đề nghị cho rằng giống những người đang được huấn luyện làm linh mục hay tu sĩ, các cặp vợ chồng cũng cần một thời gian ở “nhà tập” trước khi bước vào bí tích hôn phối. Có vị nghĩ rằng cuộc khủng hoảng về ơn gọi làm linh mục hay tu sĩ có liên hệ trực tiếp với cuộc khủng hoảng về đời sống gia đình.

Nhiều câu hỏi đã được đặt cho Cha Lombardi về thủ tục của Thượng Hội Đồng, sau khi có gợi ý cho rằng trong tương lai, các phiên họp Thượng Hội Đồng nên kéo dài hơn bằng cách bắt đầu với các phiên họp cấp châu lục trước. Việc này sẽ giúp các vấn đề được tập chú nhiều hơn và được “chải chuốt” nhiều hơn khi đem ra Thượng Hội Đồng hoàn vũ. Đức Hồng Y giáo chủ Thottunkal cho rằng sự việc nên bắt đầu trong bối cảnh địa phương để sau đó mới đem ra các Thượng Hội Đồng như Thượng Hội Đồng này. Ngài nói rằng ngài không thấy phương pháp này có điều gì mâu thuẫn cả và cho rằng hoa trái của thủ tục này có thể tốt hơn nhiều cho toàn thể Giáo Hội.

Cha Lombardi cho hay: Tài Liệu Làm Việc có thể được thay đổi nếu tại các nhóm nhỏ có đa số tuyệt đối đề nghị thay đổi. Đề nghị này sau đó sẽ được chuyển tới Ủy Ban Thượng Hội Đồng. Cha nhắc nhở giới truyền thông rằng các góp ý tại các phiên toàn thể không phải là các đề nghị ngỏ với Thượng Hội Đồng; chúng chỉ là thành phần của cuộc “đàm đạo”.

Hiệu quả của di dân cũng là một chủ đề được lặp đi lặp lại tại Thượng Hội Đồng kỳ này suốt trong tuần lễ đầu. Đức Hồng Y Thottunkal cho biết: ngài nhất trí với lời yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng người ta nên chào đón các di dân và đại lượng đối với họ. Tuy nhiên, ngài nói thêm: ngài cũng có quan điểm riêng về vấn đề này. Ngài tin rằng cộng đồng và các nhà lãnh đạo thế giới nên làm hết sức để người ta được ăn ở và nâng đỡ ngay tại đất nước của họ. Ngài nói: “Chúng ta phải cố gắng giữ những người này ở lại chính đất nước của họ”.

Các nghị phụ sẽ trở lại làm việc vào sáng thứ Hai để lại chia thành các nhóm nhỏ và tiếp tục thảo luân phần hai của Tài Liệu Làm Việc.
Vũ Văn An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét