Thứ Năm, 15 tháng 10, 2015

THĐ, ngày thứ mười, 15 tháng Mười 2015

Thượng  Hội  Đồng,  ngày  thứ  mười,  15   tháng  Mười  2015
(Vũ Văn An10/15/2015-Vietcatholic.net)


Theo Vatican Radio, tại cuộc họp báo hôm nay, Cha Federico cho biết vào chiều thứ Tư và sáng thứ Năm, đã có 93 góp ý tại Phiên Họp Khoáng Đại của Thượng Hội Đồng về Gia Đình. Cùng dự cuộc họp báo này có Cha Rosica, tùy viên truyền thông nói tiếng Anh của Tòa Thánh. Đức Tổng Giám Mục Stanislaw Gadecki, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan là khách mời của buổi họp báo. Ngài cho biết: Hội Đồng Giám Mục Ba Lan không ủng hộ việc cho phép người ly dị tái hôn rước lễ.

Cha Lombardi cho hay: vào chiều thứ Năm, các đại biểu sẽ tiếp tục góp ý cho phần thứ ba của Tài Liệu Làm Việc. Qua hôm thứ Sáu, các dự thính viên và các đại diện của các Giáo Hội anh em sẽ được dành thì giờ để góp ý.

Hôm thứ Sáu, tại Phòng Báo Chí của Tòa Thánh sẽ có hai cuộc họp báo: một cuộc họp báo vào lúc 11 giờ sáng, nói về việc phong hiển thánh vào hôm Chúa Nhật cho cha mẹ của Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu; và cuộc họp báo thường lệ về Thượng Hội Đồng vào lúc 1 giờ chiều.

Các góp ý phát biểu tại Thượng Hội Đồng bao trùm nhiều vấn đề. Một số vấn đề đó là: nhu cầu phải bênh vực tín lý của Giáo Hội và đảm bảo rằng ta trung thành với truyền thống của Giáo Hội; hiểu đúng đắn các bản văn Thánh Kinh; làm rõ giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân; một phương thức giáo lý để đồng hành với người ly dị tái hôn; chú trọng tới vai trò quan trọng của bí tích hòa giải; nhấn mạnh giáo huấn của Giáo Hội về tội lỗi chứ đừng để mất nó; các phức tạp của các cuộc hôn nhân liên tuyên tín, liên văn hóa, liên tôn và liên sắc tộc; việc buôn bán phụ nữ và trẻ em, và nỗi đau khổ của những cặp vợ chồng không thể có con: nhận con nuôi đã được nhắc tới trong các trường hợp này.

Việc đào tạo linh mục cho việc đồng hành cũng đã được bàn tới. Nếu giới trẻ không có trải nghiệm tốt về gia đình, không được đào luyện thích đáng và được giúp đỡ để tìm cách chữa lành, thì họ không thể là các thừa tác viên hữu hiệu. Giới trẻ cần được dạy “nghệ thuật bằng hữu” để họ đồng hành với các gia đình trên đường tiến tới thánh thiện.

Vấn đề cho phép người ly dị tái hôn rước lễ đã được thảo luận sâu rộng. Đức Tổng Giám Mục Gadecki nói rằng lập trường Ba Lan rất rõ ràng, “Chúng tôi không ủng hộ diễn trình cho phép người ly dị tái hôn rước lễ, chúng tôi tin vào diễn trình tuyên bố vô hiệu hiện hành”.

Ngài nói rằng có nhiều cách để người đang sống trong các cuộc kết hợp thứ hai có thể tham dự vào đời sống Giáo Hội mà không cần phải rước lễ. “Người ta có thể tham dự dưới nhiều hình thức khác nhau và làm chứng cho các khó khăn của đời sống gia đình”. Ngài cho biết thêm rằng các người ly dị tái hôn có “quyền tham dự” vào đời sống Giáo Hội mà không cần rước Lễ.

Có tường trình cho hay: một số góp ý tại Thượng Hội Đồng minh giải rằng: cho phép người tái hôn rước lễ sẽ không phải là một “diễn trình bất phân biệt (trắng đen)” nhưng là một diễn trình có lớp lang đàng hoàng. Ta nên luôn coi ly dị như một thảm kịch đối với gia đình. Vì thế, Giáo Hội không nên trừng phạt những người yếu đuối mà phải tìm đường giúp đỡ họ. Nhiều góp ý nhấn mạnh rằng đây không phải là thay đổi tín lý mà là thay đổi thái độ mục vụ.

Đức Tổng Giám Mục Retes nói rằng Đức Thánh Cha từng tỏ cho Giáo Hội thấy ta cần phải có thái độ nào: đó là thái độ thương xót đối với mọi người. Ngài cho biết: đây là sứ mệnh của Giáo Hội và, trong gia đình, người ta nên “nếm” được tình yêu Thiên Chúa.

Có nhiều góp ý khác về các vấn đề nghiêm trọng liên quan tới các cuộc hôn nhân liên tôn ở Phi Châu và ở Á Châu. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho biết: khía cạnh tích cực của việc này là nó mở cửa để đối thoại với những người thuộc các tôn giáo khác kết hôn với người Công Giáo.

Giới truyền thông được thông báo rằng một số góp ý cám ơn Đức Thánh Cha vì Tự Sắc mới đây của ngài giúp làm diễn trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu dễ dàng hơn. Ngài cũng được cám ơn vì các thừa tác viên giảng dậy đã biết cười khi phục vụ dân Thiên Chúa.

Các giám mục phải vừa là thầy dậy vừa là mục tử

Cũng theo Vatican Radio, Cha Federico cho rằng tóm lược hàng chục góp ý hàng ngày của các tham dự viên Thượng Hội Đồng là một “sứ mệnh bất khả” (Mission impossible).

Ngài cho biết thứ Sáu sẽ là ngày cuối cùng để thảo luận phần thứ ba của Tài Liệu Làm Việc trước khi các tham dự viên trở lại các nhóm nhỏ để quyết định các thay đổi cuối cùng mà các ngài muốn thấy được phản ảnh trong bản tường trình cuối cùng của Thượng Hội Đồng về hôn nhân và đời sống gia đình.

Philippa Hitchen của Vatican Radio đã chăm chú nghe các nghị phụ tìm cách hoà hợp các quan điểm dị biệt của các ngài. Một vị giám mục bất bình đã mô tả sự chia rẽ tại Thượng Hội Đồng lúc bắt đầu khởi sự như sau: “Đường Chúa Giêsu hay đường Walter Kasper”. Ngài có ý nhắc tới vị Hồng Y về hưu người Đức như một thứ người làm nóng (cheerleader) phe cấp tiến trong Giáo Hội. Chính cuốn sách của vị Hồng Y này về lòng thương xót đã được Đức Giáo Hoàng Phanxico trích dẫn trong bài nói lúc đọc Kinh Truyền Tin lần đầu của ngài tại Vatican và cũng chính vị Hồng Y này đã được ngài mời nói về các thách đố đang đặt ra cho các gia đình, ngay ở lúc bắt đầu diễn trình lâu dài của Thượng Hội Đồng. Các gợi ý của vị Hồng Y về việc thăm dò những cách mới mẻ để tò lòng thương xót và cho phép các người ly dị tái hôn rước lễ và xưng tội đã báo động các vị vốn coi việc này như đảo ngược tín lý về tính bất khả tiêu của hôn nhân.

Dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô minh nhiên yêu cầu các vị giám mục không nên coi điều này như là chủ đề duy nhất của Thượng Hội Đồng, hai tuần thảo luận vừa qua vẫn cho thấy cảnh nhiều vị giám mục lên tiếng mạnh mẽ bênh vực các chân lý bất biến, trong khi nhiều vị khác năn nỉ để có được một phương thức thương xót và thương cảm hơn đối với những người sống trong các cuộc kết hợp thứ hai và các liên hệ đồng tính.

Tuy nhiên, khi các tham dự viên đang hưóng tới diễn trình chủ yếu là tóm kết việc làm trong ba tuần lễ của mình, thì càng ngày, người ta càng được thấy ý nguyện muốn vượt qua đường phân rẽ trên, muốn trám hố phân cách giữa họ, bằng cách coi các quan diiểm bề ngoài có vẻ cực đoan mà thực ra chỉ là hai mặt của một đồng tiền. Như Chúa Giêsu vừa là thầy vừa là mục tử, và như Thánh Gioan XXIII từng mô tả Giáo Hội vừa là mẹ vừa là thầy thế nào, thì các nhà lãnh đạo Giáo Hội ngày nay cũng phải học để biết dậy dỗ rõ ràng, đồng thời biểu lộ một sự ấm áp và chào đón vô điều kiện như thế, như một người cha, một người mẹ biểu lộ với đứa con của mình.

Đứng trước nhiều thái độ khác nhau và các luật lệ đang thay đổi về hôn nhân và gia đình, một vị giám mục Châu Mỹ La Tinh nói rằng: Giáo Hội vừa không thể tự khép mình trong “ghetto” (khu riêng biệt của Do Thái và đa đen ngày trước) vừa không thể làm tan loãng các niềm tin của mình, nhưng đúng hơn, Giáo Hội phải học cách dấn thân bằng một thái độ hiểu biết và tôn trọng mới mẻ đối với những người có quan điểm khác với mình. Và như một vị giáo phẩm Á Châu phát biểu, chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ cho ta con đường tiến lên phía trước, qua việc giảng dậy bằng sự hiện diện đầy chào đón, bằng con tim biết lắng nghe và bằng tinh thần biết biện phân.

Giáo Hội không có thẩm quyền hay uy quyền thay đổi Lời Thiên Chúa

Theo ZENIT.org, trong cuộc họp báo ngày 15 tháng Mười của Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh, ngoài cha Lombardi, còn có sự hiện diện của các phát ngôn viên các nhóm ngôn ngữ khác nhau: về tiếng Tây Ban Nha, có Cha Manuel Dorantes; về tiếng Ý, có cha Bernard Hagenkord; về tiếng Anh, có cha Thomas Rosica; và về tiếng Pháp, có Romilda Ferrauto.

Về phía các nghị phụ, ta thấy có các vị Tổng Giám Mục Carlos Aguiar Retes, của Tlalnepantla, Mexico, và Stanislaw Gadecki, Ba Lan.

Trong cuộc họp báo trên, các phát ngôn viên cho hay các nghị phụ nhấn mạnh tới việc bảo vệ tín lý Công Giáo vì cho rằng “Giáo Hội không có thẩm quyền hay uy quyền thay đổi Lời Thiên Chúa”.

Tuy nhiên, các ngài cũng đã nói tới con đường thống hối và con đường biện phân, nhấn mạnh rằng người ly dị tái hôn không hề bị tuyệt thông và họ được tham dự vào đời sống Giáo Hội nhiều cách.
Vũ Văn An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét