Thứ Sáu, 2 tháng 2, 2018

Dùng “nhân” đối đãi với người khác

Đối  nhân  xử  thế  của  người  xưa
Dùng  “nhân”  đối  đãi  với  người  khác
(Thứ tư, 22/03/2017-trithucvn.net)


Thời cổ đại, cổ nhân đem “Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” làm tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá đạo đức của một người là cao hay thấp. Năm đức ấy cũng được coi là nguyên tắc để điều chỉnh các mối quan hệ giữa người với người trong xã hội, sao cho hợp luân lý đạo đức.

Trong “Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”, “Nhân” (lòng nhân từ, nhân ái) được xếp ở vị trí đứng đầu, vậy nó có ý nghĩa gì và tầm quan trọng của nó như thế nào?

Hàm nghĩa, ý nghĩa của “Nhân”
Trong “Thuyết văn giải tự” có ghi rằng: “Thiên địa chi sinh, tối quý giả dã.” Ý nói, “Nhân” là điều quý giá nhất, là giá trị cốt lõi bên trong con người. “Nhân” chính là tình cảm, cảm xúc cao thượng của con người trên đời, là cái đạo lý làm người mà bất kỳ ai cũng phải tu dưỡng hàng ngày.

Theo một lý giải khác, “Nhân” (“) được cấu tạo từ chữ: Nhân là người ‘ và nhị ‘ là hai, ghép lại mà thành. Ý chỉ hai người ở chung một chỗ, hai người mà đồng tâm thì sức mạnh có thể bẻ gãy được kim loại. Nếu hai người hòa hợp về chí hướng, đồng tâm đồng đức thì sẽ tỏa hương như hoa lan. Người và người nếu có thể ý hợp tâm đầu thì sẽ vượt qua được mọi hoàn cảnh bất lợi. Khi ấy, tuy là hai nhưng lại là một người và có thể được xưng là “nhân” (“).

Trong “Luận Ngữ” của Khổng Tử cũng có rất nhiều cách liễu giải về ý nghĩa của “nhân”. Khi Nhan Uyên hỏi Khổng Tử về “Nhân”, Khổng Tử đã nói: “Sửa mình theo lễ là nhân. Ngày nào cũng khắc kỷ phục lễ, ngày đó mọi người trong thiên hạ tự nhiên cảm hoá mà theo về đức nhân. Vậy nhân là do mình, chớ há do người sao?” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 1).

Trọng Cung – một học trò khác của Khổng Tử hỏi về “Nhân”, Khổng Tử cho rằng: “Những cái gì mà mình không muốn thì đừng đem thi hành cho người khác – đó là đức hạnh của người nhân.” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 2).

Khi Phàn Trì hỏi về “Nhân”, Khổng Tử giảng giải rằng: “Khi ở nhà thì giữ diện mạo cho khiêm cung; khi làm việc thì thi hành một cách kính cẩn, khi giao thiệp với người thì giữ dạ trung thành.” (Luận ngữ, Tử Lộ, 19).

Trong “Luận ngữ. Nhan Uyên”, khi Phàn Trì hỏi về “Nhân”, Khổng Tử cũng giảng rằng: “Nhân là yêu thương người khác!”

Khổng Tử còn giảng: “Người nhân là người có thể làm cho năm điều đức hạnh phổ cập trong thiên hạ”. Năm đức ấy là ‘cung, khoan, tín, mẫn, huệ’. Nếu mình nghiêm trang cung kính thì chẳng ai dám khinh mình. Nếu mình có lòng rộng lượng thì mình thu phục được lòng người. Nếu mình có đức tính thật thì người ta tin cậy mình. Nếu mình cần mẫn siêng năng thì làm được công việc hữu ích. Nếu mình thi ân bố đức gia huệ thì mình sai khiến được người.” (Luận ngữ, Dương hoá, 6).

Nội hàm của chữ “nhân” thật vô cùng phong phú, phương diện mà nó đề cập đến là quan trọng như vậy cho nên “nhân” trở thành nội dung căn bản và quan trọng trong hệ thống đạo đức truyền thống của người xưa. Nó ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng, hành vi và hình thái xã hội của người cổ xưa.

Người xưa coi trọng “đức nhân” hơn cả mạng sống
Xã hội truyền thống vô cùng coi trọng “nhân”, điều này được thể hiện qua rất nhiều ghi chép:

Trong “Thư. Thái thệ trung” viết: “Tuy hữu chu thân, bất như nhân nhân”, ý nói tuy rằng là người thân thích cũng không bằng người nhân đức. Câu này được Võ Vương nói khi phong vua chư hầu. Vốn là sau khi Võ Vương diệt Trụ, Võ Vương đã phong cho những người nhân đức làm vua chư hầu chứ không căn cứ đó có phải người thân thích hay không.

Trong “Luận Ngữ” của Khổng Tử cũng viết: “Chí sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân.” Ý nói, một người mà trong lòng có chí lớn và có đức nhân, sẽ không vì tham sống sợ chết mà tổn hại đức nhân, chỉ biết không tiếc hy sinh tính mạng vì đức nhân.


Trong “Luận Ngữ. Vệ Linh Công” có ghi chép một điển cố như sau:

Một hôm, học trò của Khổng Tử hỏi ông về mối quan hệ giữa đức nhân và sinh mệnh (mạng sống), nói: “Thưa thầy, thầy luôn giảng đức nhân cho chúng con. Có thể dùng lời nói quan tâm, đối đãi người khác, đối với người tình sâu như biển, nghĩa trọng như núi, loại mỹ đức này quả thực là khó làm được. Con cũng rất muốn nghe thầy dạy bảo, trở thành một người quân tử nhân nghĩa. Thế nhưng, con lại cũng rất quý trọng sinh mệnh của mình. Giả như, giữa sinh mệnh và đức nhân phát sinh xung đột thì con nên suy xét đến đức nhân hay là sinh mệnh của mình?”

Khổng Tử nghe xong lời này, nghiêm túc nói: “Ta thật không nghĩ rằng con lại có thể nói ra những lời này! Khi đối mặt với sự xung đột giữa đức nhân và sinh mệnh, có thể nào lại có một chút do dự được? Phàm là chí sĩ nhân ái chân chính sẽ không bởi vì sợ chết mà làm tổn hại đến đức nhân của bản thân. Để thành tựu được đức nhân, họ sẽ không tiếc sinh mệnh của bản thân. Nói tóm lại là, chỉ cần giữ gìn được đức nhân thì chết cũng không đáng sợ.”

Câu chuyện về vị Vua nhân từ
Thời Trung Hoa cổ đại có một vị Đế vương tên là Nghiêu. Dân chúng vì muốn để vị Hoàng đế Nghiêu thể hiện ra khí phách đế vương và cũng là để bày tỏ lòng kính trọng ngưỡng mộ của mình mà muốn xây dựng cho ông một tòa cung điện. Hơn nữa, họ còn muốn kiến tạo tòa cung điện nguy nga tráng lệ, lấy vàng làm nền, lấy ngọc làm bậc thềm, lấy đá cẩm thạch làm cột. Trên đỉnh cung điện còn có ngôi sao, mặt trời, mặt trăng được khảm nạm bằng bạc trắng.

Sau khi Đế Nghiêu biết chuyện này, ông liền nói: “Cung điện là nhất định phải tạo, nhưng kiến tạo thành dạng gì thì ta tự đã có chủ trương rồi!”

Thế là Đế Nghiêu dẫn chúng đại thần lên núi, ông tự tay lựa chọn những khúc gỗ thô ráp và cỏ tranh rồi lợp thành một gian nhà cỏ xem như tẩm cung. Sau đó, ông và chúng thần lại lợp tiếp hơn 20 gian nhà cỏ thông nhau để làm nơi “điện chầu” bàn việc với chúng đại thần.

Chúng đại thần ai nấy đều rối rít đề nghị: “Bệ hạ sống trong nhà cỏ như thế này, nào có khác chi dân thường, sao có thể thể hiện ra được uy phong của bậc đế vương?”

Đế Nghiêu liền đáp lại: “Hiện giờ dân chúng khổ cực, kiến tạo cung điện xa hoa chỉ làm “nhọc dân, hao tài” mà thôi. Đế vương đem lại khổ cực cho dân chúng thì nào có gì là uy phong? Trừ bỏ lo âu, giải nạn cho dân chúng mới là việc mà bậc đế vương nên làm.” Nói xong, Đế Nghiêu dẫn một số đại thần đi các nơi để trực tiếp xem xét cuộc sống của dân chúng.

Một hôm Đế Nghiêu gặp một người dân miền núi ngã ở bên rìa đường đang nằm rên rỉ. Ông liền đến bên và hỏi: “Ngươi sao vậy?”

Người miền núi kia nói với giọng thều thào vì đói khát: “Đói…”

Đế Nghiêu lập tức lấy phần đồ ăn của mình ra đưa cho người miền núi ấy và nói: “Ăn đi! Là ta đã khiến ngươi sắp chết đói rồi!”

Người miền núi kia cảm động nhận lấy, nước mắt giàn giụa ướt đẫm khuôn mặt rồi ăn nuốt ngấu nghiến.

Đế Nghiêu quay sang chúng đại thần và nói: “Hãy lấy một phần lương thực của ta cấp cho người nghèo đói này!”

Chúng Đại Thần đồng thanh hỏi: “Vậy thì sao đủ cho bệ hạ đây?”

Đế Nghiêu trả lời: “Ta ăn ít một chút lương thực, ăn nhiều một chút rau dại là được rồi!”

Chúng Đại Thần nghe theo lời Đế Nghiêu, rồi noi gương ông, mỗi người đều tự động lấy ra một phần lương thực của mình chia cho người nghèo đói kia.

Ngày hôm sau, Đế Nghiêu và chúng đại thần đi đến cửa một ngôi nhà trong hang. Mọi người muốn dừng lại ở đây để xin chút nước uống. Trong hang bỗng phát ra giọng của một cô gái: “Nhà chúng tôi không có người ở nhà, các người nhất định không được tiến vào!”

Chúng đại thần nói: “Cô nương đừng sợ, Đế Vương đến, mau mở cửa ra đi!”

Cô gái vừa khóc vừa khẩn khoản nói: “Không được! Không được!..”

Lúc này một ông lão, trên lưng vác một bó củi từ xa đi tới. Ông lão tiến đến trước mặt mọi người rồi đặt bó củi xuống và xin lỗi nói: “Thực xin lỗi mọi người. Trong hang là con gái của tôi. Nó đã lớn rồi nhưng không có quần để mặc, cho nên nó…”

Đế Nghiêu vừa nghe thấy lời này, đôi mắt đỏ lên rồi lập tức lấy trong hành lý ra một chiếc khố đưa cho cha của cô gái. Ông lão đưa tay chối từ rồi nói: “Chúng tôi sao có thể lấy khố của ngài được!”

Đế Nghiêu khổ sở nói: “Ta không cai quản tốt thiên hạ mới khiến cho con gái ngươi không có quần để mặc. Thực rất xin lỗi các ngươi!”

Ông lão cảm động gào khóc lớn. Cô gái ở trong hang và các chúng đại thần ở bên ngoài đều theo nhau bật khóc.

Trên đường trở về cung, đi qua một thị trấn nhỏ, Đế Nghiêu phát hiện thấy một tên trộm đang bị trói, ông liền đi đến hỏi công sai: “Anh ta phạm tội gì vậy?”

Công sai trả lời: “Bẩm bệ hạ! Hắn lấy trộm lương thực ạ!”

Đế Nghiêu hỏi tội phạm: “Ngươi vì sao phải lấy trộm lương thực?”

Tên tội phạm trả lời: “Ở quê thảo dân bị mất mùa vì hạn hán nên ai cũng đói ăn!”

Đế Nghiêu nghe xong liền nói với công sai: “Hãy trói luôn cả ta đi, bởi vì chính ta đã khiến anh ta phải đi ăn trộm!”

Công sai và đám công thần ai nấy đều vội vã quỳ sụp xuống trước mặt Đế Nghiêu. Một vị đại thần nói: “Hắn phạm tội là vì hạn hán mất mùa nên không có gì để ăn, không có liên quan gì đến bệ hạ!”

Đế Nghiêu trầm ngâm nói từng chữ từng chữ chậm rãi: “Bá tánh không có lực chống lại hạn hán là trách nhiệm của ta. Không có cái ăn liền đi ăn trộm, đây cũng là do ta không giáo dục tốt. Sao có thể nói là không liên quan đến ta được?”

Đế Nghiêu lệnh cho các đại thần trói mình lại, sau đó ông đứng ở bên cạnh tên trộm.

Lê dân trăm họ ở bốn phương tám hướng kéo đến xem xét ngày một đông, ai nấy đều cảm động òa khóc.

Bỗng nhiên từ trong đám đông, hơn chục người bước ra và tiến đến trước mặt Đế Nghiêu. Họ quỳ sụp xuống trước mặt hoàng đế rồi tự nhận mình từng phạm tội ăn trộm, xin nguyện ý nhận sự trừng phạt.

Đế Nghiêu sau khi đi thị sát cuộc sống của dân chúng trở về nói với các đại thần: “Người thì đói chết, người thì không có quần áo mặc, người lại phải đi ăn trộm. Đây đều là lỗi của ta. Ta muốn hạ “tội kỷ chiếu” tới dân chúng để kiểm điểm tội lỗi của mình.”

Các đại thần quỳ sụp xuống đất nói: “Thưa bệ hạ! Cuộc sống của dân chúng khốn khó là bởi vì thiên tai quá nhiều. Lúc khó khăn, dân chúng nên học cách nhẫn chịu!”

Đế Nghiêu nói: “Cuộc sống của dân chúng không tốt, không thể đem tất cả đổ cho thiên tai được, phải tự xét lại bản thân mình. Ta không thể oán trách dân chúng không nhẫn chịu mà phải xét lại xem bản thân mình cai quản có chỗ nào sai trái!”

Mấy ngày sau, Đế Nghiêu đặt một cái trống ở bên trái cửa lớn của cung điện để mọi người có thể đánh trống, gặp và nói lên ý kiến của mình với hoàng đế. Đế Nghiêu lại cho người dựng một cái cột ở bên phải cửa lớn có tên “phỉ báng chi mộc” để dân chúng có thể đứng ở bên cạnh cột mà chỉ trích tội lỗi của mình. Bởi vì Đế Nghiêu một lòng vì dân, yêu thương dân như con, luôn suy nghĩ vì dân, sinh sống lại đơn giản, lại là người mỗi khi gặp chuyện là xét lại chỗ sai của mình cho nên ông được dân chúng kính trọng và yêu quý.

Về sau này cuộc sống của người dân khá hơn, ai cũng có đủ lương thực để ăn và quần áo để mặc. Vạn dân cảm động, đi đến nơi nào cũng đều nghe thấy lời khen ngợi và tán dương của dân chúng đối với vị hoàng đế này.

Xã hội là một cộng đồng những con người chung sống cùng nhau, giữa họ có rất nhiều mối quan hệ. Nếu mỗi người chỉ biết xuất phát từ lợi ích của mình để đối xử với người khác, chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà không thấy được quyền lợi của người khác thì xã hội sẽ xảy ra biết bao thảm kịch. Một khi, mỗi người đều biết quan tâm, nhường nhịn và hỗ trợ người khác thì không những họ thấy cuộc sống của bản thân yên ấm, hạnh phúc, mà cả cộng đồng của họ cũng có sự gắn bó, bền vững và có nhiều điều kiện để khắc phục những tai nạn do khách quan mang lại. Cho nên, giáo dục lòng “nhân từ”, dùng “nhân từ” để đối đãi với nhau luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Điều này không chỉ đúng với xã hội ngày xưa, mà còn đúng với cả xã hội ngày nay.


An Hòa


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét