Người mẹ
Chuyện phiếm Gã Siêu
Sự thực thì gã cũng hơi bực
bội và hờn ghen với quí bà quí cô vì xã hội này đã đối xử bất công với phe mày
râu, đực rựa như gã. Số là bên đông cũng như bên tây đều có tập tục nhớ ơn mẹ
hiền, rồi lại còn dành hẳn ngày 8 tháng 3 để mà “xông hương” cho nữ giới. Khốn
khổ cho các ông chồng, ngày hôm ấy chịu khó chui vào bếp mà nấu nướng, rồi thì
hãy bắt chước Tú Xương mà “vuốt râu nịnh vợ con bu nó”.
Trong khi đó, phe đực rựa
với thiên chức làm chồng, làm cha, nhưng thực chất chỉ là làm thân trâu ngựa,
nai lưng ra mà kéo cày, đổ mồ hôi sôi nước mắt, để kiếm tí tiền còm, đem về
chén cơm, bát gạo và manh áo hầu nuôi sống gia đình. Nhất là cho quí bà quí cô
có phương tiện đi uốn cái tóc, sửa cái mũi, sơn cái móng chân, o cái móng tay,
may cái quần, sắm cái váy, ấy thế mà chả được ma nào nhớ tới, nói chi đến việc
ca ngợi đức ông chồng hay nhớ ơn cha già.
Trở lại với đề tài hôm
nay, đó là tôn vinh mẹ hiền. Bên đông phương, cứ vào rằm tháng bảy âm lịch, anh
em Phật giáo cử hành lễ Vu lan, khởi đầu cho mùa báo hiếu và tưởng nhớ công ơn
người mẹ. Theo “Thành ngữ, điển tích, danh nhân từ điển” của Trịnh văn Thanh: Mục
Liên, tức là Mục Kiều Liên, tên một vị bồ tát, đệ tử của Đức Phật. Mục Liên vốn
là một người con có hiếu. Mặc dù đã tu thành chánh quả, nhưng khi thấy người mẹ
của mình, vì mắc phải nhiều sai lỗi, chẳng hạn như luôn chê bai các vị tăng ni
và xúi dục người khác vi phạm những giới cấm, nên đã bị đày xuống ngục A Tỳ, phải
chịu cực hình đói khát và ngồi trên chông sắt. Hễ bà ăn hay uống thứ gì, thì tất
cả đều cháy thành lửa. Mục Liên nhờ gậy phép và bồn bát của Phật Quan Âm mà xuống
tận cõi âm ty để cứu mẹ thoát khỏi cảnh cực hình, khuyên nhủ mẹ ăn năn hối lỗi,
một lòng tu niệm. Nhờ đó, mẹ của Mục Liên cũng đắc quả.
Chính vì thế, rằm tháng bảy,
ngày lễ Vu lan hay ngày lễ Trung nguyên, không phải chỉ là một dịp để người ta
cúng cô hồn, tức là cầu nguyện cho những người mồ côi đã chết vất vưởng, không
được một ai tưởng nhớ đến, mà còn là một dịp để con cái báo đáp công ơn mẹ cha
bằng cách làm việc lành, cầu nguyện cho mẹ cha được sống lâu, không mắc phải cảnh
đau ốm khổ não và cả ông bà bảy đời được thoát khỏi cõi âm ty mà về cõi Phật: Mục Liên dù đã hóa thân, vì
thương từ mẫu muôn phần họa tai.
Bên tây phương, người ta
cũng đã chọn Chúa nhật thứ hai trong tháng năm làm ngày lễ nhớ ơn mẹ hiền, tiếng
phăng xe thì gọi là “Fête des Mères”, còn tiếng ăng lê thì gọi là “Mother’s day”. Theo Thượng tọa Thích Nhất Hạnh
trong cuốn “Bông hồng cài áo” thì vào ngày này, con cái tỏ lòng biết ơn đối với
người mẹ bằng cách tặng quà và tổ chức bữa cơm thân mật để chúc mừng người mẹ.
Riêng những ai mà người mẹ còn sống, thì khi ra đường sẽ được cài một bông hồng
màu trắng trên áo, để chỉ người ấy vẫn còn giữ được một kho tàng quí giá nhất,
đó là tình yêu của người mẹ, vẫn còn có một nơi ẩn náu an toàn nhất, đó là trái
tim của người mẹ.
Ngày xửa ngày xưa có hai
vợ chồng trẻ đang sống yên ổn trong một mái ấm ngập tràn yêu thương và hạnh
phúc. Họ đã đặt tình yêu và gia đình của họ dưới sự bảo trợ của đức Maria.
Nhưng rồi một năm kia, mưa to và gió lớn. Mực nước dâng lên thật nhanh và tạo thành
một cơn lũ khủng khiếp, như chưa từng xảy ra như thế bao giờ. Nhà của họ nằm
trên một ngọn đồi, nhưng rồi ngọn đồi cũng bị ngập sâu dưới dòng nước. Hai vợ
chồng thay nhau bồng ẵm đứa con và trèo lên mái nhà, nhưng rồi mái nhà của họ
cũng bị dòng nước nhận chìm. Bấy giờ người chồng nói với vợ: Mình hãy ôm chặt
thằng nhỏ và ngồi cho vững trên đôi vai của anh. Người vợ vội vàng làm theo.
Đôi mắt chị long lanh những giọt lệ và cõi lòng chị đớn đau tê tái. Chị ngồi
trên vai và hai chân bắt chéo trước ngực chồng trong một tư thế thật vững vàng.
Nhưng rồi nước vẫn cứ dâng lên, dâng lên mãi. Bấy giờ, chị nói với đứa bé rằng:
Con hãy ngồi thật chắc trên đôi vai của mẹ. Giã từ con, nhưng con đừng bao giờ
quên rằng cha và mẹ luôn yêu thương con nhé. Chị không thể nói thêm được một lời
nào nữa vì nước đã dâng lên tràn vào miệng. Và sau cùng, nước đã trắng xóa cả một
vùng bao la, chỉ còn khuôn mặt của đứa bé là nhô lên khỏi mặt nước với những lọn
tóc đen mà thôi. Lúc bấy giờ, Đức Maria đi ngang qua, nhìn thấy lọn tóc đen của
đứa bé, Ngài thầm nghĩ: Đứa bé này thuộc về Ta vì mẹ nó đã dâng nó cho Ta. Khi
giơ tay kéo đứa bé lên, Ngài vô cùng ngạc nhiên vì thấy cha và mẹ của đứa bé đã
chết để cho nó được sống. Ngài khẽ nói: Ôi, Thiên Chúa đã làm biết bao nhiêu sự
kỳ diệu trên mặt đất này. Và rồi, Ngài đã đưa cả ba người về thiên đàng trong nếp
áo choàng của Ngài. Từ câu chuyện trên, gã cũng có thể xác quyết: Trong những
điều tuyệt vời Thiên Chúa đã tạo nên, thì trái tim người mẹ chính là điều tuyệt
vời nhất.
Tại một viện mồ côi, người
ta đã làm một thí nghiệm như thế này, đó là trong phòng nuôi những em nhỏ mới
chào đời, người ta đã lắp đặt một hệ thống âm thanh phát ra những tiếng đập nhè
nhẹ, như tiếng đập của trái tim người mẹ và người ta đã ghi nhận: từ khi có những
tiếng đập nhè nhẹ ấy, những em nhỏ ăn nhiều hơn, ngủ kỹ hơn và tăng trọng mau
hơn. Điều đó muốn nói lên rằng vai trò của người mẹ thật là quan trọng. Thực vậy,
để có mặt trong cuộc đời, mỗi người chúng ta cần phải có ba má như tục ngữ đã bảo:
Con có cha có mẹ, không ai ở lỗ nẻ mà lên. Có cây mới có giây leo, có cột có
kèo, mới có đòn tay.
Tuy nhiên, có mặt trong
cuộc đời mà thôi chưa đủ, chúng ta còn cần phải được tăng trưởng, còn cần phải
được lớn lên, còn cần phải được phát triển
về thể xác cũng như tinh thần. Để giúp chúng ta tăng trưởng, lớn lên và phát
triển như thế, không thể thiếu vắng những đóng góp to lớn của người mẹ. Con có
mẹ, như bẹ ấp măng. Làm sao chúng ta có thể kể hết những công lao, những hy
sinh người mẹ đã phải chịu vì chúng ta suốt chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm,
rồi nuôi dưỡng và dạy bảo chúng ta cho tới ngày hôm nay. Chim trời ai dễ đếm
lông, nuôi con ai nỡ kể công tháng ngày.
Trước hết là công ơn nuôi
dưỡng của người mẹ, tục ngữ ca dao Việt Nam đã viết: Cha sinh không tầy mẹ dưỡng.
Con lên ba, mẹ sa xương sườn. Tiếp đến là công ơn dạy bảo: Mẹ dạy thì con khéo,
bố day thì con khôn. Vì yêu thương mà người mẹ đã dạy bảo, cốt để cho chúng ta
nên người như lời một câu danh ngôn: Người mẹ dù có đánh mắng, nhưng sau đó liền
hôn lên vết đánh ấy. Người mẹ có thể thức trắng đêm để chăm sóc cho đứa con đau
yếu. Người mẹ có thể hy sinh chính bản thân mình để cho đứa con được sống.
Một trận động đất xảy ra.
Toàn bộ ngôi làng biến thành đống gạch vụn. Người ta đã dùng mọi phương tiện, mọi
khả năng để tìm kiếm những người còn sống sót. Trong số những người còn sống
sót ấy có hai mẹ con được móc lên từ chốn đổ nát. Sau khi được cấp cứu và hồi sức,
người mẹ đã kể lại như sau: Lúc bấy giờ, hai mẹ con tôi đang đứng trong góc bếp.
Tòa nhà sụp đổ. Rất may chúng tôi đã không bị dè bẹp. Không gian chỉ là một khoảng
rất nhỏ và thức ăn chỉ còn lại một hộp mứt. Sau khi con tôi đã ăn hết hộp mứt,
nó vẫn còn đói và khóc lóc đòi ăn thêm. Thế là tôi bèn nhặt một mảnh kính vỡ, cứa
đầu ngón tay rồi đút vào miệng nó. Hy vọng nhờ những giọt máu của tôi mà nó sẽ
được sống sót. Rồi tôi ngất đi lúc nào cũng không hay cho tới khi được cứu
thoát. Người ta bèn hỏi bà: Tại sao bà lại làm được một hành động can đảm như
thế? Bà trả lời: Trong giây phút kinh hoàng ấy, tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất,
đó là phải làm tất cả cho con tôi được sống.
Trước công ơn trời biển
như thế của mẹ hiền, đạo làm con là phải thảo hiếu. Sự thảo hiếu này được biểu
lộ qua thái độ vâng lời, trọng kính và giúp đỡ, nhất là khi người mẹ đã già yếu
và túng quẫn: Con không chê mẹ khó, chó không chê chủ nghèo. Và trong cuộc sống,
gã đã từng nhìn thấy biết bao nhiêu người con đã sống trọn đạo hiếu đối với cha
mẹ mình. Thật đáng bái phục. Là người Việt Nam, ai trong chúng ta lại không biết
đến tác phẩm “Nhị thập tứ hiếu” viết về hai mươi bốn người con có hiếu, là như
những mẫu gương để chúng ta noi theo và bắt chước.
Tướng Cariolan buồn rầu bỏ
thành Roma đi theo quân địch vì những kẻ đồng hương tỏ ra vô ơn đối với ông.
Khi hay tin ông đem quân về vây hâm thành và tìm cách tiêu diệt mọi người, dân
chúng vô cùng khiếp sợ. Họ cử một phái đoàn đi thương thuyết nhưng không được
ông tiếp. Họ tổ chức một cuộc kiệu rước các thần minh đến gần doanh trại của
ông để cầu xin sự bình an, nhưng ông vẫn cứ một mực làm ngơ. Sau cùng, họ đành
phải nhờ tới bà mẹ già của ông. Nhìn thấy mẹ từ xa, ông liền chạy ra ôm lấy mẹ.
Thế nhưng bà buồn sầu nói với con: Con biết lòng mẹ yêu con như thế nào hay
không? Chẳng lẽ con định giết các em và cả vợ con của con sao? Ông liền nói với
mẹ: Mẹ đã thắng con rồi. Vâng lời mẹ, con sẽ rút quân và dân thành Roma được giải
thoát, nhưng mẹ sẽ mất con mãi mãi. Đúng thế, sau khi rút quân, ông đã bị kẻ địch
giết chết vì họ cho rằng ông đã phản bội.
Tuy nhiên, cũng không thiếu
gì những đứa con, một khi đã thành đạt thì bỗng quên đi công ơn của người mẹ, để
rồi có những thái độ khinh bỉ và hất hủi.
Bà mẹ đang cặm cụi làm cỏ
ruộng phía sau nhà, bỗng rụng rời tay chân khi nhìn thấy một cột khói bốc lên
cao. Hốt hoảng, bà vội chạy về, băng qua ngọn lửa vào nhà và ẵm lấy đứa con nhỏ
của mình đang nằm trong nôi. Cứu được đứa con, nhưng bà lại bị phỏng nặng. Vết
phỏng đã làm cho khuôn mặt của bà trở thành nhăn nheo và xấu xí. Đứa bé lớn
lên. Trở thành một cô gái xinh đẹp và được gửi học trên thành phố. Ngày kia, bà
mẹ lặn lội từ quê lên, ghé vô trường giữa lúc cô gái đang chơi đùa với bè bạn
trong sân. Nghe nói có người tới thăm, cô bé vội xuống phòng khách. Nhìn thấy mẹ,
cô bé sa xầm nét mặt và nói như quát tháo: Bà đừng đến đây thăm tôi nữa, bởi vì
tôi không thể nào chịu đựng nổi một người mẹ xấu xa và ghê tởm như bà. Bà mẹ âm
thầm ra về, nhưng hàng tháng vẫn gửi tiền lên cho con ăn học. Phải chăng tình
yêu của người mẹ thì không bao giờ mệt mỏi.
Nhiều khi chỉ vì quá
thương con mà người mẹ đi tới chỗ cưng chiều và làm cho con hư hỏng. Trên báo
“Phụ nữ chủ nhật”, một người chị đã tâm sự như sau: “… Bây giờ thì thằng em của
tôi đã ngồi tù và nó còn phải ngồi tù hơn 10 năm nữa mới hết án. Theo tôi nghĩ,
lỗi của nó chỉ một phần, mà chính là lỗi của ba mẹ tôi. Ngay từ hồi còn nhỏ, nó
đã được muông chiều quá trớn. Nó đòi gì được nấy… sống như một ông hoàng. Rồi
nó được sắm xe gắn máy khi học đến lớp chín và thế là nó bỏ học, từ đó theo bạn
bè lêu lổng ăn chơi. Mới hơn hai mươi tuổi đầu mà nó đã mang trong người đủ thứ
tội: Hút chích ma túy, ăn cướp, hiếp dâm, ngộ sát… Tội thì nó đã gánh, nhưng lỗi
thì do ai?”
Người mẹ thường gần gũi
và hiểu biết con cái hơn, nên cũng được con cái yêu mến và nhõng nhẽo hơn. Vì
thế, ảnh hưởng của người mẹ cũng to lớn hơn trong viêc giáo dục uốn nắn con cái
như tục ngữ đã day: Phúc đức tại mẫu. Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Nếu người
mẹ còn tiền còn bạc thì con cháu xúm xít lại, bằng không thì chẳng ai thèm ngó
ngàng, thậm chí có những đứa con còn vác đơn ra tòa để chiếm đoạt ngôi nhà do
chính mẹ mình đã vất vả chắt chiu gầy dựng nên.
Báo Công an có đăng tải một
mẩu tin như sau: Tại Tây Ninh, có một bà mẹ khá đông con, song bà vẫn thích sống
cảnh cô đơn trong căn nhà tranh dột nát. Thảm hại hơn, các con bà còn kiếm chuyện
mắng mỏ đủ điều và tranh chấp với bà từng
ngọn rau tấc đất. Có lần hàng xóm thấy vậy thương tình đến giúp đỡ thì bị
người con gái của bà nặng lời trách móc. Trước hoàn cảnh ấy, chính quyền địa
phương đã xây cho bà một căn nhà tình nghĩa vì bà cũng là mẹ liệt sĩ. Thế là
ngay sau đó, vợ chồng người con gái đã từng ngược đãi mẹ lại làm đơn gửi cho
chính quyền là kể từ nay xin được nuôi nấng mẹ già.
Thói đời vốn thường đen bạc,
kể cả con cái trong gia đình như người xưa đã bảo: Mẹ giàu con có, mẹ khó con
không. Chẳng những có thái độ vô ơn và bất kính nhất là khi người mẹ già yếu và
nghèo túng, mà hơn thế nữa, còn đối xử
hà khắc, nghiệt ngã với người mẹ của mình, bắt làm những công việc nặng nhọc
như tục ngữ diễn tả: Một mẹ già bằng ba con ở. Rồi thì quát tháo, chửi bới khi
người mẹ hết sức lao động, không còn làm lụng được gì nữa, hay chì chiết, day dứt
khiến cho người mẹ phải tủi thân vì cảm thấy mình chỉ còn là một kẻ ăn bám, một
gánh nặng cho con cái. Vấn đề này đã được tục ngữ Việt Nam nói đến rất nhiều: Một
mẹ nuôi được mười con, nhưng mười con không nuôi được một mẹ. Mẹ nuôi con bằng
trời bằng bể, con nuôi mẹ, con kể từng ngày.
Nói về những sự vô ơn tệ
bạc của con cái đối với mẹ già thì còn dài dài, nhưng để kết luận, gã xin ghi lại
nơi đây một mẩu tin. Mẩu tin này mang tựa đề là “Mẹ ăn mày… nuôi con khỏe”, đại
khái như sau: “Sáng nào cũng vậy, tại một quán bánh canh nằm trên một con đường
giữa trung tâm thị xã của tỉnh Tây ninh, người ta luôn thấy một bà cụ già trên
tám mươi tuổi, lưng còng, lê bước tới xin từng bàn khách đang ăn và được nhiều
người thương tình giúp đỡ. Thế nhưng, khi bà cụ vừa bước ra khỏi quán, thì lập
tức có một người đàn ông độ khoảng bốn mươi tuổi đi trên chiếc xe đạp dừng lại
bên bà và bà khó nhọc leo lên xe để tiếp tục cuộc hành trình đi ăn mày. Được biết
người đàn ông khỏe mạnh ấy chính là con trai của bà.
Người viết mẩu tin này đã
bình luận như sau: Thiết tưởng, cha mẹ bắt con đi ăn mày đã là điều đáng lên
án, đằng này con cái lại bắt mẹ già đi ăn xin để nuôi mình thì vô cùng trái đạo.
Những đứa con bất nghĩa này khó tránh được tiếng đời biếm nhẽ. Còn gã, gã lại
nghĩ hơi khác một tí: Tình yêu của người
mẹ thì trẻ mãi, không bao giờ già. Hơn thế nữa, dưới mắt mẹ hiền, người con dù
đã trưởng thành và khỏe mạnh, thì vẫn chỉ là một đứa nhỏ, vừa bé bỏng lại vừa yếu
ớt mà bà cần phải chăm sóc và nuôi nấng.
Một cô bé cũng đã phát biểu:
Nếu Thiên Chúa chỉ ban cho tôi một người mẹ mà thôi, thì tôi cũng cảm nhận được
Ngài tốt lành biết bao nhiêu, bởi vì đối với tôi, mẹ là kho tàng quí giá nhất
và hạnh phúc thiên đàng chính là được ngồi dưới chân mẹ hiền.
gã siêu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét