Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2018

‘Tam tòng tứ đức’ thực sự có phải là ‘phong kiến lạc hậu’?

‘Tam  tòng  tứ  đức’  thực  sự  có  phải  là  ‘phong  kiến  lạc  hậu’?
(Thứ tư, 10/08/2016 -trithucvnnet)


(Ảnh minh hoạ, nguoidepvn.vn)

Chúng ta thường nghe nói đến “tam tòng tứ đức”, vậy câu này có nghĩa gì? Chỉ e rằng có rất nhiều người hiểu chưa đúng, cho rằng điều này thuộc về nền phong kiến lạc hậu, từ đó bài xích và phê phán.

Kỳ thật những người phụ nữ thời xưa có thể không biết chữ, nhưng phải hiểu rất rõ về “tam tòng tứ đức”. Chỉ cần như vậy thì đã được khẳng định là một phụ nữ có giáo dưỡng tốt. Qua đó cũng cho thấy tác dụng lớn lao của bốn chữ “tam tòng tứ đức” trong việc giáo dưỡng phụ nữ thời xưa.

Tam tòng (ba theo) là gì?
1. Tòng phụ mẫu (ở nhà nghe theo cha mẹ):
Một cô gái nếu biết nghe lời cha mẹ, thì được xem là một cô gái ngoan ngoãn và thông minh. Vì dù sao, cha mẹ cũng là người có kinh nghiệm từng trải nên có cái nhìn tương đối chuẩn xác hơn. Vì vậy, biết tham khảo ý kiến của cha mẹ trước khi làm việc gì thì đó cũng là điều tốt. Mọi người có thể đã từng nghe những chuyện về cha mẹ ép duyên con theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Kỳ thực điều này không phải là số nhiều trong xã hội thời xưa. Chẳng qua là văn học, nghệ thuật sân khấu đã thổi phòng những câu chuyện ấy lên, khiến người ta có cái nhìn thiên kiến về việc này. Các bậc cha mẹ thời xưa đa phần là những người thông hiểu lễ nghĩa, phép tắc, đạo đức, nên họ rất muốn gìn giữ gia quy, không muốn để con cái tùy tiện làm điều xằng bậy. Đây là điều tốt, có lợi trong việc giáo dưỡng con cái. Vì vậy, người con gái nghe theo cha mẹ thì được xem là người đáng quý.

2. Tòng phu (Lấy chồng, theo chồng): Một cô gái khi lấy chồng thì phải theo chồng, một lòng một dạ với chồng, giúp chồng làm thành sự nghiệp, quản gia, làm vẻ vang gia đình.
Người con gái khi đi lấy chồng thì tình nghĩa vợ chồng cũng bắt đầu từ đây. Trước ngày về nhà chồng, người mẹ sẽ dặn dò con gái phải gắng sức giúp chồng, dạy con, phụng dưỡng cha mẹ chồng. Người chồng là người cáng đáng những việc bên ngoài, người vợ lo việc trong nhà. Vợ chồng tôn trọng lẫn nhau, giúp đỡ nhau. Đây chính là phúc phận của người phụ nữ và cũng là phúc khí của người chồng.

“Tòng phu” ở phương diện hôn nhân, là chỉ người phụ nữ phải một lòng một dạ với chồng, bảo trì trinh tiết, không thất tiết. Người phụ nữ như vậy sẽ giữ được đức hạnh của mình, có được hậu phúc và được người đời tôn kính.

(ảnh qua vtc.vn)

3. Tòng tử (theo con trai): Trong luân lý đạo đức của Nho giáo, từ trước đến nay đều có truyền thống tôn kính cha mẹ, hiếu thảo với cha mẹ. Người mẹ có quyền quản giáo, dạy bảo con cái. “Tòng tử” ý chỉ, khi người chồng mất đi thì người mẹ sẽ ở vậy chăm sóc nuôi dưỡng con trưởng thành và những việc trọng đại trong gia đình sẽ do con trai quyết định. Nhưng bởi vì thời xưa, con cái hiểu lễ nghĩa, coi trọng việc hiếu thảo với cha mẹ nên họ hiểu được nên làm điều gì và không nên làm gì để tránh việc trái với đạo đức làm người.

Tứ đức là gì?
Tứ đức là bốn loại tu dưỡng cần thiết của một cô gái thời xưa, đó là “đức”, “dung”, “ngôn”, “công”. Phụ nữ thời xưa, từ mười tuổi trở ra cho dù là không được đi học thì cũng được gia đình giáo dục, dạy bảo cách làm việc, nấu ăn, nuôi tằm, dệt vải, các lễ nghi… trước khi đi lấy chồng phải được dạy bảo thành thục về “đức, dung, ngôn, công”.

1. Đức: Đây là tiêu chuẩn đứng đầu trong “tứ đức” của người phụ nữ, là điều quan trọng nhất trong hành vi thường ngày của người phụ nữ. Một người phụ nữ có phẩm đức sẽ giáo dục con cái trở thành những người có phẩm hạnh đạo đức. Hơn nữa, họ cũng giúp chồng đề cao phẩm đức của bản thân, khiến gia đình thịnh vượng.

Người phụ nữ có phẩm đức phải thủ vững tiết tháo, giữ thân như ngọc, đối với hôn nhân gia đình phải một lòng một dạ, đối với cha mẹ chồng phải khiêm cung hiếu lễ.

2. Dung: Người xưa thường giáo dục rất cẩn thận cho con gái về cách ăn mặc. Phụ nữ trong cách ăn mặc phải trang nhã, đứng đắn không làm mất đi đức hạnh của mình. Người phụ nữ, bên ngoài không nên ăn diện quá mức, bên trong phải chú trọng tu dưỡng đạo đức. Người xưa quan niệm rằng, người phụ nữ phải có ngôn hành dịu dàng, dáng vẻ đoan trang, nội tâm ôn hòa đó mới là người phụ nữ đẹp.

3. Ngôn: Người phụ nữ phải giữ giọng nói luôn dịu dàng ôn hòa, nói lời hay ý đẹp, không nói lời bậy bạ, hỗn hào, thô tục, khéo léo ứng đối. “Khéo léo” ở đây không phải yêu cầu là “mồm miệng lanh lợi” mà là khi nói phải suy xét xem lời nói có thỏa đáng không, có thích hợp không, không dùng lời ác làm tổn thương người khác, không cướp lời người khác.

Khi nói chuyện với chồng, với con thì lời lẽ phải dịu dàng, khuyên can. Khi giao tiếp xã hội, lời nói phải rõ ràng, giữ lễ . Cho nên “ngôn” là yêu cầu người phụ nữ phải có trí tuệ và tu dưỡng tri thức mới có thể làm được.

4. Công: Người xưa có câu: “vợ chồng có khác biệt” cũng là chỉ công việc của vợ, của chồng là có sự khác biệt. “Nam chủ ngoại sự”, ý chỉ người chồng làm việc bên ngoài, nuôi dưỡng gia đình. “Nữ chủ nội sự” là chỉ người phụ nữ đảm nhiệm công việc quản gia, phụng dưỡng cha mẹ chồng, giáo dục con cái.

Trong xã hội ngày nay, người phụ nữ vừa giỏi việc gây dựng sự nghiệp, vừa chăm sóc gia đình cũng không phải là trái với tứ đức xưa. Nhưng bởi vì người phụ nữ là có tính âm, nhu mềm, nên mọi việc phải giữ chừng mực, xử lý tốt quan hệ giữa công việc gia đình và bên ngoài, nếu quá thiên về công việc bên ngoài thì hôn nhân sẽ đến muộn hoặc cuộc sống gia đình không hòa thuận.

Có thể thấy rằng, “tam tòng tứ đức” đối với người phụ nữ hoàn toàn là điều cần thiết, không có điểm nào là không tốt. Cho dù là thời xưa hay thời nay, thì một người phụ nữ giữ được “tam tòng tứ đức” thì đúng người phụ nữ có giáo dưỡng và xinh đẹp nhất!


Uyển Như

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét