Đối nhân xử thế của người xưa
Nguyên tắc đối đãi giữa cha và con
(Thứ
hai, 20/03/2017-trithucvn.net)
Cổ nhân giảng: “Luân lý đạo
đức là quy luật của Trời Đất, bổn phận là quy luật của mỗi cá nhân. Người mà đi
ngược lại quy luật thì sẽ gặp nạn.” Tục ngữ cũng có câu: “Gia hòa vạn sự hưng”.
Một quốc gia hưng thịnh, một xã hội an hòa phải bắt đầu từ một gia đình hòa thuận,
trong đó trước hết phải có tôn ti trật tự, mỗi người đều làm tròn bổn phận của
bản thân mình.
Trật tự giữa cha và con
không phải do một ai đó đặt định ra mà nó là trật tự của tự nhiên. Cho nên, cha
và con làm tròn bổn phận của mình cũng chính là thuận theo quy luật của tự
nhiên, của Trời Đất.
Trong “Sử ký – Khổng Tử
thế gia” có ghi chép rằng: “Cảnh công vấn chính khổng tử, khổng tử viết: “Quân
quân, thần thần, phụ phụ, tử tử.” Cảnh công viết: “Thiện tai! Tín như quân bất
quân, thần bất thần, phụ bất phụ, tử bất tử, tuy hữu túc, ngô khởi đắc nhi thực
chư “
Giải nghĩa: Tề Cảnh Công
hỏi Khổng Tử về đạo lý trị quốc. Khổng Tử trả lời: “Quân quân, thần thần, phụ
phụ, tử tử.” Chính là, người làm Vua thì phải đối đãi sao cho phù hợp với đạo
làm Vua. Người làm bề tôi thì phải đối đãi phù hợp với đạo làm bề tôi. Người
làm cha phải phù hợp với đạo làm cha, người làm con phải phù hợp với đạo làm
con. Ai cũng phải làm tròn bổn phận của bản thân mình.
Tề Cảnh Công nói: “Tiên
sinh nói đúng lắm! Nếu như Vua không trọn đạo Vua, bề tôi không trọn đạo bề
tôi, cha không trọn đạo cha, con không trọn đạo con thì cho dù có nhiều lương
thực, ta cũng có thể ăn được sao?”
Nếu như mỗi người đều làm
tròn bổn phận của mình thì nhà mới yên, nước mới yên và xã hội mới ổn định và
phát triển.
Nói về quan hệ Cha – Con,
trong sách “Mạnh Tử – Đằng văn công thượng” cũng viết: “Bão thực noãn y, Dật cư
nhi vô giáo, tắc cận vu cầm thú” , “Thánh nhân sử khế vi ti đồ, giáo dĩ nhân
luân: phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trường ấu hữu tự,
bằng hữu hữu tín.” Ý nghĩa rằng: Cơm no
áo ấm, nhàn rỗi mà vô giáo dục thì chẳng khác gì loài cầm thú. Cho nên bậc
thánh nhân lấy làm lo lắng về việc ấy, giáo hóa cho mọi người cái đạo nhân
luân: Cha con có tình thân, Quân thần có nghĩa (vua hiền tôi trung ),vợ chồng
có phân biệt, lớn nhỏ có thứ tự, bạn bè có thành tín.
Cha con có tình thân: Cha
mẹ phải dùng lòng nhân từ dạy bảo con, con phụng dưỡng cha mẹ phải hiếu thuận
cung kính. Cha nhân từ, con hiếu thảo, tắc thì sẽ có tình thân.
Vậy, người cha phải như
thế nào mới là nhân từ? Trong “Luận ngữ -Nhan Uyên” viết: “Nhan Uyên hỏi người
như thế nào mới là người nhân từ? Khổng Tử đáp: ‘Khắc chế được bản thân, hết thảy
đều chiểu theo yêu cầu của lễ mà làm thì được gọi là nhân từ.” Trong “Tam tự
kinh” cũng giảng: “Dưỡng mà không giáo là lỗi của người cha”. Cho nên, cha đối đãi với con phải nhân từ
nhưng không được sủng ái và nuông chiều.
Bổn phận làm con là phải
hiếu thuận với cha mẹ. Trong “Luận ngữ – Vi chính II, 5”, Khổng tử giải thích:
“Sanh, sự chi dĩ lễ; tử, táng chi dĩ lễ; tế chi dĩ lễ” (Hễ làm con, khi cha mẹ
còn sống, phải phụng sự cho có lễ, khi cha mẹ chết, phải chôn cất cho có lễ, rồi
những khi cúng giỗ, cũng phải giữ đủ lễ.)
Lấy Lễ mà thờ cha mẹ
không phải cha mẹ làm điều gì trái đạo cũng theo. Trong “Luận ngữ – Lí nhân IV,
18”, Khổng tử giảng: “Sự phụ mẫu cơ gián, kiến chí bất tòng, hựu kính bất vi,
lao nhi bất oán”, ý nói làm con thờ cha mẹ, nếu như thấy cha mẹ lầm lỗi thì nên
can gián một cách dịu ngọt. Nếu như thấy ý tứ cha mẹ chẳng thuận theo lời
khuyên của mình, thì mình vẫn một lòng cung kính và chẳng trái nghịch. Nếu như
cha mẹ giận mà khiến mình làm công việc cực khổ, chớ có mang lòng dạ oán hờn.
Khổng tử khuyên người ta
thờ cha mẹ một cách sáng suốt. Không phải bất kỳ điều gì cha mẹ sai khiến đều
vâng theo, gọi là có hiếu. Người có hiếu nên biết phân biệt những điều lành của
cha mẹ mà tuân theo, những điều dữ của cha mẹ mà can gián.
Trong lịch sử có rất nhiều
câu chuyện về người cha nhân từ, hiểu lễ, dạy con thành bậc hiền tài. Đồng thời,
cũng có rất nhiều câu chuyện về gương người con hiếu thảo. Dưới đây xin trích dẫn
câu chuyện hiếu thảo của vua Ngu Thuấn.
Vua Ngu Thuấn hiếu thảo cảm
động trời xanh
Vua Ngu Thuấn là một
trong năm vị Hoàng đế thời thượng cổ của Trung Hoa. Ông họ Diêu, tên là Trọng
Hoa, tên hiệu là Thuấn, người tỉnh Hồ Bắc. Cha của ông khi còn sống là người
không phân biệt phải trái đúng sai, ngoan cố không theo đạo lý, nên về sau bị
mù hai mắt. Bởi vậy mà người đời vẫn gọi cha ông là Cổ Tẩu (ông già mù).
Mẹ của Thuấn mất sớm nên
cha ông lấy vợ hai. Mẹ kế của ông là người phụ nữ cay độc hiểm ác, nói lời
không thật lòng. Sau này cha và mẹ kế của ông sinh được một người con trai, đặt
tên là Tượng. Người con này từ nhỏ đến lớn đều ngang bướng, tính nết ngông cuồng.
Người mẹ kế này yêu quý
con ruột của mình hơn con riêng của chồng nên đối đãi với Thuấn như kẻ thù. Bà
thường xuyên nói xấu con riêng của chồng, dùng lời kích động để cha của Thuấn
thù ghét con trai mình. Vì vậy, ba người trong gia đình họ ai cũng có ý tưởng
sát hại ông.
Nhưng Thuấn lại có thiên
tính vô cùng hiếu thuận, nhân hậu. Ông đối với cha mẹ thì vô cùng hiếu kính, tận
lễ, giữ đúng đạo làm con, không một chút lười biếng. Ông đối với bạn bè cũng vô
cùng nhân từ, hết lòng.
Bởi vì Thuấn dường như
không có khuyết điểm, cho nên, mặc dù muốn sát hại Thuấn nhưng cả nhà họ đều
không tìm được ra lý do, không tìm được ra cách thức. Thuấn luôn nghĩ rằng, chỉ
cần được ở bên cạnh cha mẹ để phụng dưỡng họ, tận hiếu với họ là đã thỏa mãn
trong lòng. Mỗi khi cha mẹ hay em trai có việc gì cần giúp đỡ, Thuấn đều hết
lòng giúp. Những lúc bị người nhà hãm hại Thuấn đều trốn chạy. Chỉ cần có chút
biến chuyển, Thuấn lập tức trở về bên họ, dốc lòng trợ giúp.
Năm 20 tuổi, lòng hiếu thảo
của Ngu Thuấn đã được người dân truyền tụng khắp mọi nơi. Năm Ngu Thuấn 30 tuổi
đang là lúc vua Nghiêu đi khắp thiên hạ tìm người tài đức để cho kế vị. Quần thần
ở khắp nơi đều đề đạt Thuấn với vua Nghiêu. Vua Nghiêu liền đến nhà của Thuấn,
đồng thời ông còn dẫn hai người con gái của mình theo để gả làm vợ Thuấn, cũng
là muốn thăm dò phẩm đức, cách xử thế và tài cán của Thuấn.
Sau khi kết hôn, ông sinh
sống tại Quy Nhuế (dưới chân núi Thủ Dương, huyện Vĩnh Tế, Sơn Tây). Mỗi hành
vi của ông đều khoan dung độ lượng, nhân hậu. Vì vậy, hai người con gái của vua
Nghiêu không cậy mình là công chúa mà xem thường ông cùng người nhà của ông.
Ngược lại, họ đều một lòng một dạ làm tròn đạo làm vợ.
Thuấn đối xử với tất cả mọi
người đều khiêm tốn, hòa nhã, làm việc chuyên cần. Ông đi đến bất cứ nơi nào đều
được dân chúng hoan nghênh, ủng hộ. Thời còn cày ruộng ở Lịch Sơn, Ngu Thuấn
thường nhường cho người khác những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ vì ông coi trọng sự
nhường nhịn và nhân nghĩa. Cảm động trước tấm lòng của ông, trong vòng sáu
tháng, những người nông dân ở đó đã nhận những mảnh đất cằn cỗi và cũng nhường
cho người khác những mảnh đất màu mỡ.
Lúc bắt cá ở Lôi Trạch,
Ngu Thuấn thường nhường cho người khác những nơi có nhiều cá vì thế mà người
dân cũng theo đó nhường cho nhau, không tranh giành. Người dân Lôi Trạch ai ai
cũng nguyện ý muốn nhường nhà cho ông ở.
Lúc làm gốm ở Hà Tân, ông
không chỉ chú trọng chế tạo đồ gốm có chất lượng tốt mà còn thường giảng đạo lý
cho mọi người để giải quyết những vụ việc tranh giành. Những người dân ở đây đều
nguyện ý cùng ông hợp tác. Bởi vì chất lượng gốm tốt, không thô, không có khuyết
điểm mà lại tinh tế nên mọi người đều muốn làm việc với ông. Phàm là ông đến ở
nơi nào thì đều có ảnh hưởng tốt đến người dân ở nơi đó.
Người dân thấy Ngu Thuấn
sinh sống ở đâu đều muốn đến ở cùng ông, đến mức ban đầu nơi ông ở chỉ có một
vài hộ dân, sau một năm là thành một làng, hai năm là thành một thị trấn, ba
năm thì liền trở thành một thành phố.
Biết được những điều này,
vua Nghiêu đã ban cho Ngu Thuấn một bộ quần áo bằng sợi gai, một cổ cầm, xây dựng
cho Thuấn một nhà kho, cấp cho bò và dê. Mặc dù vậy nhưng cha đẻ và mẹ kế của
ông vẫn muốn sát hại ông.
Một lần cha đẻ và mẹ kế
đã sai ông sửa chữa kho thóc, khi Thuấn dùng thang trèo lên nóc, người cha đã đốt
lửa ở dưới, muốn thiêu chết Thuấn. Thuấn ở trên mái, thấy lửa cháy, tìm thang để
xuống, nhưng không thấy thang đâu. Rất may Thuấn có mang theo hai cái nón để
che nắng, ông hai tay cầm hai cái nón, giống như chim hạ cánh xuống. Cái nón được
gió đỡ nhẹ nhàng, Thuấn từ từ rơi xuống đất, không bị xây xát gì.
Người cha và Tượng vẫn
không cam chịu. Họ lại bảo Thuấn đi đào giếng. Khi Thuấn ở dưới đáy giếng, người
cha và Tượng ở trên ném đất đá xuống, định lấp đầy giếng để chôn luôn Thuấn ở
dưới. Không ngờ, Thuấn ở dưới giếng đã nhanh trí đào một cái hầm chui vào, lại
an toàn trở về nhà. Nhờ vậy mà Thuấn lại thoát được kiếp nạn này.
Vua Nghiêu nhận thấy Thuấn
cho dù là ở nhà hay xử thế bên ngoài đều xác thực là một vị hiền tài nên vô cùng
xem trọng ông. Vì vậy, năm Thuấn 50 tuổi, vua Nghiêu đã cho phép Thuấn thay
mình xử lý các việc quốc gia đại sự.
Quả nhiên sau khi Thuấn
thay vua Nghiêu hành sự, thiên hạ thái bình, dân chúng bốn phương đều ủng hộ
ông. Đến năm ông 61 tuổi thì được vua Nghiêu truyền lại ngôi. Sau khi lên ngôi,
ông trở về quê hương thăm cha mẹ, họ hàng. Ông vẫn một lòng cung kính, hiếu thuận
như xưa. Cha đẻ và mẹ kế cùng với mọi người trong nhà đều bị ông cảm hóa.
Vua Thuấn là thủy tổ của
văn hóa đạo đức Trung Hoa. Ông giáo hóa cho mọi người cái đạo nhân luân: Phụ tử
hữu thân (cha con có tình nghĩa), quân thần hữu nghĩa (vua, tôi có nghĩa, vua
hiền tôi trung), phu phụ hữu biệt (vợ chồng có phân biệt, chồng có nghĩa, vợ
vâng phục), trưởng ấu hữu tự (lớn nhỏ có thứ tự), bằng hữu hữu tín (bạn bè có
thành tín). (Trích: Mạnh Tử. Dắng văn công thượng).
Kết luận
Đối với người làm cha phải
là người hiễu rõ lễ nghĩa, là tấm gương tốt cho con thì con sẽ tự nhiên hiểu rõ
hiếu kính. Nếu cha có chút sai sót phải khiêm tốn nghe lời giãi bày của con.
Làm con phải tận hiếu, nghe lời dạy của người lớn, nếu có sai lầm phải biết tiếp
nhận lời khuyên của bề trên mà cải sửa. Có như vậy thì mới là tròn đạo cha –
con.
An Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét