VÔ ĐIỀU KIỆN
( Chúa Nhật II Mùa Chay, năm B)
Trong đời sống hàng ngày,
vâng lời là điều không dễ thực hiện, nói thẳng ra là rất khó. Tại sao vậy? Bởi
vì “cái tôi” luôn to lớn khiến người ta tự ái, cảm thấy vâng lời người khác là
yếu thế, bị lép vế.
Khó vâng lời không có
nghĩa là không thể vâng lời, khó mà làm được mới đáng khen, thế nên vâng lời là
một nhân đức quan trọng, nhất là đối với các Kitô hữu. Đức vâng lời liên quan đức
khiêm nhu. Chính Chúa Giêsu đã nêu gương: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén
này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26:42).
Dẹp được “cái tôi” là vượt
qua chính mình để sẵn sàng vâng lời – vô điều kiện chứ không có điều kiện, thì
dễ nên thánh. Ngày xưa, ông Samuel đã đặt vấn đề với vua Sa-un: “Đức Chúa có ưa
thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không?
Này, vâng phục thì tốt hơn là dâng hy lễ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu”
(1 Sm 15:22; x. Tv 50:8-9). Đức vâng lời rất quan trọng! Thật vậy, vâng lời là
một trong ba (hoặc bốn, hoặc năm, tùy dòng) lời khấn của các tu sĩ: Vâng lời,
khó nghèo, khiết tịnh (thanh tuân, thanh bần, thanh tịnh). Trong đời sống gia
đình và xã hội, con cái phải biết vâng lời cha mẹ, người nhỏ phải biết vâng lời
người lớn, nhân viên phải biết vâng lời giám đốc, … Nếu không vâng lời thì mọi
thứ mất trật tự.
Tam nhân đồng hành tất hữu
ngã sư yên – chỉ ba người thôi cũng có người có thể làm thầy, tức là người đó
có thể hướng dẫn người khác, và chắc hẳn hai người kia phải nghe theo lời hay lẽ
phải của họ. Tất nhiên vâng lời phải theo nghĩa tích cực, không thể vâng lời
khi người trên dạy làm sai do độc đoán, áp chế.
ĐỪNG ĐẮN ĐO!
Đức vâng lời của tổ phụ
Ápraham thật là tuyệt vời, không so đo, không nghi ngờ, không thắc mắc. Trình
thuật St 22:1-2, 9-13, 15-18 cho biết về đức tin tuyệt đối của ông.
Sau một thời gian, hết
chuyện nọ tới chuyện kia, Thiên Chúa tiếp tục thử lòng ông Ápraham. Nghe Đức
Chúa gọi đúng tên và ông liền thưa: “Dạ, con đây!”. Ngài truyền lệnh: “Hãy đem
con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Ixaác, hãy đi đến xứ Môrigia mà
dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho”.
Ông Ápraham chỉ có một đứa
con cầu con khẩn, một con trai rất yêu dấu, mà theo tục lệ Do Thái, “anh Hai” rất
quan trọng vì là con thừa tự và có quyền trưởng nam, thế mà Thiên Chúa lại bảo
dâng chính đứa con đó làm lễ toàn thiêu. Căng quá! Thế nhưng ông Ápraham vẫn
không hề đắn đo, không hề thắc mắc, không hề nghi ngờ, không hề tiếc nuối, mà
ông lại sẵn sàng tuân phục lệnh truyền của Thiên Chúa một cách mau mắn, dứt
khoát, không chút ngần ngại hoặc chần chừ.
Quyết định và làm ngay.
Ông chuẩn bị mọi thứ và dẫn con trai theo. Khi tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông
Ápraham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói Ixaác con ông lại, và đặt lên đống
củi trên bàn thờ. Rồi ông Ápraham lấy dao để sát tế con mình. Gay cấn quá!
Nhưng sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi đích danh ông, và ông cũng lại liền
thưa: “Dạ, con đây!”. Ông nghe tiếng Người nói: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng
làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của
ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!”. Ôi, một niềm tin trong ngần
như pha lê và hoàn toàn tuyệt đối. Nhờ niềm tin như vậy mà ông được kể là người
công chính.
Thật là trên cả tuyệt vời!
Ông Ápraham ngước mắt lên nhìn, ông thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong
bụi cây. Ông Ápraham liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho
con mình. Sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông Ápraham một lần nữa và nói: “Đây
là sấm ngôn của Đức Chúa, Ta lấy chính danh Ta mà thề: Bởi vì ngươi đã làm điều
đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc
cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời,
như cát ngoài bãi biển. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc
như dòng dõi ngươi, chính vì ngươi đã vâng lời Ta”. Thiên Chúa hứa bất cứ điều
gì thì đều ứng nghiệm và nên trọn.
Cũng dễ hiểu rằng người
ta càng tin tưởng thì càng dễ dàng dứt khoát và mau mắn vâng lời. Thánh vịnh
gia đã bộc bạch: “Tôi đã tin cả khi mình đã nói: Ôi nhục nhã ê chề!” (Tv
116:10). Bị nhục nhã ê chề mà còn tin được sao? Thật khó quá! Đúng vậy, thường
thì chúng ta chỉ tạ ơn Chúa khi mình được ơn này, ơn nọ, vì thấy “hợp ý mình”,
còn nếu “trái ý mình” thì chắc hẳn chúng ta không muốn tạ ơn Chúa, cho vậy là
“phi lý”, thậm chí có người còn có thể trách Chúa.
Tuy nhiên, nếu suy cho thấu
đáo, chúng ta sẽ khả dĩ chân nhận tất cả đều là Hồng ân Thiên Chúa, bởi vì như
Thánh Vịnh gia xác định: “Thân này là tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, xiềng
xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi” (Tv 116:16). Do đó, chúng ta càng phải biết
“dâng lễ tạ ơn, và kêu cầu thánh danh Đức Chúa” (Tv 116:17). Vâng lời và tạ ơn
Chúa không chỉ là bổn phận mà còn là niềm hãnh diện và hạnh phúc của mỗi chúng
ta – những “hạt bụi” nhỏ bé nhưng vẫn đáng giá vì được Thiên Chúa tạo nên.
Quả thật, hạt bụi phàm
nhân trở nên hạt ngọc của Thiên Chúa. Lạ lùng lắm! Trong trình thuật Rm
8:31-34, Thánh Phaolô đặt ra một loạt câu hỏi: “Vậy còn phải nói gì thêm nữa?
Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính
Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một
khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng
ta? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm
cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn
nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?”.
Và chính những câu hỏi đó
cũng chính là những câu trả lời rạch ròi và chính xác về thân phận của chúng
ta. Đúng là không phải nói gì thêm nữa! Vô tri bất mộ – không biết chẳng yêu,
nhưng một khi biết rồi thì không thể không yêu mến, không cậy tin, và không ngần
ngại xác định: “Giờ đây con biết đợi trông gì, lạy Chúa, hy vọng của con đặt ở
nơi Ngài” (Tv 39:8).
CON CỦA CHÚA
Trình thuật Mc 9:2-10
(tương đương Mt 17:1-8; Lc 9:28-36) kể lại cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên
núi Tabor. Hôm đó, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo tới một
ngọn núi cao. Bỗng nhiên Ngài biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Ngài
mặc trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được
như vậy. Các ông còn thấy có ông Êlia và ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức
Giêsu. Các ông được thấy “hiện tượng lạ” không chỉ là người “may mắn” mà còn là
người có trọng trách nặng nề hơn, đó là sự công bằng. Thật vậy, bất cứ tặng phẩm
nào cũng gắn liền với trách nhiệm nào đó, như tục ngữ Việt Nam nói: “Cây càng
cao, gió càng lay”. Biết vậy để khiêm nhường chứ không để ỷ lại mà kiêu sa.
Được tận mắt chứng kiến sự
lạ lùng đó, ông Phêrô rất phấn khởi, đến nỗi ông phải thưa ngay với Sư Phụ
Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều,
một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia”. Chắc chắn không ai có thể
trì hoãn sự sung sướng, nhất lạ khi hưng phấn cao độ. Vừa kinh hoàng vừa hạnh
phúc tột đỉnh bởi vì được “nếm thử” vinh quang Thiên Đàng, ông Phêrô không còn
nhớ đến hai anh bạn bên cạnh và quên luôn cả chính mình, chỉ muốn dựng lều cho
Chúa Giêsu, cho ông Môsê và ông Êlia mà thôi.
Sự lạ nối tiếp, sự ngạc
nhiên cũng nối tiếp. Bất chợt có đám mây bao phủ các ông, và có tiếng nói vọng
ra: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người”. Chính Thiên Chúa truyền dạy
chúng ta phải vâng lời Đức Kitô – Đấng vừa là “Con Cưng” của Chúa Cha vừa là
Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng vẫn thực hiện đức vâng lời tuyệt đối. Điều đó chứng
tỏ Thiên Chúa rất quý trọng đức vâng lời, và chính Ngài cũng “đã phải trải qua
nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5:8). Không hề đơn giản,
và cũng không thể cứ tà tà hoặc cứ khơi khơi mà “thuộc lòng” bài học vâng phục
để có thể thành nhân!
Niềm vui sướng trào dâng,
niềm hạnh phúc đang lâng lâng khó tả, tuyệt vời biết bao! Nhưng bất chợt các
ông nhìn quanh thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi. Hẳn
là các ông còn dư âm niềm hạnh phúc ấy và chắc là tiếc những giây phút kia lắm.
Ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những
điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó
nên giữ bí mật riêng, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại”
nghĩa là gì. Con người thật yếu đuối, vừa thấy nhãn tiền vinh quang Nước Trời
mà vẫn chưa đủ lòng tin!
Hạnh phúc không thể dừng
lại ở đó – trên đỉnh Tabor, mà hạnh phúc còn phải trải qua nhiều đau khổ cho tới
đỉnh Can-vê – nơi tang thương và chết chóc: chết cho chính mình, chết cho tha
nhân và chết vì Chúa. Tình yêu nào không tiết ra chất hy sinh thì không là tình
yêu đích thực, và cũng không thể có hạnh phúc thật. Chắc chắn như vậy!
Trình thuật Lv 19:11-18
nói về luật luân lý, cũng có thể coi như Luật Chay, bởi vì giữ chay là sống
đúng các nguyên tắc về luân lý. Luật đó được ấn định qua 13 mệnh lệnh phủ định
với chữ KHÔNG và 2 mệnh lệnh xác định với chữ PHẢI. Kinh Thánh ghi rõ:
“Các ngươi KHÔNG được trộm
cắp, không được nói dối, KHÔNG được lừa gạt đồng bào mình. Các ngươi KHÔNG được
lấy danh Ta mà thề gian: làm thế là các ngươi xúc phạm đến danh Thiên Chúa của
các ngươi. Ta là Đức Chúa. Ngươi KHÔNG được bóc lột người đồng loại, không được
cướp của; tiền công người làm thuê, ngươi KHÔNG được giữ lại qua đêm cho đến
sáng. Ngươi KHÔNG được rủa người điếc, đặt chướng ngại cho người mù vấp chân,
nhưng phải kính sợ Thiên Chúa của ngươi, Ta là Đức Chúa. Các ngươi KHÔNG được làm
điều bất công khi xét xử: KHÔNG được thiên vị người yếu thế, cũng KHÔNG được nể
mặt người quyền quý, nhưng hãy xét xử công minh cho người đồng bào. Ngươi KHÔNG
được vu khống những người trong dòng họ, không được ra toà đòi người đồng loại
phải chết. Ta là Đức Chúa. Ngươi KHÔNG được để lòng ghét người anh em, nhưng PHẢI
mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi
KHÔNG được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi PHẢI
yêu đồng loại như chính mình. Ta là Đức Chúa”.
Thực thi Luật Chay nhưng
phải đúng cách, không thể theo kiểu đại khái hoặc cho qua lần, chiếu lệ. Thiên
Chúa cảnh báo qua ngôn sứ Isaia: “Này, ngày ăn chay, các ngươi vẫn lo kiếm lợi,
vẫn áp bức mọi kẻ làm công cho mình. Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi
vã, để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn. Chính ngày các ngươi muốn ăn chay để tiếng
các ngươi kêu thấu trời cao thẳm thì các ngươi lại ăn chay không đúng cách” (Is
58:3b-4).
Thiên Chúa yêu thương và
tha thứ cho chúng ta vô điều kiện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết
việc họ làm” (Lc 23:34). Như vậy, chúng ta cũng PHẢI ăn chay, đền tội, và tha
thứ cho tha nhân vô điều kiện: “Anh em đã ĐƯỢC CHO KHÔNG thì cũng PHẢI CHO
KHÔNG như vậy” (Mt 10:8). Đó là cách chứng tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa tuyệt vời
khiến Ngài vui lòng chúc lành cho chúng ta – hôm nay và mãi mãi.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp
con biết sống khiêm nhường và vâng lời, đồng thời xin ban cho con thêm đức Tin,
đức Cậy và đức Mến, để con có thể làm đẹp lòng Ngài và làm vui lòng tha nhân.
Con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô, Thánh Tử Yêu Dấu của Cha, Đấng cứu độ
nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
+
PHỤ ĐỀ
Hình
1.
Chiếc áo được coi là Chúa Giêsu đã mặc khi vác Thập Giá lên Can-vê. Áo này được
giữ tại Nhà thờ Thánh Denis d’Argenteuil (Pháp).
Hình
2.
Chén Thánh được coi là Chúa Giêsu dùng trong Bữa Tiệc Ly với các môn đệ. Năm
1982, ĐGH Gioan Phaolô II đã sử dụng Chén Thánh này tại Valencia, Tây Ban Nha.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét