Mùa Chay và Thánh Valentinô
(Thứ
sáu - 09/02/2018)
Thứ Tư Lễ Tro
Năm nay, Thứ Tư Lễ Tro
trùng ngày Valentine và là ngày 29 Tết Mậu Tuất.
ĐGM Giáo phận Quy Nhơn
thông báo: Thứ Tư lễ Tro năm nay nhằm ngày 29 tháng Chạp Âm lịch, nhưng vẫn giữ
chay và kiêng thịt như thường (x.gpquynhon.org).
Đây là dịp tốt để người
Công giáo sống Mùa Chay theo gương Thánh Valentinô.
1.
Thánh Valentinô
Ngày 14 tháng 2, Giáo hội
mừng lễ Thánh Valentinô.
Người ta nghĩ rằng Thánh
Valentine là linh mục ở Rôma và là một y sĩ. Trung thành với đức tin, ngài được
phúc tử đạo vào ngày 14 tháng 2. Chúng ta không biết gì nhiều về ngài, nhưng
ngay vào khoảng năm 350, một nhà thờ đã được xây cất nơi ngài tử đạo.
Truyền thuyết nói rằng
ngài là một linh mục thánh thiện đã cùng với Thánh Marius giúp đỡ các vị tử đạo
trong thời Claudius II. Ngài bị bắt, và bị điệu đến tổng trấn Rôma xét xử. Sau
khi dụ dỗ mọi cách nhưng đều vô hiệu, quan tổng trấn đã ra lệnh cho lính dùng gậy
đánh đập ngài, sau đó đưa đi chém đầu vào ngày 14 tháng 2, khoảng năm 269. Người
ta nói rằng Ðức Giáo Hoàng Julius I đã cho xây một nhà thờ gần Ponte Mole để
kính nhớ ngài.
Trang web: History.com,
có bài viết “St. Valentine beheaded”. Ngày 14 tháng 2 khoảng năm 269 CN,
Valentine, một vị linh mục tại La mã dưới thời Hoàng đế Claudius II, đã bị hành
hình. Dưới thời Claudius bạo chúa cai trị, La mã bị kéo vào nhiều cuộc chiến đẫm
máu và không được lòng dân. Vị hoàng đế này phải duy trì một đội quân hùng mạnh,
nhưng lại gặp khó khăn trong việc tuyển mộ lính tráng cho những liên minh quân
sự của mình. Claudius tin rằng các chàng trai trẻ không muốn nhập ngũ là do
tình cảm gắn bó sâu sắc của họ với vợ và gia đình.
Để giải quyết vấn đề này,
Claudius cấm mọi cuộc hôn nhân và đính ước tại La mã. Valentine, nhận ra sự bất
công của sắc lệnh này, đã chống lại Claudius và tiếp tục cử hành các cuộc hôn lễ
bí mật cho các đôi tình nhân trẻ.
Khi những hành động của
Valentine bị phát hiện, Claudius ra lệnh tử hình ông. Valentine bị bắt giữ và
kéo lê tới trước vị Quan trưởng thành La mã, người kết án tử hình ông bằng cách
ném đá tới chết và chặt đầu. Bản án được thi hành vào ngày 14 tháng 2, khoảng
năm 269.
Truyền thuyết sau này
cũng kể rằng khi ở trong tù, Thánh Valentine đã để lại một lời từ biệt cho con
cái của người cai ngục, người đã trở thành bạn ông, và ký bức thư là “Từ
Valentine của em.”
Vì lòng phụng sự vĩ đại của
mình, Valentine được phong thánh sau khi ngài qua đời.
Trên thực tế, nguồn gốc
và nhân thân chính xác của Thánh Valentine là không rõ ràng. Theo Bách khoa
Thiên Chúa giáo, “Ít nhất có ba vị thánh Valentine khác nhau, cả ba đều tử vì đạo,
được đề cập tới trong các tử đạo sử về ngày 14 tháng 2.” Một người là linh mục ở
La Mã, một người là giám mục ở Interamna (nay là Terni, Ý), và vị thánh
Valentine thứ ba là một người tử vì đạo ở Phi châu thuộc La mã.
Truyền thuyết cũng ghi nhận
khác nhau về cách mà tên của vị thánh này trở nên liên quan đến sự lãng mạn.
Ngày ông qua đời có thể đã trùng với lễ Lupercalia, một lễ hội tình yêu của những
người ngoại giáo. Vào những dịp này, tên của các cô gái trẻ được đặt trong một
cái hộp, và các chàng trai trẻ sẽ lựa chọn chúng một cách ngẫu nhiên. Năm 496
CN, Giáo hoàng Gelasius quyết định chấm dứt lễ Lupercalia, và ông tuyên bố 14
tháng 2 sẽ được kỷ niệm là Ngày thánh Valentine. Dần dần, 14 tháng 2 đã trở
thành một ngày để trao đổi những thông điệp yêu thương, những bài thơ, và những
món quà đơn giản như hoa. (Nguyễn Huy Hoàng, biên dịch).
Nhiều giả thuyết khác
nhau về nguồn gốc việc cử hành ngày Valentine. Một số cho rằng người Rôma có một
tập tục vào giữa tháng 2, trong ngày ấy các con trai tô điểm tên các cô con gái
để tỏ lòng tôn kính nữ thần dâm dục là Februata Juno. Các tu sĩ thời ấy muốn dẹp
bỏ tập tục này nên đã thay thế bằng tên các thánh tỉ như Thánh Valentine. Một số
khác cho rằng thói quen gửi thiệp Valentine vào ngày 14 tháng 2, là vì người
tin rằng các con chim bắt đầu sống thành cặp vào ngày này, là ngày Thánh
Valentine bị chém đầu. Dường như chắc chắn hơn cả là vào năm 1477, người Anh
thường liên kết các đôi uyên ương với ngày lễ Thánh Valentine, vì vào ngày này
"mọi chim đực đi tìm chim mái.". Tục lệ này trở thành thói quen cho
các đôi trai gái viết thư tình cho nhau vào ngày Valentine. Ngày nay, các cánh
thiệp, quà cáp và thư từ trao cho nhau là một phần của việc cử hành ngày
Valentine.
Ngày 14 tháng 2 hàng năm
đã trở thành ngày truyền thống để trao đổi thư tình và Thánh Valentinô đã trở
thành quan thầy của những cặp uyên ương. (Macmillan Profiles: Festivals and
Holidays, 1999, p. 363).
2. Mùa Chay là mùa tình thương
Hành trình thiêng liêng của
Mùa Chay bắt đầu từ tình thương: cầu nguyện, chay tịnh để sống đức ái chia sẻ.
Mùa Chay với hành trình bốn
mươi ngày là “thì mạnh” của Năm Phụng Vụ, là “thời Thiên Chúa thi ân và là ngày
Thiên Chúa cứu độ” (2Cr 6,2). Bước vào Mùa Chay, Giáo Hội nhấn mạnh đến những
cách thế hy sinh hãm mình để qui hướng về Thiên Chúa, tôn vinh Người, đồng thời
cũng qui hướng về tha nhân, để lưu tâm giúp đỡ, sống tình bác ái huynh đệ.
Mùa Chay là thời điểm mà
Chúa Giêsu Kitô tuôn đổ muôn vàn ân sủng cho Giáo Hội qua mầu nhiệm Thánh Giá.
Mùa Chay thúc đẩy mỗi tín hữu sống tinh thần hy sinh, sám hối và hòa giải cách
chân thành và triệt để hơn, theo đúng tinh thần Tin Mừng.
Ngay đầu Mùa Chay, Phụng
vụ đã nhắc nhở ta cần phải trầm tư để chiêm niệm về thân phận: "Hỡi người,
hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về tro bụi". Ý nghĩa của Lời Chúa quá rõ
ràng: mọi người sẽ phải chết. Vậy anh lao tâm khổ trí, vất vả ngược xuôi, ganh
đua tranh dành để tìm kiếm của cải, danh vọng, thú vui..., anh nỗ lực học hỏi,
tìm tòi, phát minh, xây dựng... nhưng khi cái chết đến, anh mang theo được thứ
gì, tất cả có nghĩa gì cho anh? Cuối cùng thì cái gì là đáng quan tâm nhất
trong đời? Ðâu là bậc thang giá trị đời anh?
Xin đừng sống dửng dưng,
thờ ơ, khép kín trước người nghèo, mà luôn chạnh lòng xót thương như Chúa Giêsu
đã thương những người cùng khốn.
Hãy sống quảng đại cho
đi, vui vẻ chia sớt, không chỉ của cải vật chất mà có khi chỉ là một nụ cười
thân thiện, một cái bắt tay khích lệ, một lời nói an ủi đở nâng, một lần viếng
thăm, một cuộc gặp gỡ kiến tạo sự hiệp nhất bình an. Khi chia nụ cười, ta sẽ nhận
về vô số niềm vui. Khi chia vòng tay, ta sẽ nhận về mênh mông ấm áp. Khi chia
quan tâm, ta sẽ nhận về bao la yêu thương. Khi chia yêu thương, ta sẽ nhận về rất
nhiều hạnh phúc.
Mùa
Chay và Tình Yêu
Ba việc đạo đức được nhắc
nhở rất nhiều trong mùa chay là: bác ái, ăn chay và cầu nguyện. Đây là ba vũ
khí tuyệt hảo để chống lại sự tấn công của ma quỷ và đền bù tội lỗi mình. Những
việc lành phúc đức này, khi được thi hành thì hãy làm với tất cả tấm lòng của
mình; không làm để khoe khoang. Chỉ cần Thiên Chúa thấu hiểu và biết cho chúng
ta là đã đủ rồi. Đừng làm để được người đời khen và vì thế mà chúng ta mất đi lời
khen tặng của Thiên Chúa. (x.Mt 6,1-6).
Ăn chay và kiêng thịt, chịu
tro chỉ là hình thức bên ngoài mà thôi. Canh tân nội tâm vẫn là trọng tâm của
Mùa Chay. Kiêng bớt các tội là điều mà Thiên Chúa mong muốn. Sửa đổi tính nết để
trở thành người tốt hơn, đạo đức hơn, thánh thiện hơn. Bớt nói hành, giảm nói xấu,
siêng năng việc đạo đức.
Trong sứ điệp Mùa Chay
năm nay, Đức Thánh cha Phanxicô viết: “Tôi mời gọi các phần tử của Giáo Hội hãy
nhiệt thành tiến bước trên con đường Mùa Chay, được nâng đỡ nhờ các hoạt động
làm phúc bố thí, chay tịnh và kinh nguyện. Nếu đôi khi lòng bác ái dường như bị
tắt lịm trong bao nhiêu tâm hồn, thì nó vẫn không bị lịm đi trong con tim của
Thiên Chúa! Ngài luôn ban cho chúng ta những cơ hội mới để chúng ta có thể tái
bắt đầu yêu thương”.
Tình yêu là một đề tài vừa
phong phú, vừa hấp dẫn của văn chương, nghệ thuật, phim ảnh… và luôn mang tính
thời sự. Thử hỏi thế nào là yêu thương thì quả thật không dễ trả lời cách rõ
ràng và có tính thuyết phục. Ngay cả những việc to lớn như “đem hết gia tài cơ
nghiệp mà bố thí hay nộp cả thân xác để chịu thiêu đốt” thì cũng chưa hẳn là đã
yêu thương (x.1Cor 13,3).
Tình yêu là huyền nhiệm
vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8). “Tình yêu cốt ở điều này: Không phải
chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và
sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,10). Như thế, có
thể nói yêu thương là thực hiện điều tốt đẹp nhất cho người mình yêu.
Yêu thương thể hiện bằng
hành vi cụ thể, thực tế. Đã yêu là yêu đến cùng. Hoa trái của tình yêu là kết
quả của nhiều nỗ lực hy sinh, quên mình. Yêu thương cách đích thực thì sẵn sàng
hiến dâng cả mạng sống (x.Ga 15,13).
Ngôi Lời nhập thể là cách
Thiên Chúa diễn tả tình yêu của Người đối với nhân loại. Tình yêu Thiên Chúa đã
bước xuống, chấp nhận nhập thể để làm người. “Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh
quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”
(Pl 2,7).Tình yêu được diễn tả như vậy nói lên sự từ bỏ mình vì yêu thương. Sự
từ bỏ mình như thế là chọn lựa rất tự do của Thiên Chúa toàn năng, vô cùng khôn
ngoan, vô cùng sáng suốt, vô cùng thông hiểu. Chính vì thế, mà chọn lựa ấy là
vô cùng cao quý.
Mùa
Chay giúp ta sống hy sinh từ bỏ, thực hành yêu thương.
Tình yêu đích thực là
tình yêu dâng hiến, tình yêu hy sinh quên mình, tình yêu sẵn sàng chết cho kẻ
mình yêu. Tình yêu chân chính đòi hỏi phải chết đi mỗi ngày cho tính ích kỷ và
sự hẹp hòi nơi bản thân. Hôm qua cầm trái cây, thấy đẹp cắt ra, bị sâu bên
trong. Hư cả trái phải vất bỏ. Ích kỷ, chỉ nghĩ tới mình, chỉ lo cho mình: đó
là con sâu nằm trong quả ngọt tình yêu, đục khoét tình yêu. Sứ điệp Mùa Chay
năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, tôi
đã tìm cách mô tả những dấu hiệu rõ nhất về những dấu hiện thiếu vắng tình yêu
này: ích kỷ và tinh thần lười biếng, bi quan vô ích, cám dỗ chỉ quan tâm đến
mình, chiến tranh liên lỉ giữa chúng ta và tinh thần thế gian khiến chúng ta chỉ
quan tâm đến vẻ bề ngoài, và do đó giảm đi lòng nhiệt thành truyền giáo của
chúng ta” (Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, 76-109).
“Trên hết, tôi thôi thúc các thành phần của
Giáo Hội hãy đón lấy hành trình Mùa Chay với lòng nhiệt tình hăng hái, duy trì
việc bố thí, ăn chay và cầu nguyện. Nếu lúc nào đó ngọn lửa bác ái dường như lụi
tàn trong tâm hồn ta, hãy biết rằng điều ấy không bao giờ xảy ra trong thánh
tâm Thiên Chúa! Ngài liên lỉ trao cho chúng ta cơ hội để bắt đầu làm mới lại
tình yêu” (Sứ điệp Mùa Chay 2018).
Thánh Phaolô nói đến những
đặc tính của tình yêu là: nhẫn nhục, hiền hậu, khiêm nhường, không ghen tương,
không nóng giận, không tìm tư lợi, luôn tin tưởng nhau, chịu đựng nhau và tha
thứ cho nhau (x.l Cr 12,31-13,8).
Mùa Chay thêm đức tin cho
những ai sống yêu thương. Đặc biệt các đôi bạn trẻ bước vào đời sống hôn
nhân.Tình yêu phải có niềm tin. Tin nhau để trao tay cho nhau, thề hứa chung thủy
trọn đời trước mặt Thiên Chúa. Gởi ai một đồ quý giá là đã tin tưởng người ấy.
Tin yêu là đôi mắt cho đôi bạn nhìn thấu lòng nhau. Tin yêu là đôi chân giúp
đôi bạn vượt qua mọi khó khăn. Tin và yêu là đôi cánh giúp đôi bạn nắm tay nhau
bay vào bầu trời hạnh phúc. Yêu thì phải tin. Tin sẽ càng yêu. Không tin sẽ khó
mà yêu. Không yêu thì không thể tin được.
Tin Chúa đôi sẽ biết tin
nhau vì Chúa là Sự Thật, là sự Trung Tín. Tin Chúa đôi bạn sẽ tránh xa những giả
tạo và ích kỷ. Yêu Chúa đôi bạn sẽ biết yêu nhau, vì Chúa là Tình Yêu, một tình
yêu lớn lao đến nỗi đã hy sinh mạng sống cho người mình yêu. Yêu Chúa đôi bạn sẽ
biết hy sinh quên mình quảng đại trong một tình yêu chân thực.
Mùa Chay là mùa xuân tâm
hồn cho những ai sống vững vàng trong đức tin và dạt dào lòng yêu mến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét