Sứ điệp Mùa Chay 2018
của Đức Thánh Cha Phanxicô
(J.B.
Đặng Minh An dịch-06/Feb/2018)
Lúc 11h sáng thứ Ba 6
tháng 2, Đức Hồng Y Peter Turkson, Tổng trưởng Bộ Phát triển nhân bản toàn diện,
đã công bố sứ điệp Mùa Chay 2018 của Đức Thánh Cha Phanxicô. Sứ điệp được Đức
Thánh Cha ký vào ngày lễ Các Thánh Nam Nữ 1 tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, đến
ngày 6 tháng 2 năm nay mới được chính thức công bố.
Sứ điệp Mùa Chay năm nay
có chủ đề là một câu trích từ Tin Mừng theo thánh Mathêu: “Vì sự ác lan tràn, nên lòng mến của nhiều
người sẽ ra nguội lạnh” (Mt 24,12).
Chúa Giêsu nói điều này
khi trả lời các câu hỏi của các môn đệ. Ngài cảnh báo rằng đứng trước những thử
thách đau thương, các tiên tri giả sẽ dẫn dắt nhiều người lầm đường lạc lối; và
lòng mến, là cốt lõi của Tin Mừng, sẽ trở nên giá băng trong tâm hồn của nhiều
người.
Dưới đây là bản dịch Việt
Ngữ toàn văn Sứ điệp Mùa Chay 2018 của Đức Thánh Cha Phanxicô
“Vì sự ác lan tràn, nên
lòng mến của nhiều người sẽ ra nguội lạnh.” (Mt 24:12)
Anh chị em thân mến,
Một lần nữa, lễ Vượt Qua
của Chúa đang đến gần! Trong hành trình chuẩn bị cho Lễ Phục Sinh, Thiên Chúa,
với sự quan phòng của Ngài, ban cho chúng ta mỗi năm một mùa Mùa Chay như một
“dấu chỉ bí tích sự hoán cải của chúng ta”. [1] Mùa Chay thôi thúc chúng ta, và
cho chúng ta cơ hội trở về với Chúa hết lòng và trong mọi khía cạnh của cuộc đời
chúng ta.
Với sứ điệp này, năm nay
tôi muốn một lần nữa giúp toàn thể Giáo Hội trải nghiệm thời gian ân sủng này một
cách mới mẻ, với niềm vui và trong chân lý. Tôi sẽ lấy ý từ những lời của Chúa
Giêsu trong Phúc Âm Matthêu: “Vì sự ác lan tràn, nên lòng mến của nhiều người sẽ
ra nguội lạnh” Mt (24:12).
Những lời này xuất hiện
trong lời giảng của Đức Kitô về ngày thế mạt. Ngài đã nói những lời này tại
Giêrusalem, trên Núi Ô-liu, nơi cuộc thương khó của Chúa sẽ bắt đầu. Đáp lại
câu hỏi của các môn đệ, Chúa Giêsu đã tiên báo một đại nạn và mô tả về một tình
huống trong đó cộng đồng các tín hữu có thể thấy rõ: đó là đứng trước những thử
thách đau thương, các tiên tri giả sẽ dẫn dắt nhiều người lầm đường lạc lối; và
lòng mến, là cốt lõi của Tin Mừng, trở nên giá băng trong tâm hồn của nhiều người.
Các
tiên tri giả
Chúng ta hãy lắng nghe đoạn
Phúc Âm này và cố gắng hiểu chiêu thức mà các tiên tri giả này có thể tung ra.
Họ có thể xuất hiện như
“những kẻ thổi kèn dụ rắn”, những người thao túng cảm xúc con người để bắt những
người khác làm nô lệ và dẫn dắt người ta đến những nơi mình muốn. Có bao nhiêu
con cái của Thiên Chúa bị mê hoặc bởi những thú vui tạm thời, nhầm tưởng những
thứ ấy là hạnh phúc thật sự! Có bao nhiêu cuộc đời của những người nam nữ bị hớp
hồn bởi ước mơ giàu có, mà chung cuộc chỉ là làm nô lệ cho những lợi nhuận và
những ham muốn nhỏ nhen! Có bao nhiêu người trong cuộc đời tin rằng mình có đủ
mọi thứ, nhưng cuối cùng chỉ chìm đắm trong cô đơn!
Các tiên tri giả cũng có
thể là “những lang băm”, những người đưa ra các giải pháp dễ dàng và tức khắc
cho những đau khổ, nhưng những thứ giải pháp ấy chỉ sớm cho thấy chúng cực kỳ
vô ích. Có bao nhiêu người trẻ bị mê hoặc bởi những thứ thuốc chữa bách bệnh, bởi
các mối quan hệ qua đường, và những lợi ích dễ dàng nhưng không trung thực! Có
bao nhiêu người chìm đắm trong một cuộc sống hoàn toàn là “ảo”, với những mối
quan hệ xem ra chóng vánh và đơn giản, nhưng chung cuộc chỉ là vô nghĩa! Những
kẻ lừa đảo này, khi bán rong những thứ không có giá trị thực sự, đang cướp đi tất
cả những gì quý giá nhất như phẩm giá, tự do và khả năng yêu thương. Họ thu hút
thói phù hoa của chúng ta, lòng tin tưởng của chúng ta vào vẻ bề ngoài, nhưng
cuối cùng họ chỉ lừa đảo chúng ta. Chúng ta cũng không nên ngạc nhiên. Để làm
ngỡ ngàng tâm hồn con người, ma quỷ là “đứa quỷ quyệt và là cha của những lời dối
trá” (Ga 8:44), đã luôn luôn ngụy trang điều ác như là sự thiện, và điều giả dối
như là chân lý. Đó là lý do tại sao mỗi người trong chúng ta đều được kêu gọi để
nhìn vào con tim của mình để xem liệu chúng ta có phải đang là con mồi của những
lời giả trá của các nhà tiên tri giả này hay không. Chúng ta phải học cách nhìn
cho kỹ, bên dưới bề mặt, và học cách nhận ra những gì để lại một dấu vết tốt đẹp
và lâu dài trong trái tim chúng ta, bởi vì nó đến từ Thiên Chúa và thực sự vì lợi
ích của chúng ta.
Một trái tim lạnh lùng
Trong mô tả về địa ngục của
mình, Dante Alighieri hình dung ma quỷ ngồi trên một chiếc ngai làm bằng băng
đá, [2] trong sự cô lập lạnh lùng và không có tình yêu. Chúng ta cũng có thể tự
hỏi chính mình lòng mến có thể băng giá trong tâm hồn chúng ta như thế nào. Những
dấu hiệu nào cho thấy rằng lòng mến của chúng ta đang bắt đầu nguội lạnh?
Hơn bất cứ điều nào khác,
lòng tham lam tiền của, là “cội rễ của mọi điều ác” (1 Tim 6:10), giết chết
lòng mến trong ta. Sự chối bỏ Thiên Chúa và sự bình an của Người là nguyên nhân
thứ hai; chúng ta thích sự cô đơn của chúng ta hơn là niềm ủi an được tìm thấy
trong lời Ngài và các bí tích. [3] Tất cả những điều này dẫn đến bạo lực chống
lại bất cứ ai chúng ta nghĩ là mối đe dọa cho “sự chắc chắn” của chúng ta chẳng
hạn như các thai nhi chưa chào đời, những người cao niên và những người đau ốm,
những người di cư, những ngoại kiều sống giữa chúng ta, và cả những người hàng
xóm của chúng ta nhưng không sống theo những mong đợi của chúng ta.
Chính thiên nhiên cũng trở
thành một chứng tá im lặng cho sự băng giá lòng mến này. Trái đất bị đầu độc bởi
rác rưởi người ta loại ra vì xem thường hoặc vì tư lợi cá nhân. Các vùng biển,
chính chúng cũng bị ô nhiễm, vùi chôn thi hài của cơ man các nạn nhân bị đắm
tàu do nạn di cư cưỡng bách. Thiên đàng trần thế, theo kế hoạch của Thiên Chúa,
được tạo ra để hát vang những lời tán tụng Ngài, lại bị gầm rú bởi các động cơ
đang đổ xuống như mưa các khí cụ của sự chết.
Lòng mến cũng có thể trở
nên băng giá trong cộng đồng của chúng ta. Trong Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm,
tôi đã tìm cách mô tả những dấu chỉ hiển nhiên nhất về tình trạng thiếu lòng mến
này: đó là thói ích kỷ và sự lười biếng tinh thần, chủ nghĩa bi quan vô sinh,
cám dỗ tự quy chiếu, chiến tranh không dứt giữa chúng ta và cái não trạng trần
tục khiến chúng ta chỉ quan tâm đến vẻ bề ngoài, và do đó giảm bớt nhiệt tình
truyền giáo của chúng ta. [4]
Chúng ta phải làm gì?
Có lẽ chúng ta nhìn thấy,
thẳm sâu trong chính chúng ta và toàn bộ chúng ta, những dấu chỉ tôi vừa mô tả.
Nhưng Giáo Hội, là Mẹ và là Thầy của chúng ta, cùng với phương dược thường khi
rất là cay đắng của sự thật, đem đến cho chúng ta trong Mùa Chay này những
phương thuốc chữa lành trong lời cầu nguyện, bố thí và chay tịnh.
Bằng cách dành nhiều thời
gian hơn để cầu nguyện, chúng ta có thể nhổ tận gốc khỏi con tim mình những lời
dối trá bí ẩn và những hình thức tự lừa dối, [5] và rồi tìm thấy niềm an ủi mà Chúa
mang đến cho chúng ta. Ngài là Cha của chúng ta và Ngài muốn chúng ta sống tốt
đẹp.
Sự bố thí giải thoát
chúng ta khỏi lòng tham và giúp chúng ta xem người hàng xóm là anh chị em với
mình. Những gì tôi sở hữu không bao giờ là của tôi mà thôi. Tôi muốn bố thí trở
thành một phong cách sống chân thực của mỗi người chúng ta biết là ngần nào!
Tôi mơ ước biết bao là chúng ta, trong tư cách là các Kitô hữu, noi theo gương
của các Tông Đồ và coi việc chia sẻ của cải như một chứng tá hữu hình về sự hiệp
thông trong Giáo Hội! Vì lý do này, tôi nhắc lại lời mời gọi của Thánh Phaolô gởi
đến dân thành Côrintô để quyên góp cho cộng đồng Giêrusalem như một điều gì đó
mà họ sẽ được hưởng lợi (xem 2Cor 8:10). Điều này phù hợp hơn trong Mùa Chay,
khi có nhiều nhóm quyên góp để trợ giúp các Giáo Hội và những người có nhu cầu.
Tuy nhiên, tôi cũng hy vọng rằng, ngay cả trong những cuộc gặp gỡ hàng ngày của
chúng ta với những người cầu xin sự trợ giúp của chúng ta, chúng ta sẽ xem những
thỉnh cầu như thế đến từ chính Thiên Chúa. Khi chúng ta bố thí, chúng ta chia sẻ
sự quan tâm chăm sóc của Chúa cho mỗi con cái của Ngài. Nếu thông qua tôi, Chúa
giúp ai đó ngày hôm nay, chẳng lẽ mai kia Ngài lại không ban cho tôi những thứ
tôi cần sao? Vì không ai rộng lượng hơn Thiên Chúa. [6]
Chay tịnh làm yếu đi xu
hướng bạo lực của chúng ta; nó giải giới chúng ta và trở thành một cơ hội quan
trọng cho sự tăng trưởng. Một mặt, chay tịnh cho phép chúng ta trải nghiệm những
gì mà người nghèo khó và đói khát phải chịu đựng. Mặt khác, chay tịnh thể hiện
sự đói khát thiêng liêng của chúng ta và lòng khao khát cuộc sống trong Chúa.
Chay tịnh thức tỉnh chúng ta. Nó làm cho chúng ta chú ý hơn đến Thiên Chúa và
người láng giềng của mình. Chay tịnh làm sống lại trong ta mong muốn vâng lời
Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có thể thỏa mãn cơn đói của chúng ta.
Tôi cũng muốn đưa ra lời
mời gọi của mình vượt ra ngoài giới hạn của Giáo Hội Công Giáo, để đến với tất
cả các bạn, những người nam nữ thiện chí, những người sẵn lòng lắng nghe tiếng
Chúa. Có lẽ, như chúng tôi, bạn cũng đang hoang mang trước sự lây lan của sự ác
trên thế giới, bạn quan tâm đến sự băng giá đang làm tê liệt những con trái tim
và các hành động, và bạn cảm thấy ý thức của chúng ta như là thành viên của
cùng một gia đình nhân loại đang yếu dần đi. Vậy, hãy hiệp cùng với chúng tôi
dâng lời cầu khẩn lên cùng Thiên Chúa, chay tịnh, và trao ban bất cứ điều gì bạn
có thể cho những anh chị em chúng ta đang cần đến!
Lửa Phục Sinh
Trên hết, tôi thúc giục
các thành viên của Giáo Hội hãy thực hiện hành trình Mùa Chay với nhiệt tình,
được duy trì bởi bố thí, chay tịnh và cầu nguyện. Nếu, đôi khi, lửa mến dường
như tắt lịm trong trái tim chúng ta, anh chị em hãy biết rằng điều đó không bao
giờ xảy ra trong thánh tâm Thiên Chúa! Ngài liên tục ban cho chúng ta một cơ hội
để tái yêu thương lại một cách mới mẻ.
Một trong những khoảnh khắc
của ân sủng đó lại một lần nữa xảy đến trong năm nay là sáng kiến “24 Giờ cho
Chúa”, trong đó mời gọi toàn thể cộng đồng Hội Thánh hãy cử hành bí tích Hòa Giải
trong bối cảnh tôn thờ Thánh Thể. Trong năm 2018 này, lấy cảm hứng từ những lời
của Thánh Vịnh 130 câu 4, “Nơi Chúa có ơn tha thứ”, biến cố này sẽ diễn ra từ
Thứ Sáu, 9 Tháng 3 đến Thứ Bẩy, 10 Tháng 3. Trong mỗi giáo phận, ít nhất có một
nhà thờ mở cửa liên tục trong hai mươi bốn tiếng, để tạo cơ hội cho cả việc tôn
thờ Thánh Thể lẫn bí tích Hoà Giải.
Trong Đêm Vọng Phục Sinh,
chúng ta sẽ kỷ niệm một lần nữa nghi thức cảm động rước ánh sáng cây nến Phục
Sinh. Được lấy từ “ngọn lửa mới”, ánh sáng này sẽ dần dần xua tan bóng tối và
chiếu sáng huy hoàng cộng đoàn phụng vụ. “Nguyện xin ánh sáng Chúa Kitô phục
sinh trong vinh quang xua tan bóng tối trong con tim và tâm trí chúng ta”, [7]
và cho phép tất cả chúng ta hồi tưởng lại kinh nghiệm của các môn đệ trên đường
Emmaus. Bằng cách lắng nghe Lời Chúa và kín múc lương thực từ bàn tiệc Thánh Thể,
xin cho lòng chúng ta ngày càng hăng hái trong đức tin, đức cậy và đức mến.
Với lòng ưu ái và lời hứa
cầu nguyện cho tất cả anh chị em, tôi ban phép lành cho anh chị em. Xin đừng
quên cầu nguyện cho tôi.
Từ Vatican, ngày 1 tháng
11 năm 2017
Lễ các thánh nam nữ
+ Đức Thánh Cha Phanxicô
[1] Sách Lễ Rôma, Lời
nguyện đầu lễ Chúa Nhật thứ Nhất Mùa Chay (tiếng Ý).
[2] Tác phẩm Inferno của
Dante Alighieri XXXIV, 28-29.
[3] “Thật đáng ngạc
nhiên, nhưng nhiều lần chúng ta sợ sự an ủi, sợ được ủi an. Hay đúng hơn, chúng
ta cảm thấy an toàn hơn trong nỗi buồn và sự cô đơn của mình. Anh chị em có biết
tại sao không? Bởi vì trong nỗi buồn chúng ta cảm thấy mình gần như là nhân vật
chính. Tuy nhiên, trong sự ủi an, Chúa Thánh Thần là nhân vật chính! “(Huấn từ
trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật, 7 tháng 12 năm 2014).
[4] Tông Huấn Niềm Vui
Phúc Âm, 76-109.
[5] Xc. BENEDICT XVI,
Thông điệp Spe Salvi (Được cứu rỗi trong Hy vọng), 33.
[6] Xc. PIUS XII, Thông
Điệp Fidei Donum (Hồng ân Đức tin), III.
[7] Sách Lễ Rôma (Third
Edition), Lễ Phục Sinh, Lucernarium.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét