Feb 4, 2018 - Chúa nhật 5 thường niên năm B
Các Bạn thân mến,
Chúng ta ai cũng biết
trong qúa trình rao giảng Tin Mừng và tuyển mộ môn đệ, Đức Giesu không có một
văn phòng, một trụ sở, một căn nhà nhỏ nào cho riêng mình! Đúng như Ngài nói:"Con Người không
có chỗ dựa đầu!"
Khi ở Caphacnaum,
Ngài mựơn nhà ông Phero làm nơi nghỉ ngơi. Một lần, khi Đức Giesu vừa từ hội
đường trở về, mệt mỏi vì giảng dạy và chữa bệnh, nhưng khi biết mẹ vợ ông Phero
đang bị đau nặng vì cơn sốt,"Ngài lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dạy;
cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các Ngài."
Rồi suốt buổi chiều hôm đó"người ta đem mọi kẻ
ốm đau và những ai bị qủi ám đến cho Ngài. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giesu
chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều qủi…"
Vì người
Do thái quan niệm bệnh tật là việc của ma quỷ làm. Nên việc Ðức Kitô chữa bệnh
cũng có giá trị và ý nghĩa như việc Ngài trừ quỷ.
Đó là
những gì mà hôm nay Phụng vụ giới thiệu với chúng ta về một Ðức Giesu đến cứu
chữa nhân loại khỏi đau khổ lầm than. Ngài đi đến đâu người ta cũng mang những
người đau khổ, bệnh này, tật kia đến xin Ngài cứu chữa. Đúng như người đời thường
nói: “đời là bể khổ”. Khổ từ lúc mới
sinh ra, lớn lên, già đi…lúc nào cái khổ cũng bám theo, luẩn quẩn bên cạnh. Đến
độ gần như khó ai thắng lướt được nó, có lẽ chỉ có mình ông Gióp có cách rất
thực tế và chân thật trong khi ông bị đau khổ đến tận cùng mà vẫn tin vào Thiên
Chúa.
Thời Khởi nguyên, lao động bị coi như là hình phạt của tội
lỗi. Ông Gióp biết những vất vả của lao động và ngay cả cảnh làm thuê và nô
dịch nữa. Nhưng ông vẫn ao ước được hạnh phúc như thế. Cái khổ nữa của ông là
không được điều kiện như những người lao động bình thường.
Ông chân thật, khổ mà vẫn phàn nàn vì đời sống như thoi đưa,
không hy vọng. Nhất là ông chân thật ở chỗ gạt bỏ hết mọi luận lý của người đời
về đau khổ để ngước mắt lên Chúa cầu nguyện: “Xin Chúa hãy nhớ...” giữa cái nhìn khinh khi, nguyền rủa của mọi
người. Họ chẳng giúp đỡ ông được gì, và với quan niệm ác nghiệt, họ còn lấy
giọng đạo đức khuyên ông nên nhận ra lỗi mình: không có tội thì làm sao lại
bị trời phạt như thế? Ông Giop không chấp nhận được thứ triết học đó và mọi
thứ triết lý khác của trần gian về đau khổ. Lương tâm ông thấy rõ trường hợp
của ông không đúng với phán quyết của mọi luận điệu suy tư kia. Ông phủ nhận
mọi lý thuyết khôn ngoan của người đời. Để trung thành với đức tin của mình,
ông quay mặt về Chúa: "Xin Ngài hãy
nhớ...".
Đây cũng chính là lời cầu nguyện căn bản của Dân Chúa trong
những thời kỳ lầm than. Gặp cảnh tuyệt vọng, họ chỉ còn niềm tin duy nhất: “xin Chúa hãy nhớ Ngài là Ðấng nhân ái và
trung tín.”
Như vậy bài sách Giop hôm nay không dừng lại ở cái nhìn bi
quan yếm thế và mô tả đời là bể khổ. Nó chỉ tựa vào đó để đưa lòng chúng ta
vươn lên tới Thiên Chúa
Và đọan Tin Mừng này cho thấy một ngày tiêu biểu
của Đức Giesu khi Ngài khởi đầu sứ mệnh rao giảng Tin Mừng, chữa lành cho những
người đau khổ, dạy bảo các môn đệ, và cầu nguyện. Cho chúng ta nhiều ý nghĩa về:
1. Đức
Giesu:
- Đức
Giesu là người cực kỳ nhạy bén trước sự ác, nhạy cảm trước nỗi đau khổ của con
người. Là những thứ luôn luôn hành hạ mọi người.
- Vì
thế Ngài đứng về phía những người bị áp bức khinh khi, và những kẻ yếu đuối.
- Ngài
sẵn sàng chữa bệnh khi có yêu cầu, ngay cả lúc thân xác Ngài mệt mỏi muốn nghỉ
ngơi vì một ngày làm việc vất vả.
- Cách
chữa bệnh của Ngài thật đơn giản, vô điều kiện, tự động, độc lập. Chỉ phán một
câu, nói một lời, làm một cử chỉ nhẹ nhàng, hay một dáng điệu thanh thản…nhưng
đầy quyền năng và sức mạnh.
- Ngài
không cần một cử tọa đông đảo, nghi lễ rườm ra, khấn vái công phu, hình thức
bùa chú, hò hét ma thuật… như những cách chữa bệnh, trừ qủi của nhiều thầy pháp
thời đó cũng như bây giờ.
- Với
Ngài, việc chữa bệnh không nhằm tạo uy thế trong xã hội, không tăng thêm uy tín
cá nhân, cũng không hẳn để tỏ uy quyền Thiên Chúa, nhưng để tỏ lòng xót thương,
lòng nhân ái, luôn quan tâm đến mọi người cần sự cứu giúp của Ngài để thoát
được mọi khổ đau.
- Còn
để loan báo Nước Trời đã đến, đang hình thành và lớn lên giữa thế giới của con
người.
- Tư
cách của Ngài đúng là Đấng Cứu Thế, cảm thông với những yếu đau, bệnh tật, khổ
sở của mọi người, Ngài đến gần chữa lành, giải thoát họ khỏi mọi khốn khó phần
hồn, phần xác.
- Đó
là ý nghĩa sâu xa của những phép lạ Đức Giesu đã làm.
- Thật
vậy, trong suốt thời gian rao giảng, các bệnh nhân và những kẻ tật nguyền luôn được
tình thương của Ngài chữa lành, an ủi, khuyến khích, gợi lên và củng cố niềm tin
cho họ.
- Khi
chữa lành cho người bệnh, Đức Giesu còn phục hồi cho bệnh nhân đúng với vi trí,
giai cấp và hoàn cảnh của họ có lúc trước.
- Như
ở đây, sự việc nhạc mẫu ông Phero ngay lập tức phục vụ bình thường trở lại, chứng
tỏ căn bệnh dù nguy hiểm nhưng không tác động gì được đến bà nữa, vì bà đã được
hoàn toàn khỏi bệnh.
- Có
thể cho rằng những người đã được Ngài cứu chữa đều được mời gọi phục vụ Ngài,
giúp mọi người, là để chúng ta có thể giúp đỡ anh em khác.
- Đây
là thời gian Đức Giesu mới xuất hiện, nhưng danh tiếng Ngài đã nhanh chóng đồn
khắp mọi nơi, dân chúng đã lũ lượt tìm đến Ngài.
- Cả
thành Caphacnaum tuôn đến với Ngài còn cho thấy nhu cầu được chữa lành của họ
là khẩn thiết, to lớn, đại trà.
- Qua
đó chúng ta hiểu rõ hơn rằng khi còn sống trên trần gian, thời nào con người cũng
gặp muôn vàn điều trái ý, khó khăn, nghịch cảnh.
- Người
bi quan coi trần gian là bể khổ, còn tín hữu lạc quan
lại cho là nơi lập công, thời cơ thuận tiện để được cứu thoát.
- Nếu
biết vui lòng lãnh nhận vì yêu mến Chúa, ý thức những
đau khổ có gía trị đền tội, lập công; ngược lại, nếu miễn cưỡng, bất mãn,
thì là cơ hội làm chúng ta sa ngã.
- Theo
quan niệm nào thì thực tế, trần gian cũng chỉ là nơi tạm trú, không phải nơi an
hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Muốn hay không, chúng ta vẫn là lữ hành đang tìm về
quê thật là Nước Trời.
- Mặt khác, dù Đức Giesu
được người ta ái mộ, tin tưởng, tìm kiếm để chữa lành những bệnh nhân đến với
Ngài, nhưng Ngài không xao lãng mục đích rao giảng Tin Mừng của Ngài.
- Ngài
muốn trước hết Tin Mừng phải được rao giảng, Lời Chúa phải được công bố đến hết
mọi người trên toàn cầu.
- Bởi
Tin Mừng trả lại tự do mà ma qủi đã cướp mất, làm con người bị giam cầm, mất ý
chí, không thể làm điều tốt lành.
- Tin
Mừng còn giải phóng con người khỏi tội lỗi, mặc cảm, ích kỷ, mê tín, kiêu
căng…nhờ đó vươn lên, sống xứng đáng với phẩm gía mình và làm những việc tốt
lành, phục vụ Thiên Chúa.
- Vậy
hãy tìm đến Đức Giesu để nghe Ngài giảng dạy và để Ngài đụng chạm đến những
tội lỗi, những đam mê yếu đuối, hầu chữa lành hồn xác cho chúng ta.
- Tuy việc chữa lành bệnh đã làm cạn đi năng
lực của Đức Giêsu, nhưng Ngài không nề hà, vẫn không ngừng chữa lành cho những
ai đến tìm Ngài.
- Khi làm việc cho tha nhân, chúng ta cũng bị
hao tổn sinh lực, có khi cả vật chất nữa. Thế nên cần phải làm như Đức Giêsu, phải
biết thường xuyên hồi phục sức lực cho mình.
- Có thể chúng ta không làm được việc này bằng
cách một mình tìm nơi thanh vắng nào đó. Cũng khó kiếm được chỗ yên tĩnh ngay
trong nhà, hay khu vực chúng ta ở. Nhưng vẫn có thể thỉnh thoảng dừng lại nghỉ
ngơi khỏi tầng tầng lớp lớp công việc, để hồi tâm, lắng nghe tiếng Chúa.
- Trong đời sống thường nhật, đôi khi chúng ta
còn bị rơi vào tình trạng khẩn cấp, không biết làm gì ngay lúc ấy. Nhưng kinh
nghiệm của nhiều người cho biết điều tốt nhất có thể làm là nghỉ ngơi, yên
lặng. Sự nghỉ ngơi thường tạo nên điều kiện để chúng ta thành công và tránh thất
bại.
- Đức Giesu đã làm như vậy, mặc dù rao giảng
Tin Mừng, chữa bệnh cho con người là cần thiết và tốt lành, nhưng Ngài vẫn tìm
thời gian nghỉ ngơi và cầu nguyện.
2. Các
môn đệ của Đức Giesu:
- Thời
điểm này các môn đệ chưa hiểu biết nhiều về Đức Giesu, nhưng việc làm và sự
giáo dục của Ngài đã giúp họ bắt đầu tin tưởng Ngài, có thể đem những rắc rối
của mình đến với Ngài.
- Các
ông đã đặt Ngài vào vị trí trung tâm, niềm hy vọng, sự thân thiện, bạn đồng
hành để có thể chia sẻ niềm vui nỗi khổ với họ.
- Các
môn đệ đầu tiên này học được điều đã trở thành thói quen cho cả đời sống họ, ấy
là đem những rắc rối của mình trình bày với Đức Giesu và xin Ngài giúp đỡ.
- Mặt
nữa, thấy mọi người tìm kiếm Đức Giesu, các môn đệ cũng kéo nhau đi tìm, sợ Ngài
làm mất một dịp tốt để nổi danh, tạo uy tín.
- Nhưng Ngài nói:"Chúng ta hãy đi nơi
khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra
đi cốt để làm việc đó."
- Có
lẽ các môn đệ ngạc nhiên về câu trả lời đó, vì các ông chưa hiểu đường lối của
Ngài, các ông cũng như đám đông, muốn tìm kiếm Ngài chỉ vì quyền năng phi
thường của Ngài.
- Còn
với Đức Giesu, rao giảng Tin Mừng là điều cần thiết nhất, trên tất cả mọi sự
cần thiết. Không phải là lý do để tự hào, mà là điều cần thiết bắt buộc phải làm.
- Nếu
chúng ta tự ý làm việc này thì mới đáng Thiên Chúa ban thưởng, còn không, thì
là một nhiệm vụ Thiên Chúa trao, và chúng ta có bổn phận phải thi hành.
- Bởi
không ai có thể hiểu biết được đường lối của Thiên Chúa, lại có thể trái ngược
với lối suy nghĩ thường tình của con người. Có lẽ chúng ta cũng có kinh nghiệm
ít nhiều về sự thật này.
- Vì thế, là môn đệ, thì phó thác mọi
chuyện cho Thầy mình, sẵn sàng đón nhận tất cả, dù chúng ta không hiểu thấu.
3. Tiếp nối sứ mạng của Đức Giesu:
- Hôm
nay thánh Marcô nhấn mạnh đến địa danh Galilea dân ngoại để nói về ảnh hưởng của Chúa phải lan rộng đến khắp các dân tộc
- Thánh Marcô cho chúng ta thấy Ðức Giêsu đến để
cứu đời. Ngài xua đuổi tà thần và chữa lành mọi thương tích cho nhân loại ốm
đau vì tội lỗi. Nhưng với điều kiện: người ta phải có lòng tin và cùng Ngài đi
đến mầu nhiệm thánh giá.
- Nên Tin Mừng hôm nay đã kết luận:"Và Người đã đi khắp xứ Galilêa, rao giảng trong các Hội đường và xua trừ ma
quỷ” Ngài mở đường cho Giáo Hội đi khắp các dân tộc, rao giảng Tin Mừng cứu
độ để tiêu diệt ảnh hưởng của tà thần. Ngài kêu gọi chúng ta đi vào đường lối
này của Ngài.
- Tất
cả Kinh Thánh làm chứng Chúa luôn luôn chỉ cho, chỉ biếu, chỉ làm giàu cho con
người.
- Mầu nhiệm này được tái hiện trên bàn thờ để
chúng ta nhớ Đức Giesu hy sinh đến chết để cứu nhân loại, hầu kêu gọi chúng ta
kết hợp với Ngài, chia sẻ tinh thần, tiếp nối sứ mạng của Ngài ngay trong thời
đại và hoàn cảnh của chúng ta là:
* Sống
với Thiên Chúa, Đấng không hề bỏ rơi hay trừng phạt ai, dù tội lỗi bệnh tật. Bởi
Ngài đã trao cho Con Một là Đức Giêsu, bộc lộ tấm lòng yêu thương và quyền năng
của Ngài trong việc chữa lành những người bệnh tật, đau khổ.
* Thực thi sứ điệp Lời Chúa:
. thường xuyên chạy đến với Đức Giêsu bằng những giây phút riêng tư với Ngài,
lắng nghe Lời Ngài.Vì Ngài chỉ nói trong tâm hồn chúng ta và qua các trang Kinh
Thánh, các biến cố.
. để
Đức Giesu chạm tới những bệnh hoạn tật nguyền là
những tội lỗi, yếu đuối, đam mê, mà chữa lành cho chúng ta.
. noi
gương bắt chước Đức Giêsu, tích
cực cứu giúp những bệnh nhân, tật nguyền hồn xác để họ cũng được giải thoát.
4. Nhạc
gia của ông Phero:
- "Người lại gần,
cầm lấy tay bà mà đỡ dạy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các Ngài."
- Đây
là một trong những cách chữa bệnh lạ lùng nhanh chóng của Đức Giesu.
- Hiển
nhiên Ngài có thể đứng từ xa để phán một lời, cũng có thể chữa bệnh cho nhạc
mẫu ông Phero.
- Nhưng
Ngài không làm thế, mà đến tận nơi, cầm tay bà rồi mới chữa lành cho bà.
- Rõ
ràng Chúa không chỉ chữa bệnh, Ngài còn muốn bày tỏ tình người, sự ân cần thân
thiện và cả sự nể trọng nữa.
- Sau
khi được chữa lành, nhạc mẫu ông Phero bắt tay ngay vào việc phục vụ Thầy trò
Đức Giesu, khẳng định bà được khỏi bệnh hoàn toàn, tức khắc.
- Bà
đã dùng chính sức khỏe mới mẻ này để phục vụ khách qúi. Đó là cách xử dụng hồng
ân Chúa ban mà chúng ta cần noi theo.
- Bởi
thực tế nhiều người đã vô cảm khi xử dụng ơn phúc do lòng thương xót Chúa ban.
- Còn
chúng ta, hãy tin tưởng tuyệt đối nơi Chúa, để Ngài giải quyết mọi khó khăn cho
chúng ta.
- Nếu
được Chúa chữa lành khỏi bệnh tật, yếu đuối, lỗi phạm… thì chúng ta hãy noi gương
nhạc mẫu của ông Phero mà hành động.
- Nếu
vì lý do nào đó không được Chúa chữa lành, cũng đừng nóng nảy thất vọng, nên
bình tĩnh an tâm chờ đợi, chúng ta sẽ nhận ra ý Chúa. Bởi Ngài là Cha nhân hậu,
luôn quan tâm ban những điều cần thiết hữu ích cho con cái.
- Cần
nhớ, kinh nghiệm cách thể hiện để thoa dịu nỗi khổ đau của mình và người khác là
thoát ra khỏi tình trạng cô đơn, u sầu, tự kỷ…tìm cách giao lưu, phục vụ người
khác, bằng ít lời nói, vài nghĩa cử, nhẹ nhàng giúp đỡ thân thiện để mình cùng
người khác vơi đi ít nhiều bất hạnh. Khi đó mọi người đều có thể lành bệnh. Đặc
biệt những bệnh tinh thần, tình cảm.
- Và điều thiết thực nhất trong
tầm tay mà chúng ta luôn luôn có thể làm là một nụ cười lạc quan, một lời an ủi
động viên, một chia sẻ chân tình, một tặng vật nhỏ…nhưng được trao ban với tấm
lòng yêu mến phục vụ, có thể mang lại hiệu qủa lớn lao bất ngờ.
- Bởi sự
đau khổ của người khác cũng là cơ hội tốt cho chúng ta. Vì tuy không có khả
năng cứu chữa, nhưng chúng ta luôn có khả năng chăm sóc. Mà chăm sóc cũng là
cứu chữa vậy!
Lạy Chúa, có lẽ chưa bao giờ thế
giới bị nhiều tà thần ám ảnh, quấy nhiễu như thế giới của
chúng con hôm nay: không chỉ thần của
công danh sự nghiệp, tiền, tình…mà còn thần của khoa học tiến bộ, của não trạng
ảo, muốn bay bổng, vượt khỏi thân phận tạo vật! Vì thế mà biết bao bệnh tật lạ
lùng, nguy hiểm xuất hiện lan tràn trong lối nghĩ, lối nhìn, lối sống, lối yêu
thương và cả thân xác nữa!
Xin Chúa thương chữa lành tất cả, để chúng con tự đổi mới chính mình, tự hồi phục năng lực bản
thân hầu chúng con luôn mang niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người qua việc
sống và rao giang Tin Mừng của Ngài. Vì Đức Giesu, Chúa chúng con. Amen.
Than men,
duyenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét