MỘT HÌNH ẢNH GIÚP
TÔI KHÁM PHÁ
(Thứ ba - 21/10/2014- ĐGM GB
Bùi Tuần - tinvui@dmin)
1.
Từ
hơn một ngày nay, tôi được Chúa ban cho một cơ hội đẹp, để tiến tới thêm trên
đường làm chứng cho Chúa. Cơ hội đẹp đó là cuộc gặp gỡ lịch sử giữa Đức Thánh
Cha Phanxicô và Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng diễn ra ngày 18.10.2014.
2.
Cuộc gặp gỡ này gồm một chuỗi dài những hình ảnh rất đẹp. Đẹp ở
những cử chỉ thân thiện, đẹp ở những thái độ niềm nở, đẹp ở những trao đổi thân
tình. Cái đẹp nhất, đối với tôi là sự hiện diện của Chúa tình yêu giữa hai
phía, và lòng yêu thương của Đức Mẹ Maria được trao tặng đến từng người.
3. Rõ ràng là Toà Thánh mở ra, cũng rõ ràng là Nhà Nước Việt Nam mở ra.
Hai bên cùng mở ra về một chân trời chung là hoà giải. Mở ra đó là một chặng đường dài, không thiếu gian nan trắc trở.
Chặng đường đã qua đã có những bước tốt đẹp. Được như hôm nay phải coi là một
thành công lớn. Tôi coi đó là một ơn trọng đại Chúa ban.
4. Khi tôi đang phấn khởi cảm tạ Chúa về ơn trọng đại đó, thì Chúa
cho tôi thấy, có một yếu tố có thể sẽ làm chậm lại những bước mở ra, yếu tố đó
là Hội Thánh địa
phương.
Tôi nghe Chúa nói trong lòng tôi, mà vẫn e ngại. Để giúp tôi có cơ
sở suy nghĩ, Chúa giục tôi hãy đọc lại sách Tông đồ Công vụ, trong đó đã ghi những yếu kém của Hội Thánh địa phương hồi đó
trong việc hoà giải.
5. Yếu kém thứ nhất là sự
xung đột giữa những quan điểm về vài vấn đề quan trọng.
Sách Tông đồ Công vụ viết:
“Có những người từ miền
Giuđa đến dạy anh em rằng: Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ
Maisen, thì anh em không thế được cứu rỗi...”. (Cv 15,1-15)
Quan điểm bảo thủ trên đây đã bị chống đối mạnh mẽ bởi Phaolô và
Banaba. Xung đột nổ ra rất lớn, kéo dài khá lâu, và lan ra khá rộng. Đó là
chuyện thời đó.
Thời nay, xung đột giữa những người vẫn trung thành với chủ trương
diệt Cộng và những người hoà giải vẫn còn đó đây trong nhiều mức độ khác nhau.
Xung đột đó đang làm yếu đi sức mạnh hợp nhất trong việc sống Lời Chúa sau đây
để làm chứng cho Chúa: “Ở điểm này, mọi
người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương
nhau” (Ga 13,35).
6. Yếu kém thứ hai là sự cạnh tranh giữa những khối có
những quyền lợi và văn hoá khác nhau.
Sách Tông đồ Công vụ viết:
“Thời đó, khi số môn đệ
thêm đông, thì các tín hữu Do Thái theo văn hoá Hy Lạp kêu trách những tín hữu
Do Thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong
nhóm họ bị bỏ quên” (Cv 6,1).
“Phaolô thường đàm đạo
tranh luận với những người Do Thái theo văn hoá Hy Lạp. Nhưng họ tìm cách giết
ông” (Cv 9,29).
Như vậy, thời Giáo Hội sơ khai, những khác biệt về văn hoá và về
quyền lợi cũng đã làm cho nội bộ Hội Thánh ra yếu, không làm nên được sự hoà
giải làm chứng được cho Lời Chúa phán: “Sẽ
chỉ có một đoàn chiên, và một mục tử” (Ga 16).
Thời nay cũng vậy. Sự cạnh tranh giữa các gốc có những văn hoá và
quyền lợi riêng trong Hội Thánh Việt Nam cũng rất đáng kể. Sự cạnh tranh đó
được thực hiện dưới nhiều hình thức, từ tinh vi đến trắng trợn, gây nên chia
rẽ. Thế mà có nói lại được coi như đáng khen. Như vậy, lời Chúa Giêsu cầu xin
với Chúa Cha trong bữa Tiệc Ly xưa: “Xin
Cha cho họ được nên một như chúng ta
là một” (Ga 17,22), đã trở nên xa vời.
7. Yếu kém thứ ba là
sự va chạm giữa các nhân vật lãnh đạo.
Sách Tông đồ Công vụ viết:
“Ít ngày sau, ông Phaolô
nói với ông Banaba: Ta hãy trở lại thăm các anh em trong mỗi thành chúng ta đã
loan báo Lời Chúa, xem họ ra sao”. Ông Banaba muốn đem theo cả ông Gioan cũng
gọi là Máccô. Nhưng ông Phaolô thì nghĩ là: một người đã từng bỏ hai ông từ khi
ở miền Pam-phy-lia vì đã không cộng tác với hai ông, thì không nên đem theo.
Hai bên nổi nóng đến mức phải chia tay nhau” (Cv 15,36-39).
Thời xưa, đã có những va chạm nẩy lửa như thế. Thời nay cũng còn
vậy. Giữa các vị lãnh đạo tinh thần với nhau, đến cả các vị chánh với các vị
phó, cũng đã có những loại trừ nhau không chút tiếc thương. Thế thì còn gì là
sức mạnh nội bộ, để mà xây dựng hoà giải giữa Hội Thánh và các tổ chức ngoài
Hội Thánh.
8. Yếu kém
sau cùng là sự các kẻ dâng mình và dâng của cho Chúa hay tính toán, giữ lại
phần tư lợi cho riêng mình.
Sách Tông đồ Công vụ viết:
“Có một
người tên là Khanania cùng với vợ là Saphina bán một thửa đất. Ông đồng ý với
vợ giữ lại một phần tiền, rồi đem phần còn lại đặt dưới chân các tông đồ. Ông
Phêrô mới nói: Anh Khanania, sao anh lại để Satan xâm chiếm lòng anh, khiến anh
lừa dối Thánh Thần, mà giữ lại một phần giá thửa đất...” (Cv 5,1-4). Kết quả là cả vợ chồng đều bị phạt ngã xuống, chết
ngay một cách khủng khiếp (x. Cv 5,5-11).
Thời đó là như thế. Thời nay vẫn có thói quen tính toán, lừa dối,
dùng cách bề ngoài dâng mình, dâng của cho Chúa, nhưng thâm tâm lại mưu tìm lợi
riêng. Thói quen xấu xa đó có vẻ đang lộng hành đó đây. Mà cứ như thế này, thì
còn gì là thánh thiện, để Hội Thánh địa phương rao giảng sự hoà giải với Thiên
Chúa.
9. Thú thực là những chuyện thời
xưa như thế và thời nay như vậy đã làm tôi lo ngại. Nhưng, để trấn an tôi,Chúa
cho tôi thấy: Chúa đang cứu Hội Thánh Chúa tại Việt Nam. Số người cầu nguyện
đang tăng. Số người sám hối cũng đang tăng. Số người làm việc từ thiện bác ái
cũng đang tăng. Số người chịu thương chịu khó vì phần rỗi các linh hồn cũng
đang tăng.
Tuy nhiên, những người
được Chúa chọn sẽ phải hy sinh nhiều hơn. Tôi thấy Đức Mẹ đang quy tụ các con
cái của Mẹ, dù họ ở đâu, ở địa vị nào.
Lạy Mẹ Maria, con xin cảm ta Mẹ đã cho con nhìn
thấy Mẹ trong biến cố lịch sử vừa qua. Con tin Mẹ là mẹ của mọi người. Con tin
mặc dầu Hội thánh Việt Nam sẽ phải trải qua một cuộc thanh luyện đau đớn, nhưng
Trái tim Mẹ sẽ thắng, tình yêu của Mẹ sẽ âm thầm che chở, ủi an hết mọi người
khiêm tốn chân thành cậy tin ở Mẹ.
Long Xuyên, ngày 20.10.2014.
ĐGM GB Bùi Tuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét