Tà áo dài của cô giáo truyền cảm hứng cho
những giờ Văn
(VnExpress)
Cô Liệp vẫn say sưa với mỗi giờ đi dạy như cái cớ được mặc những tà áo dài "giáo khoa". Ảnh: Khánh Ly.
Giảng bài thơ Việt Bắc đến câu "Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi”, cô quay lên bảng, tà áo dài với
hoa chuối đỏ tươi bay nhẹ đập vào mắt học trò. Cả lớp ồ lên thích thú.
Lễ Vu Lan hay Ngày phụ nữ 20/10, cô giáo mặc chiếc áo dài sen
hồng được vẽ cách điệu với câu ca dao: “Ngồi
buồn nhớ mẹ ta xưa. Miệng nhai cơm
búng, lưỡi lùa cá xương” khéo léo gợi nhắc học trò về chữ hiếu nghĩa với mẹ
cha. Những bài giảng ấn tượng theo tà áo cô giáo Đoàn Liệp đã đi vào tâm trí
bao thế hệ học trò trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP HCM.
Ngày bế giảng, có trò khoe cuốn nhật ký ghi lại tỉ mỉ ngày tháng
năm cô Liệp mặc áo dài như thế nào. Học trò tinh ý nhận ra tủ áo dài của cô là
bộ sách giáo khoa thực sự chuyên chở nội dung mỗi bài giảng văn, trang thơ. Đó
là vẻ bàng bạc mong manh của hoa cỏ lau trên tà áo dài của cô giáo khi cả lớp
học bài thơ Tây Tiến; hay màu tím Huế mặn mà son sắt làm nền cho
chùa Thiên Mụ xuất hiện trong bài Ai đã đặt tên cho dòng sông?.
Tà áo màu vàng khéo léo khoe những cành lá Hà Nội đang độ thu về
trong thơ Nguyễn Đình Thi: “Gió thổi mùa thu hương cốm mới”. Còn khi dạy tác
phẩm Vợ nhặt, cô cách điệu lên tà áo bằng những mảnh vải vá ghép
lại nhằm mô phỏng bộ đồ Thị - vợ Tràng mặc “rách
như tổ đỉa” mà nhà văn Kim Lân nhắc đến. Dạy bài Chiếc thuyền ngoài
xa, cô Liệp chọn mặc màu áo đen thể hiện cuộc sống chìm trong tối tăm của
người phụ nữ trên chiếc ghe ở vùng đầm phá. Những dấu hỏi được vẽ trên tà áo
dài như câu hỏi tu từ về một lối thoát xa vời cho số phận người đàn bà vùng
biển cứ hoài ám ảnh tâm trí đám học trò nhỏ.
Mỗi tà áo dài của cô giáo Liệp như một tác phẩm hội họa chuyên
chở ý nghĩa tác phẩm văn học. Ảnh: Khánh Ly
Mỗi tà áo gắn với bài
học và trở thành phần minh họa đầy hơi thở cho bài học như thế, từ hơn 10 năm
nay. Đến nay tủ áo dài của cô giáo Liệp đã có khoảng 100 bộ với hình ảnh phù
hợp cho nhiều thời khắc lịch sử và những tác phẩm văn học nổi tiếng của đất
nước.
Từ thời ấy, muốn may áo dài mặc đi dạy học để truyền cảm hứng
môn Văn cho học trò, cô nghĩ ý tưởng rồi ra chợ mua vải và phác thảo kiểu, sau
đó trình bày ý tưởng cho bạn mình là một cô giáo dạy vẽ. Chính người bạn này đã
thổi hồn vào tà áo dài của cô giáo Liệp với những nét vẽ thanh thoát, sắc sảo
và câu thơ bay bổng. Tình bạn tri kỷ 20 năm giữa hai bà giáo cũng thăng hoa
theo từng nét vẽ.
Niềm vui song song nỗi đắn đo khi suy tính bù vào chi phí từng
thước vải, từng cuốn sách. Ban đầu cô chỉ có vài chiếc áo vẽ tác phẩm yêu
thích. Đến năm 2000, có một cậu học trò sợ hãi môn văn đã làm cô Liệp quyết tâm
thực hiện "bộ giáo khoa áo
dài".
Vì điểm văn lẹt đẹt, cậu học trò tìm đến học lớp phụ đạo văn
miễn phí của cô giáo Liệp mở vào chủ nhật. Ngày có điểm tốt nghiệp, cậu hớt hải
chạy đến tìm cô, thông báo được 6,5 điểm môn văn và thật thà: “Khi làm bài con cứ nhớ chiếc áo dài của cô mặc mà viết ra”. Đó là tà
áo Người lái đò sông Đà với những nét vẽ sông nước phóng
khoáng. Từ ấy, cô Liệp dặn lòng đầu tư thích đáng cho những bộ áo dài như một
giáo cụ trực quan cho mỗi giờ lên lớp.
Cô chưa bao giờ nói về những chi tiết trên chiếc áo dài, mà
những học sinh tinh ý sẽ đoán ra và truyền miệng cho nhau. Sức hút từ tà áo dài
của cô giáo Liệp khiến cho mỗi tiết Văn trở nên đáng mong chờ hơn. Cô giáo bước
vào lớp, bên dưới học trò nhấp nhổm mong chờ và đoán xem hôm nay cô mặc màu áo
gì, chủ đề nào được đưa lên áo.
Nữ sinh lớp cô Liệp chủ nhiệm hay được cô thủ thỉ hướng dẫn cách
mặc, bảo quản, đứng ngồi với áo dài sao cho duyên dáng. Cô giáo nay đã về hưu
chia sẻ: “Áo dài là chiếc áo kỳ diệu,
người mập mặc có thể ốm đi và ngược lại. Khi mặc áo dài, đầu tóc và phụ
trang phù hợp sẽ làm tôn vẻ đẹp chiếc áo dân tộc”.
Có học trò hồn nhiên hỏi "Cô
có nhiều áo dài vậy chắc là giàu lắm?". Rồi cũng chính em học trò đó
lặng người khi ghé chơi nhà cô, căn nhà nhỏ ở quận 9, TP HCM, thấy cô chiên chả
giò rế bán để cải thiện thu nhập.
Để có được cuộc sống ngày nay, cô giáo Liệp đã trải qua biết bao
thăng trầm mất mát. Năm 25 tuổi, cô ôm đứa con gái còn đỏ hỏn khi nghe tin
chồng ngã xuống ở chiến trường Tây Nam, vào tháng 12/1977. Một thân một mình ở
Sài Gòn, cô giáo Liệp nuôi con bằng đồng lương sư phạm, tranh thủ buổi
sáng sớm đẩy xe bánh mì, tối về bán xôi, rồi chiên chả giò bỏ mối khắp thành
phố. Bạn bè gom góp tiền giúp cô mua chiếc máy may về tranh thủ sửa đồ, may gia
công kiếm thêm.
Đôi mắt người phụ nữ đầy ưu tư khi hồi tưởng quãng thời gian 10
năm, ngày đi bán, đi dạy, đêm về ôm đứa con nhỏ nằm khóc vì nhớ chồng, tủi
phận. Niềm vui không gì lớn hơn khoảnh khắc nhìn bàn tay bé xinh của con
gái quấn chả giò phụ mẹ và lúc mua cuốn sách, may tấm áo.
Cô Liệp nghỉ hưu đã 7
năm nay, nhưng ngày ngày hàng xóm vẫn thấy cô thướt tha áo dài đến trường. Cô
dạy bổ túc, dạy ôn thi đại học, dạy trường tư… Cô giáo nói đùa: “Nghỉ dạy rồi lấy cớ chi mà mặc áo dài”,
rồi bảo “Đứng lớp quen rồi, một ngày
không đi dạy nữa thì khi đọc sách phát
hiện câu thơ, câu văn hay, tôi biết nói cho ai nghe”. Và cô giáo 70 tuổi
vẫn tiếp tục tà áo dài đứng lớp...
Khánh Ly
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét