Khoảng bốn mươi
(Thu,
16/04/2015 - Trầm Thiên Thu-thanhlinh.net)
Cuộc đời có nhiều
khoảng bốn mươi, kể cả thời gian: 40 phút, 40 giờ, 40 ngày, 40 tháng, 40
tuần,... Một trong những khoảng bốn mươi của thời gian là bốn mươi năm: 1975-2015.
Khoảng thời gian này dài hay ngắn? Tùy cảm nhận của mỗi người.
Thời gian không thuộc
quyền sở hữu của chúng ta, nhưng chúng ta được quyền quản lý thời gian của cuộc
đời mình. Ca dao đã xác định:
Thời gian thấm thoát thoi đưa
Nó đi đi mãi, chẳng chờ đợi ai!
Agatha Mary Clarissa Christie (1890-1976, thường được biết đến
với tên Agatha Christie, là nhà văn trinh thám và nhà soạn kịch, người Anh,
nói: “Thời gian là kẻ sát nhân giỏi nhất – Time is the best killer”.
Đời người như bóng câu qua cửa sổ!
1975-2015 là khoảng
thời gian bốn mươi năm. Khoảng thời gian này không dài cũng chẳng ngắn, nhưng
vừa đủ để người ta khả dĩ trưởng thành và cảm nhận. Thời gian mãi mãi vẫn vậy,
hoàn toàn bất biến, nhưng người ta cảm thấy thời gian có lúc nhanh, có lúc chậm,
vì cảm xúc con người biến đổi theo thất tình và lục dục.
Nếu cuộc đời chỉ là
sáu mươi năm theo cảm nhận của cố nhạc sĩ Y Vân (nhạc phẩm Sáu Mươi Năm Cuộc
Đời) thì bốn mươi năm là 2/3 cuộc đời, con người đã qua bên kia con dốc của
cuộc đời mình rồi: “Hai mươi năm đầu sung sướng không bao lâu, hai mươi
năm sau sầu dâng cao vời vợi, hai mươi năm cuối là bao!”. Với một con
người, bốn mươi năm là độ tuổi trung niên.
Nếu tính theo tuổi thọ
trung bình của con người: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục, mạnh
giỏi chăng là được tám mươi” (Tv 90:10). Bốn mươi năm là nửa đời rồi. Nửa
đầu trôi qua nhanh, vẫn chẳng làm nên trò trống gì, nửa sau lại càng trôi qua
nhanh hơn nữa!
Gọi là trăm năm cuộc
đời, nhưng chỉ là ước mơ, chứ mấy ai sống được trăm năm. Trong “khoảng đời” không dài ấy, niềm vui quá
ít, mà nỗi buồn quá nhiều. Có người sống cả “khoảng
đời” mà chẳng được chút an vui nào!
Hai mươi năm là một
thế hệ. Bốn mươi năm là hai thế hệ. Ngày nào người ta gọi mình bằng anh/chị,
rồi chẳng bao lâu người ta gọi mình là chú/cô, rồi bác, thế là chắc chắn mình
già rồi. Và rồi người ta lại gọi mình là “bố”,
là “ngoại” (theo cách gọi thân thương
của người miền Nam), thấy mình còn già hơn nữa, gần đất mà xa trời thật rồi.
Tuổi sinh học thì ai cũng già, không ai trẻ mãi với thời gian, nhưng làm sao
giữ cho tuổi tâm lý không già thì mới là điều cần thiết, nhưng lại không dễ
chút nào!
Cuộc đời luôn có nhiều
biến cố, từ nhỏ tới lớn, từ đơn giản đến quan trọng, từ vui đến buồn – mà đa số
là buồn. Quả thật, “đời ai cũng có những tâm sự buồn” (nhạc phẩm “Hát Nữa Đi Em” của tác giả Phố Thu và
Thanh Sơn).
Người ta – dù người vô
thần – thường “giải thích” những điều
xảy ra trong cuộc đời bằng “kiểu nói”
chung là “số phận”, giống như “định mệnh” đối với nhà soạn nhạc Beethoven
vậy (*). Có thể là duy lý hoặc duy tâm, nhưng có những điều xảy ra ngỡ như ngẫu
nhiên mà không hề ngẫu nhiên. Chắc hẳn phải có điều gì đó bí ẩn, người ta chỉ
biết gọi là “ý trời” mà thôi!
Trong ca khúc “Nhật Ký Đời Tôi”, nhạc sĩ Thanh Sơn tâm
sự: “Ngược thời gian, trở về quá khứ phút giây chạnh lòng. Bao
nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình chỉ còn lại con số không. Ai
thương ai rồi và ai quên nhau rồi, trong phút cuộc đời tương lai trả lời thôi”.
Càng có tuổi, người ta
càng nhớ về quá khứ, chắc hẳn luôn có chút gì đó nuối tiếc. Sự nuối tiếc làm
người ta ray rứt, bâng khuâng, nhưng có vậy mới là cuộc đời, vì có mấy ai thỏa
mãn với chính mình đâu! Quả thật, “ví
phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai?” (chí sĩ Phan
Bội Châu). Việt ngữ gọi là thế gian, trần thế hoặc trần gian thật chí lý: Thế
gian nó gian thế đấy, cõi trần nó gian vậy đó. Và khi có “sự cố”, người ta vẫn
thường thở dài mà nói: “Đời là thế! C’est la vie! It’s life!”.
Cũng nhạc sĩ Thanh
Sơn, trong ca khúc “Tâm sự Đời Tôi”,
ông thổ lộ: “Không còn có nhau, thôi nhé gặp nhau càng buồn. Chôn vùi
kỷ niệm, kỷ niệm đường vắng không tên. Hàng cây cao vút như lặng im, biển tình
tôi chết sau một đêm, phút giây ban đầu rồi đi vào thiên thu muôn kiếp
bẽ bàng”. Ở đây ông nói về tình yêu đôi lứa, nhưng chúng ta có thể hiểu
về cuộc đời mỗi chúng ta, cũng buồn lắm, đôi khi buồn đến não lòng.
Nói về khoảng buồn,
nhưng không nên dìm mình trong vũng buồn đó, mà phải tự cố ngoi lên để thoát
khỏi nó, đừng để nó dìm mình “chết”
trước khi mình chết thật theo quy luật muôn thuở: “Sinh ký, tử quy”.
1975-2015 là khoảng
thời gian bốn mươi năm. Hình như con số bốn mươi có gì đó “rất lạ”. Kinh Thánh cũng nhiều lần đề cập con số bốn mươi, Cựu Ước
đề cập nhiều lần hơn Tân Ước. Con số bốn mươi là con số rất quen
thuộc trong Kinh Thánh.
Thiên Chúa báo cho ông
Nô-ê biết trước: “Bảy ngày nữa Ta sẽ đổ mưa xuống đất trong vòng bốn
mươi ngày bốn mươi đêm, và Ta sẽ xoá bỏ khỏi mặt đất mọi loài Ta đã làm ra” (St
7:4). Trận đại hồng thủy xảy ra là trời mưa ròng rã bốn mươi đêm ngày
(St 7:12, 17; St 8:6).
Sau khi ký kết giao
ước trên Núi Si-nai, ông Mô-sê ở với Thiên Chúa trên núi bốn mươi đêm ngày
(Xh 24:18). Khi ngôn sứ Ê-li-a bị hoàng hậu I-de-ven cho người tìm giết,
ông đã chạy trốn để thoát mạng và lên đường suốt bốn mươi ngày đêm, cho đến khi
tới núi của Thiên Chúa là Khô-rếp [Si-nai] (1 V 19:8).
Ông Mô-sê ở trên núi
Si-nai bốn mươi ngày bốn mươi đêm (Xh 24:18), và ông không ăn uống bốn mươi
ngày (Xh 34:28). Trước khi tới đất hứa để định cư, dân Ít-ra-en đã ăn man-na
suốt bốn mươi năm ròng rã (Xh 16:25). Dân Ít-ra-en đóng trại tại vùng sa mạc
phía Nam, cận kề với Đất Hứa. Những người thám thính đi trước để thăm dò
đất đai đã hoàn tất công việc sau bốn mươi ngày (Ds 13:25). Con số “bốn mươi” nói lên một giai đoạn chuẩn
bị cho hành động đặc biệt của Thiên Chúa về một thời kỳ ân sủng.
Khi can thiệp cho
thành Xơ-đôm, ông Áp-ra-ham cũng đặt ra “điều
kiện” là bốn mươi người tốt lành (x.
St 18:29), và xin Chúa tha thứ. Khi cưới Rê-bê-ca, I-sa-ác được bốn mươi tuổi
(St 25:20), khi cưới Giu-đi-tha và Ba-xơ-mát, Ê-sau được bốn mươi tuổi (St
26:34). Ông Giuse truyền cho các thầy thuốc ướp xác cha ông là Gia-cóp trong
bốn mươi ngày (St 50:2-3).
Con số bốn mươi cũng
xuất hiện trong Tân Ước. Chúa Giêsu ăn chay bốn mươi ngày đêm trong hoang
địa (Mt 4:2; Mc 1:13; Lc 4:2). Chúa Giêsu lên trời sau khi sống lại được bốn
mươi ngày (Cv 1:3).
1975-2015. Một khoảng
bốn mươi năm. Có người sống chưa được một khoảng đó, có người sống được một
khoảng đó, có người sống được hai khoảng đó, nhưng vô cùng hiếm người sống được
ba khoảng đó. Tôi may mắn đang được sống hơn một khoảng đó. Trong khoảng bốn
mươi năm đó, tôi có “khoảng kỷ niệm”
về bút danh Trầm Thiên Thu (15/5/2075 – 15/5/2015). Khi đó còn là một thiếu
niên mới lớn, không hiểu sao tôi lại chợt nghĩ ra bút danh như vậy và dùng cho
ca khúc đầu tay tôi viết được. Cho tới nay, tôi cảm thấy bút danh đó như một “định mệnh” đối với tôi, không thể khác hơn được.
Có những điều mình
khát khao cháy bỏng mà không bao giờ hiện thực, nhưng có những điều mình không
dám mơ mà lại được. Tất cả là Thánh Ý Chúa, là Hồng Ân, như Kinh Thánh xác
nhận: “Lành dữ, sống chết, giàu nghèo, tất cả đều do Đức Chúa” (Hc
11:14).
Chúa Giêsu rất ghét
thói giả hình, ưa bề ngoài mà bên trong trống rỗng. Sách Huấn Ca có nhận định
rất hay: “Người hèn mọn mà khôn ngoan vẫn có thể ngẩng đầu, và được
ngồi giữa những người làm lớn. Đừng khen một người đàn ông vì người ấy đẹp, và
đừng gớm ghét ai vì vẻ bên ngoài. Trong các loài có cánh, ong là bé hơn cả, thế
mà nó làm ra chất ngọt hảo hạng. Chớ khoe khoang vì bộ áo bên
ngoài, cũng đừng tự cao trong ngày được vinh dự. Công trình
của Đức Chúa thật lạ lùng, nhưng vẫn là bí ẩn đối với phàm nhân”
(Hc 11:1-4).
Dù đời dài hay ngắn,
ai cũng vẫn phải cố gắng sống tốt. Kinh Thánh dạy chúng ta nên biết cư xử lịch
sự, cố sống khôn ngoan, nghĩa là phải luôn cân nhắc và đắn đo trong mọi động
thái: “Chưa tra xét thì đừng buộc tội, suy nghĩ trước rồi hãy trách móc
sau. Chớ trả lời khi chưa nghe rõ, người ta đang nói thì chớ ngắt lời. Về
chuyện không can gì tới con, con đừng cãi cọ, chớ dây mình vào cuộc tranh chấp
của quân tội lỗi” (Hc 11:7-9).
Thời gian là của Chúa.
Thời gian không thuộc quyền sở hữu của chúng ta, nhưng chúng ta được quyền quản
lý thời gian của cuộc đời mình. Với Thiên Chúa, thời gian luôn là hiện tại,
không có quá khứ hoặc tương lai, nghĩa là không có khái niệm dài hay ngắn: “Ngàn
năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh
thôi!” (Tv 90:4).
Tất cả là Hồng Ân, dù “ngày nào cũng có cái khổ của ngày đó”
(Mt 6:34), và hãy cố gắng không ngừng tâm niệm mà tự nhủ thầm: “Hãy tạ
ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118:1).
TRẦM THIÊN THU
(*) Nhà soạn nhạc
Ludwig van Beethoven (1770-1827, người Đức) đã viết bản giao hưởng này khi ông
cảm thấy mình có triệu chứng điếc. Và ông đã không nghe được, chỉ nhận
biết âm thanh trong đầu mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét