Tìm Đấng Phục Sinh
Chuyện kể rằng... Tại một hội nghị
tôn giáo, người ta đưa ra một câu hỏi thú vị: “Sau khi chết, thủ lĩnh tôn
giáo của quý vị để lại di sản gì?”. Các vị lãnh đạo các tôn giáo lần lượt
trả lời. Người thì nói di sản là chút “tro tàn”, người thì nói là “chút hài
cốt”, người thì nói là “mấy cọng râu”, người thì nói là vật này hoặc vật nọ.
Cuối cùng, vị lãnh đạo Công giáo trả lời: “Chúa Giêsu của chúng tôi để lại
một di sản là NGÔI MỘ TRỐNG”.
Thật kỳ diệu, “ngôi mộ trống trơn”
đó lại chứa đựng tất cả. Thiên thần đã nói với mấy phụ nữ đạo đức: “Sao các
bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi
dậy rồi” (Lc 24:5-6). Lời Đức Kitô nói trước, giờ đã ứng nghiệm. Vâng, Ngài
đã sống lại thật rồi: “Alleluia! Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã
hiến tế, vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa” (1 Cr 5:7b-8a).
Sự thật minh nhiên, không thể chối
cãi, lịch sử và khoa khảo cổ đã cho thấy nhiều chứng cớ, chứng tỏ rằng thực sự
có một Ông Giêsu bị đóng đinh, được mai táng và đã sống lại – dù sự thật này bị
một số người bóp méo, vì họ cố chấp hoặc vô thần.
Đã và đang có các nhân chứng ở khắp
nơi, điển hình nhất là ông Phêrô. Kinh Thánh cho biết: “Một hôm, tại nhà ông
Co-nê-li-ô, ông Phêrô lên tiếng: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên
vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc
bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10:34-35). Chúng ta
cũng nên nhớ rằng Kinh Thánh là bộ sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên
thế giới, và được bán chạy nhất thế giới, ước tính mỗi năm có thêm 100 triệu
bản (1). Điều đó chứng tỏ rằng Kinh Thánh nói những điều có thật, chứ không hư
cấu hoặc bịa đặt.
Một Phêrô hôm nay hoàn toàn khác một
Phêrô hôm qua, con người khiếp đảm đã biến thành con người can đảm. Chính ông
đã tới nơi chôn cất Đức Giêsu Kitô và ông thấy ngôi mộ trống trơn. Vì thế, ông
tin và ông có trách nhiệm phải chia sẻ niềm tin đó với người khác. Ông hùng hồn
rao giảng về Đức Kitô: “Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi
Giuđê, bắt đầu từ miền Galilê, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng. Đức Giêsu
xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu
tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa
lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv
10:37-38).
Và ông dẫn chứng cụ thể: “Còn
chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái
và tại chính Giêrusalem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba,
Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy, và cho Người xuất hiện tỏ tường, không
phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển
chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau
khi Người từ cõi chết sống lại. Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho
dân, và long trọng làm chứng rằng chính Người là Đấng Thiên Chúa đặt làm thẩm
phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết. Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người
và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được
ơn tha tội” (Cv 10:39-43). Tin mừng Chúa Giêsu Phục Sinh là sự thật của
các sự thật, là sự thật hơn cả sự thật, không gì có thể chối cãi.
Thật hạnh phúc vì chúng ta có được
đức tin tông truyền và vẫn đang cố gắng sống niềm tin đó. Hôm nay là dịp chúng
ta xem lại đức tin của mình, và hãy xác định lại: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa
nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118:1). Chúng ta chỉ
là con số “không” to lớn, vậy thì không thể không tạ ơn, vì “tay hữu Chúa đã ra
oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao, tay hữu Chúa đã ra oai thần lực” (Tv
118:16). Kinh Thánh đã nói: “Không thuốc nào chữa cho con người khỏi chết”
(Kn 2:1). Nhưng chúng ta không phải chết tủi nhục, mà được sống mãi nhờ
Đấng Phục Sinh. Như vậy, ngoài việc tạ ơn, chúng ta còn phải tự hứa: “Tôi
không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc Chúa làm” (Tv
118:17).
Tác giả Thánh Vịnh nói rằng “tảng đá
thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường”, và xác nhận “đó chính là
công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Tv 118:22-23).
Niềm vui nối tiếp nỗi mừng, với lý do vô thường: “Đây là ngày
Chúa làm ra
– Cùng nhau ta hãy reo ca vui mừng” (Tv 118:24).
Thánh Phaolô nói: “Anh em đã được
trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới,
nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì
thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới” (Cl
3:1-2). Thì phải thế thôi, không thể khác được, vì Chúa Giêsu đã xác định: “Tôi
không thuộc về thế gian này” (Ga 8:23). Chúng ta là môn đệ, là con cái, là
những người đi tìm Đấng Phục Sinh, chắc chắn chúng ta cũng phải noi gương Ngài,
một lòng một dạ chỉ “tìm kiếm và ái mộ những sự trên trời” mà thôi.
Thánh Phaolô cho biết lý do: “Thật
vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô
nơi Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được
xuất hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Cl 3:3-4). Xác
đất vật hèn, chúng ta chỉ là bùn đất nhơ nhớp, hôi thối hơn đống rác, ấy thế mà
chúng ta lại được hưởng phúc vinh quang cùng với Đấng Phục Sinh Giêsu Kitô.
Chuyện như huyền thoại mà lại là sự thật. Quá đỗi kỳ diệu!
Tuy nhiên, đừng vì thế mà ẢO TƯỞNG,
ảo tưởng sinh KIÊU NGẠO, kiêu ngạo sinh CỐ CHẤP, cố chấp thì… “hết thuốc chữa”.
Thánh Phaolô căn dặn: “Lý do khiến anh em vênh vang chẳng đẹp đẽ gì! Anh em
không biết rằng chỉ một chút men cũng đủ làm cho cả khối bột dậy lên sao? Anh
em hãy loại bỏ men cũ để trở thành bột mới, vì anh em là bánh không men” (1 Cr
5:6-7). Vì thế, “chúng ta đừng lấy men cũ, là lòng gian tà và độc ác, nhưng
hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật, mà ăn mừng đại lễ” (1
Cr 5:8).
Trình thuật Ga 20:1-9 ngắn gọn,
nhưng vẫn đầy đủ các chi tiết, đặc biệt là chuyện người ta đi tìm Đấng Phục
Sinh Giêsu Kitô.
Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần,
lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.
Chắc hẳn lúc đó bà hốt hoảng và quan ngại lắm, phụ nữ mà, thấy gì khác lạ là
thấy lo lắng rồi. Thế nên bà liền chạy về gặp ông Simôn Phêrô và người môn đệ
Đức Giêsu thương mến. Bà thông báo khẩn: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ,
và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”. Nghe vậy, cả ông Phêrô và chàng
Gioan cũng vội vã đi ra mộ. Họ không đi bộ mà chạy. Chắc hẳn họ cũng đang hoang
mang, không biết kẻ nào to gan mà đưa thi hài Thầy đi đâu mất tiêu!
Cả hai đều ráng chạy cho mau, nhưng
chàng Gioan trẻ hơn nên chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Chàng Gioan
cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Sau đó, ông
Phêrô cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và
khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại,
xếp riêng ra một nơi. Rất gọn gàng. Thế thì không thể bị đánh cắp. Kẻ trộm nào
cũng sợ, vội vàng vơ vét chứ đâu có bình tĩnh mà xếp gọn gàng khăn khố như thế
chứ? Chắc chắn chẳng kẻ nào to gan mà lấy trộm xác Thầy được đâu!
Rồi Gioan cũng đi vào theo, chàng đã
thấy và đã tin. Trước đó, hai ông còn lo sợ, chưa hiểu hết lời Kinh Thánh đã
nói trước rằng Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết. Giờ đây, hai năm rõ
mười, họ an tâm trở về, không chỉ hết lo sợ mà còn vui mừng khôn tả: Thầy đã
phục sinh rồi, alleluia! (2)
Lạy Thiên Chúa Cha hằng hữu và hằng
sinh, Con Một Yêu Dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô đã phục sinh vinh hiển, chúng
con vô cùng hạnh phúc, và xin cho chúng con được sống lại thật về phần linh
hồn, đồng thời cũng biết nhiệt thành làm nhân chứng giữa cuộc đời hôm nay.
Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(1) Có 10 cuốn sách được đọc nhiều
nhất thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua, Kinh Thánh đứng hàng đầu: [1] Kinh
Thánh (3,9 tỷ bản), [2] Các Trích Dẫn từ Mao Trạch Đông (820 triệu bản), [3]
Harry Potter (400 triệu bản), [4] Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn (103 triệu bản),
[5] Nhà Giả Kim: 65 triệu bản, [6] Mật Mã Da Vinci (57 triệu bản), [7] Bộ
truyện Chạng Vạng (43 triệu bản), [8] Cuốn Theo Chiều Gió (33 triệu bản), [9]
Suy Nghĩ và Làm Giàu (30 triệu bản), [10] Nhật Ký của Anne Frank (27 triệu
bản). Kinh Thánh là cuốn sách cổ xưa nhất nhưng lại có tỷ lệ “vượt trội” hơn
các sách khác.
(2) Nghe Hallelujah của nhạc sĩ
Handel (1685-1759): https://www.youtube.com/watch?v=76RrdwElnTU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét