Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Tôi là Vua

Tôi   là   Vua
(Thứ hai - 30/03/2015 11:12 -TRẦM THIÊN THU-thanhlinh.net)


 Đó chính là câu mà Chúa Giêsu nói với Tổng trấn Phi-la-tô: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37). Ngài có cách nói độc đáo quá, không xác định mà lại là xác định. Vấn đề chủ yếu trong câu nói của Ngài là “sự thật”, vì Ngài là Vua Chân Lý và Công Lý.

Khi nghe Ngài nói vậy, chắc chắn người ta phải cười ồ lên, vì họ biết Ngài chỉ là “con bác thợ mộc Giuse” (Ga 6:42; Lc 3:23) ở xóm lao động nghèo rớt mồng tơi thuộc miền Na-da-rét, như vậy thì đúng là “vua dở hơi” thật! Đã vậy lại còn dám tự xưng là Con Thiên Chúa, họ cho rằng Ngài mạo nhận và lộng ngôn, vì thế mà họ tìm mọi cách và bằng mọi giá phải giết chết Chúa Giêsu.
Bạn ngạc nhiên ư? Nếu chúng ta sống thời đó và cũng tham dự phiên tòa hôm đó, chắc chắn chúng ta cũng giơ tay cao và la hét rất lớn để phản đối và kết án Ngài:
 “Đóng đinh nó vào thập giá!” (Mt 27:22-23). Chắc hẳn chúng ta cũng chẳng hơn gì họ đâu, sợ rằng chúng ta còn dữ dằn hơn như vậy.
Thế nhưng đâu ai ngờ rằng người mà họ cho là “ông vua dở hơi” đó lại chính là Vua của các vua, là Chúa của các chúa. Nhưng Chúa Giêsu không cần biện minh. Sự thật mãi mãi là sự thật, dù người ta cố ý bóp méo hoặc bẻ cong thế nào thì cũng không thể biến trắng thành đen được.
Chúa Giêsu đã xác định:
 “Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18:37). Người Do-thái nghe Ngài “chỉ tận tay, day tận trán” nên không chịu nổi, vừa sợ vừa tức, do đó mà họ quyết “gài bẫy” Ngài để có thể triệt tiêu Ngài càng sớm càng tốt. Ngài đã từng nói với họ: “Các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến thì các ông lại đón nhận. Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, làm sao các ông có thể tin được?” (Ga 5:42-44). Những lời thật sao mà “nhức óc” quá trời!
Ngày nay cũng thế, chúng ta vẫn thích lấy cái phụ làm cái chính, còn cái chính lại coi là phụ. Thế mà chúng ta lại cảm thấy an tâm, cho rằng mình đi trên chính lộ. Thật là tai hại! Ai dám nói thẳng nói thật thì chúng ta xa lánh, vào hùa với nhau để chèn ép, tìm cách gièm pha, trù dập,… Chỉ một ánh mắt thôi, chứ chưa cần lời nói, thế mà người ta có thể rút dao thanh toán liền tại chỗ. Kinh khủng quá! Nói chung, vì người ta sợ sự thật, không thích sự thật, không muốn ai chạm đến chân lông của mình.
Trước đó, khi gần tới dịp Lễ Lều của người Do-thái, đám bà con của Chúa Giêsu nói với Ngài:
 “Ông bỏ đây mà sang miền Giu-đê đi, để cả môn đệ của ông cũng được nhìn thấy những việc ông làm, vì không ai muốn nổi danh mà lại hoạt động âm thầm cả. Nếu ông làm những việc ấy thì hãy tỏ mình ra cho thiên hạ biết” (Ga 7:4). Câu nói mỉa mai quá! Ngay cả những người thân cận nhất cũng không tin Ngài (Ga 7:5). Buồn hết sức! Thảo nào có lần Ngài đã nói: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi” (Mt 13:57; Mc 6:4). Nghe Chúa nói mà nẫu cả lòng, nhưng đó là sự thật!
Ngày nay chúng ta cũng vẫn thấy điều đó xảy ra y chang, không sai một ly nào. Có thể bạn nổi danh ở đâu đó, nhưng khi về quê hương, về giáo xứ, về làng xã, chẳng ai thèm tin bạn làm được điều gì đó “khác thường” đâu, và chính những người thân thuộc lại càng không tin, thậm chí người ta còn nói bạn “nổ” hoặc “nói phét”. Chúa Giêsu còn bị chê thì huống chi chúng ta, chỉ là “tép riu” thôi mà!
Sau khi bị đám bà con mỉa mai vì không tin, Chúa Giêsu nói với họ:
 “Thời của tôi chưa đến, nhưng thời của các anh lúc nào cũng thuận tiện. Thế gian không thể ghét các anh, nhưng tôi thì nó ghét, vì tôi làm chứng rằng các việc nó làm thì xấu xa” (Ga 7:6-7). Sự đời là thế: Thuận ngôn nghịch nhĩ, sự thật mất lòng. Và Ngài bảo các thân nhân: “Các anh cứ lên dự lễ đi; còn tôi, tôi không lên dự lễ này, vì thời của tôi chưa chín muồi” (Ga 7:8). Nói thế rồi, Ngài ở lại miền Ga-li-lê. Chắc chắn điều này lại khiến họ thêm ghét Ngài hơn, vì Ngài thẳng thắn và không vào hùa với họ.
Có điều rất lạ về Thánh nữ Faustina. Dù chỉ là một nữ tu nhỏ mọn trong dòng, nhưng Chị Thánh cũng rất thẳng thắn, cương trực. Chị cho biết:
 “Tôi không khúm núm trước bất kỳ ai. Tôi không thể chịu nổi sự nịnh hót, vì sự khiêm nhường không là gì mà chỉ là sự thật. Không có sự khúm núm trong sự khiêm nhường đích thực” (Nhật Ký, số 1502). Hay quá sức! Nhưng có lẽ loại câu này người ta không thích biết tới, không muốn ai đề cập, vì lời này “thật” quá đi, “rát tai” lắm!
Từ người nhà đến người ngoài đều không hiểu Chúa Giêsu, cứ tưởng Ngài thích nổi bật, khoái đánh bóng mình, ưa bề ngoài. Không. Ngài chỉ nói thật và không hề làm theo ý Ngài:
 “Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi. Nếu tôi làm chứng về chính mình thì lời chứng của tôi không thật” (Ga 5:30-31). Và Ngài đã xác định: “Tôi không cần người đời tôn vinh” (Ga 5:41).
Bao lần người ta gài bẫy Ngài nhưng chẳng làm được gì Ngài. Trường hợp nào cũng bị Ngài làm cho họ câm như hến và đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Nhưng lòng đố kỵ và ghen ghét như ngọn lửa lớn bùng lên, không thể dập nổi. Chính tà tâm khiến họ mù quáng, rồi thành mù lòa, và mù tịt.
Khi ông Giu-đa dẫn bọn thủ ác tới bắt Chúa Giêsu, Ngài hỏi họ tìm ai thì họ bảo:
 “Tìm Giê-su Na-da-rét”. Ngài nói ngay: “Chính tôi đây”. Chỉ mới nghe thế thôi mà họ đã phải giật lùi và té lăn cù xuống đất (Ga 18:6). Ngài hỏi lại, họ vẫn trả lời như trước. Thế mà họ vẫn không sợ, không nhận ra Ngài là ai. Điều đó chứng tỏ rằng lòng thù hận có thể lấn át mọi thứ khác.
Ông Phêrô máu nóng hơn Trương Phi, ông rút gươm ra chém đứt tai tên đầy tớ của thầy thượng tế. Ngài bảo ông cất gươm, rồi Ngài gắn tai cho thằng cu kia. Phép lạ nhãn tiền thế mà họ vẫn không chịu nhận. Cố chấp hết nước nói! Và rồi điều gì đến cũng đến. Chúa Giêsu bị chúng lôi đi xét xử và hành hạ thâu đêm suốt sáng.
Ngài là Vua, nhưng không đăng quang và không ngai, có chăng chỉ là sự mỉa mai:
 “Chúng lột áo Người ra, khoác cho Người một tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Người một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo rằng: ‘Vạn tuế Đức Vua dân Do-thái!’. Rồi chúng khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy mà đập vào đầu Người. Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, và cho Người mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá” (Mt 27:28-31; Mc 15:16-20; Ga 19:1-3). Chắc chắn không còn nỗi ê chề nào hơn như vậy!
Trước khi đưa các tử tội lên đường hành quyết, chính ông Phi-la-tô đã làm một tấm bảng và ghi rõ:
 “Giêsu Na-da-rét, Vua dân Do Thái” (Ga 19:19). Người ta bảo đừng ghi như vậy, mà nên ghi:“Tên này đã nói: Ta là Vua dân Do Thái” (Ga 19:21). Nhưng ông Phi-la-tô vẫn cương quyết: “Ta viết sao, cứ để vậy!” (Ga 19:22). Là ý Chúa thôi!
Người ta hí hửng đổ xô lên Đồi Sọ để chứng kiến cái chết thê thảm của một Ông Vua bằng nhục hình cao nhất thời đó. Đóng đinh Ngài và dựng đứng Thập Giá lên rồi, người ta càng chắc chắn rằng mình chiến thắng. Đệ tử Phêrô thân tín nhất đã từng nói mạnh:
 “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26:35; Mc 14:31). Tất cả các đệ tử khác cũng đồng loạt thề như vậy. Thế nhưng khi thấy Sư Phụ bị trói và bị hành hạ thì tay nào cũng chạy mất dép, bỏ của chạy lấy người: “Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh. Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng” (Mc 14:51-52). Đó là cậu Mác-cô nhà ta chứ còn ai trồng khoai đất này!
Khi đã bị treo trên Thập Giá, Chúa Giêsu cũng chưa yên thân, vẫn bị nhục mạ:
 “Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: ‘Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!’. Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: ‘Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! Hắn cậy vào Thiên Chúa thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: ‘Ta là Con Thiên Chúa!’. Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế” (Mt 27:39-44; Mc 15:29-32; Lc 23:35-37).
Không hề có ai mủi lòng. Ngay cả tên cướp chịu chung số phận với Ngài cũng không biết phận mình, còn dám hống hách mà thách thức Ngài:
 “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” (Lc 23:39). Càng lúc người ta càng thấy mình có lý, mình là người thắng cuộc.
Nhưng rồi trời đang nắng chang chang bỗng tối sầm lại, sấm chớp ầm ầm, viên đại đội trưởng đã phải công nhận:
 “Người này đích thực là người công chính, là Con Thiên Chúa!” (Lc 23:47; Mt 27:54; Mc 15:39). Thế cờ đảo ngược, thế trận giật ngược. Kẻ càng cười lớn thì càng khóc ròng, càng vênh váo càng cúi rạp, càng hí hửng càng xấu hổ!
Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu là Vua nhưng đã bị coi là tử tù, là Đấng Vô Tội nhưng đã bị vu cáo, là Đấng Công Chính nhưng đã bị kết án, là Đấng Chí Thánh nhưng đã bị đày ải, là Vua Trời Đất nhưng đã bị hành hạ nhục nhã và bị đóng đinh chết tức tưởi, là Con Thiên Chúa toàn năng nhưng đã bị thóa mạ, bị dày đạp và bị từ chối, là Ánh Sáng nhưng đã bị tối tăm vây phủ, là Đấng Vô Cùng Cao Sang nhưng đã bị trần truồng tủi hổ, chết treo trên hai miếng gỗ, là Sự Sống nhưng đã phải trút hơi thở cuối cùng, là Sự Chết nhưng cũng chính là Sự Sống Lại.
Thánh Phaolô nói:
 “Ngài giàu sang nhưng đã trở nên nghèo vì anh em, để anh em trở nên giàu sang nhờ cái nghèo của Ngài” (2 Cr 8:9).
Cuộc đời Chúa Giêsu “gắn liền” với những mẫu tự T như một định mệnh vậy!
Chúa Giêsu là Thánh Tử hoặc Thiên Tử, sinh và sống trong hoàn cảnh Thiếu Thốn, Túng Thiếu, Te Tua, Tơi Tả, nhưng Ngài vẫn luôn Thật Thà và Thẳng Thắn khiến chúng ta phải cảm thấy Thấm Thía.
Dù ai nói ngả nói nghiêng, dù bị ghen ghét nhưng Ngài vẫn Tiếp Tục giữ vững lập trường. Trước khi bị bắt, Ngài đã thiết lập Bí tích Thánh Thể làm Thần lương nuôi dưỡng nhân loại suốt cuộc lữ hành trần gian. Đêm Vườn Dầu, bản tính nhân loại cũng khiến Ngài cảm thấy Tê Tái lắm, Ngài gục đầu Than Thở với giọng Thê Thảm, nhưng Ngài vẫn một lòng Tuân Thủ Chúa Cha.
Cuộc đời Ngài Tang Thương, Thê Thảm, Thân Thể Ngài Tiều Tụy đến mức Tàn Tạ. Thuở nhỏ, Ngài đã té lên té xuống nhiều lần khi Tung Tăng vui đùa trong xóm Na-da-rét, ngày nay Ngài cũng té ngã ba lần khi phải vác Thập Tự. Cuối cùng, Ngài đã Tắt Thở và Từ Trần. Thương thật!
Các vua chúa trần gian có đủ thứ “long” – long thể, long nhan, long bào, long sàng,… Còn Vua Giêsu chỉ có một loại “long” là Long Đong. Vì thế Vua Nghèo Giêsu không được ai tiền hô hậu ủng, không được ai mời ngồi chỗ trên để ăn trước, thậm chí còn bị chê là “sống ngược đời”.
Dù bị người đời chê trách, ghét bỏ, giết chết, bị coi là Thua Thiệt, nhưng Chúa Giêsu đã phục sinh Toàn Thắng, vẫn là Vua Tình Thương đời đời, Trường Tồn Thiên Thu vạn đại!

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét