Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Những Vết Thương


Những  Vết  Thương
(Wed, 01/04/2015 - Trầm Thiên Thu-thanhlinh.net)


Khi nói về Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu, đặc biệt là trong Tuần Thánh, chúng ta thường nhắc tới Năm Vết Thương – tức là chỉ tính bốn dấu đinh ở hai chân và hai tay, với dấu lưỡi đòng (ngọn giáo) ở ngực Chúa Giêsu, chứ không kể vòng gai (mão gai).

Cơ thể có những bộ phận quan trọng, giúp cơ thể hoạt động: Tứ chi, trái tim và bộ não. Thế mà tứ chi bị đóng đinh, trái tim bị đâm, và đầu bị đội vòng gai nhọn. Các bộ phận chính của cơ thể đều bị thương thì làm sao cơ thể hoạt động được?

Chúa Giêsu không chỉ vô tội mà còn toàn thiện, công chính, chí thánh,... thế nhưng Ngài đã bị người đời ghen ghét vì Ngài dám phanh phui cái xấu của họ, như Cựu Ước đã nói: “Ta hãy gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo” (Kn 2:12). Anh chàng Giuđa vì ham mê tiền bạc mà bán rẻ lương tâm để có thể bán đứng Thầy mình, các nhà lãnh đạo tôn giáo và xã hội chỉ vì sợ mất “chiếc ghế địa vị” mà dùng quyền lực để hành hạ người lành, dù họ không tìm thấy Chúa Giêsu có lỗi gì.

Dù không tì vết, Chúa Giêsu vẫn bị các vết thương trên khắp thân thể. Các vết thương đó cho chúng ta bài học gì, và nhắc nhở chúng ta điều gì?

BỐN DẤU ĐINH. Các cây đinh được đóng vào chân tay Chúa Giêsu để ghim chặt Thánh Thể Ngài vào Thập Giá. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng chân tay là các “trợ thủ” đắc lực trong các hoạt động thể lý, đặc biệt nên lưu ý các hoạt động xấu. Tay và chân đều bị đóng đinh thì không còn vận động được, cũng chẳng còn có thể tham gia phạm tội. Nghĩa là chúng ta phải quyết tâm “chết” cho tội lỗi, như mầu nhiệm thứ năm trong Năm Sự Thương dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin cho con biết đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa”.

MỘT LƯỠI ĐÒNG (GIÁO). Trái tim là trung tâm bơm máu lên não và phân phối đi khắp các bộ phận của cơ thể. Quan trọng lắm. Thánh Tâm Chúa Giêsu đã bị một tên lính thẳng tay đâm vào, làm cho trái tim đó chảy hết giọt Máu và Nước cuối cùng. Điều này nhắc nhở chúng ta về tình yêu thương vô hạn, yêu thương cả kẻ thù, yêu thương tới cùng, dù chúng ta bị phản bội. Tình yêu vô điều kiện, cho đi mà không đòi hỏi gì.

MỘT VÒNG GAI. Chỉ một vòng gai nhưng có nhiều mũi gai. Loại cây gai làm vòng gai đội lên đầu Chúa Giêsu là loại gai cứng, nhọn. Người ta gọi vòng gai đó là “vương miện” và đặt lên đầu Ngài, rồi người ta lấy cây gậy đập lên cho các gai nhọn đâm vào đầu Ngài. Thấu óc. Nhức buốt lắm. Kinh khủng quá! Điều này nhắc nhở chúng ta rằng não bộ là trung tâm điều khiển toàn thân, rất nguy hiểm khi đầu óc có suy nghĩ lệch lạc, bắt trái tim và tứ chi phải nghe theo. Phải chăng vì thế mà đầu chịu nhiều gai nhọn đâm vô?

Tội lỗi cũng có tính liên đới. Tội của người khác có liên đới với mình, và tội của mình có liên đới với người khác. Không đơn giản như chúng ta nghĩ: “Tội ai nấy chịu, phúc ai nấy hưởng”. Nếu vậy thì chỉ là ích kỷ. Tình yêu không chấp nhận lòng ích kỷ. Do đó, cầu nguyện cho các tội nhân là một trong các bổn phận của chúng ta. Trong Nhật Ký, số 648, Thánh Faustina cho biết rằng lúc 3 giờ chiều, Chị thấy Chúa Giêsu bị đóng đinh và nhìn Chị, rồi Ngài nói: “Ta khát”. Chị nói rằng đó là lời kêu “khát” các linh hồn. Chúa Giêsu khao khát đem các linh hồn tội lỗi về với Chúa Cha.

Một lần khác, Chúa Giêsu cũng nói với Thánh Faustina về việc này: Ta khát. Ta mong muốn cứu các linh hồn, con hãy giúp Ta cứu các linh hồn. Con hãy kết hợp các đau khổ của con với Cuộc Khổ Nạn của Ta và dâng mọi đau khổ của con cho Chúa Cha để cứu các linh hồn” (Nhật Ký, số 1032). Chúa Giêsu còn nói với Thánh Faustina: “Con luôn an ủi Ta khi con cầu nguyện cho các tội nhân. Lời cầu nguyện làm vui lòng Ta nhất là lời cầu nguyện cho các tội nhân” (Nhật Ký, số 1397). Như vậy, chúng ta biết được rằng Chúa Giêsu rất thương các tội nhân và rất muốn cứu họ. Ngài muốn chúng ta cộng tác với Ngài. Đúng như lời Ngài đã nói về con chiên lạc: Trên trời, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15:4-7) – theo cách nói của Thánh Luca, hoặc: “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18:12-14) – theo cách nói của Thánh Mátthêu.

Trong bài thứ nhất của Bài Ca của Người Tôi Trung, Thiên Chúa đã tuyên phán: “Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm” (Is 42:6-7). Đó là thực hiện công lý. Nếu không làm như vậy, chúng ta không chỉ sống tiêu cực, nói suông, mà còn vi phạm công lý – tức là chúng ta gây nên các vết thương cho tha nhân, những người anh chị em của mình.

Trình thuật Ga 12:1-11 cho biết: Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đến làng Bêtania, nơi anh Ladarô ở. Anh này đã được Người cho sống lại từ cõi chết. Ở đó, người ta dọn bữa ăn tối thết đãi Đức Giêsu; cô Mácta lo hầu bàn, còn anh Ladarô là một trong những kẻ cùng dự tiệc với Người. Cô Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Khi đó, Giuđa Ítcariốt liền nói: “Sao lại không bán dầu thơm đó lấy ba trăm quan tiền mà cho người nghèo?”. Y nói thế không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung. Đức Giêsu nói: “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu”.

Dầu cam tùng quý giá lắm, mà đây lại là loại hảo hạng, mắc tiền lắm. Một bình dầu thơm loại này giá ba trăm quan tiền, trong khi Con Người Giêsu chỉ đáng giá ba mươi đồng (Mt 26:15; Mt 27:3 và 9). Các vết thương trên Thánh Thể Chúa Giêsu đau nhức lắm, nhưng chắc chắn không nhức buốt bằng các vết thương tinh thần mà Ngài phải chịu.

Hôm Chúa Giêsu ở nhà ba chị em Maria, một đám đông người Do-thái biết Ngài đang ở đó nên đã tuôn đến, họ không chỉ muốn thấy Ngài mà còn muốn tận mắt được nhìn thấy anh Ladarô, kẻ đã được Ngài cho sống lại từ cõi chết. Nhưng cũng vì vậy mà các thượng tế mới quyết định giết cả anh Ladarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin vào Đức Giêsu. Tai bay, vạ gió. Ladarô bị ghét lây, bị chết lần thứ hai. Chết oan.

Còn chúng ta? Cũng vậy thôi, chẳng hơn gì các thượng tế kia. Ca dao nói chẳng sai đâu: “Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng”. Đó là cách chúng ta bán đứng anh chị em mình, là cách gây nên các vết thương cho tha nhân. Vết thương thể lý có thể lành, nhưng vết thương tinh thần rất khó lành – thậm chí không thể lành. Vết thương thể lý đau lắm, nhưng vết thương lòng nhức vô cùng!

Phạm đến tha nhân là phạm đến Thiên Chúa. Chúng ta đối xử với tha nhân thế nào, Thiên Chúa sẽ đối xử với chúng ta như vậy. Hãy liệu cơm mà gắp mắm!

Chúa Giêsu đã xác định: “Anh em hãy cho thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy (Lc 6:38). Gây nên vết thương cho người khác là vi phạm Luật Chúa, vi phạm Luật Chúa là phản lại Đức Bác Ái. Không gây nên vết thương cho tha nhân là yêu thương tha nhân, là vâng lời Thiên Chúa, là giữ trọn Thánh Luật.

Hôn kính Thánh Giá là hôn kính các vết thương của Chúa Giêsu. Khi thực hiện điều này, Chúa-Giêsu-đau-khổ không cần chúng ta hàn gắn các vết thương cho Ngài đâu, mà chúng ta cũng không thể làm được, nhưng Ngài muốn chúng ta cùng nhau chữa lành các vết thương cho nhau bằng cách yêu thương nhau chân thành. Chúa Giêsu rất đại lượng. Khi chúng ta chữa lành các vết thương cho nhau, Ngài coi đó cũng là hàn gắn các vết thương nơi Thánh Thể Ngài vậy.

Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã cho Tông đồ Tôma xỏ tay vào vết thương ở ngực, nơi trái tim ngự trị, trung tâm của tình yêu thương. Chúa Giêsu bảo chúng ta cũng hãy sờ vào các vết thương của tha nhân, nhất là vết-thương-lòng, để cảm nhận và yêu thương nhau hơn.

TRẦM THIÊN THU

Tuần Thánh – 2015

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét