Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2015

Tản mạn về Phục Sinh


Tản  mạn  về  Phục  Sinh
(Sat, 04/04/2015 - Vũ Văn An-thanhlinh.net)



Phục Sinh, theo Thánh Phaolô, là rường cột nâng đỡ đức tin ta. Đức tin
này tất nhiên là một hồng ân, nhưng nó luôn cần được nâng đỡ, bằng bất cứ phương tiện nào: lịch sử, triết lý, thần học, địa dư, khảo cổ, văn chương, thi ca, hội họa, dân ca, thánh nhạc, phụng vụ, điêu khắc…, bất cứ phát kiến nhân bản nào.
 Chuyện tản mạn về nó, vì thế thật đa dạng.

I. Năm luận chứng về Phục Sinh
Tân Ước bao gồm nhiều trình thuật thuộc thế kỷ thứ nhất, chắc chắn là đầu tay, về cuộc đời, sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô. Nó cũng cho rằng mình là trình thuật mắt thấy tai nghe và đưa ra nhiều lập trường mạnh bạo về điều mình nghe và trông thấy. Và các cử tọa thế kỷ thứ nhất tin các trình thuật này, sao chép chúng, và loan truyền chúng cả bằng bản văn lẫn truyền khẩu ra khắp Đế Quốc Rôma và cả những nơi xa xăm như Ấn Độ.
Như thế, hẳn nhiên Tân Ước đã nhận được một mức độ khả tín nhất định nào đó. Tuy nhiên, điều này chưa tùy thuộc việc người ta tiên thiên giả thiết rằng Thánh Kinh là Sách Thánh và do đó được linh hứng; họ chỉ đơn thuần tiếp cận nó như tiếp cận bất cứ bản văn lịch sử nào khác, vì rõ ràng nó biện luận cho những điều thuộc lịch sử mới đó, chứ không thuật lại một dã sử đã có từ lâu đời.
Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày các Kitô hữu có truyền thống tưởng niệm sự chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, quả là ngày thích hợp để ta xem xét các chứng cớ quanh sự chết và sự sống lại của Người. Thiển nghĩ năm điển hình sau đây đáng chúng ta khảo sát.

1. Mồ hôi biến thành máu
Trong cảnh hấp hối tại vườn Cây Dầu, Thánh Luca (22:4) viết rằng mồ hôi của Chúa Giêsu nhỏ xuống “như những giọt máu”. Đây là tình trạng y khoa gọi là hematohidrosis (đổ mồ hôi máu), một tình trạng được Tạp Chí Bệnh Ngoài Da của Ấn Độ coi là rất họa hiếm. Nó xẩy ra khi bị căng thẳng tột độ nơi một số ít người. Thánh Luca vốn là một y sĩ (như Thánh Phaolô nhắc tại Côlôxê 4:14), nên có lẽ đây là lý do tại sao Tin Mừng của ngài là Tin Mừng duy nhất lưu ý tới sự kiện này, dù nó rất hiếm xẩy ra trong ngành chăm sóc bệnh nhân hồi đó.
Như thế, điều đáng lưu ý là nguồn của thế kỷ thứ nhất này đã mô tả được một tình trạng y khoa lúc ấy gần như không ai biết tới, nhưng nay ta biết có liên hệ với căng thẳng. Nghĩa là, nguồn này mô tả một tín liệu mà ngài khó lòng có thể tự chế ra, vì dù ngài có biết đôi chút về tình trạng đổ mồ hôi máu này đi chăng nữa, thì tại sao ngài lại bao gồm chi tiết ấy ở đây? Muốn thuyết phục các nhà chuyên môn khác về bệnh ngoài da ở thế kỷ thứ nhất chăng? Đây là một chi tiết rõ ràng siêu nhiên và khó tin, đâu phải là một chi tiết tự nhiên và dễ tin… ấy thế nhưng ngày nay ta biết nó phù hợp với y khoa hiện đại. Điều cho thấy chứng cớ của Thánh Luca là chính xác: quả tình có một vị Giêsu thành Nadarét đích thực, Đấng đã đổ mồ hôi máu khi chờ đợi bị đóng đinh.

2. Máu và nước chẩy ra từ cạnh sườn Chúa Kitô
Tin Mừng Gioan chương 19 cho ta một chi tiết đẫm máu nữa trong trình thuật của nó vào lúc sau khi Chúa Giêsu đã qua đời (Ga 19:31-37):
“Hôm đó là ngày áp lễ, người Do thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn. Nên họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Ðức Giêsu. Khi đến gần Ðức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: ‘Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập’. Lại có lời Kinh Thánh khác: ‘Họ sẽ nhìn lên Ðấng họ đã đâm thâu’”.
Đoạn trên đầy những bằng chứng. Thứ nhất, soạn giả rất quen thuộc với các thực hành tôn giáo của người Do Thái. Ở câu 31, ngài viết: “Hôm đó là ngày áp lễ, [và ngày hôm sau là] ngày Sabát, mà ngày Sabát đó lại là ngày lễ lớn”. Có ý nói tới Lễ Vượt Qua và giải thích lý do tại sao các môn đệ của Chúa Giêsu mừng Lễ Vượt một ngày trước người Biệt Phái. Đây là một trường phái của Do Thái Giáo chuyên giữ Lễ Vượt Qua sớm hơn một ngày khi nó rơi vào ngày Sa bát.
Thứ hai, soạn giả biết rõ việc xác phải được tháo xuống, theo luật sạch sẽ của bộ luật Lêvi.
Thứ ba, soạn giả rất quen thuộc với việc đóng đinh. Thí dụ, ngài biết rõ người Rôma có thói quen đập xương ống chân nạn nhân lúc còn ở trên thập giá, lý do là không có sức nâng của ống chân, nạn nhân không thể nâng thân xác lên để thở được nữa, và họ sẽ từ từ chết vì ngẹt thở. Dù xem ra có vẻ phản trực giác, thiếu dưỡng khí chính là điều giết chết nạn nhân bị đóng đinh, chứ không phải đinh thâu qua tay chân.
Thứ tư, soạn giả nhiều lần nhắc tới việc nên trọn của Thánh Kinh. Xương của Chiên Vượt Qua không bị đánh dập (Xh 12:46; Ds 9:12), xương của Đấng Được Xức Dầu cũng không bị đánh dập (Tv 34:20). Và có lời tiên tri giống Thiên Chúa cách lạ lùng tại Dcr 12:10 rằng Đấng Được Chọn “sẽ đổ ơn xuống cho nhà Ða-vít và dân cư Giê-ru-sa-lem, giúp chúng biết sống đẹp lòng Ta và tha thiết cầu nguyện. Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta. Chúng sẽ khóc than Ðấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc, như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng”.
Vì các Kitô hữu vốn tin Chúa Kitô là Con duy nhất của Chúa Cha (Ga 3:16), nên chi tiết trên đã ứng nghiệm mọi lời tiên tri khó hiểu. Nếu cho là dễ, thì bạn hãy thử mà coi: hãy thử viết một câu truyện hư cấu ngắn về một người nào đó sống ở đời này mà lại ứng nghiệm mọi lời tiên tri trong Thánh Kinh, và làm câu truyện có thể tin được.
Cuối cùng, và điều này hết sức đáng lưu ý: máu và nước rất thích hợp với chứng cớ y khoa. Sau khi Chúa Giêsu chết, thân xác Người ngưng không biến hóa nước nữa, nên một vết giáo đâm ngược lên sẽ dễ dàng làm rách màng dạ dầy, khiến máu và nước tuôn ra. Thánh Gioan minh nhiên nhắc tới chi tiết này, nhưng chi tiết này là chi tiết mà một văn sĩ hư cấu khó có thể nghĩ tới, ngoại trừ ông ta mở toang xác người chết, một việc người Do Thái bị cấm không được làm.
Như thế, từ trước tới nay, chúng ta có đủ bằng chứng đáng tin rằng có một Vị Giêsu biết mình đang đi tới thập giá, nhưng vẫn đi, và bị giết. Cả Thánh Luca lẫn Thánh Gioan đều nhắc tới các chi tiết chuyên biệt về y khoa khó lòng tạo hoẹt được. Tất cả những điều này cho thấy Chúa Giêsu quả là người có thực, chết thực sự trên thập giá. Còn cả hàng tá các câu khác hỗ trợ điểm vừa nói, ngoài các câu trên. Các nguồn ngoài Thánh Kinh cũng nhìn nhận rằng có một vị Giêsu chết trên thập giá.

3. Ngôi mộ bị canh giữ
 Tin mừng Mátthêu 27:62-66 ghi nhận một chi tiết quan trọng:
“Hôm sau, tức là khi ngày áp lễ đã qua, các thượng tế và những người Pharisêu kéo nhau đến ông Philatô, và nói: ‘Thưa ngài, chúng tôi nhớ tên bịp bợm ấy khi còn sống có nói: Sau ba ngày, Ta sẽ chỗi dậy. Vậy xin quan lớn truyền canh mộ kỹ càng cho đến ngày thứ ba, kẻo môn đệ hắm đến lấy trộm hắn đi, rồi phao với dân là hắn đã từ cõi chết chỗi dậy. Và như thế, chuyện bịp bợm cuối cùng này sẽ còn tệ hại hơn chuyện trước’. Ông Philatô bảo họ: ‘Thì có sẵn lính đó, các người hãy đi mà canh giữ theo cách các ngươi biết!’ Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá và cắt lính canh mồ”
Trình thuật trên cho ta nhiều tên và ngày chuyên biệt: Philatô, thầy cả thượng phẩm, và những người Biệt Phái; còn ngày thì là ngày sau Ngày Áp Lễ (nghĩa là Ngày Vượt Qua). Như thế, Thánh Mátthêu công khai tố cáo cả giáo quyền lẫn chính quyền cho đặt lính canh bên ngoài ngôi mộ của Chúa Giêsu. Ta có tin rằng ngài vu cáo họ trong khi họ vẫn còn sống không? Nhưng ta biết, từ một chi tiết khác, rằng không hề có bất cứ tranh cãi nào về việc ngôi mộ có bị canh giữ hay không… chỉ nói các lính canh đã xử lý tình thế kém cỏi như thế nào.
Tin Mừng Mátthêu 28:11-15 cho ta biết nửa câu truyện còn lại:
“Các bà đang đi, thì kìa mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn, và bảo: ‘Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm hắn đi. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự’. Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Dothái cho đến ngày nay".
Một lần nữa, ta nên nhớ khi Thánh Mátthêu viết, ngài biết điều mình viết, khi nói tới việc các tin đồn còn được phổ biến “cho đến tận nay” về các lính canh. Bởi thế, ta biết ngôi mộ quả bị canh gác, không còn hoài nghi gì nữa.

4. Chúa Giêsu hiện ra bằng xương bằng thịt và ăn uống trước mặt các ông 
Trong Tin Mừng Luca (Lc. 24:36-43), ta thấy một trong các cuộc hiện ra sau khi Chúa Giêsu phục sinh:
“Các ông còn đang nói, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: ‘Bình an cho anh em!’ Các ông kính hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: ‘Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?’ Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: ‘Ở đây anh em có gì ăn không?’ Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông”.
Đó là một trong những lần hiện ra quan trọng nhất sau Phục Sinh, xét về mặt luận lý. Mười một tông đồ của Chúa Giêsu đang tụ họp, thì nhìn thấy một ai đó hiện ra với họ, và họ không biết chắc đó là Chúa Giêsu sống lại hay một bóng ma. Do đó, họ muốn được Người chứng tỏ. Hay đúng hơn, chính Người giơ tay chân của Người ra để các ông rờ mó. Rồi, Người cầm miếng cá của họ và ăn.
Với họ, Người chứng minh Người không phải là một bóng ma. Với chúng ta, điều ấy cũng bác bỏ giả thuyết bị ảo giác. Ảo giác hoặc thuộc thính giác, hoặc thuộc thị giáo hay xúc giác. Nghĩa là, người ảo giác thấy hoặc nghe hay cảm thấy một điều gì không có thực. Có những trường hợp ảo giác liên quan tới hơn một giác quan, dù chưa bao giờ thấy một trường hợp ảo giác nào bao gồm cả ba giác quan vừa kể. Về phương diện y khoa, chắc chắn không có chuyện cả 11 người cùng một lúc có ảo giác tập thể thấy, nghe và rờ vào một vật gì đó không có thực.
Thành thử giả thuyết ảo giác bị loại. Lại còn chuyện Chúa Giêsu ăn cá nữa. Không thể nào ảo giác được. Mà dù cho bị ảo giác đến nỗi cả mười một tông đồ cùng một lúc bị thứ ảo giác quái đản kia hành đi nữa, thì vẫn không giải thích được việc miếng cá đi đâu. Họ có miếng cá đó, họ thấy Người ăn, rồi miếng cá ấy không còn nữa. Và nên nhớ, họ có con cá ấy với họ, chứ không phải họ ảo giác về con cá.
Như thế, một là các tông đồ nói láo hai là họ thực sự thấy Chúa Kitô phục sinh. Không phải họ kể lại một dã sử đạo đức hay mù mờ về điều họ trông thấy. Họ không thể lầm tưởng một điều gì khác khi thấy, nghe và cảm nhận Chúa Giêsu phục sinh và ngắm Người ăn.
Và cuối cùng

5. Ngôi mộ trống
Trong Công Vụ 2, trong một buổi lễ ở Giêrusalem, Thánh Phêrô đứng lên và lớn tiếng tuyên xưng rằng Chúa Giêsu Kitô đã sống lại, và ngôi mộ của Người trống trơn. Quá sớm về lịch sử để Thánh Luca tạo ra câu truyện bài diễn văn của Thánh Phêrô, và cũng quá sớm để Thánh Phêrô nói láo về chỗ nằm của xác Chúa Giêsu. Dù sao, ngôi mộ của Người không nằm xa ba nhiêu, và những người đặt Người ở đó chắc chắn vẫn còn ở trong thành phố. Hơn nữa, như đã nói trên đây, còn có những lính canh có mặt tại ngôi mộ, họ sẵn sàng hướng dẫn kẻ tò mò tới đó tìm hiểu.

Kết luận
Tóm lại, ta biết rằng (1) thực sự có một vị Giêsu Kitô bị đóng đinh; (2) Người thực sự chết trên thập giá; (3) có những lời đồn về phục sinh, nên lính canh đã được đặt ở ngoài ngôi mộ; (4) các môn đệ của Người nói rằng đã thấy Người, nói chuyện với Người và rờ thấy Người trong hình thức phục sinh ngay sau khi Người qua đời, và ngồi ngắm Người ăn; và (5) ngôi mộ của Người trống trơn.
Tất cả các điểm trên mạnh mẽ chứng minh sự kiện Chúa Giêsu đã phục sinh. Chắc chắn đó là câu giải đáp được các môn đệ của Người tuyên xưng là đúng. Và họ sẵn sàng chịu chết vì lời tuyên xưng này. Sự sẵn sàng này ít nhất cũng chứng tỏ rằng đối với họ, lời tuyên xưng này chân thực. Nghĩa là họ không nói láo. Dĩ nhiên, sẵn sàng chết cho một chủ trương không hề bảo đảm chủ trương này chân thực, nhưng nó mạnh mẽ chứng tỏ người có chủ trương này nghĩ nó đúng. Không một môn đệ nào rút lui sau khi Chúa Giêsu qua đời, dù mọi vị, trừ thánh Gioan, đều tử đạo vì việc này. Và ta nên nhớ: những người này đều như một và tất cả đều là những người Do Thái Giáo ngoan đạo, họ tuyên xưng rằng Chúa Giêsu là Thiên Chúa Chân Thật Duy Nhất.
Ngoài lý do trên, không một lối giải thích nào khác có nghĩa cả, nhất là xét cả 5 lý chứng trên. Nghĩa là, dù cho các tông đồ ảo giác về Chúa Giêsu trong lý chứng (4), thì sao lại có ngôi mộ trống (5)? Còn lý thuyết “ngất đi”, nghĩa là Chúa Giêsu thực sự không chết, giải thích được (5), nhưng khiến cho (3) và (4) vô nghĩa vì nên nhớ Chúa Giêsu hiện ra mà không đi qua cửa, và lý thuyết này trực tiếp mâu thuẫn với (2) và lương tri.
Xét như một toàn thể, tất cả các chứng cớ trên cho thấy gần hai ngàn năm trước đây, Chúa Giêsu thành Nadarét đã chịu đóng đinh, chịu chết và sống lại vào ngày thứ ba, như Giáo Hội Công Giáo vốn dạy từ đó.

II. Một phục sinh thiết thân (5/4/2015)
Dù các Kitô hữu ai cũng tin câu truyện Phục Sinh, nhưng nối kết nó một cách thiết thân là điều không dễ. Các biến cố ta nghe trong Tam Nhật Vượt Qua dường như không ăn uống chi với cuộc sống hằng ngày. Nhưng phải chăng các trình thuật này và câu truyện Chúa phục sinh không hề giao thoa chi với thế giới hiện nay? Thánh Phaolô cho ta hay “không bao giờ như thế cả!” Mỗi khoảnh khắc của tam nhật đều mang lại cho ta những tầm nhìn thấu suốt vào chính thế giới đương thời và cuộc sống hiện nay.

 Thứ Năm Tuần Thánh. Câu truyện Bữa Tối Cuối Cùng là một lời mời người Công Giáo suy niệm việc Chúa Giêsu thiết lập Phép Thánh Thể. Nhưng Tin Mừng Gioan, mà người Công Giáo được nghe vào Thứ Năm Tuần Thánh năm nay, tập chú vào một biến cố khác: rửa chân. Các học giả Thánh Kinh ngày nay đang tranh luận say sưa về việc liệu việc rửa chân nên được hiểu như một tấm gương “phục vụ khiêm nhường” (Raymond E. Brown, S.S.) hay như việc khai mở “cộng đoàn những người bình đẳng” (Sandra M. Schneiders, I.H.M.). Nhưng có lẽ cả hai cách hiểu đều đúng, và cả hai mô thức đều chủ yếu đối với người môn đệ hiện thời. Cộng đồng những người bình đẳng đòi việc phục vụ khiêm nhường, cả cho anh chị em ta trong Giáo Hội lẫn cho toàn thế giới. Và như Chúa Giêsu đã chứng tỏ khi Người rửa chân cho các môn đệ, phục vụ anh chị em ta đòi ta phải tiếp xúc thực sự, nghĩa là, bao gồm cả tiếp xúc thể lý nữa. Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng cho ta hay: cho người nghèo tiền chưa đủ, “nếu anh chị em không đụng tới họ, anh chị em chưa gặp gỡ họ”. Chính vì thế, ngài đã tới rửa chân cho các tù nhân của Nhà Tù Rebibbia: không rửa qua loa, mà là rửa cả bàn chân và dùng khăn lau sạch cả bàn chân ấy và trịnh trọng hôn lên nó, bất kể đó là bàn chân của ai, của đàn ông (6 người), của đàn bà (cũng 6 người), của người oan của người đáng bị tù… Còn có gì nói rõ hơn ý nghĩa bình đẳng? Và ý nghĩa phục vụ khiêm nhường?

Thứ Sáu Tuần Thánh. Các đau đớn của Chúa Giêsu thật độc nhất vô nhị: người thợ mộc Nadarét là người vô tội duy nhất chịu đau khổ. Nhưng những loại đau khổ mà Chúa Giêsu chịu trong cuộc Khổ Nạn của Người cũng đang được nhiều người nam nữ và trẻ em trên khắp thế giới chịu đựng: bách hại, tra tấn, giam tù và hành quyết. Bi thảm thay, một chính phủ tự nhận là dân chủ và tự do như Hoa Kỳ cũng vẫn đồng lõa trong việc tra tấn, tại các phòng giam đen tối ở Abu Ghraib và nhiều nhà tù khác của chính phủ. Chúa Giêsu bị giam giữ nhưng 1.5 triệu đàn ông đàn bà cũng đang bị giam giữ tại Hoa Kỳ, một tỷ lệ không quốc gia phát triển nào khác “địch nổi”. Còn án tử hình nữa, một án mà viên chức Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc vừa chính thức tuyên bố đi ngược lại giáo huấn Công Giáo, đã tìm được nạn nhân nổi danh nhất nơi Chúa Giêsu Kitô.
Một cách tổng quát hơn, tử đạo và những khủng khiếp kèm theo không phải là việc của quá khứ. Ta chỉ cần nhìn qua Trung Đông đủ để chứng kiến cảnh bách hại dã man các cộng đồng Kitô hữu, nhiều cộng đồng rất cổ xưa, bởi tay Nhà Nước Hồi Giáo Trị. Ngày nay, bằng quá nhiều cách, Chúa Kitô vẫn tiếp tục đau khổ trong nhiệm thể của Người.

Thứ Bẩy Tuần Thánh. Đây là ngày của những giấc mơ tan tành. Các môn đệ trốn sau cửa khép then cài, khiếp đảm sợ bị phát giác và xử tử. Dù sao, lãnh tụ của họ cũng vừa bị hành quyết một cách nhục nhã như chưa bao giờ tưởng tượng nổi. Hy vọng xem ra đã vỡ tan. Qúa nhiều tình huống trên thế giới (như các đe dọa của Nhà Nước Hồi Giáo Trị) xem ra chẳng còn chút hy vọng nào. Trên một bình diện địa phương hơn, chính phủ Hoa Kỳ đang bị kẹt cứng vào một tắc nghẽn vĩnh viễn. Chính phủ này có khả năng đưa ra được các biện pháp nghiêm túc để trợ giúp người nghèo, tu sửa hạ tầng cơ sở đang suy sụp và cải thiện hệ thống giáo dục đang dao động không? Trong Giáo Hội của ta, thì có vấn đề phải liên tục giải quyết di sản lạm dụng tính dục; nhiều người còn cảm thấy giáo dân vẫn còn bị cấm cản không được đảm nhận các chức vụ lãnh đạo và có thẩm quyền theo định chế. Chỉ cần nghĩ tới các thách đố này cũng đã thấy bị ngột ngạt rồi. Tuy nhiên, các môn đệ Chúa vẫn được mời gọi hy vọng dù giữa mù mờ và thất vọng. Vì họ khám phá ra rằng thất vọng không bao giờ là đáp án cả.

Chúa Nhật Phục Sinh. Các trình thuật Khổ Nạn sẽ vô nghĩa nếu không có Phục Sinh. Và chính ở đây, Sách Thánh giao thoa với đời sống ta cách mạnh mẽ. Đúng thế, chúng ta đau cái đau của thế giới tan vỡ, của giấc mơ tan tành và rõ ràng vô vọng. Nhưng Phục Sinh cho ta hay: đau khổ không bao giờ là lời nói cuối cùng, Thiên Chúa luôn là một Thiên Chúa của ngạc nhiên và không có gì là không thể đối với Người.
Một điển hình của đời sống mới hiện nay là triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Trước khi ngài được bầu, nhiều người cho rằng sẽ không có gì thay đổi trong Giáo Hội; thậm chí không nên thay đổi nữa. Nhưng khi nhậm chức, ngài đã đem tới một lối sống, một giọng điệu và một sự rõ ràng mới cho chức vụ giáo hoàng, mở ra nhiều phương cách mới để hoán cải và đưa ra quyết định, nói với người ta một cách mới mẻ và trực tiếp và lôi cuốn nhiều người từ lâu vốn coi Giáo Hội như không còn dính dáng gì tới họ nữa. Các hành động của ngài hướng chúng ta về Đấng Sống Lại, nguồn sự sống mới. Vì quả Chúa Kitô đã sống lại, đang sống và đang hoạt động trong hế giới chúng ta!

III. Tình yêu nhận ra Chúa Phục Sinh
Tình yêu lúc nào cũng làm ta vui thích: không gì vui bằng nhìn thấy hai người yêu nhau. Thế giới liên tiếp yêu thương và bênh vực những kẻ yêu nhau. Các truyện tình tràn ngập màn ảnh rạp hát, màn ảnh truyền hình và những tác phẩm bán chạy nhất. Ấy thế nhưng đồng thời thế giới hiện đại lại thường tin rằng tình yêu là mù quáng. Trong cái cuồng nhiệt của tình yêu, những kẻ yêu nhau mất cả khả năng nhìn sự vật như chúng thực sự là.
Tuy nhiên, không phải ai ai cũng chấp nhận thiên kiến trên. Thánh Augustinô từng viết: “hãy cho tôi một người yêu, và anh ta sẽ hiểu”. Vị thánh này hiểu rõ: cần một tình yêu sâu sắc mới mở được mắt ta và giúp ta nhìn thấy sự thật. Trái tim có những lý lẽ riêng. Thiên tài và thần học gia Blaise Pascal, khoảng 10 thế kỷ sau, cũng viết như thế. Tình yêu giúp ta biết và chia sẻ thực tại.
Trong hai tiểu truyện Ga 20:2-10 và Ga 21:1-14, người môn đệ yêu dấu đã được tình yêu huyền nhiệm dẫn dắt tới chỗ nhận ra Chúa Giêsu thực sự sống lại từ cõi chết. Ông bước vào ngôi mộ trống, thấy khăn liệm và tin (20:8). Tình yêu giúp người môn đệ yêu dấu lập tức kết luận rất đúng rằng Chúa Giêsu đã sống lại và đang sống.
Trong tiểu truyện thứ hai, người môn đệ yêu dấu là một trong bẩy môn đệ thức suốt đêm đánh cá trên Biển Hồ Tiberias. Tảng sáng, họ nhìn qua làn nước thấy người lạ gọi họ từ trên bờ. Nhưng tình yêu đã giúp người môn đệ yêu dấu nhận diện người đó là ai đang tới gặp họ vào lúc bình minh. “Chúa đó” (21:7). Một lần nữa, tình yêu lại đem ông tới chỗ biết sự thật và nhận ra Chúa Giêsu phục sinh.
Người môn đệ nhìn ngôi mộ trống và vươn tới đức tin vào Chúa phục sinh. Ông nghe giọng nói vào lúc bình minh vọng từ bờ hồ và biết mình đang ở trước mặt Chúa Giêsu. Cuộc sống ta không biết có bao nhiêu thị kiến và âm thanh. Tình yêu có thể biến những thị kiến và âm thanh đó thành những khoảnh khắc trong đó ta kêu lên “Chúa đó”.

“Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một trái tim để yêu Chúa. Rồi chúng con sẽ thực sự thấy Chúa, gặp gỡ Chúa không ngừng, và tín thác vào Chúa”.

Cũng thế, Maria Magđalêna gặp được Chúa Giêsu sống động vì bà đã trở lại ngôi mộ tìm kiếm xác Chúa Giêsu. Nước mắt bà dàn dụa (20:11, 13, 15). Giờ đây, bà thấy 2 thiên thần ngồi trong mộ như những vệ binh danh dự. Bà không xin họ giúp đỡ hay hỏi thông tin gì cả, mà chỉ giải thích tại sao bà khóc rồi quay lưng đi. Trong cơn buồn sầu tang chế và đầy yêu thương, bà chỉ lo sao tìm được xác Chúa Giêsu mà “họ” đã lấy đi và chôn ở đâu đây.
Rồi Maria thấy “người làm vườn” đứng trong vườn bên ngoài ngôi mộ mới chôn xác Chúa Giêsu (19:41). Đó chính là Chúa Giêsu sống lại, Ađam mới khai mở sáng thế mới. Các họa sĩ như Fra Angélico và Rembrandt đã cảm thức được điều gì đó trong cuộc gặp gỡ này mà các thần học gia đã bỏ lỡ: tính vui chơi hân hoan. Họ diễn tả Chúa Giêsu mang nón người làm vườn hay với dụng cụ trên vai. Sự hóa trang của Người đã làm chậm việc nhận ra Người trong giây lát.
 Maria tưởng “người làm vườn” di chuyển xác Chúa Giêsu nhưng dù thế vẫn mong được ông sẵn lòng giúp mình: “Thưa ông, nếu ông di chuyển Người đi, xin ông cho tôi hay ông chôn Người ở đâu, để tôi lấy Người đi”. Thế rồi, chỉ với một lời thôi, Chúa Giêsu đã thay đổi đời bà. Người gọi bà đích danh “Maria”.
Tin Mừng Gioan đã khai thác khá nhiều về nỗi sầu buồn của Maria đối với việc mất xác Chúa Giêsu. Bà khóc lúc ở ngoài mộ; bà khóc lúc cúi nhìn vào mộ. Hai thiên thần rồi chính Chúa Giêsu phục sinh đã hỏi cho biết lý do bà khóc. Giờ đây, thì bà biết Người đang sống một cách vinh hiển. Nhưng ngoài việc nói rằng bà quấn quít với Chúa Giêsu ra, Tin Mừng không cố gắng lột tả niềm vui của bà bằng lời. Với việc phục sinh Lazarô cũng thế. Thánh Gioan ghi nhận các dòng nước mắt và nỗi buồn sầu của Mácta, của Maria và của chính Chúa Giêsu đối với cái chết của Lazarô (11:19, 31), nhưng thận trọng không diễn tả niềm hạnh phúc của các vị đối với việc ông sống lại.
Trong Tin Mừng Gioan, không cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu nào khác sánh được sự tương phản giữa kỳ vọng của Magđalêna và kết cục của nó. Bà chỉ mong được giúp đỡ tìm ra một xác chết bị mất. Nhưng thay vào đó, bà học được điều này: sự chết không hề có bất cứ quyền lực sau cùng nào đối với Chúa Giêsu và bà có nhiệm vụ mang tới cho các môn đệ tin vui tối hậu này: “Tôi đã thấy Chúa”.


IV. Sắp xếp lại câu truyện Phục Sinh (6/4/2015)

Đọc các trình huật khác nhau về Phục Sinh trong bốn Tin Mừng, trong Công Vụ và trong các Thư của Thánh Phaolô, ta không khỏi thấy có nhiều sai biệt trong chi tiết, nhiều chi tiết khá quan trọng, nhất là trong các lần hiện ra vào ngày thứ nhất.
1. Các sai biệt
Sau đây là một số sai biệt:
(1). Bao nhiêu phụ nữ tới ngôi mộ vào sáng hôm đó, một (Ga 20:21), hai (Mt 28:1) hay ba (Mc 16:1)?
(2). Magđalêna một mình đi gặp Phêrô và Gioan (Ga 20) hay một số phụ nữ đi gặp các môn đệ (Mt 28; Mc 16)?
(3). Họ nhìn thấy bao nhiêu thiên thần ở đó vào sáng hôm đó, một (Mt 28:2; Mc 16:5) hay hai (Lc 24:4; Ga 20:12)?
(4). Các phụ nữ chạy tới gặp các môn đệ khác và kể cho các ngài hay những gì mình thấy (Mt 28:8; Lc 24:9) hay họ không nói gì vì sợ (Mc 16:8)?
(5). Chúa Giêsu gặp họ đầu tiên ở Galilê (Mc 16:7; Mt 28:9) hay ở Giêrusalem (Ga 20; Lc 24:36)?
(6). Trong các tông đồ, có phải Người hiện ra đầu tiên với Phêrô (Lc 24:34), tất cả 11 tông đồ cùng một lúc (Mt 28:16) hay 11 tông đồ trừ Tôma?
(7). Chúa Giêsu hiện ra với họ trong một căn phòng (Ga 20:19) hay trên một đỉnh núi (Mt 28:16)?
(8). Cuối cùng, Chúa Giêsu lên trời vào ngay Chúa Nhật Phục Sinh (Lc 24:50-53; Mc 16:19) hay 40 ngày sau (Cv 1:3, 9)?
2. Các giải thích
Đức Ông Charles Pope của Tổng Giáo Phận Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn giải thích như sau về những sai biệt trên:
(1). Bao nhiêu phụ nữ tới ngôi mộ vào sáng hôm đó, một (Ga 20:21), hai (Mt 28:1) hay ba (Mc 16:1)? Và họ nhìn thấy bao nhiêu thiên thần ở đó vào sáng hôm đó, một (Mt 28:2; Mc 16:5) hay hai (Lc 24:4; Ga 20:12)?
Một giải đáp ở đây là nhớ lại rằng cả Thánh Gioan lẫn Thánh Mátthêu đều không tuyệt đối bác bỏ việc ba người phụ nữ tới ngôi mộ hôm đó. Các ngài chỉ không nhắc tới con số 3 trong khi Thánh Máccô nhắc tới. Thánh Gioan đặc biệt muốn tập chú vào Maria Magđalêna và có thể thấy nhắc tới những người khác là điều không cần thiết. Ngoài ra, việc Thánh Máthêu và Thánh Máccô nhắc đến một thiên thần không nên bị coi là tuyệt đối bác bỏ 2 thiên thần của Thánh Luca và của Thánh Gioan.
Một giải đáp khác là đơn giản thừa nhận sự sai biệt trong các trình thuật nhưng nhấn mạnh sự kiện này là: con số phụ nữ và con số thiên thần không phải là trọng điểm. Trọng điểm là ngôi mộ được khám phá ra không có xác chôn bởi một hoặc vài phụ nữ và họ được chỉ thị thông báo cho các môn đệ điều mình thấy và nghe.
(2) Thánh Mátthêu (28:8) và Thánh Luca (24:9) viết rằng các phụ nữ đi và kể cho các môn đệ về ngôi mộ trống nhưng Thánh Máccô (16:8) viết rằng họ sợ nên không nói gì. Điều này đúng nhưng trong các câu tiếp theo (Mc 16:10), Maria Magđalêna quả có kể cho các tông đồ nghe. Thay vì mâu thuẫn với các vị khác, Thánh Máccô có thể muốn nói thêm chi tiết về sự sững sờ của các phụ nữ, đến nỗi thoạt đầu họ không nói được gì, nhưng sau đó, họ có cho các tông đồ hay.
(3) Thánh Máccô (16:7) và Thánh Mátthêu (28:9) cho biết, theo chỉ thị của thiên thần, Chúa Giêsu sẽ gặp họ tại Galilê, nhưng Thánh Luca (24:36) và Thánh Gioan (Ga 20) mô tả các lần hiện ra đầu tiên ở Giêrusalem. Về sai biệt này, ta cần nhớ rằng các tin mừng không được viết như những cuốn lịch sử theo thứ tự thời gian. Các soạn giả tin mừng chọn lựa các biến cố trong số nhiều điều Chúa Giêsu nói và làm và có thể cũng đã thay đổi thứ tự. Thánh Gioan (20:30; 21:25) minh nhiên tuyên bố rằng trình thuật của ngài có tính lựa lọc. Do đó, ta không nên kết luận rằng tin mừng nào cũng hoàn toàn chi tiết hóa mọi cuộc hiện ra sau phục sinh. Quả tình Thánh Máccô và Thánh Mátthêu chỉ nhắc đến các lần hiện ra ở Galilê. Như thế, các trình thuật này chỉ bao gồm các lời thiên thần chỉ thị phải trẩy đi Galilê vì các ngài không có ý định mô tả các lần hiện ra ở nơi khác. Nói cách khác, ta có thể suy đoán rằng các chỉ thị của thiên thần có thể có nhiều chi tiết hơn và bao gồm cả việc sẵn sàng gặp Chúa Giêsu đầu tiên ở Giêrusalem. Tuy nhiên, Thánh Mátthêu và Thánh Máccô bỏ qua các chi tiết này trong các trình thuật của mình vì các ngài không có ý định bao gồm các lần hiện ra ở Giêrusalem trong các trình thuật của mình. Điều này rất có thể không làm vừa lòng ý niệm của chúng ta về các trình thuật lịch sử: ta muốn được trình thuật mọi chi tiết. Nhưng, Sách Thánh vốn không ghi chép lịch sử theo lối ấy. Đúng hơn Sách Thánh lọc lựa trình thuật nào có liên quan tới lịch sử nhưng không tường trình nó cách thấu đáo. Cũng nên lưu ý: Thánh Mátthêu và Thánh Máccô không rõ ràng về khung thời gian của các cuộc hiện ra. Tuy nhiên, Thánh Luca và Thánh Gioan xác định lần hiện ra đầu tiên ở Giêrusalem và rõ ràng cho biết ngày ấy cũng là ngày Chúa sống lại. Do đó, ta có lý để kết luận rằng các cuộc hiện ra đầu tiên diễn ra ở Giêrusalem và các lần hiện ra sau đó diễn ra tại Galilê. Nói cách khác, các cuộc hiện ra ở Giêrusalem không hề mâu thuẫn với các cuộc hiện ra ở Galilê. Đúng hơn, chúng chỉ thêm các chi tiết mà Thánh Mátthêu và Thánh Máccô, vì lý do riêng, quyết định không bao gồm. Một kết luận như thế tuy có tính suy đoán, nhưng có thể giúp ta thấy rõ các trình thuật tuyệt đối không mâu thuẫn với nhau.
(4) Trong số các tông đồ, Chúa Giêsu hiện ra với Thánh Phêrô trước nhất (Lc 24:34), tất cả 11 tông đồ cùng một lúc (Mt 28:16), hay 11 tông đồ trừ Tôma (Ga 20:24)? Phần chắc là Chúa Giêsu hiện ra với Thánh Phêrô trước nhất dù không có trình thuật trực tiếp nào nói về việc hiện ra này trong Sách Thánh. Tin Mừng Luca có nhắc tới việc này: Ngay lúc ấy, họ (hai môn đệ trên đường Emmau) đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: "Chúa sống lại thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon" (24:33-34). Thánh Phaolô cũng ghi lại điều đó: "Người đã hiện ra với ông Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Giacôbê, rồi với tất cả các Tông Ðồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non" (1Cor 15: 5-8). Thành thử, Thánh Phêrô chắc chắn là người đầu tiên được Chúa hiện ra. Câu trích dẫn thư Thánh Phaolô vừa rồi cũng giúp ta nhớ lại rằng các trình thuật Tin Mừng luôn có tính lựa lọc cả đối với việc tường trình các lần hiện ra sau phục sinh. Do đó, khi đọc các trình thuật khác nhau, ta chỉ nhận được một phần của bức tranh toàn diện (xem Ga 20:30). Theo Thánh Phaolô, có những cuộc hiện ra với Thánh Phêrô, với 5 trăm môn đệ, và với Thánh Giacôbê. Chi tiết của các lần hiện ra này ta được tự do tưởng nghĩ. Điều này cũng có nghĩa ta không nên coi các trình thuật của Thánh Gioan và của Thánh Mátthêu, như đã được trích dẫn trên đây, là mâu thuẫn. Các trình thuật đó chắc chắn nói tới những lần hiện ra khác nhau.
(5) Chúa Giêsu hiện ra với họ trong một căn phòng (Ga 20:19) hay trên đỉnh núi (Mt 28:16)? Một lần nữa, ta không nên đặt hai bản văn này ở thế mâu thuẫn nhau. Phần chắc, chúng mô tả các lần hiện ra khác nhau. Vì khung thời gian của Thánh Gioan cho biết rõ ràng rằng các lần hiện ra ở thượng lầu diễn ra ngay trong Chúa Nhật Phục Sinh, nên ta có thể coi những cuộc hiện ra đó diễn ra trước nhất. Còn lần hiện ra ở trên đỉnh núi là ở Galilê và khung thời gian không rõ, nên có thể xẩy một hai ngày hay một hai tuần lễ sau.
(6) Chúa Giêsu lên trời ngay Chúa Nhật Phục Sinh (Lc 24:50-53; Mc 16:19) hay 40 ngày sau (Cv 1:3,9)? Thoạt nhìn, các bản văn của Thánh Luca và của Thánh Máccô xem ra muốn ngụ ý rằng việc lên trời xẩy ra cùng ngày với biến cố phục sinh. Tuy nhiên, đọc kỹ ta sẽ thấy: chúng khá mơ hồ về khung thời gian. Thánh Máccô bắt đầu đoạn dẫn tới việc lên trời bằng chữ “sau đó”. Bao lâu sau lần hiện ra trước không chắc chắn. Đoạn văn của Thánh Luca cũng mơ hồ như thế về thời gian. Tuy nhiên, Công Vụ (1:3,9), cũng do Thánh Luca viết, thì nói rất rõ ràng rằng thời gian xẩy ra việc lên trời là 40 ngày sau. Như thế, không nên coi Công Vụ đi ngược lại các trình thuật Tin Mừng; nó chỉ cung cấp các chi tiết không có trong các trình thuật ấy mà thôi. Vả lại, nếu nhận Thánh Luca là tác giả của cả Tin Mừng mang tên ngài và Công Vụ, thì làm sao ngài lại mâu thuẫn với chính ngài được?
Nói tóm lại, ta buộc phải nhận rằng các sách Tin Mừng không ghi chép lịch sử theo lối có hệ thống và tuyệt đối theo thứ tự thời gian như người hiện đại chúng ta. Nhưng quả chúng có ghi lại lịch sử, và ta phải chấp nhận các chứng cớ và trình thuật chúng cung cấp. Nhưng từ đó rút ra một khung thời gian chính xác cũng như mô tả chi tiết theo đúng thời gian của chúng là điều bất khả. Tuy nhiên, nếu nghiên cứu cẩn thận các bản văn, ta vẫn có thể làm được đôi điều trong khía cạnh này.
3. Sắp xếp lại
Sau khi đưa ra một số tạm gọi là giải thích như trên, Đức Ông Charles Pope cố gắng dựa vào suy nghĩ bản thân của một mục tử, chứ không hẳn một học giả Thánh Kinh, để đề xuất một sắp xếp lại, theo thứ tự thời gian, các biến cố chung quanh việc phục sinh của Chúa Giêsu cho có trình tự thống nhất.
(1). Buổi sáng ngày thứ nhất
A. Sáng sớm, một nhóm phụ nữ, trong đó có bà Maria Magđalêna, đến mộ để hoàn tất các phong tục chôn cất Chúa Giêsu (Mt 28:1; Mc 16:1; Ga 20:1).
B. Họ được báo động khi thấy cửa mộ bị mở ra.
C. Bà Maria Magđalêna chạy đi tìm ông Phêrô và ông Gioan để báo cho các ông về việc kẻ trộm lấy mất xác Thầy (Ga 20:2).
D. Các phụ nữ còn lại gặp một thiên thần; thiên thần này loan báo cho họ hay Chúa Giêsu đã sống lại và các bà phải cho các môn đệ biết điều ấy (Mc 16:5; Lc 24:4; Mt 28:5).
E. Thoạt đầu, họ rất sợ, nên đã rời khỏi mộ không dám nói gì với ai (Mc 16:8).
F. Lấy lại can đảm, họ quyết định tới gặp các Tông Đồ (Lc 24:9; Mt 28:8).
G. Trong khi ấy, ông Phêrô và ông Gioan đi ra mộ để điều tra lời kể của Bà Maria Magđalêna. Bà này theo họ trở lại mộ và đã đến đó trước khi họ rời khỏi. Ông Phêrô và ông Gioan khám phá ra ngôi mộ trống dù không gặp thiên thần nào. Ông Gioan tin việc phục sinh. Kết luận của ông Phêrô không được ghi lại.
H. Các phụ nữ khác đã tường thuật điều các thiên thần truyền cho các tông đồ. Ông Phêrô và ông Gioan chưa trở về và các tông đồ kia, thoạt đầu, không tin câu truyện của các phụ nữ (Lc 24:9-11).
I. Maria Magđalêna, còn nấn ná ở lại mộ, sùi sụt khóc và lo sợ. Lần này, nhìn vào mộ, bà thấy hai thiên thần; các vị thắc mắc không hiểu tại sao bà khóc. Lúc đó, Chúa Giêsu, từ đàng sau, tiến lại phía bà. Không nhìn thẳng vào Chúa Giêsu, bà nghĩ người này là người làm vườn. Rồi Người gọi tên bà, và bà, vì nhận ra tiếng Người, nên quay lại và thấy Người. Tràn ngập niềm, bà toan ôm lấy Người (cuộc hiện ra thứ nhất) (Ga 20:16).
J. Chúa Giêsu sai bà trở về gặp các tông đồ, cho họ biết nên chuẩn bị để Người hiện ra sau đó cùng ngày (Ga 20:17).
K. Các phụ nữ khác đã từ giã các tông đồ và có thể đang trên đường về nhà. Lúc đó, Chúa Giêsu hiện ra với họ (Mt 28:9) sau khi đã sai Maria Magđalêna đi. Người cũng sai họ trở lại với các tông đồ để báo cho họ hay Người đã sống lại và Người sẽ gặp các ông (cuộc hiện ra thứ hai).
(2). Buổi chiều và buổi tối ngày thứ nhất
A. Chiều cùng ngày, trên đường đi Emmau, hai môn đệ đang suy nghĩ những gì họ nghe đồn về việc Người sống lại, thì Chúa Giêsu từ đàng sau bước tới, nhưng họ không nhận ra Người. Chúa Giêsu mở lời trước tiên với họ, giảng giải cho họ, rồi vào bàn ăn với họ và cử hành Phép Thánh Thể, nhờ đó, mắt họ mở ra và họ nhận ra Người trong lúc bẻ bánh (cuộc hiện ra thứ ba) (Lc 24:13-30).
B. Hai môn đệ trở về Giêrusalem tối hôm đó và tới gặp 11 tông đồ. Thoạt đầu, các tông đồ không tin họ giống như các ngài đã không tin các phụ nữ (Mc 16:13). Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục kể lại những gì họ đã trải qua. Vào một lúc nào đó, ông Phêrô rời khỏi các tông đồ khác (có thể đi dạo chăng?). Và Chúa Giêsu hiện ra với ông (cuộc hiện ra thứ tư) (Lc 24:34; 1Cor 15:5); ông thông tri cho 10 tông đồ kia và lúc này họ tin. Nhờ thế, các môn đệ làng Emmau (lúc đó vẫn còn nấn ná với các tông đồ) được các tông đồ cho biết (có thể xin lỗi nữa) quả thực Chúa Giêsu đã sống lại (Lc 24:34).
C. Gần như cùng một lúc, Chúa Giêsu hiện ra với một nhóm nhỏ các tông đồ và hai môn đệ làng Emmau (cuộc hiện ra thứ năm). Ông Tôma vắng mặt (dù Tin Mừng Luca hàm ý cho là hiện ra với nhóm “mười một”, nhưng có thể đây chỉ là một cách chỉ chung nhóm tông đồ). Các ông “kinh hồn bạt vía” nhưng Chúa Giêsu làm các ông an lòng và dùng Sách Thánh mà giảng giải (Lc 24: 36 tt).
D. Có một số tranh luận về việc liệu Người có hiện ra với họ lần thứ hai trong đêm hôm đó hay không. Trình thuật Gioan có một dữ kiện khá khác với trình thuật Luca về cuộc hiện ra vào tối Chúa Nhật đầu tiên. Đây là một dữ kiện khác về cùng một trình thuật hay hoàn toàn về một câu truyện khác hẳn? Không ai có thể nói được. Tuy nhiên, vì dữ kiện quá khác nên ta có thể coi đây là (cuộc hiện ra thứ sáu) (Ga 20:19 tt) dù có phần chắc nó là một với cuộc hiện ra thứ năm.
(3) Tạm ngưng
A. Không có dữ kiện Thánh Kinh nào cho thấy Chúa Giêsu hiện ra với họ trong tuần lễ ấy nữa. Trình thuật phục sinh sau đó viết rằng “tám ngày sau” tức Chúa Nhật kế tiếp.
B. Ta biết rằng các tông đồ có nói với ông Tôma rằng họ đã được thấy Chúa nhưng ông khước từ không tin (Ga 20:24).
C. Các tông đồ có bồn chồn hay không về việc Chúa Giêsu không hiện ra mỗi ngày? Ta không biết, Tân Ước hoàn toàn im lặng không cho biết việc gì đã xẩy ra trong thời gian gián đoạn này.
(4) Một tuần sau, Chúa Nhật thứ hai
A. Chúa Giêsu lại hiện ra (cuộc hiện ra thứ bẩy) khi các tông đồ đang hội họp. Lần này, ông Tôma cùng hiện diện với họ. Người mời gọi ông Tôma tin và giờ đây, ông tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa và là Thiên Chúa (Ga 20:24-29).
(5). Tạm ngưng
A. Các tông đồ nhận được chỉ thị phải trở về Galilê (Mt 28:10; Mc 16:7) nơi họ sẽ thấy Chúa Giêsu. Như thế, họ phải dành mấy ngày trong tuần lễ để vượt đoạn đường 60 dặm lên phía Bắc.
(6). Một thời gian sau
A. Khung thời gian của cuộc hiện ra kế tiếp khá mơ hồ. Thánh Gioan chỉ nói: “Sau đó”. Có thể sau mấy ngày hay một tuần không chừng. Khung cảnh là Biển Hồ Galilê. Không đủ 12 tông đồ hiện diện. Họ đi đánh cá, và Chúa Giêsu gọi họ từ bờ hồ. Họ lên bờ và gặp Người (cuộc hiện ra thứ tám). Thánh Phêrô có cuộc thảo luận cảm động với Chúa Giêsu trong cuộc hiện ra lần này và được ủy nhiệm chăm sóc đoàn chiên của Chúa Kitô (Ga 21).
B. Cuộc hiện ra với hơn 500 người. Không có trình thuật nào về cuộc hiện ra này cả, tuy hiện ra với số thật đông người. Chỉ có Thánh Phaolô nhắc qua tới nó (1Cor 15:6) (cuộc hiện ra thứ chín). Cuộc hiện ra này diễn ra ở đâu? Hiện ra thế nào? Phản ứng với nó ra sao? Ta không biết. Chứng tỏ một lần nữa Thánh Kinh không phải là sách lịch sử theo nghĩa qui ước. Đúng hơn, nó là một câu truyện lựa lọc những điều đã xẩy ra, chứ không kể hết mọi chi tiết (xem Ga 20:30).
C. Cuộc hiện ra với ông Giacôbê. Cả ở đây, ta cũng không có mô tả nào về cuộc hiện ra này, chỉ căn cứ vào lời Thánh Phaolô cho biết quả nó có xẩy ra (1Cor 15:7) (cuộc hiện ra thứ mười). Khung thời gian không rõ. Chỉ biết xẩy ra sau khi Chúa Giêsu đã hiện ra với hơn 500 người và trước lần hiện ra cuối cùng với các tông đồ.
(7). Phần còn lại của 40 ngày
A. Chắc chắn Chúa Giêsu còn tiếp tục có những cuộc hiện ra khác với các môn đệ. Thánh Luca chứng tỏ điều này trong Công Vụ khi ngài viết tại 1:3: Có nhiều bằng chứng cho thấy sau cuộc khổ hình, Người cho họ thấy Người bằng cách hiện ra với họ trong 40 ngày, và nói với họ về Nước Thiên Chúa.
B. Trong thời gian trên, có lẽ có một lần hiện ra như đã được Thánh Mátthêu (Mt 28: 16tt) và Thánh Máccô (Mc 16:14tt) ghi lại. Lần hiện ra này diễn ra trên “một đỉnh núi ở Galilê”. Thánh Máccô viết thêm: họ đang nằm ở bàn ăn. Vì thế, ta có thể gọi lần hiện ra này là (cuộc hiện ra thứ mười một). Chính ở lần hiện ra này, Chúa Giêsu trao nhiệm vụ lớn cho họ. Dù bản văn của Thánh Máccô xem ra muốn hàm ý rằng Chúa Giêsu lên trời từ đỉnh núi này, nhưng một kết luận như thế có hơi vội vã vì Thánh Máccô chỉ muốn nói rằng Chúa Giêsu chỉ lên trời “sau khi đã nói với các ông” (Mc 16:19).
Hiển nhiên, Chúa Giêsu cũng đã bảo họ trở lại Giêrusalem, ít nhất cũng vào khoảng cuối thời kỳ 40 ngày. Ở đó, họ sẽ tham dự Lễ Ngũ Tuần. Ta có thể tưởng tượng còn nhiều cuộc hiện ra thường xuyên nữa với những giáo huấn liên tục, vì Thánh Luca ghi lại rằng Chúa Giêsu “ở lại với họ”. Phần lớn những lần hiện ra và giáo huấn này đã không được ghi lại. Trong Công Vụ, Thánh Luca viết rằng: Và trong khi ở với họ, Người dặn các ông không được rời Giêrusalem, nhưng phải đợi lời hứa của Chúa Cha, một lời hứa được Người cho hay “các con đã nghe từ Thầy, là Gioan rửa bằng nước, nhưng ít ngày nữa, các con sẽ được rửa bằng Chúa Thánh Thần” (Cv 1:4).
(8). Lần hiện ra cuối cùng và lên trời:
A. Sau 40 ngày hiện ra và giáo huấn, ta có trình thuật sau cùng về cuộc hiện ra sau hết (cuộc hiện ra thứ mười hai) theo đó, Người dẫn họ tới một nơi gần Bethany, dặn dò họ lần sau cùng là chờ đợi ở Giêrusalem cho tới khi Chúa Thánh Thần được sai tới. Và rồi Người được nâng lên trời ngay trước mặt họ (Lc 24:50-53; Cv 1:1-11).
Đó là trình tự rất có thể có và theo thứ tự thời gian của các cuộc hiện ra sau phục sinh, một tổng hợp nhằm gom lại mọi dữ kiện và trình bày chúng theo một thứ tự hợp luận lý. Dĩ nhiên, ta không thể chờ mong một trình thuật Thánh Kinh hoàn toàn viết theo một khung thời gian và trình tự hợp luận lý, vì các bản văn Thánh Kinh vốn chủ yếu không có ý định này.
Như trên đã nói, Sách Thánh là các trình thuật có lọc lựa, dựa trên câu truyện hơn là theo phương thức viết lịch sử ngày nay, một phương thức có tính báo chí. Sách Thánh thường thu thập các lời nói và việc làm của Chúa Giêsu quanh một chủ đề thần học nào đó, hơn là theo một dòng thời gian chính xác. Các sách Tin Mừng không có ý tường thuật thấu đáo mọi điều Chúa Giêsu nói và làm trong hết mọi chi tiết chính xác của chúng (xem Ga 20:30; 21:25). Đúng hơn, các soạn giả Tin Mừng chọn lựa những gì phù hợp với mục tiêu thần học của họ.
Tuy nhiên, dù biết thế, ta vẫn phải biết rõ rằng các sách Tin Mừng đều là các trình thuật lịch sử, theo nghĩa chúng thuật lại những điều Chúa Giêsu thực sự nói và làm (xem Dei Verbum số 19).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét