Tỉnh ngộ
(Chúa Nhật III PS, năm B)
(Tue,
14/04/2015 - Trầm Thiên Thu-thanhlinh.net)
Cuộc đời
là bến mê lầm. Sai một ly, đi một dặm. Phải luôn cố gắng tỉnh thức để thoát
khỏi mọi cạm bẫy. Thoát ly như vậy là tỉnh ngộ – thoát khỏi ngu muội. Điều này
vô cùng cần thiết, vì chính Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Anh em hãy canh thức và
cầu nguyện để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác
lại yếu hèn” (Mt 26:41; Mc 14:38).
Phật giáo
dùng từ “giác ngộ” (zh. 覺悟, sa., pi. bodhi). Danh từ này
được dịch nghĩa từ chữ “bodhi”
(bồ-đề) trong Phạn ngữ. Từ ngữ này chỉ trạng thái tỉnh thức, lúc con
người bỗng nhiên trực nhận tính KHÔNG, bản thân nó là “không” như toàn thể vũ trụ cũng là “không” vậy.
Và chỉ với
trực nhận đó, con người mới thấu hiểu được “thể
tính mọi hiện tượng”. Tính “không” ở đây KHÔNG phải sự trống
rỗng thông thường mà nói về một thể tính vô biên, không thể dùng suy
nghĩ hoặc cảm nhận để đo lường, vì điều đó nằm ngoài cặp đối “có – không”. Tính “không” này không phải là một đối tượng để một chủ thể tiếp cận, vì
bản thân chủ thể cũng thuộc về nó. Do đó, giác ngộ là một kinh nghiệm không thể
giãi bày.
Kinh Thánh
nhắc lại Người Tôi Tớ Đau Khổ và cũng “chạm”
vào ký-ức-buồn của chúng ta, tức là sự ngu muội của chúng ta: “Thiên Chúa
của các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, Thiên Chúa của cha ông chúng ta,
đã tôn vinh Tôi Trung của Người là Đức Giêsu, Đấng mà chính anh em đã nộp
và chối bỏ trước mặt quan Philatô, dù quan ấy xét là phải tha. Anh em đã
chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho một
tên sát nhân. Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa
đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết: về điều này, chúng tôi xin làm chứng”
(Cv 3:13-15).
Thánh
Phêrô dõng dạc làm chứng về Đức Giêsu Kitô và thông cảm với sự ngu muội của
chúng ta: “Thưa anh em, giờ đây tôi biết anh em đã hành động vì không
hiểu biết, cũng như các thủ lãnh của anh em. Nhưng, như vậy là Thiên Chúa
đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó
là: Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở
lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em” (Cv
3:17-19). Thiên Chúa nhân từ và giàu lòng thương xót, Ngài chỉ cần chúng ta
hối hận thật lòng thì Ngài sẽ tha thứ ngay. Điều này đã được Thiên Chúa hứa từ
ngàn xưa rồi: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có
thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is 1:18). Và chính tướng cướp
Diasmas đã được hưởng lời hứa đó ngay trên Núi Sọ: Theo Chúa Giêsu vào thẳng
Thiên Đàng (Lc 23:43), dù “đại ca”
này chưa hề biết gì về Chúa Giêsu và chưa lãnh nhận Bí tích Rửa tội.
Thiên Chúa
quá đỗi nhân lành, nhất là với những người thành tâm sám hối: “Lạy Thiên
Chúa là đèn trời soi xét, khi con kêu, nguyện Chúa đáp lời. Lúc ngặt nghèo,
Chúa đã mở lối thoát cho con, xin thương xót nghe lời con cầu khẩn” (Tv 4:2).
Ngoài Thiên Chúa, chắc chắn chẳng có thần linh nào hoặc phàm nhân nào khả dĩ
cho chúng ta cuộc sống hạnh phúc. Hãy cầu nguyện liên lỉ, hãy không ngừng nài
xin: “Lạy Chúa, xin toả ánh tôn nhan Ngài trên chúng con” (Tv 4:7).
Khi có
Ngài rồi thì cứ “vô tư” mà sống. Chả
lo lắng chi cho già người đi. Thật vậy, tác giả Thánh Vịnh đã chia sẻ kinh
nghiệm thoải mái này: “Thư thái bình an vừa nằm con đã ngủ, vì chỉ có mình
Ngài, lạy Chúa, ban cho con được sống yên hàn” (Tv 4:9). Mèn ơi! Thế thì
thật là hạnh phúc, sướng ơi là sướng!
Thánh
Gioan muốn chúng ta tỉnh ngộ nên đã nhắn nhủ: “Hỡi anh em là những người con
bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội.
Nhưng nếu ai phạm tội thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó
là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính“” (1 Ga 2:1). Không nên phạm tội, đó là
điều chính đáng, nhưng tay lỡ “nhúng
chàm” thì lại được Luật Sư uy tín biện hộ cho chúng ta, đó là chính Chúa
Giêsu. Thế thì còn gì sướng hơn nữa chứ?
Thánh
Gioan cho biết: “Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta,
không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1 Ga
2:2). Trên cả tuyệt vời, vì chính Chúa Giêsu cũng đã mặc khải cho Thánh nữ
Faustina: “Lòng
thương xót của Ta lớn hơn tội lỗi của con và toàn thế giới” (Nhật
Ký, số 1485). Mọi diễn biến từ Cựu Ước tới Tân Ước đều lô-gích, chính xác,
không chút sai lệch. Thật là mầu nhiệm biết bao!
Điều kiện
thứ nhất là “đừng phạm tội”, điều
kiện thứ hai là “tuân giữ các điều răn” – nhất là điều răn bác ái.
Đức ái là một trong ba đức đối thần, nhưng là nhân đức quan trọng nhất. Tại
sao? Vì đức mến còn mãi mãi, trên Thiên Đàng chỉ còn đức mến, không còn đức tin
và đức cậy (hy vọng).
Thánh
Gioan phân tích: “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết
Thiên Chúa: là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai nói rằng mình biết
Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật
không ở nơi người ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên
Chúa đã thực sự nên hoàn hảo” (1 Ga 2:3-5). Thánh Phaolô cũng nói: “Anh
em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã
chu toàn Lề Luật. Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình,
không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các
điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như
chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu
toàn Lề Luật vậy” (Rm 13:8-10). Người biết yêu mến là người chu toàn lề
luật của Thiên Chúa, đó là người mặc lấy con người mới, sống niềm vui phục
sinh, tức là đã tỉnh ngộ.
Sau khi
phục sinh, một hôm ở trên đường Emmaus (*), Chúa Giêsu gặp hai môn đệ và giải
thích cho họ những gì liên quan đến Ngài trong tất cả Sách Thánh, bắt đầu từ
ông Môsê và tất cả các ngôn sứ. Họ không hề biết đó là Chúa-Giêsu-phục-sinh.
Khi đồng bàn với họ, Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ.
Mắt họ đã mở ra, tỉnh ngộ, và nhận ra Ngài, thế nhưng Ngài lại biến mất (Lc
24:27-30).
Lần khác,
khi các môn đệ còn đang nói, chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và chúc bình an
cho họ. Các ông kinh hồn bạt vía, cứ tưởng là thấy ma. Tá hỏa tam
tinh. Run sợ thật đấy! Nhưng Ngài cười và bảo: “Này các cậu, sao lại
hoảng hốt thế nhỉ? Sao lòng anh em còn ngờ vực chứ? Này, nhìn chân tay Thầy
coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy
có đây?” (Lc 24:38-48). Rồi Ngài đưa tay chân ra cho các ông xem. Ừ nhỉ! Ma
đâu có thế này, đúng là thần hồn nhát thần tính. Chán thật!
Các ông
còn bán tín bán nghi, chưa dám tin thật, phần vì mừng quá, phần vì ngỡ ngàng.
Chúa Giêsu thấy mắc cười lắm, Ngài hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không nào?
Đem ra đây cho Thầy ăn!”. Các ông đưa cho Ngài một khúc cá nướng. Ngài cầm
lấy và ăn ngon lành trước mặt các ông. Mấy ông nhéo nhau, ai cũng la oái, thế
thì không phải mơ, tỉnh thật đấy.
Rồi Ngài
ôn tồn: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những
gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải
được ứng nghiệm” (Lc 24:44). Bấy giờ Ngài mở trí cho các ông hiểu Kinh
Thánh. Ngài nhấn mạnh: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ
hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng
cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính
anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24:46-48).
Lạy Thiên
Chúa toàn năng, xin mở lòng trí chúng con để chúng con đủ sức hiểu rõ lời Kinh
Thánh, xin giúp chúng con biết tỉnh ngộ để chúng con chân tín Đức Giêsu Kitô là
Con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ chúng con, đồng thời cũng luôn biết sống yêu
thương và can đảm làm chứng về Đấng Phục Sinh. Ngài là Đấng hằng sinh và hằng
hữu, hiển trị cùng với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở
muôn đời. Amen.
TRẦM
THIÊN THU
(*) Emmaus
là viết theo tiếng Latin, tiếng Hy Lạp là Ἐμμαούς, tiếng Ả Rập là عِمواس
(Imwas), tiếng Do Thái là חמת (Hammat), có nghĩa là “mùa xuân ấm áp”. Emmaus
cách Giêrusalem 7 dặm, khoảng 11 km.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét