Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Những đứa trẻ không vận ngày ấy - bây giờ



Những  đứa  trẻ  không  vận  ngày  ấy  -  bây  giờ
(Thứ tư, 8/4/2015 –VnEpress.net)



40 năm sau chiến dịch không vận Mỹ đưa khoảng 3.000 trẻ Việt ra nước ngoài, những đứa bé ngày ấy nay có người may mắn tìm được gia đình, người vẫn không ngừng tìm kiếm gốc gác, người chọn Việt Nam để sinh sống lâu dài.
Landon Carnie và người chị song sinh Lorie Carnie nằm trong số 230 đứa trẻ trên chuyến bay chở cô nhi rời khỏi Sài Gòn vào ngày 4/4/1975. Mẹ của Landon đã mất sau khi sinh con. Kinh tế gia đình không đảm bảo việc chăm sóc các con chu đáo, người bố gửi 2 đứa con vào cô nhi. Bức ảnh hiếm hoi chụp thời thơ ấu của Landon và chị gái được bế trong vòng tay của người chăm sóc tại một tỉnh miền Tây Nam Bộ, không rõ thời gian chụp, trước khi chuyển lên Sài Gòn và đưa sang Mỹ. Chuyến bay ấy trở thành thảm họa khi chiếc máy bay C5A rơi ở cánh đồng gần sân bay Tân Sơn Nhất sau cất cánh không lâu. Số người thiệt mạng trong vụ tai nạn theo tuyên bố của giới chức Mỹ là 153 người, trong đó có 78 trẻ em Việt Nam. Hai chị em Landon may mắn thoát chết khi văng ra ngoài cánh đồng và không bị thương. Một ngày sau, cả hai được một người nông dân phát hiện và tiếp tục được đưa sang Mỹ trong chuyến bay sau đó. Ảnh do nhân vật cung cấp.  


Đến Mỹ, Landon và chị gái được một gia đình tại bang California nhận nuôi. Năm 2002, anh quyết định trở về Việt Nam sinh sống và lập nghiệp. Hiện Landon là giảng viên ngành truyền thông tại Đại học RMIT Việt Nam. 13 năm sống tại Việt Nam, gần đây Landon mới có dịp trở lại nơi xảy ra tai nạn máy bay kinh hoàng năm xưa. Chị gái anh hiện tại vẫn sống ở Mỹ. Ảnh nhân vật cung cấp. 



Bức ảnh Nguyễn Ngọc Như (Tricia Houston) được gia đình nuôi chụp lúc mới sang Mỹ. Ngọc Như được sinh ra là kết quả tình yêu giữa ông Phan Minh Triết và bà Nguyễn Thị An trong thời chiến tranh khốc liệt, họ lạc mất nhau. Đứa con sinh ra trong cảnh thiếu thốn, người mẹ gửi Như cho Hội Dục Anh, sau đó Như được cô nhi viện trong nhà thờ Hàng Xanh - Gia Định nhận về nuôi. Tháng 4/1975, Ngọc Như cùng những đứa trẻ khác trong cô nhi viện được chuyển sang Mỹ theo chương trình Babylift. 30/4/1975, ông Triết trở lại Sài Gòn tìm con nhưng bặt vô âm tín, ngoài tên con, ông không có di ảnh hay bất cứ giấy tờ gì. Suốt 38 năm ông không ngơi nghỉ ý định tìm kiếm cô con gái thất lạc. Một cơ duyên bất ngờ khi thông tin tìm con 38 năm của ông được đăng trên Facebook và đến với một người bạn của Ngọc Như bên Mỹ. Kết quả ADN trùng khớp đã kết nối 2 cha con cách nhau nửa vòng trái đất, họ tìm thấy nhau sau gần 40 năm thất lạc. Hai cha con thư từ qua lại trước khi cô con gái chính thức về Việt Nam tháng 4/2015. Ảnh gia đình cung cấp. 


Nguyễn Ngọc Như về thăm cha ruột ở quận 4, TP HCM, đầu tháng 4 vừa qua. Trong bộ đồ bà ba cha may cho, cô được trở về quê nhà ở An Giang, được viết tên trên gia phả của dòng họ, khiến cô cảm thấy có sự gắn kết và xúc động. Ngọc Như đang là giáo viên tiểu học ở Mỹ. Ảnh gia đình cung cấp. 


Số phận cô bé Chantal Doecke cũng thay đổi hoàn toàn từ chương trình không vận của Mỹ năm 1975. Cô nằm trong số gần 300 trẻ em Việt Nam có mặt trên chuyến bay rời Sài Gòn sang Australia ngày 5/4/1975. Bức ảnh do gia đình nuôi chụp Chantal thuở bé. Ảnh: ABC 


Chantal Doecke cùng hai con của mình, Jordan, 12 tuổi và Brooklyn 5 tuổi hiện nay. Chính lúc sinh hai đứa con nhỏ đã đánh thức những trăn trở về nguồn gốc ở người phụ nữ gốc Việt. Cô đã không ngừng tìm kiếm gia đình ruột thịt của mình suốt những năm qua nhưng không thành. Ảnh: ABC 


Viktoria Cowley tên tiếng Việt là Trần Thị Minh Trang (cô bé nằm giữa) trên chuyên cơ rời Việt Nam khi chỉ vừa 18 tháng tuổi. Cô là một trong 99 đứa trẻ trong chương trình Babylift được đưa sang London, Anh. Trong trí nhớ mong manh của mình, cô thấy mẹ đẻ vẫn còn sống khi cô rời VN. Viktoria Cowley sinh năm1973, được đưa vào Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi Lâm Ty Ni tại Gia Định - Sài Gòn, cùng với một người anh trai khi ấy cũng bé xíu giống cô. 


Cô bé mang hai dòng máu được gia đình ở East Sussex nhận làm con nuôi ngày 6/1/1976 và đặt tên là Viktoria Cowley. Lớn lên cô theo nghề cảnh sát, lấy thời điểm trở thành thành viên của gia đình cha mẹ nuôi làm ngày sinh nhật. Năm 2010, lúc 35 tuổi, lần đầu tiên cô gái được về Sài Gòn, thăm trung tâm Lâm Ty Ni, nay là một trường học ở quận Bình Thạnh, TP HCM. Đoàn làm phim BBC đã theo chân cô đến Việt Nam để ghi hình chuyến thăm quê hương đầu tiên của người phụ nữ Anh gốc Việt sau 35 năm xa cách. Viktoria đang sống ở Eastbourne, Anh, vẫn tha thiết tìm mẹ và anh trai của mình. Cô chia sẻ: "Rất vui được chứng kiến cuộc sống người Việt Nam, tôi cảm thấy như đang ở nhà nên sẽ lên kế hoạch về thăm quê hương càng nhiều càng tốt". Ảnh BBC.

 Khánh Ly

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét