Thứ Tư, 25 tháng 5, 2016

Bạn Đã Được Cứu Độ Chưa?





Bạn  Đã  Được  Cứu  Độ  Chưa?

27 Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi.28 Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi.29 Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha.30 Tôi và Chúa Cha là một." (Ga 10:27-30)

Bài Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Phục Sinh này nhắc làm tôi nhớ lại một cuộc đối thoại ngắn giữa một người bạn Tin Lành làm cùng sở với tôi về Ơn Cứu Độ.

Một ngày kia có một cô bé vừa tốt nghiệp Đại Học đến làm chung sở với tôi. Tình cờ cô biết tôi là người Công Giáo nên tò mò bắt chuyện.  Cô hỏi tôi bằng tiếng Anh “Are you saved?” tạm dịch là “Chú đã được cứu độ chưa?”  Cô cho tôi biết rằng trước kia cô là người Công Giáo, nhưng bây giờ cô là “Christian” và cô chắc chắn rằng cô được rỗi vì cô đã tin vào Đức Kitô và đã chấp nhận Người là Cứu Chúa của cá nhân cô bởi Người đã hứa với tất  cả những ai tin vào Người là: “Tôi sẽ ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng bị diệt vong, và không ai cướp được chúng khỏi tay Tôi.” (Ga 10:28).  Rồi cô nhìn tôi cách đắc thắng và nói: “Chú thấy không, đâu cần phải xưng tội, rước lễ, thờ bà Maria, xin các thánh, và làm đủ mọi thứ việc lành như đạo Công Giáo dạy, mà vẫn chưa chắc đã được rỗi, trong khi đó theo đạo của cháu, chỉ cần tin Chúa thôi!  Đạo Công Giáo bày đặt ra đủ thứ ngoài Thánh Kinh để làm tiền và nô lệ hóa giáo dân, còn đạo Tin Lành chỉ dựa vào Thánh Kinh, và Thánh Kinh nói rõ rằng chúng ta chắc chắn được rỗi nếu chúng ta tin vào Ðức Kitô (Ga 10:28). Dù phạm tội và bị xa lìa Thiên Chúa (Rom 3:23), nhưng chúng ta vẫn biết chắc là mình sẽ lên Thiên Ðàng, vì Thiên Chúa thương yêu chúng ta (Ga 3:16) và Chúa Giêsu đã chết thay cho chúng ta (Rom 5:8). Bằng cách ăn năn tội lỗi và nhận Ðức Kitô vào tâm hồn chúng ta, chúng ta được cứu thoát khỏi Hỏa Ngục (TÐCV 3:19; Kh 3:20). Như thế là được cứu rỗi, và một khi được cứu rồi thì không thể xuống Hỏa Ngục nữa, như Chúa đã hứa trong câu Gioan  10:28 ở trên. Chú thấy không, chỉ cấn biết chân lý và ‘chân lý giải phóng chúng ta’ (Ga 8:32)”.  Cô bé thuyết pháp một cách rất hùng hồn, tự nhiên và nhiệt tình.  Cô thuộc làu Thánh Kinh, còn nhớ từng số đoạn và câu. Hồi lâu không thấy tôi trả lời, tưởng là đã thuyết phục được tôi, cô đưa tôi một tờ giấy nhỏ và nói tiếp: “Chú đọc tờ này và chỉ cần theo công thức trong đó mà tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu là chú chắc chắn được cứu độ và được giải thoát khỏi ách nô lệ của đạo Công Giáo như cháu!” 

Thực sự cô đã đưa ra một ít chân lý căn bản của Kitô giáo, nhưng chưa trọn vẹn Ðức Tin Kitô giáo.  Người Tin Lành có khuynh hướng học thuộc lòng một số câu Thánh Kinh tủ rồi dùng chúng để chứng minh niềm tin của họ.  Để xác tín điều người Công Giáo chúng ta tin là đúng, chúng ta cũng phải dựa vào Kinh Thánh, nhưng phải dựa vào toàn thể Thánh Kinh.

Hãy bắt đầu với câu Gioan 3:16: “Vì Thiên Chúa quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Ngài, để ai tin vào Người thì không bị hư mất, nhưng được sống đời đời”.

Câu này là một câu thật chính xác và đẹp đẽ của sứ điệp Tin Mừng.  Thiên Chúa yêu chúng ta quá sức đến nỗi đã sai Con Một Ngài, là Ðức Chúa Giêsu Kitô, đển để chết trên Thánh Giá mà cứu chúng ta khỏi Hỏa Ngục (Rom 5:16-11).  Ơn Cứu Ðộ của chúng ta là một món quà nhưng không của Thiên Chúa, mà  Ðức Kitô đã mua. Chúng ta không làm gì để chiếm được Thiên Ðàng nên chúng ta đừng tự hào (Eph 2:8).  Chúng ta được cứu độ nhờ Ðức Kitô qua việc tin vào Ðức Kitô.  Nhưng "Tin" là gì?

Nhưng câu Gioan 3:16 chưa diễn tả trọn vẹn học thuyết cứu độ. Chúng ta phải hiểu câu này trong phạm vi của toàn thể mặc khải, vì chỉ hai mươi câu sau,Tin Mừng viết: “Ai tin (pisteuon) vào Chúa Con, thì được sống đời đời; nhưng ai không vâng phục (apeithon) Chúa Con, thì không được thấy sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên người ấy” (Ga 3:36).

Theo chữ Hy Lạp apeithon là "vâng phục" mà nhiều sách dịch sai là “tin”. Ðộng từ này liên kết "niềm tin vào Ðức Kitô" với sự "vâng phục Ðức Kitô."  Bây giờ trở lại câu Gioan 10:28. Trước khi hứa “ban sự sống đời đời”, Chúa nói trong câu 27: “Chiên của Tôi thì nghe tiếng Tôi; Tôi biết chúng và chúng theo Tôi.” Như thế Chúa cũng đòi hỏi Chiên của Chúa phải nghe và theo Chúa, tức là phải vâng phục Chúa, mới được cứu độ. Ở những nơi khác, Thánh Phaolô cũng liên kết đức tin với vâng phục như "vâng phục đức tin" (Rom 1:5) và với việc lành như "đức tin hoạt động qua đức ái" (Gal 5:6).  Cũng có câu: "Nhờ đức tin, ông Abraham,.., đã vâng lời" (DT 11:8). Vậy theo Thánh Kinh "Tin" có nghĩa là "vâng phục." Chúng ta không thành tâm tin vào Ðức Kitô, nếu chúng ta không tuân phục Giới Răn của Thiên Chúa và phạm tội (Gia 2:18-26).  Tội lỗi làm đức tin dừng lại (DS 5:6-7).  Mà vâng phục Chúa thì cũng phải vâng phục Hội Thánh, vì Chúa đã nói với ncác Tông Đồ: “Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy” (Lc 10:16).

Như một hậu quả của tội Ađam (Rom 5:12) và tội trọng của chúng ta, chúng ta chối bỏ Thiên Chúa và đánh mất sự sống đời đời, đáng sa Hỏa Ngục. Nên nhớ rằng Hỏa Ngục không phải là hình phạt của Thiên Chúa, nhưng là hậu quả tất nhiên của việc chối từ Thiên Chúa là nguồn mạch Sự Sống và Tốt Lành. Tội lỗi của chúng ta xúc phạm đến Tình Yêu Thiên Chúa. Không có gì chúng ta có thể làm để đền bù sự xúc phạm vô lường này được. Nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, Ðức Kitô đã cứu chuộc chúng ta khỏi Hỏa Ngục qua Cuộc Khổ Nạn và Hiến Lễ của Người trên Thánh Giá. Như một món quà nhưng không (Tit 3:5), Thiên Chúa tha cho chúng ta và ban cho chúng ta ân sủng để sống với Ngài trong tình bằng hữu cho đến muôn đời, khởi đầu từ Bí Tích Rửa Tội (Mc 16;16; 1 Phr 3:21; TÐCV 2:38). Trong Bí Tích Rửa Tội, chúng ta nhận được Ơn Thánh Hóa, làm cho chúng ta nên công chính trước mặt Thiên Chúa (TÐCV 22:16; 1 Cor 6:9-11).

Giờ đây chúng ta chắc chắn rằng mình được cứu độ bởi Đức Kitô qua Bí Tích Rửa Tội, nhưng chúng ta vẫn có quyền tự do chọn lựa chối từ món quà này bằng cách phạm tội trọng, như Thánh Phaolô viết: “Tiền công tội lỗi là sự chết; còn hồng ân nhưng không của Thiên Chúa là sự sống đời đời trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Rom 6:23). Trong câu này, sự sống đời đời là Thiên Ðàng, và sự chết là Hỏa Ngục. Thiên Ðàng là món quà Thiên Chúa ban cách nhưng không, nhưng chúng ta vẫn có thể chiếm được Hỏa Ngục bằng cách phạm tội trọng. Tương tự như vậy, quyền công dân tự do của tôi là món quà của tổ tiên, nhưng nếu tôi phạm pháp, thì tôi có thể đi tù.  Thánh Phaolô cũng nói cách: “Anh em phải biết rõ điều này là không một kẻ gian dâm, ô uế hay tham lam nào, cũng là thờ ngẫu tượng, được thừa hưởng gia nghiệp trong Nước của Ðức Kitô và của Thiên Chúa. Ðừng để ai lường gạt anh em bằng những lời hão huyền, bởi những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống những kẻ bất phục tùng” (Eph 5:5-6).

Một câu khiêm tốn khác của Thánh Phaolô là: “Nếu chúng ta cố tình phạm tội sau khi đã nhận được sự hiểu biết về chân lý, thì không còn có hy lễ nào đền tội được nữa, nhưng chỉ còn sự sợ hãi đợi chờ ngày phán xét” (Dt 10:26-27).
Xin lưu ý rằng chữ "chúng ta" trong câu này kể cả Thánh Phaolô, một Đại Tông Đồ!  Sau Phép Rửa, nếu chúng ta cố tình phạm tội và không chịu hối cải, thì chúng ta mất ơn cứu độ. Trong Bí Tích Rửa Tội chúng ta nhận được Ơn Thánh Hóa không vì công lao riêng của mình, nhưng sau đó chúng ta phải cộng tác với Ơn này, nếu không chúng ta sẽ mất nó (2 Cor 6:1). Việc công tác với Ơn Cứu Ðộ của Thiên Chúa này, người Công Giáo hiểu là công trạng (GLCG 162; 2025).

Phúc thay Thiên Chúa ban cho chúng ta Bí Tích Giải Tội (Hoà Giải), để chúng ta có thể tiếp tục nhận được ơn tha thứ các tội lỗi đã phạm sau khi Rửa Tội. Bởi vì chúng ta tiếp tục phạm tôi sau khi Rửa Tội (1 Ga 1:8-9), nên chúng ta phải tiếp tục ăn năn, xưng tội, và trở về cùng Ðức Kitô trong tâm hồn. Đối với chúng ta ăn năn hối cải không chỉ là một biến cố duy nhất trong cuộc đời, nhưng phải là một tiến trình liên tục và hằng ngày. Ngày hôm qua chúng ta có thể thực lòng hối lỗi và được tha thứ, nhưng ngày mai, vì sự yếu đuối, chúng ta có thể lại sa ngã phạm tội (2 Phr 2:20-22). Chúng ta có thể tin chắc rằng Chúa Giêsu sẽ tha thứ cho chúng ta thường xuyên như chúng ta tha thứ cho tha nhân (Lc 6:36-37; Mt 6:14-15). Qua Bí Tích này, chúng ta lãnh nhận Ơn Thánh Hóa và Ơn Hiện Sủng là những ơn có thể giúp chúng ta chống trả các tội lỗi trong lương lai.

Chúa Giêsu hiểu sự yếu đuối của chúng ta ngay cả sau khi Rửa Tội. Ðó là lý do tại sao Người ban cho các Tông Ðồ quyền tha tội: “Người thổi hơi vào các ông và bảo các ông, ‘Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Nếu các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha; nếu các con cầm buộc ai, thì người ấy bị cầm buộc’” (Ga 20:22-23).

Qua nhiều kỷ nguyên quyền này được truyền lại cho các Giám Mục và các Linh Mục trong Bí Tích Hòa Giải. Các Kitô hữu ngày nay cũng cần ơn tha tội như các Kitô hữu ở thế kỷ thứ nhất.  Hơn nữa quyền tha tội hay buộc tội có ý nói đến việc xưng tội của chúng tội bằng lời nói (thú tội) bởi vì linh mục cần phải biết bản chất của tội (TÐCV 19:18; Lev 5:5-6) cũng như thầy thuốc cần biết căn bệnh.

Dù phần rỗi của cá nhân chúng ta không được chắc chắn, chúng ta vẫn hy vọng sẽ được cứu độ nếu chúng ta làm theo Thánh Ý Chúa. Thánh Phaolô dùng câu: "hy vọng ơn cứu độ" (1 Thes 5:8) hay "niềm hy vọng vào sự sống đời đời" (Tit 1:2; 3:7) để nói lên niềm hy vọng này. Nếu chúng ta được bảo đảm chắc chắn về Thiên Ðàng, thì không cần hy vọng nữa. Hy vọng khác với chắc chắn (Rom 8:24). 

Theo sách Giáo Lý Công Giáo (GLCG): “Hy vọng là sự mong đợi một cách tin tưởng hồng phúc của Thiên Chúa và ơn hưởng Nhan Thánh Chúa; nó cũng là sự sợ hãi xúc phạm đến tình yêu của Thiên Chúa và chịu phạt” (GLCG 2090).

Hai tội phạm đến hy vọng là tuyệt vọng và quá tự tin (GLCG 2091). Tội tuyệt vọng là không còn hy vọng vào ơn Cứu Ðộ vì hoàn toàn mất tin tưởng vào Thiên Chúa.  Tội quá tự tin là quá dựa vào sức mình để được cứu độ thay vì vào Thiên Chúa, hay coi lòng thương xót Thiên Chúa là điều hiển nhiên mà không còn kính sợ. Chối từ tình trạng tội lỗi của chúng ta hoặc tin rằng "một khi đã được cứu độ,thì luôn được cứu độ" có thể đưa chúng ta đến tội coi thường. Tuy nhiên, chúng ta không được đi quá về phiá kia mà phạm tội tuyệt vọng.  Hy vọng là một sự quân bình khéo léo giữa niềm tin tưởng vào lời hứa của Thiên Chúa và sự kính sợ Thiên Chúa (Prv 1:7).

Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1 Tim 2:4). Qua Hội Thánh của Ðức Kitô, là Hội Thánh Công Giáo, chúng ta có thể nhận biết chân lý (1 Tim 3:15; Mt 16:18). Nhờ các Phép Bí Tích chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa như một hồng ân. Nhưng sau đó chúng ta phải hợp tác với ân sủng, vì chúng ta có ý chí tự do để khước từ Thiên Chúa bất cứ lúc nào qua việc bất tuân trầm trọng, như tội trọng. Sau khi nhận lãnh ơn cứu độ của Thiên Chúa trong Bí Tích Rửa Tội. Chúng ta phải tiếp tục "run sợ mà chăm lo cho phần rỗi"(Php 2:12)  của mình. Qua Bí Tích Hoà Giải, chúng ta có thể xin Thiên Chúa tiếp tục ban ơn tha thứ đầy thương xót và nhiều ân sủng hơn để giúp chúng ta chống trả tội lỗi trong tương lai.

Là những người tội lỗi, chúng ta không biết chắc về phần rỗi của chúng ta. Nhưng chúng ta chắc chắn sẽ được cứu độ nếu chúng ta luôn sống trong tình trạng ân sủng. Theo các Giáo Phụ và Thánh Thôma Aquina (THTL I-II, 112, a. 5) thì có những dấu chỉ cho chúng ta biết rằng chúng ta đang ở trong tình trạng ân sủng là: giữ các Giới Răn một thời gian dài, sùng kính Đức Kitô và Mẹ Maria, siêng năng lãnh nhận các Bí Tích, nhất là Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể, chê ghét tôi lỗi, coi thường những sự thế gian, cùng ưa thích những sự trên trời, và tâm hồn luôn bình an.  Các Kitô hữu trung thành với ơn Chúa mà không buông xuôi, có thể hy vọng cách chắc chắn được ơn cứu độ.

 
Phaolô Phạm Xuân Khôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét