NHỜ MẸ DÂNG HOA LÊN CHÚA
(Thứ ba - 03/05/2016-ĐGM. GB Bùi Tuần)
1. Trong 12 tháng, thì tháng Năm được Hội Thánh Việt Nam gọi là tháng dâng hoa kính Đức Mẹ. Hoa dâng kính Đức Mẹ thường được hiểu là hoa tự nhiên trồng ở vườn, mua từ chợ. Bên canh hoa tự nhiên mang nhiều màu sắc và hương thơm, chúng ta còn dâng lên Mẹ những hoa thiêng liêng trồng ở tấm lòng riêng tư của mỗi người chúng ta.
Riêng đối với tôi, những hoa quan trọng nhất tôi dâng lên Mẹ, đều là những hoa thiêng liêng. Nói cho đúng, những hoa thiêng liêng này đều do chính Đức Mẹ đã giúp tôi trồng trong trái tim tôi, để rồi tôi lại hái dâng lên Mẹ, và nhờ Mẹ dâng lên Chúa.
2. Hôm nay, tôi ôm vào lòng một bông hoa tôi cho là rất quý, mà chính Mẹ giúp tôi trồng trong sâu thẳm hồn tôi. Mẹ bảo tôi hãy dâng hoa đó lên Chúa nhân lành. Chúa đã thương nhận. Người dạy tôi hãy kể ra cho cộng đoàn biết chút ít về bông hoa đó, vì nó là công trình của Mẹ. Tên bông hoa đó là niềm tin vào tình yêu đầy xót thương của Thiên Chúa.
3. Tôi xin vắn tắt.
Ngay từ rất nhỏ, tôi đã được cha mẹ dâng tôi cho Đức Mẹ. Đọc kinh Mân Côi đã sớm trở thành thói quen tôi dùng để gặp gỡ Đức Mẹ. Mỗi ngày nhiều lần, sự gặp gỡ Đức Mẹ bằng kinh Mân Côi đã gieo vào lòng tôi những tâm tình về đức tin. Tôi tin Chúa theo kinh Lạy Cha, kinh Kính Mừng và kinh Sáng Danh. Dần dần, tôi nhận ra Chúa là tình yêu. Rồi, đến một lúc, tôi nhận ra tình yêu Chúa là tình yêu đầy lòng thương xót.
Phải nói là, Đức Mẹ cho tôi nhận ra trước, rồi sau đó là tin tất cả những gì về tình yêu Chúa giàu lòng xót thương.
4. Tôi nhận ra Chúa thương yêu tôi, qua những gì đã xảy ra trong đời tôi. Đời tôi là một hành trình. Chuyến đi đời tôi gặp nhiều trắc trở. Có những trường hợp tưởng là chắc chắn tôi sẽ rơi xuống hố diệt vong. Nhưng đến phút chót, tôi đã được Chúa cứu. Tôi nhận ra tôi được cứu hoàn toàn nhờ Chúa và do Chúa. Do vậy, tôi nhận ra Chúa là tình yêu cứu độ.
Tình yêu ấy Chúa dành cho tôi một cách nhưng không, một cách bất ngờ, một cách quá sức tưởng tượng. Tôi chỉ biết gọi Chúa là tình yêu, đúng như thánh Gioan tông đồ đã viết: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16).
5. Chúa yêu tôi, trước khi tôi yêu Chúa. Không những thế, Chúa còn yêu tôi, khi tôi còn trong tội lỗi, hư hỏng, đê hèn, đáng phải trừng phạt. Qua đó, tôi nhận ra Chúa giàu lòng thương xót. Nhận ra qua những bằng chứng sống động. Cảm thấy bằng những xúc cảm không thể nào quên. Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót, là điều bản thân tôi đã nhận ra, đã cảm nghiệm, là điều đã đóng ấn sâu trên đời tôi. Tôi đã nhận ra và đã tin. Như thánh Gioan đã viết:
“Tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Người, mà chúng ta được sống.
“Tình yêu cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã yemé Thiên Chúa trước, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,9-10).
“Chúng ta đã nhận biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và chúng ta đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16).
“Tình yêu Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian, để nhờ Con Một của Người, mà chúng ta được sống.
“Tình yêu cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã yemé Thiên Chúa trước, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4,9-10).
“Chúng ta đã nhận biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và chúng ta đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16).
6. Tôi đã nhận ra và đã tin Thiên Chúa là tình yêu thương xót. Sự nhận ra và sự tin như thế đã nâng đỡ tôi rất nhiều trong chức vụ linh mục và Giám mục. Nhất là khi mọi lãnh nhận các chức vụ trong Hội Thánh đều hoàn toàn do được sai đi, chứ không do tự mình tôi chọn lấy cho mình.
Được Chúa sai đi, và nhận lãnh sự sai đi chỉ vì vâng phục ý Chúa, nhất là trong những tình hình phức tạp khó khăn, đó là tâm trạng đòi nhiều phó thác. Sự phó thác đó nơi tôi đã được đỡ nâng bằng sự nhận ra và tin mình được Chúa yêu thương đầy thương xót.
Được Chúa sai đi, và nhận lãnh sự sai đi chỉ vì vâng phục ý Chúa, nhất là trong những tình hình phức tạp khó khăn, đó là tâm trạng đòi nhiều phó thác. Sự phó thác đó nơi tôi đã được đỡ nâng bằng sự nhận ra và tin mình được Chúa yêu thương đầy thương xót.
7. Khi được nhận ra và được tin vào tình yêu đầy xót thương của Chúa, tôi tự nhiên ham thích cầu nguyện. Tôi theo gương Mẹ.
Có thể nói: Sự ham thích cầu nguyện nơi tôi là do ơn Chúa. Chính Chúa làm cho linh hồn tôi ngoan ngoãn đặt mình dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, để cầu nguyện với Chúa một cách khiêm nhường và cậy trông.
Cầu nguyện nơi tôi là sự gặp gỡ với Chúa, là sự trao đổi giữa tình yêu Chúa và sự hèn hạ khốn khổ của tôi.
Cầu nguyện nơi tôi không hệ tại ở sự suy nghĩ nhiều, mà ở tại sự yêu mến nhiều.
Cầu nguyện nơi tôi là một việc đơn sơ, hồn nhiên. Bắt đầu cầu nguyện, tôi hay nhìn Chúa Giêsu và học ở Người điều mà chính Người đã phán: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29). Rồi tôi nhận được sự bình an, như Người đã hứa: “Tâm hồn các con sẽ được bình an” (Mt 11,29).
8. Khi cầu nguyện, tôi xác tín mình rất hèn mọn, khó nghèo, tội lỗi, xấu xa, rất cần đến lòng thương xót Chúa. Tôi tin Chúa xót thương tôi, chính vì tôi là như thế. Và vì tôi chính là kẻ khó nghèo, tội lỗi, nên tôi tự nhiên không dám mơ ước đến những sự lớn lao, như hãm mình khắc khổ lớn, trở thành ánh sáng lớn, làm những việc lành lớn.
9. Trở thành bé nhỏ, đó là một cách tôi thuộc về Chúa Giêsu. Đấng mà tôi tin luôn yêu tôi với tình xót thương vô bờ.
Trở thành bé nhỏ như thế luôn đi kèm với sự cậy trông. Chính ở đây tôi hiểu lời thphl đã nói: “Khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,10).
10. Những gì tôi vừa vắn tắt chia sẻ trên đây là rất chân thành. Đó là bông hoa thiêng tôi dâng lên Mẹ, và nhờ Mẹ, dâng lên Chúa.
Tôi tin rằng: Tại Việt Nam hôm nay đang có nhiều bông hoa thiêng liêng dâng lên Mẹ, và nhờ Mẹ dâng lên Chúa. Những bông hoa thiêng liêng đó có thể khác nhau. Nhưng tất cả đều muốn làm chứng về Thiên Chúa.
Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, người thời nay cảm thấy mình được thu hút bởi dung mạo Thiên Chúa là tình yêu giàu lòng thương xót, hơn là bởi bất cứ dung mạo nào. Do vậy, mà việc làm chứng cho Thiên Chúa giàu tình yêu thương xót rất cần được thực hiện do chính ơn Chúa, một cách khiêm nhường vâng phục, để có sức dấn thân phục vụ theo đúng ý Chúa.
ĐGM. GB Bùi Tuần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét