Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2016

CÙNG VỚI MẸ LẮNG NGHE



CÙNG  VỚI  MẸ  LẮNG  NGHE

(Thứ tư - 11/05/2016 - ĐGM GB Bùi Tuần)

 

 


1. Tháng Năm là tháng dâng hoa kính Đức Mẹ Maria.
Hoa của tôi là những thao thức, những thổn thức trong lòng. Tôi dâng những hoa thiêng đó lên Mẹ. Tôi xin Mẹ dạy tôi phải làm gì. Mẹ nói rất sâu trong tôi một lời vắn tắt: “Hãy cùng Mẹ lắng nghe”.

2. Tôi hỏi Mẹ lắng nghe sự gì, thì Mẹ trả lời rất nhẹ nhàng nhưng rất rõ: “Lắng nghe khát vọng tha thiết của Chúa hôm nay. Và lắng nghe tiếng gọi thảm thương của lịch sử nhân loại lúc này”.
Như vậy “lắng nghe” ở đây là một việc không dễ. Tôi phải thế nào, để gọi được là lắng nghe, mà Mẹ muốn.

3. Tôi lại hỏi Mẹ, thì Mẹ trả lời: “Hãy xin Chúa Thánh Thần, Đấng đã giúp Mẹ lắng nghe”.
Tôi xin vâng, tôi hướng lòng mình về Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đến với tôi. Sự hiện diện của Người được tôi cảm nhận như một nguồn ánh sáng nhiệm mầu, mang sự sống và tình yêu của Thiên Chúa.

4. Việc quan trọng, mà Người làm nơi tôi ngay từ đầu, là giúp tôi từ bỏ mình một cách sâu xa. Tôi thấy sụp đổ trong tôi mọi cái tôi tự phụ tự hào. Người giúp tôi nhìn nhận mình là nghèo hèn, bé mọn. Tôi không giữ lại sự gì cho tôi, chỉ để mình được ánh sáng Chúa tràn ngập. Để rồi, có lúc tôi như thánh Gioan Baotixita xưa, rất muốn làm chứng cho ánh sáng (x. Ga 1) Hoặc như Mẹ Maria xưa, chỉ vắn tắt nói lời “xin vâng” (LC 1,38).

5. Một việc quan trọng nữa, mà Chúa Thánh Thần làm nơi tôi, là giúp tôi trở vào nội tâm thinh lặng, như vào một thứ sa mạc tâm linh. Nhờ Người, tâm hồn tôi không còn ồn ào với các thứ hình ảnh, với các thứ toan tính, với các thứ hồ sơ và tài liệu. Người ở trong tôi. Trong thinh lặng, tôi nhận ra Người như một bầu khí yêu thương tế nhị, thân mật. Với bầu khí đó, tôi chỉ biết đưa ra những hình ảnh mờ nhạt gợi ý về Người. Như Người là dòng nước mát, là ngọn lửa sưởi ấm, là quà tặng nhưng không, là suối nguồn an ủi, là bàn tay nâng đỡ dắt dìu.

6. Dắt dìu đỡ nâng, mà tôi cần nhất, là giúp tôi biết cầu nguyện. Chúa Thánh Thần đã và đang giúp tôi biết cầu nguyện như Đức Mẹ gợi ý.
Tôi cầu xin ơn được cùng Mẹ lắng nghe tiếng Chúa hôm nay và lắng nghe tiếng gọi của lịch sử lúc này.

7. Trong một lúc không ngờ, tôi được Chúa Thánh Thần trong Mẹ cho tôi nghe được tiếng Chúa sau đây: “Chúa khao khát tôi và mọi người hãy biết đón nhận sự bình an của Chúa”. Tôi nhớ lại lời Chúa Giêsu đã hứa xưa: “Thầy để lại bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con, không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27).

8. Cùng lúc đó, tôi được Chúa Thánh Thần trong Mẹ cho tôi nghe được tiếng gọi tha thiết của lịch sử lúc này: Thế giới lúc này khao khát một sự bình an sâu xa lâu bền thực sự. Tôi cảm thấy trái đất như ba phần là nước mắt, đang vận chuyển về một tương lai đầy chết chóc đau thương.

9. Nghe được tiếng Chúa và tiếng kêu trên đây của lịch sử, tôi tự nhiên nhận thấy vấn đề sống đạo của tôi lúc này nên tập trung vào sự bình an, một sự bình an có nguồn gốc từ Thiên Chúa.

10. Với nhận định đó, tôi cầu xin cho mọi người được ơn bình an như thế. Nhưng trong hành động cụ thể, tôi cố gắng làm hết sức mình cho cộng đoàn bé nhỏ mà Chúa trao phó cho tôi hãy biết đón nhận sự bình an của Chúa, để rồi đoàn chiên bé nhỏ đó (x. Lc 12,32) sẽ là men là muối cho số đông, nhất là sẽ nên như hướng đi về tương lai cho các con đường muôn ngả dẫn về tương lai.

11. Biết đón nhận sự bình an của Chúa là một thái độ của cuộc sống thường ngày của tôi.
Thái độ thường xuyên đó gồm một số việc đạo đức, như cầu nguyện, sám hối và tỉnh thức, như Phúc Âm vốn dạy, nhưng nhất là phải để ý đến yêu thương.

12. Yêu thương như Chúa yêu thương đang giúp tôi có giá trị nhờ những liên hệ của tôi với những con người, chứ không phải với những sự vật.
Liên hệ của tôi với những con người phải là yêu thương, một tình yêu dấn thân, đến hy sinh và dám bỏ mạng sống để cứu người khác.
Tình yêu như thế sẽ mở lòng người, để đón nhận sự bình an của Chúa. Đó là một sự thực từ Kinh Thánh, từ lịch sử cứu độ. Tôi cũng đã được hạnh phúc trải qua phần nào kinh nghiệm quý báu đó.

13. Kinh nghiệm cho tôi thấy tình hình hiện nay là rất bất an. Bất an ở dòng nước, bất an ở không khí, bất an ở thực phẩm, bất an trên giao thông, bất an trong các liên hệ, nhất là bất an trong lòng người.
Cá chết hàng loạt không quan trọng bằng lương tâm chết hàng loạt. Khi lương tâm chết hàng loạt, thì không tội ác nào không thể xảy ra. Bình an lúc này là một mơ ước, chứ chưa là hiện thực.
Đang khi đó, những thiên tai liên tiếp xảy ra dưới nhiều hình thức. Tôi thấy bình an lúc này đang là một lời cầu chờ đợi từ ơn trên.
Chúa ban bình an của Người, nhưng bao nhiêu người đã không đón nhận. Bi thảm là ở chỗ đó.

14. Để kết, tôi xin thành thực nói lên sự lo lắng của tôi về bổn phận tôi phải góp phần vào sự bình an, mà Chúa tha thiết muốn ban cho nhân loại. Tôi nghĩ chính tôi phải có sự bình an đó trước. Tôi cùng Mẹ lắng nghe. Và Mẹ dạy tôi hãy cầu nguyện, và hãy thực hiện những lời cầu nguyện theo kinh bình an của thánh Phanxicô:
Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết yêu mến và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù. Đem thứ tha vào nơi lăng nhục. Đem an hoà vào nơi tranh chấp. Đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.

Lạy Chúa xin hãy dạy con, tìm an ủi người hơn được người ủi an. Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết. Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
Ôi Thần Linh thánh ái xin mở rộng lòng con. Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình.

Long Xuyên, ngày 10.5.2016.
Đức Giám mục GB Bùi Tuần

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét