Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

HÃY LÀ CỦA LỄ ÂM THẦM






HÃY  LÀ  CỦA  LỄ  ÂM  THẦM
(+ GB. Bùi Tuần)


1. Cuộc đời của tôi đã khá dài. Chiều dài 90 năm ấy gắn liền với chiều dài lịch sử đầy những biến cố thăng trầm của Đất Nước và của Hội Thánh Việt Nam.
Đã có những sợ hãi, những lo âu, những buồn phiền. Đã có những niềm vui, những hy vọng, những ủi an. Đã có những cô đơn, những tối tăm, những đớn đau khủng khiếp.
Nhưng suốt chuyến đi dài đầy dao động ấy, tôi luôn cảm thấy mình được khích lệ bởi một niềm tin. Tôi tin vững vàng Chúa đã gọi tôi.

2. Niềm tin vào ơn gọi đó lúc này đang trở nên một động lực thiêng liêng rất mạnh, giúp tôi sống một cách có ý nghĩa, trong giai đoạn cuộc sống có vẻ đang tới dần tình trạng bất động vì quá yếu.

3. Tôi tin Chúa đã gọi tôi: Hãy là của lễ âm thầm. Đó là điều tôi đang nhớ lại, để cảm tạ Chúa. Chia sẻ điều đó ở đây cũng là để cảm tạ Chúa trong tình gắn bó giữa những người được Chúa gọi cách này hay cách khác.

4. Tôi xin vắn gọn. Trong suốt mười mấy năm được đào tạo ở Tiểu chủng 
 viện và ở Đại chủng viện, tôi rất ít khi được lôi cuốn và được mời gọi bởi chức thánh linh mục, do chức trọng quyền cao. Nhưng thường xuyên tôi được dạy dỗ, nhắc nhở và khích lệ về sự phấn đấu từ bỏ mình, để trở thành người môn đệ của Chúa Giêsu dâng mình làm của lễ.

5. Tôi được các Cha giáo, nhất là các cha linh hướng, hướng dẫn một cách say mê, đến Phép Mình Thánh. Nhờ đó, tôi luôn nhìn Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể là hình ảnh sống động về sự từ bỏ mình. Trở nên khiêm nhường, bé nhỏ, để thành của lễ đền tội như Chúa Giêsu trên Thánh giá xưa.

6. Tôi cũng được các cha giáo, đặc biệt là các cha linh hướng, khuyên tôi siêng năng cầu nguyện bằng chuỗi mân côi. Nhờ đó, tôi luôn nhìn Đức Mẹ Maria như một gương sáng vềsự từ bỏ mình, luôn sống lời xin vâng, trở thành của lễ, hợp với của lễ của Chúa Giêsu mà thờ phượng Chúa Cha và để cứu chuộc nhân loại.

7. Được là môn đệ của Chúa Giêsu với dấu ấn từ bỏ mình, đó là một vinh dự mà tôi khao khát. Rồi được là môn đệ của Chúa Giêsu với chính mình là của lễ sát tế, theo gương Chúa Giêsu, đó lại là một ước mơ đẹp, mà tôi cho là lý tưởng đời tôi.

8. Đến khi được bề trên gọi lên chức linh mục, tôi đã xin từ chối, vì tự nhiên tôi sợ mình không xứng đáng chút nào.
Nhưng sau cùng, cha linh hướng dạy tôi hãy vâng lời. Và tôi đã vâng lời trong run sợ và phó thác, nhận mình chỉ là của lễ hèn mọn.
Trong run sợ và phó thác, tôi được Chúa ủi an tôi. Tôi tin Chính Chúa đã gọi tôi hãy là của lễ. Chính Chúa đã ban chức linh mục cho tôi, chính Chúa đã sai tôi vào những quãng lịch sử phức tạp. Hãy sống chức linh mục như một của lễ. Đâu đâu lúc nào cũng hãy là của lễ.

9. Là linh mục, tôi hãy là của lễ như Chúa Giêsu. “Này con xin đến để thực thi ý Chúa”. “Ý Chúa là con hiến dâng mình làm lễ tế” (Dt 10, 7-10).
Hãy là của lễ, với sự từ bỏ mình với lửa mến thiết tha. Đó chính là ơn gọi đã cho tôi niềm tin suốt cuộc đời mục tử. Càng gặp khó khăn, niềm tin ấy càng giúp tôi sống tinh thần của lễ một cách sống động.

10. Ở đây, tôi xin được chia sẻ thêm một chút về sự Chúa đã và đang gọi tôi hãy là của lễ.
Chúa gọi tôi một cách rất êm ái. Chúa nhắc bảo tôi một cách rất dịu dàng. Tôi nhớ lại trường hợp tiên tri Elia xưa được Chúa gọi khi ông ẩn mình trong một hang đá trên núi Sinai. Tiên tri chỉ gặp được Chúa và nghe được tiếng Chúa trong làn gió mát nhẹ, giữa nơi thanh vắng quạnh hiu (x. 1V 19, 9-12).

11. Tôi có cảm tưởng là rất nhiều môn đệ Chúa tại Việt Nam hôm nay cũng đã gặp được Chúa và được nghe tiếng Chúa trong cảnh cô đơn hiu quạnh. Họ đã nghe và đã là của lễ âm thầm.

12. Là của lễ âm thầm, các môn đệ Chúa, dù coi như không thể làm gì, vẫn góp phần không nhỏ vào công việc Chúa cứu các linh hồn.

13. Là của lễ âm thầm, các môn đệ Chúa Giê su, dù không là linh mục, vẫn được Chúa gọi và được Chúa sai đi.

14. Là của lễ âm thầm, nếu đó không là lửa đóng vai trò động lực trong việc đi tu làm linh mục, mà động lực lại là chức là quyền, là địa vị, thì sẽ là thảm hoạ cho Hội Thánh và cho chính bản thân các đương sự.


15. Là của lễ âm thầm, đó là cuộc sống từ bỏ mình, với nhiều phấn đấu cam go trên con đường hẹp của Phúc âm. Chúa phán: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7, 13-14).

16. Là của lễ âm thầm, theo kinh nghiệm của tôi, không chỉ là sự từ bỏ mình, và những phấn đấu hy sinh đi vào đường hẹp, mà còn là biết yêu thương người khác như Chúa yêu thương.
Yêu thương người khác như Chúa yêu thương, được tôi hiểu là biết cho đi sự cảm thương, sự tha thứ, sự chia sẻ nhưng không và quảng đại, sự đền thay và chịu đau khổ thay.
Thánh Gioan quả quyết: “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa… Tình yêu cốt ở điều này: Không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước. Nhưng chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1Ga 4, 7-10).

17. Thời Giáo Hội sơ khai, các tín hữu đã là của lễ âm thầm, nhưng có sức lôi cuốn người khác đến với Chúa nhờ lối sống yêu thương như một của lễ.
Họ chia sẻ của cải cho nhau, họ cảm thương mọi nỗi đau khổ của nhau. Họ tha thứ cho nhau một cách quảng đại. Họ tế nhị nâng đỡ nhau. Lối sống yêu thương của họ toát ra một vẻ đẹp khác thường từ những cử chỉ rất thường của yêu thương như một của lễ.

18. Hãy là của lễ âm thầm, như vừa chia sẻ trên đây, đó là điều Chúa dạy tôi hãy quan tâm cách riêng trong năm Lòng thương xót này, và trong việc đào tạo những người muốn dấn thân vào việc truyền giáo tại Việt Nam hôm nay.
Lạy Chúa, xin thương nhận con như một của lễ hèn mọn.

Long Xuyên, ngày 16.5.2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét