Lợi hại của tia cực tím với sức khỏe
(Thứ ba, 10/5/2016 -VnEpress,net)
Tia cực
tím giúp cơ thể tạo vitamin D, hữu ích cho việc khử trùng, tiệt trùng
và điều trị một số bệnh ngoài da, song cũng là nguyên nhân gây lão hóa,
cháy da, ung thư da...
Tia cực tím là một trong những tác nhân môi trường gây ung thư da. Ảnh: Topclassations.
|
Theo trang tin của Bộ Y tế New Zealand The Environmental Health Indicators New Zealand (EHINZ), ánh sáng từ mặt trời phát ra rất nhiều loại tia trong đó có tia UV. Tia này chiếu xuống trái đất đã bị khối khí quyển ngăn cản 98,7%, chỉ khoảng 2,3% xuyên qua được. UV còn có tên gọi khác là tia cực tím, bức xạ cực tím hoặc tia tử ngoại, tùy vào mức độ mạnh hay yếu, nhiều hay ít, chúng sẽ ảnh hưởng tích cực hay gây hại đến sức khỏe con người cũng như sinh vật trên trái đất:
Giúp cơ thể tạo vitamin D
UV từ mặt trời rất cần thiết cho cơ thể con người sản xuất vitamin D.
Vitamin này hỗ trợ tăng cường xương, cơ bắp và hệ thống miễn dịch, giảm
nguy cơ mắc một số loại bệnh, đặc biệt là ung thư đại tràng.
Điều trị bệnh ngoài da
UV được sử dụng trong điều trị các bệnh về da như vảy nến, bệnh do tế
bào da phát triển quá nhanh gây ngứa, có vảy. Tiếp xúc với tia cực tím
sẽ làm chậm sự tăng trưởng của các tế bào da, từ đó giảm triệu chứng.
Giúp thay đổi tâm trạng
Nghiên cứu cho thấy ánh sáng mặt trời kích thích tuyến tùng trong não
sản xuất một số hóa chất gọi là tryptamines, giúp cải thiện tâm trạng.
Tốt cho một số động vật
Một số động vật bao gồm các loài chim, ong và loài bò sát có thể nhìn
thấy tốt trong ánh sáng tia cực tím. Nhiều loại trái cây chín, hoa và
hạt cũng nổi bật hơn nhờ có tia cực tím chiếu vào, khi đó chúng trông
hoàn toàn khác với thực tế chúng ta thường nhìn thấy. Chẳng hạn khi nhìn
trong ánh sáng tia cực tím, một số hoa sẽ có những mảng đường khác nhau
sẽ giúp loài ong và chim phát hiện ra để đến hút mật hoa, có lợi cho
việc thụ phấn.
Khử trùng và tiệt trùng
UV có những ứng dụng tích cực trong lĩnh vực khử trùng và tiệt trùng.
UV có thể giết chết các vi sinh vật như virus và vi khuẩn, rất có ích
khi ta phơi tã vải, đồ lót và khăn ngoài trời. Để tiêu diệt vi sinh vật,
các tia UV xuyên qua màng tế bào, phá hủy ADN, ngăn khả năng tái sinh
và nhân lên của chúng. Khả năng phá hủy này giải thích tại sao nhiều
nơi sử dụng đèn diệt khuẩn UV để khử trùng.
Tia cực tím cường độ cao cũng có những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và động vật:
Nguyên nhân ung thư da
UV là một chất gây ung thư môi trường, được xác định là tác nhân gây
ung thư nổi bật và phổ quát nhất trong môi trường của chúng ta. Nghiên cứu ghi nhận 90% ung thư da là do bức xạ tia cực tím. Các nhà khoa học cung cấp bằng chứng mạnh mẽ cho thấy nguyên nhân gây ra một trong 3 loại ung thư da chính gồm ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy và u hắc tố là do thường xuyên tiếp xúc với tia UV từ nắng mặt trời.
Gây cháy nắng
Cháy nắng là một vết bỏng xảy ra khi các tế bào da bị hư hỏng. Đó là lý do da chuyển sang màu đỏ khi đang bị cháy nắng. Tổn thương này gây ra bởi sự hấp thụ năng lượng từ tia UV, khi ấy hệ thống máu chảy đến da dần bị hư hại.
Hại hệ thống miễn dịch
Hệ thống miễn dịch của cơ thể có nhiệm vụ chống lại vi khuẩn, virus, độc tố và ký sinh trùng gây nhiễm trùng và bệnh tật. Tiếp
xúc với bức xạ tia cực tím có tác dụng ức chế hệ thống miễn dịch. Các
nhà khoa học tin rằng cháy nắng có thể thay đổi sự phân bố và chức năng
của các tế bào bạch cầu (có nhiệm vụ chống lại bệnh tật) suốt đến 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Tình trạng này lặp đi lặp lại càng lâu dài càng gây hại nhiều hơn đến hệ thống miễn dịch.
Hại mắt
Nhìn hoặc tiếp xúc lâu dài với tia UV cường độ cao có thể hại cho các
mô của mắt và gây ra một "đốt" trên bề mặt mắt, được gọi là "tuyết mù"
hoặc photokeratitis. Các hiệu ứng thường biến mất trong vài ngày nhưng
cũng có thể dẫn đến biến chứng về sau. Một báo cáo đăng trên tạp chí của
Hiệp hội Y khoa Mỹ năm 1998 ghi nhận chỉ cần một lượng nhỏ ánh sáng mặt
trời có thể làm tăng nguy cơ phát triển tổn thương mắt như mộng thịt và
thoái hóa kết mạc, đục thủy tinh, nếu không được điều trị sẽ gây mù. UV
gây hại cho đôi mắt và có tính tích lũy, vì vậy không bao giờ là quá
muộn để bắt đầu bảo vệ mắt.
Lão hóa da
UV đẩy nhanh quá trình lão hóa da do chúng có thể phá hủy collagen và mô liên kết dưới bề mặt da, từ đó gây ra nếp nhăn, đốm nâu, khiến da mất độ đàn hồi. Bạn có thể nhận thấy điều này khi quan sát sự khác biệt giữa màu da, nếp nhăn, sắc tố ở mặt dưới cánh tay và phía trên tay của mình. Thông thường, da phía trên tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời nên đen sạm và rám nắng hơn. Nếu không có biện pháp ngăn chặn tình trạng rám nắng bây giờ thì về sau bạn sẽ phải trả giá đắt khi da bị nhăn nheo, thậm chí ung thư. Do vậy không bao giờ là quá muộn để bắt đầu lên kế hoạch chống nắng.
Bác sĩ Hoàng Hoa Hải
Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn
Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét