Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

Lt x, yếu tính của Tin Mừng và chìa khóa dẫn vào đời sống Kitô hữu (11)



Lòng  thương  xót, yếu  tính  của  Tin  Mừng  và  chìa  khóa  dẫn  vào  đời  sống  Kitô  hữu (11)

Vũ Văn An)
IV. Sứ Điệp của Chúa Giêsu về lòng thương xót của Thiên Chúa (tiếp theo)
 3. Người cha hay thương xót trong các dụ ngôn
Chúa Giêsu trình bầy cho ta sứ điệp lòng thương xót của Chúa Cha một cách tươi đẹp nhất trong các dụ ngôn của Người (16). Điều này đúng hơn hết trong dụ ngôn Người Samaria Nhân Hậu (Lc 10:25-37) và trong dụ ngôn Người Con Trai Hoang Đàng (Lc 15:11-32) (17). Các dụ ngôn này đã được khắc sâu vào ký ức nhân loại và đã trở thành một phương châm đúng nghĩa.

Trong dụ ngôn Người Samaria Nhân Hậu, điều có ý nghĩa là Chúa Giêsu trình bầy với ta một người Samaria trước hết như một mẫu mực của lòng thương xót. Người Samaria không được người Do Thái thời đó coi là người Do Thái chính thống, nhưng bị khinh bỉ như là người bán ngoại đạo. Cũng thế, các người nghe Chúa Giêsu hẳn phải ngỡ ngàng khi thấy trước hết vị tư tế và thầy Lêvi bước qua nạn nhân đang nằm bên vệ đường mà không hề dành cho ông ta một chút quan tâm nào, trong khi, chính người Samaria đã chăm sóc ông ta. gười này là người không vô tâm bước qua người đàn ông đang nằm bất động bên vệ đường, một người đàn ông bị cướp đánh dã man. Khi thấy nạn nhân, người Samaria xúc động vì cảm thương; ông quên hết các vấn đề làm ăn mà ông đang theo đuổi, qùy xuống vệ đường bụi bặm, thực hiện việc cấp cứu, và băng bó các vết thương cho nạn nhân. Cuối cùng, ông còn đưa tiền trước một cách hậu hĩnh cho chủ quán để trả các chi phí và các giúp đỡ thêm sau đó.

Chúa Giêsu kể dụ ngôn này để trả lời câu hỏi: Ai là người lân cận của tôi? Câu trả lời của Người là: không phải là người xa cách, mà đúng hơn là một người bạn trở thành hàng xóm; một người bạn gặp gỡ hữu hình và là người cần bạn giúp đỡ trong một tình huống đặc thù nào đó. Chúa Giêsu không giảng dạy phải yêu những người ở mãi tít đâu mà là yêu những người gần gũi ta hơn cả. Tình yêu này không quanh quẩn trong vòng gia đình, bằng hữu, thành viên tôn giáo hay sắc tộc. Tình yêu này được đánh giá theo những con người cụ thể đang đau khổ và túng thiếu gặp ta trên đường.

Chúa Giêsu đi xa hơn trong dụ ngôn Người Con Trai Hoang Đàng của Tin Mừng Luca. Với các dụ ngôn này, Chúa Giêsu phản ứng lại sự càu nhàu và tức giận của người biệt phái và luật sĩ, những người không vui khi thấy Chúa Giêsu dành thì giờ cho những người tội lỗi và ăn uống với họ (Lc 15:2). Theo họ, khi làm như thế, Chúa Giêsu đã vi phạm sự chính trực mà lề luật đã qui định. Nhưng với dụ ngôn này, Chúa Giêsu cho các người hay càu nhàu một bài học. Tác phong của Người nói lên sự chính trực lớn hơn và cao hơn của Cha Người ở trên trời. Trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu hóm hỉnh nói rằng: cách Người cư xử cũng là cách Thiên Chúa cư xử với những người tội lỗi hay những người bị coi như thế ở thời đó.

Điều trên đã được phát biểu một cách xuất sắc trong dụ ngôn Người Con Trai Hoang Đàng, một dụ ngôn đáng lý ra nên gọi là dụ ngôn Người Cha Hay Thương Xót (Lc 15:11-32). Đã đành, các chữ “công lý”“thương xót” không xuất hiện trong dụ ngôn này. Nhưng toàn bộ bi kịch đã được mô tả ở đây, một bi kịch diễn ra giữa tình yêu của người cha và sự bướng bỉnh của người con trai, người đã tiêu phí gia tài của cha qua lối sống phóng đãng đàng điếm, bởi thế mà mất hết quyền làm con. Anh ta hết còn dám đòi hỏi gì chính đáng nơi cha anh nữa.

Tuy thế, người cha luôn là người cha và vẫn mãi là cha của người con trai, cũng như người con trai luôn là người con trai và vẫn mãi là con trai của ông. Do đó, người cha vẫn trung thành với chính ông và do đó, trung thành với con trai mình. Khi thấy con trai từ đàng xa trở về nhà, người cha xúc động vì cảm thương (Lc 15:20). Đã đành, người con trai đã tiêu phí hết tài sản của cha anh, đã tự hủy quyền làm con của mình, và đã phá hủy phẩm giá làm con của mình, nhưng anh không mất chúng. Do đó, người cha không đứng đợi con trai, nhưng thân hành chạy đi gặp anh, choàng tay ôm lấy anh và hôn anh. Bằng hành động khoác cho anh chiếc áo choàng đẹp nhất và xỏ cho anh chiếc nhẫn vào tay, người cha đã phục hồi tư cách làm con của anh. Người cha đã phục hồi quyền làm con lại cho anh và tái thừa nhận phẩm giá làm con của anh. Do đó, người cha đã dành cho người con trai không những mối liên hệ đem lại sự sống, như người con trai từng hy vọng; lòng thương xót của người cha còn vượt quá mọi mức độ dự ước. Lòng thương xót của ông không lấy phương vị từ việc phân phối của cải vật chất cách công bằng, mà đúng hơn từ phẩm giá người con. Nó là thước đo tình yêu của người cha.

Không ở dụ ngôn nào, Chúa Giêsu đã mô tả lòng thương xót của Thiên Chúa một cách bậc thầy đến thế như ở dụ ngôn này. Vì trong dụ ngôn này, Người muốn nói: Tôi hành động ra sao, Chúa Cha cũng hành động như vậy. Trong dụ ngôn này, lòng thương xót của Chúa Cha là hình thức cao nhất của công lý. Ta có thể nói rằng lòng thương xót là việc thể hiện công lý hoàn hảo nhất. Lòng thương xót thần linh [Barmherzigkeit] dẫn con người nhân bản tới chỗ “trở lại với sự thật về chính họ”. Lòng thương xót của Thiên Chúa [Erbarmen] không hạ nhục con người. “Mối liên hệ thương xót đặt căn bản trên kinh nghiệm chung về sự thiện kia là chính con người, trên kinh nghiệm chung về phẩm giá riêng của họ” (18).

Dụ ngôn Người Samaria Nhân Hậu cũng như dụ ngôn Người Con Trai Hoang Đàng đã trở thành phương châm. Thực vậy, việc nói tới người Samaria đầy lòng cảm thương đã vượt ra ngoài lãnh vực Kitô Giáo và Giáo Hội và đã trờ thành tên đặt cho nhiều cơ quan trợ giúp đa dạng và các mạng lưới phục vụ khẩn cấp (Samariter-Nordienst, Arbeiter-Samariter-Bund, Internationales Hilfswerk, Samariterdienst u.a.) (*). Điều này cho thấy sứ điệp Thánh Kinh về cảm thương, thiện cảm và thương xót đã gây ấn tượng sâu sắc trên ý thức con người và vẫn tiếp tục sống dưới các hình thức thế tục.

Tuy nhiên, ta sẽ sai lầm nếu giải thích sứ điệp của các dụ ngôn theo thuyết nhân bản phổ quát. Vì các dụ ngôn vốn được dùng để làm sáng tỏ tác phong của Chúa Giêsu trong việc nói lên tác phong của Chúa Cha ở trên trời. Người muốn nói rằng: Tôi hành động thế nào, Thiên Chúa cũng hành động như thế. Ai thấy Người là thấy Chúa Cha (Ga 14:7, 9). Nơi Người, lòng tốt và lòng nhân hậu đầy yêu thương của Thiên Chúa Cứu Chuộc đã xuất hiện (Tt 3:4). Nơi Người, ta thấy vị thầy cả thượng phẩm, Đấng có thể đồng cảm (empathize) với các yếu đuối của ta, Đấng, trong mọi phương diện, đã bị thử thách giống như ta, nhưng không phạm tội (Dt 4:15). Chúa Giêsu cũng muốn nói với ta: câu truyện của các con đã được thuật lại trong câu truyện vế người con trai hoang đàng; cả các con nữa cũng cần phải ăn năn. Nhưng các con đừng sợ. Chính Thiên Chúa đến gặp các con và ôm các con vào lòng. Người không hạ nhục các con; đúng hơn, Người trả lại phẩm giá làm con cho các con.

4. Chúa Giêsu hiện hữu vì người khác
Việc Chúa Giêsu ra công khai hoạt động và sứ điệp của Người, thoạt đầu, vốn được người ta đáp ứng nồng nhiệt. Từng đoàn người nô nức đến với Người. Nhưng chẳng bao lâu sau, tình thế đã đảo ngược. Các địch thủ của Người chỉ trích Người đã làm việc thiện trong ngày Sabát (Mc 3:6; Mt 12:14; Lc 6:11) và đã dám tha tội lỗi. Làm thế nào một kẻ tử sinh lại có thể nói và làm những điều như thế được (Mc 2:6tt; Mt 9:2tt; Lc 5:20-22)? Hơn bất cứ điều gì khác, chính sứ điệp và việc làm đầy thương xót của Ngưới đã gây nên chống đối; chúng bị coi như gây tai tiếng và cuối cùng đã dẫn Người tới thập giá. Chúa Giêsu phản ứng lại bằng những lời kết án nghiêm khắc. Vì luật lệ Thiên Chúa mới là cơ hội sau cùng và dứt khoát để con người được toàn vẹn; bất cứ ai bác bỏ luật lệ của Người cuối cùng sẽ bị loại ra khỏi ơn cứu rỗi. Bởi thế, ta đừng nên che dấu hay loại bỏ các diễn văn của Chúa Giêsu về phát xét vì hiểu lầm sứ điệp của Người về lòng thương xót (19). Lời lẽ về phán xét thực ra liên quan tới lời kêu gọi khẩn cấp và được lặp đi lặp lại về hoán cải; chúng cung cấp cho ta cơ hội cuối cùng, chỉ nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa mới thành khả hữu.

Ý thức được việc sứ điệp của Người bị bác bỏ và cái chết dữ dằn của Người sắp đến, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lên đường đi Giêrusalem (20). Giống các tiên tri trước Người, Chúa GIêsu biết rằng Người sẽ bị thảm sát ở đó (Lc 13:34). Trước hết, Người nhớ tới số phận của Thánh Gioan Tẩy Giả (Mc 6:14-29; 9:13). Người biết rõ điều gì đang chờ Người. Vâng phục thánh ý Chúa Cha và sứ mệnh của mình, Chúa Giêsu quyết định bước vào con đường cứu rỗi cho dân Người và cho thế giới, cho tới những ngày cuối đời. Trong một lời dạy dỗ các môn đệ, Người nói đến cái chết và sự thống khổ sắp tới của Người. Để giải thích, Người quay trở về với một ý nghĩ trong Sách thứ hai của Isaia (53:10-12). Ở đấy, ta thấy nói tới người đầy tớ của Thiên Chúa, gánh lấy tội lỗi của nhiều người (53:12).

Trong ngữ cảnh Cựu Ước, việc trên vẫn còn là một điều khó hiểu, khó có thể giải thích. Với Chúa Giêsu, nay nó đã tìm được lời giải thích và chu toàn tối hậu. Liên quan tới điều ấy (tức người đầy tớ đau khổ), Người nói vì là Con Người, Người tới không phải để được phục vụ, mà là để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người (ἀντὶ πολλῶν) (Mc 10:45) (21). Người hiểu con đường của Người như một điều “phải” (δεῐ) làm mà theo ngôn ngữ Thánh Kinh có nghĩa một điều gì đó được Thiên Chúa muốn có và là điều Người vâng lời chấp nhận (22). Vì thế, sau khi sứ điệp của Người bị bác bỏ, Người quyết định, thay vì dân Người, chính Người sẽ bước theo con đường đau khổ, vốn là lời đề nghị sau cùng của Thiên Chúa về lòng thương xót. Khi Simong Phêrô bác bỏ ý tưởng đau khổ và chết chóc của Người, Chúa Giêsu đã quở trách vị tông đồ. Câu “Satan ngươi” nói lên một cách hết sức sắc nét rằng Thánh Phêrô không muốn điều Thiên Chúa muốn và, do đó, ngài muốn làm trệch đường việc làm của Chúa Giêsu (Mc 8:31-33; Mt 16:21-23; Lc 9:22).

Vào buổi tối trước khi Người chịu thống khổ và tử nạn, Chúa Giêsu lại nêu lại ý tưởng đó một lần nữa trong các lời lẽ của Người ở Bữa Tiệc Ly. Có thể nói, ý tưởng này là ý nguyện và là lời trăn trối sau cùng của Chúa Giêsu. Dù việc truyền lại các lời trong Bữa Tiệc Ly có khác nhau, nhưng ta có thể nói chắc rằng các từ “vì các con” (Lc 22:19tt; 1Cr 11:24) hay “vì nhiều người” (Mt 26:28; Mc 14:24) đóng một vai trò trung tâm trong mọi dịch bản khác nhau (23). Trong các dịch bản của Thánh Luca và của Thánh Phaolô, việc hiện hữu “vì các con” này được giải thích, theo nghĩa bài ca thứ hai về Người Đầy Tớ, như là việc hiến sự sống và sự chết thay thế cho người khác (substitutionary surrender). Như thế, mọi tường trình về Bữa Tiệc Ly đều phát biểu một cách tóm lược điều vốn là chính cốt lõi hiện hữu của Người, tức việc Chúa Giêsu “hiện hữu vì ta và vì mọi người” nghĩa là việc Người hiện-hữu-vì (pro-existence). Kiểu nói pro nobis (vì chúng con) nói lên ý nghĩa việc Người hiện hữu và từ bỏ mình cho tới chết. Do đó, nó là cốt lõi đầy ý nghĩa và không thể thiếu được của trọn bộ nền thần học Tân Ước (24).

Đây không phải là chỗ để đi vào mọi vấn đề khác nhau do các lời lẽ ở Bữa Tiệc Ly nêu ra trong các dịch bản khác nhau về chúng. Ở đây, điều quan trọng hơn hết là hiểu cho đúng ý niệm đền tội thay cho người khác (proxy and substitutionary atonement, tiếng Đức: Stellvertretungsgedanken). Việc này không dễ, nhất là đối với chúng ta ngày nay. Vì ý niệm thay thế (proxy) dường như mâu thuẫn với trách nhiệm của một người đối với các hành động riêng của họ. Người ta đặt câu hỏi: làm thế nào lại có người giả thiết có khả năng hành động như một người thay thế cho ta, ngoại trừ chính ta phải minh nhiên ủy nhiệm cho họ làm thế? Trên thực tế, điều này gần như hoàn toàn không thể hiểu được, nó tương đương với một xúc phạm trầm trọng, nghĩa là, theo quan điểm này, Thiên Chúa muốn hy sinh Con Một của Người để cứu chuộc thế giới. Người ta hỏi thêm: đây là loại Thiên Chúa nào vậy mà lại bước qua một xác chết, xác chết của chính Con mình? Đối với nhiều người ngày nay, các câu hỏi này được coi như lời quở trách luân lý và là luận điểm nền tảng chống lại Kitô Giáo.

Vì lý do trên, nền thần học giải phóng đã cố gắng giải thích ý niệm đền tội thay theo nghĩa Chúa Giêsu liên đới với nhân loại, nhất là sự liên kết của Người nhân danh người bị áp bức và bóc lột; và nền thần học này tìm cách thay thế điều trước với điều sau. Một số đại biểu của nền thần học Công Giáo mới đây cũng đi theo con đường này (25). Tuy nhiên, lối giải thích “mềm” này bất công đối với sự sâu sắc và sức mạnh trong các lời phát biểu của Thánh Kinh. Sức mạnh và cường độ của chứng từ Thánh Kinh chỉ được bộc lộ khi ta xem xét trọn vẹn sự sâu thẳm và tính trầm trọng của cảnh khốn cùng không những về xã hội mà còn về siêu hình nữa, và đồng thời, sự tha hóa toàn diện và việc hoàn toàn đánh mất hạnh phúc mà vì tội con người nhân bản chúng ta đã sa vào.

Theo cái hiểu của Thánh Kinh, người tội lỗi đã để mất sự sống của họ và đáng phải chết vì tội lỗi của họ. Lương bổng của tội là sự chết (Rm 6:23). Theo cái hiểu có tính cộng đoàn hay “đoàn thể” của Thánh Kinh về loài người, sự khốn cùng này ảnh hưởng không những các cá nhân mà cả một dân tộc hay cả nhân loại nữa. Vì hành động xấu xa của họ, cá nhân “lây nhiễm” mọi người; do đó, mọi người đều phải chết. Ta chỉ có thể hiểu ý niệm đền tội thay trong ngữ cảnh cái hiểu tập thể này (26). Dựa trên sự vướng mắc chung vào tội và việc cùng nhau phải chết này, không một cá nhân nào có thể huênh hoang rằng mình có thể vùng vẫy ra khỏi vũng lầy này bằng chính đôi tay của mình. Trước nhất và trên hết, vì là kẻ đơn thuần tử sinh, chúng ta bất lực trong việc phục hồi sự sống bằng chính sức mạnh của ta. Chúng ta chỉ được giải thoát khỏi tội và khỏi chết khi Thiên Chúa, Đấng là Chúa Tể sống chết, vì lòng thương xót, không muốn sự chết, mà, đúng hơn, muốn sự sống, khi Người, một lần nữa, ban cho sự sống một cơ hội nữa và làm cho sự sống khả hữu một lần nữa. Không con người nhân bản nào, mà chỉ có Thiên Chúa, mới có thể giải phóng ta khỏi sự bất hạnh sâu xa nhất của ta, tức tai ách sự chết.

Nhưng Thiên Chúa không thể đơn giản làm ngơ sự ác trong lịch sử và coi nó như một điều vô hậu quả và vô nghĩa. Điều này sẽ là một ơn thánh rẻ tiền chứ không phải thương xót chân chính, vì lòng thương xót chân chính nghiêm túc đối với con người nhân bản và các hành động của họ. Trong lòng thương xót của Người, Thiên Chúa cũng muốn thỏa mãn công lý (27). Do đó, thay thế cho ta [stellvertretend], Chúa Giêsu sẵn sàng gánh lấy tội của mọi người chúng ta vào Người; đúng, thậm chí, Người còn trở nên tội lỗi nữa (2Cr 5:21). Nhưng vì Người là Con Thiên Chúa, sự chết không thể nào thắng nổi Người; đúng hơn, chính Người chiến thắng sự chết. Cái chết của Người là cái chết của sự chết. Nhờ cách này, Người đã trở nên nơi trong đó sự sống bừng nở cho ta. Nơi Người, Thiên Chúa đã một lần nữa và lần này dứt khoát chứng tỏ Người là một vị Thiên Chúa đầy lòng thương xót (Ep 2:4tt), Đấng làm cho một khởi đầu mới trở thành khả hữu đối với ta và ban cho ta một sự sinh ra mới nhờ lòng thương xót vĩ đại của Người (1Pr 1:3).

Với ý niệm đền tội thay, không còn vấn đề một Thiên Chúa ưa trả thù cần có một nạn nhân để cơn thịnh nộ của Người được nguôi ngoai nữa, như sự hiểu lầm hiện hành cho thấy. Trái lại, khi muốn Con chết vì lòng thương xót của Người, Thiên Chúa thu hồi cơn thịnh nộ của Người và dành chỗ cho lòng thương xót và do đó cho sự sống. Vì nhận thay thế ta nơi và qua Con của Người, Thiên Chúa tự mang lấy các hiệu quả triệt hạ sự sống của tội lỗi để ban lại cho ta sự sống trở lại. “Cho nên, phàm ai ở trong Đức Ki-tô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2Cr 5:17). Chúng ta không phải là người có thể hòa giải Thiên Chúa với chúng ta. Người mới là Đấng đã giao hòa Người với chúng ta (2Cr 5:18).

Dĩ nhiên, việc đền tội thay [Stellvertretung] không phải là một hành vi thay thế [Ersatzhandlung], trong đó, Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu Kitô, thực hiện sự cứu rỗi không cần có sự can dự của ta. Thiên Chúa giao hòa Người với chúng ta đến độ Người tái lập liên hệ giao ước. Thánh Augustinô nói rất rõ: Đấng từng tạo nên chúng ta mà không cần đến chúng ta không muốn cứu chuộc chúng ta mà lại không cần chúng ta (28). Hành vi cứu chuộc giúp ta có khả năng nói chữ “vâng” hay chữ “không” một lần nữa trong đức tin. Hành vi cứu chuộc có tính hoàn toàn Kitô bao nhiêu, thì đồng thời nó cũng có tính bao gồm và liên hệ với ta bấy nhiêu (29).

Với câu tuyên bố cho rằng Thiên Chúa hòa giải thế giới với Người, vấn đề đặt ra là phải giải thích ra sao công thức nói rằng máu đã đổ ra “cho nhiều người” (ὑπὲσ πολλῶν), trong Bữa Tiệc Ly (Mc 14:24; Mt 26:28; xem Mc 10:45). Theo một xác tín khá phổ biến, nếu không muốn nói là đã được tranh luận nhiều, trong ngôn ngữ Hípri, kiểu nói “cho nhiều người” cũng tương đương như kiểu nói “cho mọi người” (30). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa “cho mọi cá nhân” mà đúng hơn “cho toàn thể nhân loại” hay nói cách khác “cho đám đông vô kể” (31). Trong Tân Ước, tính toàn thể này không chỉ có nghĩa toàn thể dân Israel, mà đúng hơn toàn thể người Do Thái và Dân Ngoại, tức toàn thể nhân loại. Lời lẽ trong 1Tm 2:6 được hiểu theo nghĩa này, theo đó, chúng rõ ràng và không mơ hồ có nghĩa: “Đấng đã hiến mình làm giá chuộc mọi người [ὑπὲσ πάντων]”. Tính phổ quát này được truyền thống Tân Ước như một toàn bộ xác nhận (Ga 6:51; Rm 5:18; 2Cr 5:15; Dt 2:9). Do đó, không thể hoài nghi gì về ý muốn cứu rỗi phổ quát của Thiên Chúa và ý định phổ quát Người muốn hiến mạng sống Người vì mọi người (32).

Căn cứ vào ý định của Chúa Giêsu muốn hiến mạng sống mình “cho toàn thể [Gesamtheit]” nhân loại, người ta không thể đưa ra lý thuyết cứu rỗi phổ quát để kết luận rằng mọi cá nhân cuối cùng đều thực sự được cứu rỗi (33). Việc đền tội thay của Chúa Giêsu có tính độc hữu (exclusive) theo nghĩa Người là Đấng Trung Gian cứu rỗi duy nhất và độc nhất; đàng khác, việc đền tội thay của Người lại có tính bao gồm (inclusive) theo nghĩa nó bao gồm chúng ta trong sự tự hy sinh của Người. Việc đền tội thay không phải là một hành động thay thế cho việc chúng ta có thể làm và phải làm. Nó không thay thế cho trách nhiệm cá nhân của mỗi người, nhưng đúng hơn làm cho trách nhiệm này trở thành tự do một lần nữa. Nó tái lập trách nhiệm sau khi trách nhiệm này bị tiêu phá vì tội lỗi; nó lên năng lực cho trách nhiệm và thách thức nó một lần nữa. Việc đền tội thay của Chúa Giêsu giải phóng để ta có sự sống mới và biến ta thành tạo vật mới. Do đó, trong đức tin, ta có thể nói chắc chắn rằng Chúa Giêsu hiến mạng sống vì mọi người, và do đó, vì chính tôi nữa, một cách hoàn toàn có bản vị. Đó là cách Thánh Phaolô hiểu nó khi ngài nói rằng ngài sống nhờ đức tin vào Con Thiên Chúa “Đấng yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2:20) (34).

Xác tín đức tin này chưa hề là một lý thuyết trừu tượng và thực ra không thể như thế được. Nó có ý nghĩa hiện sinh đối với mọi cá nhân và đối với mối liên hệ bản thân của họ với Chúa Giêsu. Chúng ta gặp lòng đạo đức qui Kitô được nội tâm hóa một cách bản vị và huyền nhiệm học qui Kitô này, trước nhất và đầu hết, nơi Thánh Bernard thành Clairvaux. Ngài thường được người ta vẽ với Chúa Kitô đang đích thân cúi xuống từ thập giá và ôm lấy ngài. Thánh Bernard nói lên ý nghĩa của biến cố này như sau: “Khi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Đấng hy sinh mạng sống mình, chúng ta được biến cải” (transformamur cum conformamur) (35). Nền linh đạo này được tiếp nối bởi nền huyền nhiệm của Henry Suso và sau đó bởi Gương Chúa Kitô của Thomas à Kempis, một cuốn sách đã trở thành cổ điển của linh đạo. Đối với nền linh đạo cận đại, Linh Thao của Thánh Inhaxiô thành Loyola đã trở thành sách có thế giá. Trong các linh thao của ngài, Thánh Inhaxiô đã có nhiều cuộc độc thoại với Đấng Chịu Đóng Đinh. Ta lại gặp được cùng một lòng đạo đức nội tâm sâu xa này trong ca khúc nổi tiếng của Paul Gerhard, tựa là “Ôi Đầu Cực Thánh, Nay Đã Bị Thương”:

Nỗi sầu và thống khổ đắng cay của Ngài
Là để mọi kẻ có tội được lợi;
Phần con, con chỉ có vi phạm,
Nhưng phần Ngài, Ngài chỉ có đớn đau chết người…
Con biết mượn ngôn ngữ nào
để cám ơn Ngài, hỡi người bạn thân mến nhất,
về nỗi sầu buồn chết người này của Ngài,
lòng thương xót khôn nguôi của Ngài?
(36).

Kỳ sau: 5. Lòng thương xót của Thiên Chúa - Đức Công Bằng của Thiên Chúa - Đời Sống Ta
____________________________________________________________________________________________________________________________________
(*) Năm 1994 tổ chức Arbeiter-Samariter-Bund Deutshcland e.V. hợp tác với 3 tố chức khác ở Áo, Pháp và Đan Mạch để lập nên Samritan International e.V., một tổ chức bao gồm 16 hiệp hội thành viên.
(16) Nền tảng đối với lối giải thích này: C.H. Dodd, The Parables of the Kingdom (New York: Scribner, 1961); Joachim Jeremias, The Parables of Jesus, bản dịch của S.H. Hooke (New York: Scribner, 1972). Các lối giải thích gần đây: Eta Linnemann, Die Gleichnisse Jesu: Einfuhrung und Auslegung (Gottingen: Vandenhoeck & Ruprecht, 1975); Hans-Josef Klauck, Allegorie und Allegorese in Synoptischen Gleichnistexten (Munster: Aschendorff, 1986). Muốn có một dẫn nhập vào vấn đề giải thích các dụ ngôn, xem Đức Bênêđíctô XVI, Jesus of Nazareth: From the Baptism to the Transfiguration, 183-94.
(17) Đối với cả hai, xem Đức Bênêđíctô XVI, Jesus of Nazareth: From the Baptism to the Transfiguration, 194-211.
(18) Đức Gioan Phaolô II, Dives in Misericordia (1980) tiết 6.
(19) Wilckens, Theologie des Neuen Testaments, Bd. I/1, 316-19; Bd. II/1, 201-4. Xem chương V, 3.
(20) Về việc Chúa Giêsu biết trước cái chết của Người và vấn đề Người hiểu cái chết riêng của Người, xem Kasper, Jesus the Christ, bản dịch của V. Green (New York: Paulist Press, 1977), 113-21.
(21) Liên quan đến cuộc thảo luận của các nhà chuyên môn về chữ này, xem Wilckens, Theologie des Neuen Testaments, Bd. I/2, 15-18.
(22) W. Grundmann, “de…”, Theologisches Wonterbuch zum Neuen Testament, 2:21-25.
(23) H. Riesenfeld, “ὑπέρ”, Theologisches Wonterbuch zum Neuen Testament, 8:510-18; Heinz Schurmann, Gottes Reich, Jesu Geschick: Jesu ureigener Tod im Licht seiner Basileia-Verkundigung (Freiburg i. Br.: Herder, 1983).
(24) Xem Hans Urs von Balthasar, Theo-Drama: Theological Dramatic Theory, cuốn 3, The Dramatic Personae: The Person in Christ, bản dịch của Graham Harrison (San Francisco: Ignatius, 1992), 244-45.
(25) Balthasar tìm thấy và phê bình lối giản lược này cũng trong công trình của Karl Rahner, Edward Schillebeeckx và Hans Kung. Xem cuốn của ngài, Theo-Drama: Theological Dramatic Theory, cuốn 4: The Action, bản dịch của Graham Harrison (San Francisco: Ignatius Press, 1994), 273-84. Muốn có một khảo luận xây dựng và sâu sắc về đề tài này, xem Karl-Heinz Menke, Stellvertretung : Schlusselbegriff christlichen Lebens und theologische Grundkategorie (Einsiedeln: Jahannes Verlag, 1991). Menke, Jesus ist Gott der Sohn: Denkformen und Brennpunkte der Christologie (Regensburg: Friedrich Pustet, 2011), 377-408. Đối với lối nhìn Thệ Phản, xem Christof Gestrich, Christentum und Stellvertretung (Tubingen: Mohr Siebeck, 2001).
(26) Hartmut Gese, “The Atonment” trong Essays on Biblical Theology (Minneapolis: Augsburg, 1981) 93-116.
(27) Đức Bênêđíctô XVI, Jesus of Nazareth: Holy Week: From the Entrance into Jerusalem to the Resurrection, bản dịch của Philip J. Whitmore (San Francisco: Ignatius, 2011), 132-33.
(28) Thánh Augustin, Sermon 169, chương 11 số 13.
(29) Menke rõ ràng đã đưa ra sự dị biệt này trong cuộc thảo luận của ông với Karl Barth và Hans Urs von Balthasar. Do đó, theo ông, mô thức thoả mãn cũng bị loại bỏ. Xem cuốn của Ông Jesus ist Gott der Sohn, 133.
(30) Joachim Jeremias, The Eucharistic Words of Jesus, bản dịch của Norman Perrin (New York: Charles Scribner’s Sons, 1966), 226-31. Jeremias “πολλοί”, Theologische Wonterbuch zum Neuen Testament, 6:544f.
(31) Đây là lối giải thích của Jeremias, The Eucharistic Words of Jesus, 227-31; Rudolf Pesch, Wie Jesus dasAbendmahl hieldt (Freiburg i. Br.: Herder, 1977), 76f.; Wilckens, Theologie des Neuen Testaments I/2, 84; T. Soding, “Fur euch-fur viele-fur alle: Fur wen feiert die Kirche Eucharisrie?” trong Gestorben fur wen? Zur Diskussion um das “pro multis”, do Magnus Striet hiệu đính (Freiburg i. Br.: Herder, 2007), 22-26; M. Theobald, “Pro multis’-ist Jesus nicht fur alle gestorben” trong Striet, Gestorben fur wen?, 30-34; Đức Bênêđíctô XVI, Jesus of Nazareth: Holy Week: From the Entrance into Jerusalem to the Resurrection, 134-35.
(32) Vấn về này đã trở nên có tính chủ đề nhân lối dịch có kế hoạch kiểu nói “pro multis” trong các lời thiết lập phép Thánh Thể, theo một bản văn của bộ trưởng Thánh Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích ngày 17 tháng 10 năm 2007. Trong tinh thần truyền thống phụng vụ và giáo phụ, quan điểm chính thức của lối dịch chiểu tự là yếu tố xác định ra lối dịch này. Tuy nhiên, lối dịch này cần một ghi chú có tính giải thích về giáo lý để minh xác rằng với lối dịch này, không ai được hoài nghi ý muốn cứu rỗi phổ quát của Thiên Chúa, nhưng đáp ứng đức tin là điều cần thiết để các cá thể nhân bản sở đắc được ơn cứu rỗi này. Chỉ sau khi bản văn của bộ trưởng đã được in, thì lá thư tương ứng của Đức Bênêđíctô XVI gửi các giám mục Đức ngày 14 tháng Tư, 2012 mới được biết đến.
(33) Liên quan tới chi tiết của chủ đề này, xem chương V, 3.
(34) Lời tuyên bố trong Gaudium et Spes (số 22), theo đó, Con Thiên Chúa được cho biết là đã kết hợp với mọi hữu thể nhân bản, cũng cần được giải thích theo nghĩa này.
(35) Thánh Bernard thành Clairvaux, Canticle of Canticles, Sermon 62, 5. Xem cuốn On Loving God của thánh nhân, chương X.
(36). Evangelical Lutheran Worship (Minneapolis: Augsburg Fortress Press, 2006), #351.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét