ĂN CÁ ĐỂ CÓ SỨC KHỎE TỐT HƠN
VÀ GÓP PHẦN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Thu,
23/09/2021- Lm Nguyễn Thành Long
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy
nhiều người, đặc biệt là nhiều trẻ em ở xứ biển mà lại không biết ăn cá, hoặc
không thích ăn cá. Mỗi dịp tổ chức cắm trại hay dã ngoại cho các em thiếu nhi,
tôi thấy rõ điều này. Các hiền mẫu lo ẩm thực không bao giờ dám cho ăn cá, vì rất
nhiều em không thích ăn; chúng chỉ thích ăn mỗi thịt hoặc trứng. Bởi đó, một
Giáo lý viên đã nói vui rằng nếu bối cảnh phép lạ “hóa bánh” từ khẩu phần ăn của
một em bé, được thực hiện tại Việt Nam, thì Chúa Giêsu sẽ “hóa bánh và thịt ra
nhiều”, chứ không phải là “hóa bánh và cá ra nhiều”, vì dám chắc trẻ em Việt
Nam, nếu có mang theo bánh mì thì chỉ có bánh mì kẹp thịt hoặc xúc xích thôi,
vì chúng nó đâu có thích cá. Nguyên nhân có lẽ là do cha mẹ không tập cho con
cái ăn cá từ nhỏ. Thực tế, ăn cá có hai lợi ích lớn.
- Thứ nhất là lợi ích cho
sức khỏe
Các nhà khoa học đã nêu lên 10 lý do tại sao
ăn cá tốt cho sức khỏe (cả sức khỏe thể xác lẫn sức khỏe tinh thần) hơn là ăn
thịt [1]. Chẳng hạn ăn cá tốt cho tim mạch, xương khớp, và sự phát triển của
trí não. Ăn nhiều cá cũng có thể gia tăng tuổi thọ. Người Nhật được cho là một
trong những dân tộc khỏe mạnh và thông minh. Tuổi thọ của họ cũng thuộc hàng
top ten trên thế giới. Một trong những nguyên nhân chính là do trong chế độ ăn
hằng ngày của họ, cá chiếm ưu thế. Vốn là một quần đảo (biển bao quanh), nên
nguồn cung hải sản của họ là rất dồi dào.
Người ta vẫn nói đùa rằng
ăn cá nhiều sẽ có “cá tính”; còn ăn thịt thú vật nhiều sẽ có “thú tính”. “Cá
tính” ở đây được hiểu là nhanh nhẹn thanh thoát hơn và hiền hòa hơn. Còn “thú
tính” được hiểu là nặng nề chậm chạp hơn, có khi là “hung dữ” hơn. Bởi vì hấp
thụ một lượng thịt động vật quá nhiều có thể làm cho khí huyết trở nên “xấu”
đi, và vì thế tâm tính ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Ăn thịt nhiều, nhất là thịt
đỏ cũng không tốt cho sức khỏe.
- Thứ hai là có lợi cho
môi trường
Ngày hôm nay, một trong
những vấn đề nóng nhất của thế giới đó là biến đổi khí hậu, mà nguyên nhân
chính là do con người gây ra. Việc tiêu thụ quá nhiều thịt đồng nghĩa với việc
gia tăng các trang trại chăn nuôi gia súc gia cầm. Mà việc chăn nuôi gia súc
gia cầm, nếu không xử lý tốt nguồn chất thải (bao gồm các kim loại nặng, khí
CO2, N02 và các loại khí thải khác), sẽ góp phần gây nên hiệu ứng nhà kính, làm
trái đất nóng lên [2]. Hệ lụy tai hại kéo theo đó là nước biển dâng, thiên tai
bão lũ ngày một tồi tệ, mất cân bằng hệ sinh thái, v.v…
Khi ăn cá (cùng với rau củ
quả) nhiều hơn thì đương nhiên ta sẽ bớt ăn thịt lại, và khi bớt ăn thịt lại
thì ngành chăn nuôi gia súc gia cầm sẽ giảm quy mô, đồng nghĩa với việc giảm
tác hại đối với môi trường. Dẫu biết, khi bớt lượng thịt trong khẩu phần ăn
hàng ngày, chắc chẳn sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi, nhưng vì lợi ích chung,
ta phải chấp nhận hy sinh.
Truyền thống Kitô giáo có
luật buộc kiêng thịt vào các ngày thứ Sáu trong tuần, ngày thứ tư Lễ Tro và thứ
Sáu Tuần Thánh. Ngoài ý nghĩa thần học – kiêng thịt để hy sinh hãm mình, thiết
nghĩ luật buộc này còn mang ý nghĩa bảo vệ môi trường. Nếu tất cả mọi người
trên thế giới đều kiêng thịt mỗi tuần ít là 1 ngày, chắc chắn môi trường sẽ tốt
hơn lên [3].
Thiên Chúa dựng nên trái
đất này phần lớn là biển và đại dương (chiếm đến 3 phần 4). Phải chăng Ngài muốn
trong thực đơn của con người, cá và các loài hải sản khác phải chiếm phần hơn?
Thiên Chúa còn dựng nên các loài tôm cá dưới biển có khả năng sinh sản dồi dào.
Các loài gia súc như trâu bò, dê cừu, lừa ngựa… mỗi lứa chỉ đẻ 1 đến 2 con. Gia
cầm mỗi lứa khoảng 10 đến 20 con; trong khi đó, tôm cá mỗi lần sinh sản có đến
hàng ngàn, hàng vạn con…. Khả năng sinh sản “khủng” của các loài hải sản như thế
là để cung cấp đủ nguồn thực phẩm cho con người! Dĩ nhiên, nếu con người biết
cách khai thác một cách hợp lý, có nghĩa là vào mùa sinh sản của các loài tôm
cá thì không đánh bắt, hoặc không đánh bắt theo kiểu tận diệt.
Các bậc phụ huynh nên
thay đổi thói quen ăn uống cho con cái. Thay vì chủ yếu cho con cái ăn thịt và
trứng, thì nên tập cho chúng ăn nhiều cá hơn, đặc biệt là các gia đình ở xứ biển.
Vả lại nói chung, ăn cá vẫn rẻ hơn là ăn thịt (trừ một vài loại cá đắt tiền).
Có thể một số cha mẹ ngại cho con ăn cá, vì sợ chúng hóc xương; hoặc chính con
cái không thích ăn cá, vì chúng không thích mùi tanh của cá, hoặc vì ăn cá mất
công phải để ý đến xương. Cha mẹ biết cách để xử lý mùi tanh, khi chế biến các
món ăn từ cá cơ mà! Cha mẹ cũng có thể tập cho con cái ăn uống từ tốn và cẩn thận
hơn khi ăn cá: ăn chậm lại để giúp tiêu hóa tốt hơn, hấp thu dinh dưỡng tốt
hơn, và cũng để tránh bị hóc xương.
Chúa ban cho đất nước Việt
Nam chúng ta có một vùng biển rộng lớn, cộng thêm nhiều sông ngòi, với các loài
thủy hải sản phong phú tươi ngon, mà có lẽ nhiều quốc gia khác có nằm mơ cũng
không thấy. Hằng năm một lượng lớn thủy hải sản tiêu thụ không hết nên phải xuất
khẩu ra nước ngoài. Hãy tạ ơn Chúa về điều đó. Đồng thời hãy thay đổi chế độ ăn
uống một cách hợp lý hơn, bằng cách đưa vào trong thực đơn hàng ngày một lượng
cá nhiều hơn và bớt thịt lại, để gia đình mình có sức khỏe tốt hơn, và cũng để
góp phần kiến tạo một môi trường sống lành mạnh hơn, một trái đất tươi đẹp hơn,
theo tinh thần của Tông Huấn Laudato Si của Đức Thánh Cha Phanxicô [4]. Mong lắm
thay!
(Phan Thiết, tháng cầu
nguyện cho Môi Trường)
Lm. Giuse Nguyễn
Thành Long
---------------
[1]
https://hellobacsi.com/an-uong-lanh-manh/thong-tin-dinh-duong/an-ca-tot-cho-suc-khoe/
[2]
https://snnptnt.thuathienhue.gov.vn/?gd=7&cn=28&tc=823.
[3]
https://vietnam.rikolto.org/vi/tintuc/thay-doi-che-do-co-giup-han-che-bien-doi-khi-hau-nao.
[4]
https://www.nguoitinhuu.org/chiase/linhtinh/laudatosi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét