Sep 12, 2021-
Chúa nhật 24 thường niên
năm B - Thánh hoá đau khổ
Các Bạn thân mến,
Trong thời gian Đức Giesu
đi rao giảng và tuyển mộ môn đệ, Ngài đã sống, giảng dạy, đi đây đó giữa loài
người, mong để lại một thông điệp cho nhân loại, đó là viết nó vào lòng của các
môn đệ, của một số người, nhưng nếu không ai thấy được Thiên Chúa nơi Ngài,
không nắm được thông điệp của Ngài, thì công lao của Ngài chẳng đi đến đâu,
công cuộc cứu chuộc trần gian sẽ bế tắc. Nên vấn đề Đức Giesu phải đối đầu là
cuộc sống của Ngài đã gây được ảnh hưởng nào chưa? Ngài đã thực hiện được những
gì? Đủ chưa? Dân chúng có khám phá ra Ngài là ai không? Vì thế trong thời gian
này, Đức Giesu đã đem mọi sự đưa vào một trắc nghiệm, để Ngài nghe từ chính họ
và thăm dò dư luận quần chúng:
1.
"Người ta nói Thầy là ai?":
- Các ông đáp: "Họ bảo Thầy là ông
Gioan Tẩy Gỉa, có kẻ thì bảo là ông Elia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào
đó."
- Nghĩa là Ngài đã có ảnh hưởng đến dân
chúng, dù suy nghĩ, nhận thức, phát biểu khác nhau nhưng đều cùng một ý là họ
đã nhận ra Ngài là một người đặc biệt thuộc về Thiên Chúa.
- Rồi Ngài quay ra hỏi các môn đệ: "Còn
anh em, anh em bảo Thầy là ai?"
- Câu hỏi này nhằm khuyến khích các ông suy
nghĩ và có lập trường, để đạt tới một xác tín cá nhân.
- Thình lình ông Phero nhận ra được điều ông
vẫn biết từ lâu nơi tâm lòng mình, ông nhanh nhẹn trả lời: "Thầy là Đấng Kito."
- Khi tuyên xưng như vậy chắc chắn Phero đã
biết Đức Giesu là Đấng Mesia, Chúa Cứu Thế, Đấng được Xức dầu, là Con Thiên
Chúa.
- Câu trả lời này, Đức Giesu rất hài lòng, vì
chứng tỏ Ngài không thất bại.
- Nhưng ngay sau đó, Đừc Giesu lại bảo các
ông không được nói với ai về Ngài.
- Vì trong suốt qúa trình tồn tại, dân Do
Thái không bao giờ quên họ là tuyển dân của Thiên Chúa theo một ý nghĩa đặc biệt.
Họ trông mong một địa vị độc tôn trong thế gian, bằng các phương tiện tự nhiên.
- Họ mơ ước một ngày nào đó sẽ có một vị vua
thuộc dòng dõi vua Davit, giúp họ trở thành vĩ đại trong sự công chính và thế lực.
- Tuy nhiên, thời gian dài trôi qua, họ chẳng
chinh phục được ai, chẳng cai trị được nước nào, mà còn không biết đến tự do độc
lập là gì. Bởi dân chúng bị đầy sang Asyri, vĩnh viễn thất lạc; người Balilon lại
chinh phục Gierusalem, bắt dân Do Thái làm tù binh; rồi đến người Ba Tư cai trị
họ, tiếp theo là người Hy Lạp, và người La Mã.
- Nên càng ngày họ càng mơ ước, trông mong
Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử họ bằng phương tiện siêu nhiên, để thực hiện
điều mà các phương tiện tự nhiên đã không làm được.
- Hầu xứ Palestin sẽ là trung tâm của địa cầu,
cả thế gian sẽ qui phục nó, mọi dân tộc đều bị đè bẹp. Cuối cùng một thời đại mới
hòa bình tốt đẹp sẽ đến với họ và tồn tại vĩnh cửu.
- Đó là những ý niệm về Đấng Mesia vốn ngự trị
trong tâm trí người Do Thái trước và lúc Đức Giesu đến thế gian.
- Các ý niệm ấy thật tàn bạo, đầy tinh thần quốc
gia cực đoan, gây tàn hại và báo thù.
- Đức Giesu bị đặt trong bối cảnh ấy, nên chẳng
có gì ngạc nhiên về những việc Ngài làm, cũng như Ngài cần huấn luyện các môn đệ
mình về ý nghĩa mới của Đấng Mesia, dù Ngài biết sẽ phải trả gía rất đắt.
- Đức Giesu là ai? Là một câu hỏi được đặt ra
không chỉ trong thời Đức Giesu còn tại thế, mà còn được đặt ra trong mọi thời đại,
cho mọi người, đặc biệt là thời đại chúng ta.
- Câu hỏi đó cũng không phải chỉ vì tò mò muốn
biết dư luận nghĩ sao về Đức Giesu, mà nó còn được đặt ra để chờ đợi một câu trả
lời có ảnh hưởng quyết định trên lối sống của người trả lời.
- Thời nào Đức Giesu cũng nghe nhiều câu trả lời
khác nhau, mỗi câu trả lời đều thể hiện quan niệm, sự hiểu biết và lối sống
khác nhau.
- Như khi xưa, nhiều người cũng nhìn nhận Đức
Giesu là một vĩ nhân, đạo Ngài lập ra là đạo tốt. Nhưng đạo đó không giúp ích
gì nhiều cho cuộc sống mà họ đang cần cơm áo tiền của, công danh, sự nghiệp, địa
vị thế trần. Vì thế ai cũng chỉ quan tâm, lao mình vào cuộc sống vật chất, khi
rảnh rang, về gìa, gần đất xa trời mới cần đến lý tưởng tôn giáo!
- Cho đến hôm nay, sống trong cơn lốc của tiến
bộ, nhưng con người vẫn ngại thăng tiến, nên vẫn không hiểu về Ngài. Nếu được hỏi,
họ vẫn có những câu trả lời chỉ phản ảnh tính cách, công việc của trần thế, như
Đức Giesu là:
. vị thẩm phán khắt khe phải theo vì sợ bị khép
vào tội này nọ rồi bị đầy ải.
. vị thần tiên nhiều phép. Nếu phù hộ, thì đặt
lên bàn thờ tôn kính, không thì mời đi chỗ khác!
. vị lương y có thể trông
cậy nhờ vả lúc ốm đau, già yếu, bệnh hoạn.
. vị nào đó, tôi không biết,
cũng chẳng tin, vì chết là hết!
. v.v…
- Thiên Chúa đau buồn biết bao khi tín hữu nhận
định về Ngài như thế. Chẳng khác có Ngài cũng như không.
- Riêng chúng ta, hãy nhìn lại quá khứ, hiện
tại để xét xem Ngài đã làm gì cho mình, Ngài có thật sự là: Đức Kitô, nhưng
không phải là một “Đức Kitô vinh thắng” chinh phục các lân bang và báo
thù như dân Do Thái mong đợi, nhưng là một “Đức Kitô nhẫn nhục” hiến mạng
sống mình chết thay cho chúng ta.
- Từ đó đánh giá được chính mình hầu chấn chỉnh
tư tưởng tình cảm và hành động của mình cho đúng đắn.
2. Đấng Mesia và sự đau khổ:
- Nhờ
câu tuyên xưng của Phero, Đức Giesu:"bắt đầu dạy cho các môn đệ biết
Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ,
bị giết chết và sau ba ngày, sống lại."
- Nghĩa là Ngài nói công khai, rõ ràng về cuộc
khổ nạn của Ngài.
- Đây là điều mới mẻ cả về nội dung lẫn hình
thức trình bầy. Ngài không dùng dụ ngôn nữa, nhưng nói thẳng về định mệnh đang
chờ đợi Ngài
- Khi Đức Giesu kết hợp chức vụ Đấng Mesia với
sự đau khổ và sự chết là Ngài đang khẳng định với các môn đệ những điều khó
tin, khó nghe, khó hiểu, khó chấp nhận, làm họ choáng váng thất vọng, nhưng đó
là sự thật, là con đường dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu.
- Mặc dù Ngài không muốn đau khổ, chẳng muốn
chết, Ngài có quyền năng để xử dụng cho việc chinh phục và chiến thắng. Nhưng
Ngài đã không làm thế.
- Ngài không chỉ là siêu nhân, mà còn là Con
Thiên Chúa. Nên lý tưởng Ngài đề ra cho chúng ta không phải chỉ là một thứ lý
tưởng viễn vọng, Ngài thừa sức giúp chúng ta thực hiện lý tưởng đó dù phải trải
qua nhiều gian truân.
- Tuy nhiên, chính cái lý tưởng ấy khiến
chúng ta sống xứng đáng là người.
- Bởi với Đức Giêsu, điều quan trọng trong
cuộc sống không phải là nỗi phiền muộn hay đớn đau xảy đến, mà chính là thái độ
chúng ta đáp ứng, cách thức chúng ta xử lý chúng.
- Tuy không thể tránh được khổ đau nhưng có
thể biến chúng thành nguồn trợ lực thay vì huỷ diệt, nguồn mang sức sống thay
vì chết chóc, nhờ đó chúng ta trở nên tốt đẹp hơn thay vì chua chát hơn.
- Nếu
từ chối không chấp nhận khổ đau, chúng ta sẽ đánh mất chính cuộc sống của mình.
Ngược lại, nếu bắt chước Đức Giêsu can đảm nâng chúng lên, thì sẽ biến chúng
thành năng lực tích cực, thành nguồn ban sức sống.
- Thật vậy, con người mà chỉ biết mải mê kiếm
tìm, thu giữ, ăn uống, ngủ nghỉ, chơi bời, say sưa thỏa mãn nhục dục… thì chẳng
khác gì con vật.
- Đức Giesu muốn giúp chúng ta sống cao hơn
con vật, xứng đáng là con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa là Đấng
toàn năng, toàn thiện, toàn mỹ.
- Nghĩa là phải bỏ thói hư tật xấu, vác thập
gía mình mà đi theo Ngài, phải vươn lên, vươn cao hơn những nhu cầu vật chất tầm
thường.
- Đức Giesu xuống thế làm người, tiên phong sống
như thế để giúp chúng ta cũng sống như vậy, là vâng theo hướng dẫn của Ngài: "Ai
muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập gía mình mà theo."
- Ngài cho chúng ta một hình ảnh về người
Kito hữu, là người vác thập gía mình đi theo sau Đức Giesu vác thập gía.
- Nên sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ khám phá
ra rằng đời sống không phải chỉ toàn là vừa ý và hoa hồng, nó thường là khó
khăn và cay đắng.
- Sớm muộn gì chúng ta cũng thấy rằng phiền
muộn và khổ đau không nhất thiết sẽ đem lại chết chóc, hủy diệt.
a) Từ bỏ chính mình:
- Thời
nào cũng có những nhà hiền triết, những vĩ nhân, các nhà lãnh đạo tôn giáo, xã
hội luôn kêu gọi mọi người từ bỏ kiêu căng, ích kỷ, lòng tham, tiền tài, danh vọng
bất chính…
- Nhưng sự từ bỏ mà Đức Giesu kêu mời không
chỉ có mục đích để hoàn thiện bản thân. Ngài kêu gọi từ bỏ mọi sự để dễ dàng đi
theo Ngài, sống hiền lành, khiêm nhu, khó nghèo, nhịn nhục, hy sinh cho tha
nhân. Sự từ bỏ này dẫn chúng ta đến một cuộc sống phong phú dồi dào có ý nghĩa
hơn.
- Đây là một lời mời gọi hoàn toàn tự do, con
người có quyền lựa chọn, nhưng lại là một điều kiện tiên quyết.
- Không
phải là tha hóa, vong thân, nhưng là từ bỏ mọi sự, kể cả mạng sống mình, không
còn là mình nữa để nên giống Đức Giesu.
- Thực tế vấn đề đó đụng đến sự hy sinh, phải
chịu thiệt thòi mất mát nhiều mặt.
- Và cũng không phải hy sinh một vài lần, thiệt
thòi một vài thứ, hoặc quyết định một lần thay cho suốt cả cuộc đời, mà là thái
độ luôn sẵn sàng trong mọi giây phút của cuộc sống, như thế qủa thật không dễ!
- Nên theo người đời thì đó là điên khùng,
thua lỗ, ngu dại, nhưng đối với Thiên Chúa thì chúng ta chẳng điên chẳng lỗ
chút nào. Mà là khôn ngoan, sáng suốt, vì khước từ cái mau qua để được cái vinh
cửu, bỏ cái tương đối để được cái tuyệt đối, bỏ cuộc sống hay chết để được sự sống
đời đời, như thế còn gì bằng?
- Nhưng Đức Giesu đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ
tận căn, tận gốc rễ của mọi sự từ bỏ, đó là từ bỏ chính mình, không phải chỉ một
ít đồ vật, một ít ý riêng, một ít sở thích nào đó mà thôi.
- Bởi cái tôi luôn có nguy cơ lớn lên song
song không chỉ với con người, mà cả với lòng quảng đại hiến thân của chúng ta nữa.
- Nên trở ngại đầu tiên và cuối cùng vẫn là
cái tôi bản ngã. Từ bỏ cái tôi là nỗ lực liên tục của mỗi Kito hữu, dù là tu sĩ
hay giáo dân, trí thức hay yếu kém.
- Cũng nên biết thêm rằng thật là khó khi phải
thanh tẩy mình khỏi những nhân đức và biết bao công trạng mình đã lập được; chỉ
với ơn Chúa chúng ta mới có thể làm được điều khó khăn này.
- Tuy thế hệ ngày nay không bị cá nhân chủ
nghĩa ảnh hưởng sâu xa, nhưng lại bị chìm ngập trong nền văn hóa và lối sống đầy
ích kỷ, tham vọng…nên vấn đề từ bỏ mình lại càng khó khăn hơn.
- Chỉ mình Thiên Chúa mới biết đường ngay nẻo
chính để dẫn dắt, vậy hãy trông cậy và xin Ngài giúp đỡ để chúng ta luôn biết bỏ
mình đi theo Ngài.
b) Vác thập gía mình:
- Là đón nhận mọi đau khổ, mọi khổ cực, mọi bất
hạnh về tinh thần, tình cảm, thể xác của đời mình, không phân biệt nguồn gốc,
lý do, thể loại, nguy hiểm.
- Bởi đau khổ Chúa nói không phải để hành hạ
con người, mà để dẫn con người đến đời sống vĩnh cửu với hạnh phúc thật.
- Thập gía và cái chết không phải để đưa con
người vào tàn lụi, nhưng chính là điều kiện để con người đựơc tái sinh và triển
nở trong đời sống vĩnh cửu mới.
- Nên người Kito hữu luôn tin rằng giữa những
nỗi thống khổ luôn có tình yêu của Thiên Chúa.
- Vì thế chính những thái độ đón nhận bất hạnh
nói lên lòng tin vào lời hứa của Thiên Chúa, lòng cậy vào sự trung tín, và lòng
mến Thiên Chúa.
- Đem những ý tưởng ấy và ý tưởng đền tội vào
việc chịu đau khổ sẽ giúp cho việc chịu đau khổ nhẹ nhàng, mang lại ý nghĩa cho
cuộc sống.
- Đau khổ như vậy được gọi là đau khổ giải
thoát hay đau khổ mang lại ơn cứu rỗi.
- Mang lấy gánh nặng của cuộc sống đòi hỏi
tín hữu phải có đức tin kiên trì và một tâm hồn tín thác nơi Chúa.
- Thập
gía của Đức Giesu là do Ngài gánh lấy tội lỗi nhân loại. Còn thập gía của chúng
ta là do lãnh lấy sứ mạng rao truyền Tin Mừng và muốn làm chứng cho Ngài.
- Đó là những ý cuối cùng của Tin Mừng hôm
nay, không chỉ nhắm vào các môn đệ, mà nhắm đến tất cả Kito hữu, không phân biệt
bậc sống.
c) Cám dỗ:
- Khi từ bỏ, vác thập gía mình tức là lúc
chúng ta đau khổ, buồn bực; thường khi ấy có nhiều cám dỗ, của Sa tan, của người
thân yêu muốn nâng đỡ, an ủi chúng ta mà không biết đó là cám dỗ.
- Loại cám dỗ này thường nói với chúng ta bằng
giọng ngọt ngào, có tình có lý.
- Nhưng đó là loại cám dỗ nguy hiểm vì khó đề
phòng, khó nhận biết, nó lại thường ẩn dưới dạng nhân nghĩa để tấn công.
- Đây là một kinh nghiệm sống rất thực tế, mà
ai cũng có thể thường gặp.
- Như khi quyết định tiến hành một công việc
to lớn, phải lẽ nào đó mà chắc chắn sẽ không tránh khỏi mất mát, rắc rối, nguy
hiểm.
- Đúng lúc ấy có thể người trong gia đình, hoặc
bạn thân đến với ý định tốt, cố cản ngăn chúng ta với lý lẽ hợp tình hợp lý. Thế
là chúng ta tháo lui, bỏ cuộc!
- Rồi một điều rất nguy hiểm nữa là ngay cả
khi chúng ta làm việc tốt lành, cũng bị cám dỗ vì chính lòng tận tụy trung tín
của mình.
- Cần sáng suốt để nhận ra tất cả những điều ấy
đều "không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
- Đó cũng chính là chuyện đã xẩy ra với Đức
Giesu mà Tin Mừng hôm nay ghi lại: "ông Phero liền kéo riêng Người ra
và bắt đầu trách Người."
- Không biết ông Phero nói gì với Đức Giesu,
nhưng chắc chắn đó là những lời can ngăn đầy tình yêu thương chân thành của
ông.
- Nhưng Đức Giesu đã thấy lời can ngăn như vậy
thật nguy hiểm, Ngài nhận ra đó là cám dỗ của Sa tan, và liền quở trách Satan
qua Phero:"Sa tan lại đằng sau Thầy!"
- Hãy cảm tạ Đức Giêsu, vì phiền muộn, khổ đau
sẽ biến thành nguồn sống, biến đổi chúng ta thành người tốt hơn, thông hiểu kẻ
khác hơn, mở mắt cho chúng ta thấy được cuộc sống phong phú tốt đẹp, hơn là
chúng ta đã từng mơ ước.
Lạy Đức
Kito, Ngài dạy: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập gía mình
mà theo.” Nhưng thật khó, vì nhiều lúc chúng con quá đau khổ, quá cô đơn, tủi
nhục…lại phải chống trả bản tính xác thịt thích an nhàn, hưởng thụ, sung sướng
hạnh phúc, hơn là vất vả thiệt thòi, hy sinh; thích thu nhận tích trữ hơn là
cho đi, thích cai trị hơn là phục vụ.
Xin dạy
chúng con biết làm việc, chiến đấu, hy sinh, mà không đòi phần thưởng, phục vụ
không cần đền đáp.
Xin thánh
gía trở nên gương mẫu cho chúng con, nhờ đó chúng con không coi đau khổ là một
bất hạnh nữa, mà là dấu chỉ cho biết chúng con đang thuộc về Ngài. Vì Đức Kito,
Chúa chúng con. Amen
Than men,
M. Goretti duyenky
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét