Thứ Hai, 20 tháng 9, 2021

Nhân Đức

 

Nhân  Đức 

Mai Nhật Thi - Nghệ Thuật Sống

Vua Huệ Vương nước Ngụy một hôm hỏi quan đại thần là Thập Bì :

– Khanh nghe dư luận bên ngoài, người ta bàn tán về quả nhân thế nào ?

Thập Bì thưa :

– Tôi nghe người ta nói nhà vua là người nhân từ và hay làm ơn lắm.

Huệ Vương vui mừng nói :

– Như vậy, khanh cho công đức của quả nhân được đến thế nào ?

Thập Bì thưa :

– Cái công đức của nhà vua được đến như vậy thì sẽ mất nước thôi.

Huệ Vương ngạc nhiên hỏi :

– Nhân từ và hay làm ơn là làm việc thiện. Làm việc thiện mà mất nước là nghĩa lý gì vậy ?

Thập Bì thưa :

– Vua mà nhân từ thì hay ái ngại việc trừng phạt. Vua hay làm ơn thì chỉ thích ban thưởng. Tính hay ái ngại thì kẻ có tội cũng không trừng trị. Tính hay làm ơn thì kẻ không công cán gì cũng được thưởng. Than ôi, người làm vua mà để đến nỗi kẻ có tội không bị trừng phạt, kẻ không công cũng được thưởng thì mất nước cũng không có gì lạ.

______________

Chút Suy Tư

1. CHO

Cuộc sống có thể tóm gọn trong hai từ Cho và Nhận.

Lòng Nhân Từ cũng được đo lường từ hai thái độ đó.

CHO đâu chỉ là trao ban vật chất. Cứ CHO là thể hiện lòng tốt, lòng nhân từ sao ? CHO còn là cho “lời khuyên”, cho sự “hướng dẫn”, cho “ánh sáng khai trí” để con người luôn biết sống theo “nẻo chính đường ngay”.

Như Huệ Vương, cứ thi ân là trở thành vị vua Nhân Từ sao ?

“Vua mà nhân từ thì hay ái ngại việc trừng phạt. Vua hay làm ơn thì chỉ thích ban thưởng. Tính hay ái ngại thì kẻ có tội cũng không trừng trị. Tính hay làm ơn thì kẻ không công cán gì cũng được thưởng.”(trích truyện).

Với những kẻ độc ác cứ buông tha, kiểu “thả cọp về rừng” có là nhân từ không ?

Với những đứa con trụy lạc cứ chiều chuộng, bơm tiền cho chúng lao vào những cuộc vui ăn chơi thác loạn như những con thiêu thân, đó có phải là lòng nhân từ của bậc cha mẹ không?

Có một người mẹ vào thời điểm làm ăn thành đạt đã tuyên bố : ” Ngày xưa tôi nghèo, bây giờ tôi giàu có, tôi cho con tôi vui chơi xả láng” . Kết quả là đứa con ngáo đá đó đã vào tù.

Đấy ! Có những trường hợp lòng nhân từ hay tâm lương thiện không được thể hiện đúng lúc, đúng nơi, không phù hợp hoàn cảnh trong cuộc sống dẫn đến những nguy hiểm khó lường được.

“Cái công đức của nhà vua được đến như vậy thì sẽ mất nước thôi” (trích truyện)

2. NHẬN

NHẬN. có nhiều thứ nhận:  nhận con người, nhận sự giúp đỡ, nhận công việc, nhận quà cáp, nhận lời khen, nhận sự phê bình…

Không phải vì “tội nghiệp” mà nhận một tên lưu manh vào nhóm bạn bè của mình được. Không phải vì thương dòng máu mà chọn một kẻ bất tài thất đức vào địa vị chức quyền được. Không thể vì tình xưa nghĩa cũ của người thân mà nhận ai đó tính tình gian xảo để làm người kề vai sát cát bên mình được.

Có những thứ nhận vào nguy hiểm như thuốc độc.

Có những thứ thân tín mang bên mình như bom đạn.

3. XIN ĐỪNG NGÂY THƠ

Người xưa có nhiều câu nói xem ra cứng cỏi, khô khan, nhưng chắc chắn những câu nói đó phát xuất từ những kinh nghiệm và là kim nhỉ nam nghệ thuật sống.

“Quân pháp bất vị thân”.
“Thẳng mực tàu đau lòng gỗ”.
“Thuốc đắng đã tật” (…)

“Than ôi, người làm vua mà để đến nỗi kẻ có tội không bị trừng phạtkẻ không công cũng được thưởng thì mất nước cũng không có gì lạ.” (trích truyện).

Có lẽ, suy nghĩ về vấn đề này, đến đây cũng đã tạm đủ.

Hiền hòa chứ không ngây thơ.


Nhưng, có điều… “Trăm lý thua một tình !”

Và đó là vấn đề đòi hỏi sự sáng suốt và rất mực thiêng liêng trong Tâm – Trí của con người.

“Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. (ND).

MAI NHẬT TH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét