Thứ Sáu, 3 tháng 9, 2021

Đạo xử thế của người xưa: Dĩ hòa vi quý

 

Đạo  xử  thế  của  người  xưa:  Dĩ  hòa  vi  quý

An Hòa • Thứ Tư, 01/09/2021

 

(Tranh minh họa: Chí Thanh, Vision Times tiếng Trung)

Nho gia có câu: “Hòa vi quý”. Binh gia có câu: “Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”. Cổ nhân có kinh nghiệm: “Gia hòa vạn sự hưng”. Người trị quốc thì mong mỏi hòa bình, hòa mục. Còn người kinh doanh lại có cách nói: “Hòa khí sinh tài”. Có thể thấy, “Dĩ hòa vi quý” là một phần trọng yếu trong cách đối nhân xử thế, tề gia trị quốc của người xưa.

Ngày nay khi nhắc đến “Dĩ hòa vi quý” thì có người cho rằng đó là sự ba phải, không phân biệt xấu tốt đúng sai. Kỳ thực trong “Luận Ngữ” viết: “Lễ chi dụng, hòa vi quý”, nghĩa là trong việc thực hành Lễ thì “Hòa” là quý, được đặt lên hàng đầu. “Dĩ hòa vi quý” được thực thi dựa trên nền tảng đạo đức lễ nghĩa chứ không phải là sự ba phải, gió chiều nào xoay chiều ấy, lại càng không phải là không phân thiện ác hay thỏa hiệp với cái xấu cái ác.

Đề cao “Dĩ hòa vi quý” tức là đề cao sự hài hòa giữa con người với con người. Khi đứng trước mâu thuẫn, có thể lựa chọn khoan dung độ lượng chứ không tranh đấu thì chính là “Hòa”.

Trong việc trị quốc thì “Dĩ hòa vi quý” cũng không đồng nghĩa với việc dung túng. Người khác làm hại đến cá nhân thì bởi vì khoan dung mà tha thứ cho họ, nhưng trong việc an bang thì phải tuyển chọn hiền lương xứng đáng. Trong “Nhẫn kinh” có chép câu chuyện về Tể tướng Trương Tề Hiền thời nhà Tống, làm rõ ý này.

Trương Tề Hiền là danh tướng thời Bắc Tống, là người khoan dung rộng lượng. Lúc ông làm quan ở Giang Nam đã xảy ra một chuyện. Vào một ngày, khi Trương Tề Hiền tổ chức yến tiệc, một người hầu trong nhà đã lấy trộm một số món đồ bằng bạc giấu vào trong bụng của mình. Trương Tề Hiền đứng sau bức mành nhìn thấy nhưng không hỏi.

Sau này, Trương Tề Hiền được phong làm Tể tướng. Trương Tề Hiền lại tùy theo đánh giá của mình mà gia phong những chức quan nhỏ cho một số người có tài trong nhà. Tuy nhiên người hầu khi trước lấy trộm thì không được phong chức quan hay bổng lộc gì hết.

Người này nhân lúc không có người đã quỳ trước mặt Trương Tề Hiền nói: “Tôi theo hầu ngài lâu nhất, những người đến sau tôi đều được làm quan, sao ngài lại chỉ quên mình tôi?” Ông ta nói xong thì tỏ vẻ oan khuất.

Trương Tề Hiền thở dài nói: “Ta vốn không muốn nói. Ngươi còn nhớ lúc ở Giang Nam, ngươi đã lấy trộm đồ bạc chứ? Ta đem chuyện này cất trong lòng gần 30 năm mà không nói cho người khác, ngươi cũng không hay biết. Hiện giờ ta làm Tể tướng có quyền bổ nhiệm và bãi miễn quan viên, cất nhắc hiền lương, sa thải tham quan. Ta có thể cất nhắc một người từng ăn trộm làm quan được chăng? Ngươi theo ta một thời gian dài, bây giờ ta cấp cho ngươi ba mươi vạn đồng, ngươi hãy nhận lấy và tự mình chọn một nơi để an cư. Bởi vì đã nói ra, ngươi tất nhiên cũng xấu hổ mà không thể nào ở lại nữa”.

Người hầu nghe xong thì kinh ngạc, vừa khóc vừa bái biệt mà đi.

Trương Tề Hiền có thể hòa mục với người hầu 30 năm, nhưng đứng trước việc trị quốc thì ông không lấy tình riêng mà phạm lẽ chung. Người quân tử không vì “hòa” với người này mà làm tổn hại, gây “bất hòa” với người khác. Đây có thể nói là làm được cảnh giới cao của “Dĩ hòa vi quý” rồi.

“Dĩ hòa vi quý” ngoài việc hoá giải được rất nhiều mâu thuẫn không đáng có, còn có thể làm cảm động, làm thay đổi được một con người. Trong “Nhẫn kinh” lại ghi chếp một câu chuyện khác về Vu Lệnh Nghi như sau.

Vu Lệnh Nghi là người Tào Châu, vốn là người trung hậu, không bao giờ vì cái lợi của mình mà làm tổn hại người khác. Lúc tuổi già, gia cảnh nhà ông rất sung túc, giàu có.

Một buổi tối có người đến nhà ông ta trộm cắp. Các con của Vu Lệnh Nghi bắt được kẻ trộm vặt, thì ra là con nhà hàng xóm. Vu Lệnh Nghi hỏi cậu ta: “Ngươi trước giờ chưa làm chuyện xấu, vì sao lại đi ăn trộm vặt?”

Cậu kia nói: “Chỉ vì bần cùng bức bách.”

Vu Lệnh Nghi hỏi cậu ta cần gì, tên trộm trả lời: “Có một vạn tiền đủ để mua đồ ăn và quần áo rồi.”

Vu Lệnh Nghi cho cậu ta số tiền ấy rồi thả đi. Tên trộm vừa mới đi, Vu Lệnh Nghi lại gọi cậu ta lại. Tên trộm sợ hãi lắm, cho rằng Vu Lệnh Nghi đã đổi ý.

Vu Lệnh Nghi nói với cậu ta: “Ngươi ăn mặc nghèo khổ, lại mang một vạn tiền, chỉ e người đi tuần đêm sẽ căn vặn ngươi.”

Vì thế Vu Lệnh Nghi đã cho cậu ta ở lại nhà mình đến khi trời sáng mới thả đi. Tên trộm vô cùng xấu hổ, cuối cùng đã trở thành người dân lương thiện.

Vu Lệnh Nghi lựa chọn những người ưu tú trong số con cháu của mình để mở trường học, mời thầy giáo có tiếng đến dạy học cho dân chúng. Con cháu ông đều học giỏi, lần lượt thi đỗ tiến sĩ, trở thành một vọng tộc ở dải đất phía Nam Tào Châu. Đó cũng là phúc báo của việc ông đã làm nhiều việc thiện.

Theo Vision Times tiếng Trung

An Hòa biên tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét