Chủ Nhật, 5 tháng 9, 2021

PHẢI THỰC HÀNH ĐỨC ÁI CÁCH NÀO CHO ĐẸP LÒNG CHÚA ĐỂ MƯU PHẦN RỖI CHO MÌNH VÀ CHO NGƯỜI KHÁC?

 

PHẢI  THỰC  HÀNH  ĐỨC  ÁI  CÁCH  NÀO  CHO  ĐẸP  LÒNG  CHÚA  ĐỂ  MƯU  PHẦN  RỖI  CHO  MÌNH  VÀ  CHO  NGƯỜI  KHÁC?

 Thiên Chúa là tình yêu, nên mến Chúa và yêu người là việc tối cần phải đi đôi với nhau  để nói lên niềm tin có Chúa và ao ước được sống hạnh phúc với Chúa ngay từ bây giờ trên trần thế này, trước khi được vui hưởng Thánh Nhan Người mai sau trên Nước Trời..Nước của yêu thương, của công bình,và bác ái,Nước của cảm thương và tha thứ (compassion and forgiveness)

Thật vậy, yêu Chúa là điều răn quan trọng nhất mà mỗi người tín hữu chúng ta phải thực hành cách cụ thể để nói lên lòng mình  yêu mến Chúa  thực sự  hầu đáp lại phần nào tình thương quá lạ lùng của Thiên Chúa, Cha chúng ta,  đã vì yêu thương mà dựng nên con người và nhất là đã cứu chuộc con người nhờ Chúa cứu thế Giêsu, Đấng cũng vì yêu thương mà vâng phục Chúa Cha ,xuống trần gian làm Con Người để “hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn  người”(Mt20:28)

Thiên Chúa tuyết đối không có lợi lộc gì mà phải tạo dựng con người và cứu chuộc cho con người cho khỏi phải phạt và chết đời đời vì tội lỗi. Chính vì yêu thương  vô vị lợi đó,  mà Thiên Chúa  “ muốn cho mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý.” như Thánh Phaolô đã quả quyết. (1 Tm 2: 4)

Cho nên, chúng ta phải tin chắc điều đó và hết lòng cảm tạ Chúa về tình thương bao la của Người dành cho mỗi người chúng ta. Nếu  Chúa quá  yêu thương chúng ta như vậy, thì  về phần  mình, chúng ta phải làm gì để đáp lại tình yêu quá quá lớn lao và  vô vị lợi  đó của Thiên Chúa?

Chúa Giêsu đã chỉ rõ cho ta biết cách đáp trả tình yêu vô biên của Chúa Cha như sau:

 “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy

Cha của Thầy sẽ yêu thương người ấy

Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14:  23)

“Giữ lời Thầy và được Cha Thầy  yêu thương” có nghĩa là thực thi những điều răn mà Chúa Cha đã truyền  trước hết cho dân Do Thái phải tuân giữ để được chúc phúc; và sau này,  Chúa Giêsu cũng đã nhắc lại cho các môn đệ  xưa và  tất cả mọi người  chúng ta ngày nay phải thi hành. Đó là:

 “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh  em.” Không có tinh yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh  mạng vì bạn hữu mình.”(Cv 15:12-13)

Như thế, thực thi hai điều răn lớn của Chúa là yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân như yêu chính minh là cách thể hiện cụ thể lòng yêu mến Chúa của mỗi người chúng ta để đáp trả phần nào tình thương quá lớn lao của Thiên Chúa  cho con người , là kẻ có tội và không hề có công trạng gì đáng cho Chúa phải yêu thương, cầu cận  cách lạ lùng như vậy.

Nhưng thế nào là tuân giữ hai điều răn quan trọng trên đây cách cụ thể?

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần đọc lại lời dạy sau đây của Thánh Gia-cô-bê Tông đồ:

 “… đức tin không có hành động là đức tin chết…Ông Abra-ham tổ phụ chúng ta đã chẳng được nên công chính nhờ hành động, khi ông hiến dâng con mình là Íxa-ac trên bàn thờ đó sao ? Bạn thấy đó: đức tin hợp tác với hành động của ông, và nhờ hành động mà đức tin nên hoàn hảo.” (Gc 2:  17, 21-22)

Như thế, bằng hành động cụ thể, đức tin và đức mến được chứng minh cách thuyết phục. Nói khác đi, yêu mến Chúa mà không thực thi mọi thánh chỉ của Người là nói suông, chẳng có giá trị gì, như Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ xưa:

“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lậy Chúa! Lậy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7:21)

Thi hành ý muốn của Cha trên trời Đấng ngự trên Trời, thì– ngoài việc  thực thi hai Điều Răn quan trọng nói trên -  còn đòi hỏi  chúng ta phải chê ghét mọi tội lỗi và sự dữ như: giết người, giết thai nhi, oan thù, nghen nghét, dâm ô thác loạn, mãi dâm và ấu dâm (child prostitution) rất  khốn nạn, phá thai, thay chồng đổi vợ, trộm cướp, cờ bạc,  bất công ,  bóc lột người khác và dửng dưng trước sự nghèo đói , đau khổ của anh chị em đồng loại.

Như thế, nếu miệng nói tin và yêu Chúa, nhưng tay lại làm sự dữ , chân bước  vào một trong  những con đường tội lỗi nói trên, thì chắc chắn không thể nói là tin và yêu Chúa cách thuyết phục  được; nên dù có nói:  lậy Chúa !, lậy Chúa !, Alleluia!  Alleluia! cả trăm ngàn lần thì cũng hoàn toàn vô ích mà thôi.

Cũng vậy, yêu người khác như Chúa đòi hỏi thì cũng không thể nói suông được.  Lý thuyết hay, mà không thực hành  cụ thể  để chứng minh thì cũng không có giá trị thuyết phục  được  ai tin lòng bác ái của mình đối với tha nhân như Thánh Gia-cô-bê đã chỉ  rõ như sau :

 “Giả như có người anh  em hay chị  em không có áo che thân, không đủ của ăn hàng ngày, mà có ai trong anh  em lại nói với họ: Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ?” ( Gc 2: 15-16)

Nghĩa là phải cụ thể biểu lộ lòng yêu mến tha nhân bằng việc bác ái đích thực để chia sẻ với người nghèo khó, đau khổ những gì mình có thể giúp được họ để  xoa dịu bớt sự thống khổ, nghèo đói, bệnh tật , tai ương  mà biết bao người  quanh ta đang phải chịu. Liên quan đến việc này, ta có thể nghe lại lời khuyên của ông Tôbia cha nói với con trai ông như sau:

 “Con hãy dùng của cải bố thí cho tất cả những ai thực thi công chính, và khi bố thí, mắt con đừng có so đo. Đối với ai nghèo khổ, con đừng ngoảnh mặt làm ngơ, để rồi đối với con, Thiên Chúa cũng  sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ.Tùy con  có bao nhiêu thì cho bấy nhiêu. Có nhiều thì cho nhiều, có ít thì đừng ngại cho ít”. (Tb 4: 7-8)

Chính ông Tobia cha đã thực thi bác ái cách cụ thể  bằng hành động đi chôn xác kẻ chết, bất kể họ là ai. Ai chết mà không có thân nhân chôn cất, ông đều đem xác họ đi chôn cách tử tế và  vô vị lợi, chỉ vì ông mến Chúa và yêu người thực sự.

Khi đến trần gian để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, Chúa Giêsu xưa cũng dạy các môn đệ và dân chúng đến nghe Người như sau:

 “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng hề hao hụt ở trên trời, nơi trộm cắp không bén bảng,mối mọt cũng không đục phá.” (Lc 12: 33)

Đây là sự khôn ngoan, biết dùng tiền của chóng qua ở đời này    mua hạnh phúc giầu sang vĩnh cửu của Nước Trời.

Nhưng khi bố thí cho ai của gì, chúng ta phải làm với lòng mến Chúa, yêu người thực sự, nghĩa là không  làm việc bác ái , bố thí  cho ai    khoe khoang để được người khác khen thưởng như Chúa Giê su đã dạy rõ như sau :

  “Khi làm việc lành phúc đức, anh  em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ  thấy. Bằng không , anh  em sẽ chẳng được Cha  của anh  em, Đấng ngự trên trời  ban thưởng…, khi bố thí, đừng cho tay tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh em bố thí được kín đáo. Và Cha của anh  em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh  em.” (Mt : 6: 1, 3-4)

Như thế, bố  thí vì lòng bác ái thực sự  chắc chắn là điều làm đẹp lòng Chúa vì nó phù hợp với bản chất thiện hảo, nhân từ, yêu thương và  quảng đại  của Thien Chúa như tác giả Thư Do Thái đã khuyên dạy như sau:

 “Anh em chớ quên làm việc từ thiện, giúp đỡ lẫn nhau, vì Thiên Chúa ưa thích những hy lễ như vậy.” (Dt 13: 16)

Thánh Phaolô cũng khuyên phải làm việc thiện như sau:

“... Những người giầu có phải làm việc thiện và trở nên giầu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ. Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sống thật.” (1 Tm 6: 17-19)

Vì thế, làm việc từ thiện như bố thí rộng rãi cho người nghèo khó, đau khổ  được coi như một của lễ đẹp lòng Chúa để dâng lên Người.

Nhưng cũng cần phải nói ngay điều này, là trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, có biết bao người đã mượn danh nghĩa làm từ thiện, bác ái  để đi quyên tiền ở trong và ngoài nước. Nhưng thực tế  đã cho thấy là  có sự lạm dụng trong việc từ thiện này để kiếm lợi cho cá nhân hay tổ chức đứng ra  quyên góp.  Tiền và tặng phẩm quyên được đã không đến tay người  đáng nhận mà đã vào túi , vào tay người tổ chức, như người ta đã từng khám phá, phanh phui ra. Dĩ nhiên  không phải tất cả cá nhân hay tổ chức  từ thiện đều như vậy, mà chỉ có một số nhỏ nào đã lợi dụng lòng  hảo tâm của các ân nhân muốn giúp những  nạn nhân nghèo đói, bệnh tật, khuyết tật , nhưng tiền quyên được đã không  được phân phối công bằng cho các đối tượng cần được giúp đỡ,  mà đã vào túi tham của người tổ chức, và do đó, làm mất uy tín của những cá nhân hay tổ chức bác ái chân chính.

Muốn được công bằng và tránh tai tiếng thì phải có người hay cơ quan kiểm soát những người đi xin tiền, và nhất là biết rõ số tiền quên được là bao nhiêu và  cho  mục đích gì, để  được chi dùng  đúng cho mục đích đó, chứ không thể đi vào túi tham của người đi xin được.

Đây là một cạm bẫy to lớn, cách riêng  cho người tông đồ lớn nhỏ không sống được đức khó nghèo của Phúc Âm, của Chúa Kitô, “ Đấng vốn giầu sang phú quí, nhưng đã tự ý trở nên nghèo  khó  vì anh  em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh  em trở nên giầu có.”  ( 2 Cor  8: 9.

Người Tông Đồ mà ham mê của cải, tiền bạc để cứ thi nhau đi xin hết đợt này đến đợt  khác , thì sẽ không bao giờ có thể làm nhân chứng cho Chúa Kitô khó nghèo, làm  gương sáng cho người khác ,  cũng như  không  thể thuyết phục được ai tin và sống điều mình giảng dạy cho họ.

Vẫn biết “có thực mới vực được đạo”, có tiền thì mới làm được những việc lợi ích chung. Nhưng  cũng cần phải lưu ý đến sự lạm dụng có thực đã xảy ra và còn đang xảy ra, vì không có ai hay cơ quan nào theo dõi và kiểm chứng việc đi quyên tiền và chi tiền cho mục đích đi xin. Nếu tình trạng này còn kéo dài, thì uy tín chung sẽ còn bị thương tổn vì sự lạm dụng và tham lam của những cá nhân tiếp tục đi xin tiền ở bên ngoài.

Tóm lại, làm việc bác ái như bố thí cho người nghèo khó là việc đẹp lòng Chúa và đáng phải được đề cao, theo gương người Samaritanô nhân hậu, mà Chúa Giêsu đã kể cho luật sĩ kia trong Tin Mừng Thánh Luca, ( x.Lc  10: 30-37), cũng như  điều  Chúa nói  về Ngày Phán Xét chung trong chương 25, Tin Mừng Thánh Matthêu.

Ước mong sao  việc  bác ái Kitô giáo phản ảnh trung thực tinh thần bác ái của Phúc Âm , của Chúa Kitô,  để “ họ thấy những công việc tốt anh  em làm mà tôn vinh  Cha của  anh  em , Đấng ngự  trên trời.” ( Mt 5: 16) như Chúa Giêsu đã dạy.các môn đệ và dân chúng đến nghe Chúa giảng dạy xưa kia

Tóm lại, thi hành đức ái đúng với tinh thần và  mục đich bác ái là điều đẹp lòng Chúa và mưu ích cho phần rỗi của mình, đồng thời  nêu gương tốt cho người khác, thuyết phục họ sống bác ái như minh để cùng nhau được cứu rỗi mà  hưởng  hạnh phúc Nước Trời như lòng Chúa mong muốn, vì “xưa Ta đói, các  ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng,các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu , các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các  nguơi đã đến thăm; nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy vào thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.”( Mt25:34-36)

Ước mong những giải đáp trên thỏa mãn câu hỏi đặt ra.Amen

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn.,DMin =Doctor of Ministry=Tiến Sĩ Sứ Vụ

Tác giả:  Lm. Ngô Tôn Huấn, Doctor of Ministry

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét