Thứ Năm, 2 tháng 9, 2021

Sep 5, 2021 - Chúa nhật 23 thường niên năm B.

 

Sep 5, 2021 - Chúa  nhật  23  thường  niên  năm  B.

Thiên  Chúa  mở  tai ,  mắt,  lưỡi  cho chúng  ta

 https://www.youtube.com/watch?v=2wVt8GMEKyI



Các Bạn thân mến,

Tin Mừng chúa nhật tuần này không chỉ tường thuật việc Đức Giesu chữa lành cho người mù và ngọng, câm, mà còn như lời cam kết rằng Ngài có thể mở tai, mắt, lưỡi cho con người, cũng là một lời mời gọi tin tưởng vào Ngài, để Ngài giúp chúng ta. Vậy hãy nhìn nhận sự giải thoát Ngài đã mang lại, cố gắng đón nhận sự giải phóng Ngài đang muốn làm cho chúng ta trong những lúc bệnh hoạn, gian nan, lo âu, tù đầy, thất vọng, ngờ vực...để ý thức rằng đau khổ là chuyện đương nhiên phải có trong cuộc sống ở thế gian này.

Bởi Thiên Chúa đã để cho cuộc sống này có những thứ ấy, hầu nhắc nhở chúng ta rằng đây là đời sống tạm bợ, bất toàn; thiên đàng mới là quê hương hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta.

Cho nên dù phải cố gắng hết sức để thoát khỏi đau khổ, bệnh tật, tai ương, hoạn nạn, còn cần ý thức rằng sẽ không thể thoát khỏi hoàn toàn đau khổ, bởi chúng ta vẫn còn sống ở trần gian.

Nhưng nhờ sự khôn ngoan của Thần Khí, chúng ta hiểu biết thời gian là hữu hạn. Cuộc sống ở đời này là phù du.

Nếu biết sinh lại trong Thần Khí, chúng ta sẽ biết dùng thời gian hữu hạn để chiếm được vĩnh cửu và dùng cuộc sống phù du để đạt tới sự sống đời đời.

 Như câm điếc là một bệnh tật rất khổ tâm, thiệt thòi, dù nó không làm xác thịt con người đau đớn, nhưng bởi lưỡi và tai như hai cơ quan truyền thông của con người, mà lại bị câm, điếc thì như bị mất hay bị giảm hai phương tiện cần thiết ấy. Cho nên nỗi khổ tâm, đau đớn về tinh thần của bệnh nhân còn lên tới cao điểm, bởi họ không hiểu được ai và cũng chẳng ai hiểu được họ, họ bị tách rời khỏi những người thân và cả thế giới chung quanh.

 Nhiều người tưởng thời nay ít người bị câm điếc, mà chỉ có nhiều người bị nghễng ngãng, “nặng tai”. Nhưng theo dõi tin tức trên truyền hình thì lại thấy ở Mỹ hình như có nhiều người điếc, bởi những sinh hoạt quan trọng nào cũng có thông dịch viên cho người điếc. Lại cũng có nhiều dụng cụ cho người nghễnh ngãng để giúp họ có thể nghe rõ hơn, tuy nhiên không biết đã có thiết bị nào hỗ trợ cho người câm chưa nhỉ? Nếu chưa thì đáng buồn, bởi nghe và nói là hai khả năng rất quan trọng của con người. Vì:

-    Không nghe được hay nghe không rõ thì không hiểu đúng ý người nói, sẽ có nhiều tai hại khi không nghe đúng. Đôi khi còn trở thành trò cười cho người khác. Nên họ thường ngại tiếp xúc, rút lui vào sự im lặng, cô đơn.

-    Không nói được thì làm sao giao tiếp? Làm sao diễn tả cho người khác hiểu được mình? Và người câm cũng thường rút lui khỏi đám đông, tránh rắc rối, chọc quê, tủi nhục.

Trớ trêu thay, hai bệnh này lại thường đi đôi với nhau! Nên không biết bao nhiêu tai hại đáng tiếc xẩy ra cho người bệnh?

Dân Do Thái hiểu rõ như vậy, nên khi thấy Đức Giesu đến biển hồ Galile, tức miền dân ngoại, thì người ta đem ngay đến cho Ngài một người vừa điếc, vừa ngọng để xin Ngài chữa lành.

Đây là thời kỳ Đức Giesu thực hiện chủ trương lớn của Ngài, là phổ biến Tin Mừng sang đất ngoại bang. Tại đây, Ngài đã đối xử đẹp với họ bằng một phép lạ chữa lành cho người câm điếc và như thông báo, Ngài sẽ mở ra một thời kỳ tái tạo mới cho con người.

Phép lạ thật nhiều ý nghĩa thực tế, cao qúi:

1.   " Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông":

-    Thái độ đó chứng tỏ Đức Giesu quan tâm đến bệnh nhân cách dịu dàng, tế nhị, kín đáo.

-    Rõ ràng Ngài xem bệnh nhân như một cá nhân có nhu cầu đặc biệt cần giúp đỡ.

-    Cùng biểu lộ sự nhạy cảm và lòng xót thương thật sự của Ngài với bệnh nhân.

-    Ngài biết người câm điếc này đang gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống; vì mất khả năng giao tiếp, nên anh ta luôn ngượng nghịu, bối rối, lúng túng trước mọi người. Thật khổ tâm khi không thể diễn tả được tâm lòng mình và cũng không thể nghe được người khác nói về nhiều điều.

-    Sau khi kéo bệnh nhân ra khỏi đám đông, Đức Giesu"đặt ngón tay vào lỗ tai anh, nhỏ nước miếng và bôi vào lưỡi anh. Rồi Ngài ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói:"Ep pha tha", nghĩa là hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng."

-    Phép lạ đã thu hút đám đông, đánh động lương tri dân chúng. Khiến họ vui mừng phấn khởi tôn vinh Ngài. Nhưng cũng như mọi lần, Đức Giesu không cho họ loan truyền phép lạ Ngài vừa làm.

-    Dù Chúa có cản người lành bệnh đừng phổ biến, nhưng anh và mọi người cũng đã ra đi rao truyền sự kiện vừa xảy ra. Bởi người bệnh nào khi được chữa lành thường cũng quảng bá sự lạ mà mình được phúc nhận. Anh này nghe được mọi sự. Anh cũng sẽ, sẻ san với mọi người, phúc lành anh nhận lãnh.

-  Cả chúng ta nữa, khi phấn kích về Tin Mừng của Chúa; phấn kích về kinh nghiệm sống có thị kiến, chúng ta cũng cần làm một việc như anh ấy đã làm.

-   Sau này từ “Ep pha tha” còn là tiếng nói được phụng vụ dùng lại trong phép Bí Tích Rửa Tội, biểu tượng của sự Chúa chữa lành miệng lưỡi và lỗ tai cho con người.

-     Qua việc chữa lành người câm điếc trên, Đức Giêsu đã hoàn tất hai dấu chỉ mà tiên tri Isaia đã nói để giúp dân chúng nhận ra Đấng Mêsia:"Kẻ điếc sẽ được nghe, ai không nói được sẽ mừng rỡ reo lên"… Vậy, một trong những mục đích của việc chữa lành ngày hôm nay là xác nhận rõ hơn Đức Giêsu chính là Đấng phải đến.

-    Tuy nhiên, việc chữa lành ngườì câm điếc kia còn tỏ lộ một điều ẩn kín nào đó nơi bản thân Đức Giêsu. Nó cho ta thấy Đức Giêsu là một mẫu người giàu lòng thương xót thât sự. Điều này đặc biệt biểu lộ qua cung cách Ngài tách biệt anh chàng câm điếc ra khỏi đám đông. Ngài rất nhạy cảm đối với tình cảnh đáng thương của anh.

-    Bài Tin Mừng còn mặc khải cho chúng ta phương pháp giải quyết các vấn nạn mà nhiều người trong chúng ta đang gặp phải ngày hôm nay. Đó là không còn cầu nguyện được nữa, không còn thưa chuyện với Chúa, lắng nghe lời Ngài nói trong tâm hồn được nữa. Về mặt thiêng liêng quả thực nhiều người đang bị câm điếc.

-    Cuối cùng, việc Đức Giêsu chữa lành cho người câm điếc đã tạo nên nguồn hy vọng cho chúng ta là những người đang sống ở thời đại ngày nay với rất nhiều loại câm điếc.

2.    Câm điếc tinh thần, thiêng liêng:

-    Nhiều người nghĩ, ai cũng đều nghe và biết về 7 phép bí tích, 10 giới lệnh của Chúa, 6 điều Hội thánh răn dạy, 7 mối tội đầu một khi học lớp giáo lý. Cho nên, họ thường nghĩ: chẳng có gì để học thêm và cả sau đó nữa.    

-    Tuy nhiên nếu nghĩ như trên thì họ chưa nhận ra được những gì cần nghĩ. Và dường như họ đang điếc. Bởi có điếc, họ mới không nói được hoặc không có gì để nói, không có gì để sẻ san.

-  Trong khi đó, có nhiều người lại biết nghe. Và nghe rất giỏi nên hiểu biết rõ ý nghĩa con người của Đức Giêsu và Tin Mừng Ngài trong hoàn cảnh đổi thay cuộc đời mình.

-  Ở đây, có những người nghe thì tốt, nhưng nói không nhiều. Và, sẻ san cho người khác cũng chẳng bao nhiêu. Quả thật là điều trái nghịch: chúng ta nghe Lời Chúa nhiều, nhưng lại nói ít và san sẻ thì càng ít.    

-   Còn một vấn nạn nữa; thái độ của chúng ta đối với giàu sang, khó nghèo có khác biệt, không? Ai là người chúng ta thật sự coi như giàu sang, đang giàu nổi? Chúng ta đeo đuổi loại giàu sang phú quý nào? Có thật sự chúng ta chẳng kỳ thị tí nào, trong các địa hạt như: giới tính, sắc tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giai cấp, nghề nghiệp…?

-    Cũng không ai muốn mình bị câm điếc về mặt thể lý, nhưng về mặt tinh thần, thiêng liêng, thì trong thực tế gần như ai cũng mắc phải không nhiều thì ít, thậm chí có người còn thích mắc bệnh này với nhiều lý do riêng tư, như để tránh xa mọi người, mọi việc…

-   Cũng không phải vì chúng ta bị câm điếc về thể lý, mà vì chúng ta được Chúa ban cho hai khả năng qúi báu này, nhưng đôi khi không biết xử dụng đúng chức năng và với hai ơn trọng ấy.

-   Nên chúng ta bị coi là câm diếc khi không muốn nói điều hay lẽ phải; đánh mất khả năng hay cố tình không lắng nghe người khác, hoặc khi nghe người khác nói nhưng lại hiểu theo ý mình, gỉa điếc làm lơ vì không muốn nghe hoặc lắng nghe mà không nhận thức đúng sai, hay dở.

-   Chúng ta không biết mở tai đón nhận Lời Chúa và những chân lý đem lại sức mạnh tinh thần, tâm linh, tình cảm...

-    Không biết mở miệng nói những điều tốt lành, điều đáng nói, hoặc ngượng nghịu, ngại ngùng khi phải nói lời phê phán, xây dựng, mang lại yêu thương, bình an, hòa thuận.

-   Không biết hay không muốn tôn vinh ca ngợi Thiên Chúa và không truyền đạt lời tuyên xưng đức tin cho người khác.

-   Bị câm điếc tâm linh, thiêng liêng thì chỉ có Chúa biết, cả đương sự đôi khi cũng không biết. Đó là thiếu bác ái tình thương, thiếu đức tin, thiếu Lời Chúa, thiếu thăng tiến.

-   Nên việc Đức Giesu chữa lành cho người câm điếc hôm nay không chỉ có ý nghĩa với bệnh nhân đó, mà còn có ý nghĩa thật lớn lao, rộng khắp đối với mọi người.

-    Sự kiện Đức Giesu đã mở tai, lưỡi cho người câm diếc cũng cho thấy rằng Ngài có thể ban sự hiểu biết cần thiết để chúng ta sống và loan truyền đức tin.

-    Để khỏi bị câm điếc, chúng ta hãy biết lắng nghe, và chia sẻ.

-   Phải phá bỏ bức tường câm điếc đã làm chúng ta thiếu trách nhiệm, thiếu can đảm, lỗi công bằng bác ái, dẫn đến sự xa cách Chúa và xa tránh anh em, không hiểu nhau, không cảm thông thương mến nhau, đôi khi còn tai hại nhiều hơn nữa.

-   Cũng đúng như người đời thường hay đổ thừa: “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo.”

-   Sự thật cái lưỡi chỉ có thể gây nên chuyện nếu được hỗ trợ của những cái tai nghe bậy bạ, cái đầu không biết phân biệt tốt xấu, thật gỉa, cái lòng chỉ muốn vừa ý.

-   Vậy không chỉ người nói quan trọng, mà người nghe cũng quan trọng không kém, vì cũng phải suy nghĩ và quyết định, chọn lựa đúng đắn. Nhiều khi những điều được nghe còn làm chúng ta đau đầu, bối rối, khó phân biệt trái phải, bởi nó qúa phức tạp và khôn khéo ngọt ngào.

-   Vì thế không chỉ nghe bằng lỗ tai, không nên cái gì cũng nghe, mà phải lắng nghe với cả bộ óc và con tim, chọn lựa thông tin bổ ích, lành mạnh, thẳng thắn gạt bỏ sai trái.

-   Chúng ta hãy biết can đảm, khiêm tốn, lắng nghe Lời Chúa, nói về Chúa, về sự thật, về bất công, về bất hạnh, về mọi điều tốt đẹp của vũ trụ và con người.

-   Ngược lại, đôi khi sự câm điếc không hẳn là lúc nào cũng xấu, như Đức Giesu đã câm điếc trước quan Philato, im lặng trước người phụ nữ ngoại tình.

-   Đây cũng lại là một điêu rất khó, chỉ có Chúa mới biết khi nào sự câm điếc là cần thiết. Vậy hãy cầu xin Ngài soi sáng hướng dẫn để chúng ta biết khi nào cần câm điếc nữa.

-  Vấn đề Tin Mừng đề cập, Lời Chúa được ban bố là để nghe và san sẻ, hầu thực hiện trong cuộc sống. Nghe đây, có nghĩa là lắng tai và thông đạt. Là, triển khai thông điệp thành của riêng cho mỗi người. Rồi thực hiện trong cuộc sống bằng hành động.     

 3. Công cuộc sáng tạo mới:

 -   Khi chữa bệnh câm điếc này, Đức Giesu đặt ngón tay vào lỗ tai, và bôi nước miếng vào lưỡi bệnh nhân.

-   Rồi Ngài ngước mắt lên trời như cầu xin Thiên Chúa để chứng tỏ cho mọi người biết chỉ có Thiên Chúa mới giúp được nhân loại, và Ngài phán một tiếng, tức thì bệnh nhân được chữa lành cả cảm và điếc.

-   Sau khi phép lạ hoàn thành, dân chúng hết sức kinh ngạc và nói:"Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả."

-   Đấy là câu kết luận chẳng khác gì câu kết luận của Thiên Chúa sau khi hoàn thành công cuộc sáng tạo trời đất của Ngài lúc ban đầu, khi mọi sự đã hoàn tất, Ngài hài lòng với tất cả những gì đã dựng nên vì thấy chúng đều tốt đẹp.

-   Khi Đức Giesu đến, đem theo sự chữa lành cho thân xác và sự cứu rỗi cho linh hồn con người, đó chính là sự bắt đầu công cuộc sáng tạo lại con người một lần nữa.

-   Bởi sự tạo thành từ thời nguyên thủy ấy, mọi sự đều tốt lành ấy đã do tội lỗi của con người phá hư, làm cho xấu đi tất cả.

-   Đức Giesu đem trở lại cho thế gian vẻ đẹp mà Thiên Chúa đã ban cho từ ban đầu: kẻ mù được thấy, kẻ câm được nói, kẻ điếc được nghe, kẻ chết sống lại, kẻ bệnh tật được chữa lành…

-   Hãy luôn cầu xin Chúa ban Thần khí để chúng ta được sự khôn ngoan của Thần Khí, biết được những thực tại thuộc Thần Khí và để được sinh lại trong Thần Khí.

 Lạy Chúa, chúng con cầu xin Ngài hãy mở tai, mở miệng lưỡi linh hồn, tinh thần và thể xác chúng con, để chúng con biết lắng nghe, đón nhận Lời Ngài, lời Giáo Hội. Đồng thời củng biết lắng nghe, đón nhận người khác trong sự quảng đại, hy sinh, chia sẻ và bình đẳng với nhau.

Ngài cũng đã đổi mới toàn vẹn con người chúng con, thì xin làm cho chúng con nghe được và xin làm cho chúng con nói được những gì phục vụ Chúa và thương yêu anh em. Xin giữ gìn chúng con được tốt đẹp mãi mãi trong công cuộc tái tạo mới này của Ngài. Vì Đức Giesu Kito Chúa chúng con. Amen.

Than men,

duyenky

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét