Thứ Năm, 11 tháng 11, 2021

9 mẹo giúp con nghe lời

 Thứ hai, 27/9/2021, VnExpress.net

9  mẹo  giúp  con  nghe  lời

Muốn con nghe lời, trước hết cha mẹ phải học cách lắng nghe, tôn trọng cảm xúc của trẻ.

Để con chú ý đến bạn.

Những đứa trẻ bị cuốn theo một trò chơi hoặc một cuộc chiến đôi khi không nhận ra người lớn đang giúp chúng giải quyết. Chúng có thể la hét hoặc không để ý lời cha mẹ.

Để con tập trung vào những điều bạn nói, hãy ngồi xổm hoặc cúi xuống ngang mặt con, đặt tay nhẹ nhàng lên vai trẻ. Sự gần gũi đó giúp bạn tăng cơ hội được lắng nghe.

Thì thầm với con

Đôi khi la hét mang lại kết quả nhanh, nhưng khi đã quá quen với tiếng la hét, trẻ sẽ chai lì. Vì vậy, thay vì lớn tiếng, hãy thì thầm với con.

Theo bản năng, chúng ta sẽ cảm thấy những lời thì thầm thường quan trọng. Với trẻ nhỏ, tiếng thì thầm có tác dụng xoa dịu, giảm bớt sự lo lắng của trẻ.

Hãy để trẻ chủ động

Hãy sử dụng câu "khi nào con ... thì con sẽ được..." để trẻ thấy con được quyết định khi nào một kết quả tích cực xảy đến. Cha mẹ cũng có thể nói câu điều kiện này trong một số tình huống để kích hoạt phản hồi mong muốn. Ví dụ: Khi buổi biểu diễn kết thúc thì con phải đi tắm. Khi ăn ngũ cốc xong, thì con cần đánh răng.

Lượng thông tin vừa đủ.

Một nghiên cứu về dung lượng trí nhớ đăng trên Thư viện y khoa Mỹ, năm 2010, cho hay, bộ não trẻ dưới 7 tuổi có thể lưu trữ không quá 1-2 phần thông tin, trẻ lớn hơn và người lớn lưu trữ tối đa 3-5 phần.

Vì vậy, cố gắng thu hút sự chú ý của con bằng một loạt thông tin là vô nghĩa. Tốt nhất, bạn nên chọn lọc những điều quan trọng, thể hiện nó trong 1-2 cụm từ ngắn.

Đừng cằn nhằn.

Nếu con phớt lờ, có lẽ bạn đã thường xuyên lớn tiếng hoặc hay cằn nhằn. Đừng làm điều đó vì nó khiến trẻ thấy mình kém cỏi, bị cha mẹ thao túng nên muốn tạo khoảng cách...

Thay vì bực bội khi con cả trăm lần không dọn đĩa sau ăn, hãy khen ngợi trẻ vì một việc làm đúng. Nếu bạn đòi hỏi con điều gì, hãy hướng dẫn chúng và cảnh báo hậu quả.

Giải thích hành vi của con.

Phải cho trẻ hiểu hành động của con ảnh hưởng đến mọi người, động vật xung quanh thế nào.

Đừng reo rắc cảm giác tội lỗi cho con, chỉ cần nói nó khiến ai đó đau buồn và phẫn uất. Cách làm này giúp trẻ biết đồng cảm với người khác hơn.

Học cách lắng nghe.

Hãy lắng nghe con nói thay vì vừa nghe vừa xem phim hay nhắn tin. Điều này giúp trẻ tin tưởng cha mẹ và thấy được thấu hiểu. Nhờ vậy, chúng học được cách lắng nghe bạn hơn.

Dù phát hiện con làm điều gì đó không nên làm, hãy để trẻ được giải thích. Cố gắng lắng nghe để biết cảm giác, điều gì thúc đẩy con hành động như vậy. Chỉ khi đã thấu hiểu, bạn mới cho con lời khuyên đúng.

Để trẻ tự suy nghĩ

Thay vì lặp lại các quy tắc an toàn với con cả nghìn lần như thể chúng không nghe, hãy để trẻ tự suy nghĩ. Hỏi con một câu về những gì nên làm trong một tình huống nhất định hoặc cách trẻ nhìn nhận một vấn đề.

Cách làm này giúp trẻ ghi nhớ quy tắc tốt hơn và bạn cũng không bị biến thành con vẹt, suốt ngày phải nhắc nhở con.

Yêu con theo cách của chúng

Nhiều cha mẹ la mắng con vì ngoáy mũi hoặc nổi cơn thịnh nộ với trẻ ở nơi công cộng. Có thể, họ đang gặp vấn đề với chính mình, chứ không phải với con. Những cha mẹ đó thấy xấu hổ khi nghĩ người xung quanh đánh giá họ nuôi dạy con không tốt.

Để học cách chấp nhận con, trước hết, cha mẹ cần chấp nhận chính mình. Dù con chưa hoàn hảo, bạn không nên nghĩ chúng sẽ không thể thành người tử tế. Hãy yêu tất cả những gì không hoàn hảo ở trẻ. Con chỉ lắng nghe nếu cảm nhận sự ủng hộ của cha mẹ.

Nhật Minh (Theo Brightside)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét